Lặng thầm hy sinh giữa thời bình
Phía sau trận đánh nơi “cửa tử”
Cơn gió Lào nơi “lòng chảo” - thành phố Điện Biên Phủ (Điện Biên) những ngày đầu tháng 7 như hầm hập hơn khi trong phòng làm việc của Thiếu tá Trần Trung Kiên, Phó trưởng Phòng CSĐT tội phạm về ma túy (Công an tỉnh Điện Biên, gương mặt thanh niên Công an tiêu biểu năm 2012) ngồn ngộn hồ sơ liên quan đến các vụ án mua bán, vận chuyển ma túy mà anh cùng đồng đội đang tiến hành điều tra, xác minh. Đôi mắt nghiêm nghị, giọng nói đanh gọn… của anh đã 2 lần phải uống thuốc chống phơi nhiễm HIV do đối tượng ma túy bị nhiễm HIV chống trả khiến chúng tôi thêm thấy được đặc thù công việc của các anh.
Anh kể lại với chúng tôi về những trận đánh “nơi cửa tử”, những lần giáp mặt với trùm ma túy cộm cán. Những ngày cuối tháng 4/2007, Phòng CSĐT tội phạm về ma túy (Công an tỉnh Điện Biên) nhận được tin báo của người dân huyện Điện Biên về việc trên địa bàn xã Núa Ngam và nhiều xã lân cận gần đây xuất hiện một “boong ke” chuyên cung cấp ma túy trên địa bàn khiến tình hình an ninh trật tự diễn biến phức tạp.
Trước nguồn tin trên, lãnh đạo Phòng CSĐT tội phạm về ma túy nhanh chóng xác lập kế hoạch đấu tranh, giao nhiệm vụ cho trinh sát trẻ Trần Trung Kiên tiến hành xác minh. Xác định rõ tính chất của vụ án, anh đã xuống địa bàn “nằm vùng” gần một tháng để xác minh, thu thập tài liệu chứng cứ liên quan đến các đối tượng, trong đó có đối tượng cầm đầu là Quàng Văn Biêng ở xã Núa Ngam.
Đây là đối tượng nguy hiểm từng có 2 tiền án, bị nhiễm HIV. Tối hôm đó, anh cùng đồng nghiệp bất ngờ ập vào phòng ngủ của Biêng. Vốn là kẻ liều lĩnh, lì lợm, nên vừa thấy các anh, Biêng đã dùng dao chém xối xả vào các thành viên trong Tổ công tác. Thiếu tá Kiên dũng cảm lao vào quật ngã, tước hung khí trên tay đối tượng. Khi tra tay vào còng cùng số lượng lớn ma túy, đối tượng đã cười sặc sụa: “Dao của tao có dính máu HIV rồi…”.
Ngay sau đó, anh đã được đồng đội đưa đi cơ sở y tế để uống thuốc chống phơi nhiễm HIV… Sau khi điều trị chống phơi nhiễm HIV xong, một thời gian sau, vào năm 2011 cũng sau lần bắt đối tượng mua bán ma túy Sùng A Tùng trên địa bàn huyện Điện Biên, một lần nữa, anh phải tới Trung tâm Phòng chống HIV để điều trị…
Vẫn biết, trên trận tuyến phòng chống ma túy, để có được những chiến công, khó tránh khỏi những hiểm nguy, sự mất mát. Song với những hy sinh giữa thời bình thì thật chua xót. Cách đây không lâu, Thiếu tá Trần Trung Kiên cùng đơn vị đã phải tiễn biệt đồng đội về với đất mẹ.
Thượng tá Phan Văn Phong, nguyên Đội trưởng, Phòng CSĐT tội phạm về ma túy sau những trận đánh “nơi cửa tử”, do cái chất lính chiến “ma túy”, quên không để ý tới những vết trầy xước, uống thuốc điều trị, nên anh đã vô tình bị nhiễm căn bệnh thế kỷ HIV. Anh ra đi để lại niềm tiếc thương vô hạn cho gia đình, người thân, đồng đội.
