Phòng PCCC & CHCN Công an tỉnh Ninh Thuận:

Lặng thầm những chiến công của người lính cứu hỏa

Chủ Nhật, 05/10/2014, 09:49
Khẩn trương triển khai lực lượng, nhanh chóng xuất phát, dũng cảm đương đầu với hiểm nguy để cứu người, tài sản của người dân mỗi khi có cháy nổ xảy ra là tất cả những tố chất luôn thường trực với cán bộ chiến sĩ PCCC và CHCN Công an tỉnh Ninh Thuận trong suốt thời gian qua.

Đến Phòng Cảnh sát PCCC&CHCN vào một ngày cuối tháng 9, ngoài trời nắng như đổ lửa, chúng tôi bắt gặp hình ảnh những người lính cứu hỏa ướt đẫm mồ hôi, đang chuẩn bị phương tiện, dụng cụ để tổ chức buổi diễn tập kỹ thuật PCCC&CHCN cho Công ty may Tiến Thuận. Với đặc thù là công ty chuyên sản xuất hàng may mặc, nhiên liệu là các chất dễ cháy. Bởi vậy, hàng năm ban lãnh đạo Công ty may Tiến Thuận đều tổ chức tập huấn kỹ thuật phòng, chống cháy nổ nhằm trang bị kiến thức cơ bản về công tác PCCC&CHCN cho đội ngũ PCCC tại cơ sở và cán bộ, công nhân viên công ty.  

Tình huống giả định được đặt ra là do sự cố kỹ thuật dẫn đến chập điện và phát hỏa, ngọn lửa lan nhanh sang khu vực nhà xưởng. Trong khi chờ lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp đến, lực lượng chữa cháy tại chỗ đã nhanh chóng sơ tán công nhân, tài sản và sử dụng bình bọt khí C02 để hạn chế ngọn lửa cháy lan. Nhận được thông tin vụ cháy, Phòng Cảnh sát PCCC&CHCN khẩn trương điều động 3 xe chữa cháy với hơn 20 CBCS, nhanh chóng có mặt tại hiện trường phối hợp với lực lượng chữa cháy tại chỗ triển khai phương án chữa cháy tích cực dập lửa, không để đám cháy lan sang những khu vực khác.

Được tận mắt chứng kiến các anh thực hiện nhiệm vụ, dù chỉ là tình huống diễn tập, nhưng chúng tôi phần nào đã cảm nhận được sự vất vả và có phần khắc nghiệt về công việc của người lính cứu hỏa. Giữa thời tiết nắng nóng, đồng chí chỉ huy liên tục đưa ra mệnh lệnh, phương án chữa cháy, cứu người và tài sản. Chưa kể những thời điểm gió ngược, các anh phải vất vả điều khiển vòi phun để khống chế ngọn lửa. Khi nhiệm vụ hoàn thành, nhìn các anh người ướt sũng, mặt lấm lem khói bụi nhưng vẫn tươi cười. Triển khai là thế, thu dọn lại vất vả hơn, nhìn các phương tiện ngổn ngang, chúng tôi rất ái ngại nhưng đối với các anh chỉ thoắt cái là xong. Tất cả đều rất gọn gàng, ngăn nắp, đúng kỹ thuật, trình tự sẵn sàng cho nhiệm vụ mới.

Chiến sĩ PCCC & CHCN tổ chức diễn tập tập huấn Công ty may Tiến Thuận.

Theo thống kê sơ bộ, từ đầu năm 2014 đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh xảy ra 23 vụ cháy, trong đó có 10 vụ cháy rừng, 8 vụ cháy nhà dân và 5 vụ cháy cơ quan, doanh nghiệp. Trước nguy cơ cháy nổ luôn tiềm ẩn, Phòng Cảnh sát PCCC&CHCN Công an tỉnh đã phối hợp cùng các cơ quan, đơn vị địa phương mở 17 lớp tuyên truyền pháp luật PCCC cho trên 620 cán bộ, công nhân viên trong cơ quan, doanh nghiệp. Tổ chức huấn luyện nghiệp vụ chữa cháy cho 22 đội PCCC cơ sở, với trên 560 đội viên tham gia, đồng thời tổ chức kiểm tra công tác PCCC 378 lượt tại các hộ kinh doanh, cơ sở sản xuất gia công chế biến gỗ, nhà máy điện và trạm biến áp. Bên cạnh đó, đơn vị đã phối hợp với các cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tổ chức thực tập phương án chữa cháy với các tình huống giả định phù hợp với đặc điểm của từng cơ quan, doanh nghiệp.

Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Trần Văn Thành - Trưởng phòng Cảnh sát PCCC & CHCN, cho biết: “Thực tế có đến 70% vụ cháy do lực lượng chữa cháy tại chỗ và người dân thực hiện công tác PCCC ngay từ lúc ban đầu. Thế nên, việc tổ chức tập huấn nghiệp vụ PCCC cho lực lượng cơ sở là rất quan trọng. Bởi, khi nhận được thông tin vụ cháy thì lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp phải mất một khoảng thời gian nhất định để tiếp cận đám cháy nên lực lượng chữa cháy tại chỗ có nghiệp vụ về PCCC thì sẽ dập tắt hoặc ngăn ngừa đám cháy lan rộng trong lúc chờ lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp đến ứng cứu”.

Để góp phần giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do cháy nổ gây ra, lực lượng PCCC khẩn trương tranh thủ từng phút để đến hiện trường vụ cháy. Vì hơn ai hết các anh hiểu rõ chỉ cần chậm một giây thì “giặc lửa” lại “cướp” đi một phần tài sản thậm chí là tính mạng của người dân. Điển hình, vụ hỏa hoạn xảy ra vào 8h40 ngày 23/6, tại nhà ông Nguyễn Văn Tân ở phường Mỹ Hương. 3 xe chữa cháy và hơn 20 cán bộ, chiến sĩ nhanh chóng có mặt tại hiện trường tích cực chữa cháy. Sau 30 phút tích cực chữa cháy ngọn lửa mới được dập tắt, dù căn nhà ông Tân bị thiêu rụi nhưng đã kịp thời cứu chữa bảo vệ an toàn 4 căn nhà bên cạnh với số tài sản bên trong có tổng giá trị hàng tỉ đồng. Hay như vụ hỏa hoạn xảy ra tại nhà ông Lê Minh Hoàng thuộc thôn Long Bình 2, xã An Hải, huyện Ninh Phước, Phòng Cảnh sát PCCC&CHCN nhanh chóng điều động 2 xe chữa cháy cùng 15 cán bộ chiến sĩ đến hiện trường tổ chức chữa cháy. Sau 50 phút đối đầu với “giặc lửa”, đám cháy đã được dập tắt, cứu giúp được số tài sản hơn 200 triệu đồng.

 “Tính từ đầu năm 2014 đến nay, tình hình cháy nhà dân trên địa bàn toàn tỉnh tăng về số vụ cũng như mức độ thiệt hại. Nguyên nhân chính dẫn đến cháy nhà dân chủ yếu do thiếu ý thức về công tác PCCC của hộ gia đình và từng người dân chưa cao, do chủ quan trong việc sử dụng thiết bị điện, nguồn lửa trong sinh hoạt dẫn đến cháy nổ”, Đại tá Trần Văn Thành cho biết thêm. 

Để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình, góp phần bảo vệ cuộc sống yên bình cho người dân, chúng tôi hy vọng rằng các anh không ngừng rèn luyện bản lĩnh ý chí của người lính cứu hỏa trên mặt trận đấu tranh với giặc lửa. Chiều muộn, chia tay các anh, chúng tôi hòa vào dòng người hối hả ngược xuôi, các chiến sĩ Cảnh sát PCCC&CHCN tiếp tục ca trực, chuẩn bị tư thế, sẵn sàng nhận lệnh, khẩn trương triển khai và nhanh chóng xuất phát…

Lê Tuấn
.
.