Nằm lại với núi rừng Tây Bắc
Na Ư - chiều biên cương nhìn từ đỉnh đèo Sam Mứn (huyện Điện Biên) tựa bức tranh thủy mặc. Bên bia mộ tưởng niệm nằm nép mình trên tuyến quốc lộ 279, km 17 - đường lên cửa khẩu Tây Trang (Điện Biên), đồng đội nghẹn ngào cắm bó nhang thơm lên ngôi mộ Anh hùng, liệt sĩ Trung úy Phạm Văn Cường. Cách đây hơn 10 năm, nơi đây chính là địa điểm mà đồng chí Cường đã anh dũng hy sinh trong lúc “giáp mặt” đấu tranh với các đối tượng mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy.
Đồng đội viếng bia mộ Anh hùng, liệt sĩ Phạm Văn Cường trên tuyến QL279 (Điện Biên - Tây Trang). |
Đại tá Phạm Duy Cảnh, Trưởng phòng CSĐT tội phạm về ma túy (Công an tỉnh Điện Biên) nhớ lại, năm ấy, Trung úy Phạm Văn Cường được giao nhiệm vụ xâm nhập, điều tra đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy với số lượng lớn từ khu vực vùng biên giới vào sâu trong nội địa Điện Biên, Lai Châu. Sau nhiều tháng lặn lội nơi rừng sâu, Trung úy Cường đã nắm được thông tin về đường dây ma túy này.
Khoảng 19h30 ngày 6/10/2001, giờ “đánh án” đã điểm. Một cuộc đọ súng không cân sức đã diễn ra tại khu vực đỉnh đèo Sam Mứn và rồi Trung úy Cường đã hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ. Anh ngã xuống đã trở thành khúc tráng ca anh dũng, kiên cường, vì sự bình yên cuộc sống người dân nơi biên ải Tây Bắc. Trước tấm gương anh dũng hy sinh của Trung úy Phạm Văn Cường, Đảng, Nhà nước ta đã phong tặng anh danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Trên “tuyến lửa” ma túy Tây Bắc đầy khốc liệt và gian nguy trong 10 năm qua đã có hàng trăm cán bộ chiến sĩ bị thương, hy sinh khi làm nhiệm vụ. Trong cuộc chiến ấy đã có không ít chiến sĩ ra đi, để lại những hoài bão, ước vọng dở dang của mình. Đến giờ người dân huyện Thuận Châu cũng như đồng đội của anh - Đại úy Lường Phát Chiêm, cán bộ Phòng Cảnh sát bảo vệ và cơ động (Công an tỉnh Sơn La) vẫn chưa quên được giây phút đưa anh về với đất mẹ, tạc danh nơi núi rừng Tây Bắc. Anh ra đi đúng vào thời điểm trước dịp kỷ niệm Ngày truyền thống lực lượng Cảnh sát nhân dân 20-7.
Một số cán bộ, chiến sĩ Công an hy sinh trên “tuyến lửa” ma túy Tây Bắc 1- Ngày 28/1/2015, Tổ công tác Công an huyện Mộc Châu, Sơn La trong đó có Trung úy Bùi Công Nguyên trong quá trình kiểm tra, vây bắt đối tượng Tráng A Trá trên QL43 có biểu hiện vận chuyển trái phép chất ma túy đã bị đối tượng này hung hãn, rút ra khẩu súng ngắn bắn trúng người. Dù bị thương nặng ở ngực song Trung úy Nguyên vẫn lao theo, bắt giữ đối tượng. Sau đó, do vết thương quá nặng anh đã không qua khỏi. 2- Ngày 25/9/2010, khi cùng đồng đội thực hiện nhiệm vụ, tấn công vào ngôi nhà mà nhóm đối tượng buôn bán, vận chuyển trái phép chất ma túy từ tỉnh Bắc Ninh lên Lạng Sơn tiêu thụ, Thượng tá Hứa Văn Tấn, cán bộ Đội CSĐT tội phạm về TTXH (CATP Lạng Sơn) đã bị các đối tượng liều lĩnh, dùng súng ngắn điên cuồng chống trả khiến đồng chí hy sinh. 3- Ngày 5/2/2010, trong khi truy bắt đối tượng có lệnh truy nã đặc biệt về hành vi mua bán trái phép chất ma túy Vàng A Khua ở bản Hang Kia 1, xã Hang Kia, huyện Mai Châu (Hòa Bình), Đại tá Hà Thái Yềm - Phó trưởng Công an huyện Mai Châu, Thượng úy Bùi Quốc Đại và Trung úy Sùng A Trư - cán bộ Công an huyện Mai Châu đã anh dũng hy sinh. |