Dưới những nếp nhà CAND:

Làm trai cho đáng nên trai

Chủ Nhật, 11/07/2010, 15:51
Vào những ngày cuối đời, dù ốm yếu nhưng Đại tá Trần Thiệu vẫn luôn là chỗ dựa cho các con, là người để các con tìm về và xin ý kiến khi đứng trước những bước ngoặt và lựa chọn. Chính bài học quyết liệt, không ngừng tiến lên của cha đã giúp cho PGS-TS Trần Minh Đạo và anh chị em trong gia đình luôn phấn đấu vươn lên...

"Hôm nay là một ngày rất bận, buổi sáng đi họp nghe những nội dung tưởng chừng như vỡ cả đầu. Buổi chiều làm việc ở phòng mà lòng nhớ về cha khôn nguôi - cha đã đem lại cho ta một nhân cách và quan điểm sống: quyết liệt và tiến lên không ngừng…". Đó là những dòng nhật ký online mà PGS-TS, Đại tá Trần Minh Đạo, Giám đốc BV 198 viết về người cha kính yêu của mình, một Đại tá Công an đã có nhiều năm cống hiến trong ngành, người mà theo cách miêu tả của chính những người con: Cha như cái nóc nhà lợp ngói, phủ bóng im mát và che chở cho những thế hệ con cháu trong nhà.

Cố Đại tá Trần Thiệu và con trai - PGS - TS, Thầy thuốc nhân dân, Đại tá Trần Minh Đạo.

Đại tá, Thầy thuốc nhân dân Trần Minh Đạo, Giám đốc Bệnh viện 198 kể: Cha tôi sinh ra tại một miền quê nghèo đất Thanh Chương, Nghệ An vốn giàu truyền thống cách mạng. Ông vừa lọt lòng mẹ đã mồ côi cha, nên mọi người vẫn quen gọi là Côi.

Sau này, khi đi học được thầy giáo đặt tên là Trần Văn Khôi, tên thường gọi là Thiệu, rồi mang tên Trần Tam Thắng khi đi công tác ở Lào, nhưng cái tên Côi vẫn là một nỗi ám ảnh về thân phận mồ côi khi thiếu vắng sự dạy dỗ của người cha. Có lẽ, thấm thía nỗi thiệt thòi này nên sau này dù bận rộn trăm công nghìn việc, cha tôi vẫn cố gắng dồn tất cả tâm lực, tình yêu thương để rèn giũa cho những người con của mình.

Mồ côi, sống ở miền quê nghèo trong thời buổi chiến tranh loạn lạc, nhưng bằng ý chí và nghị lực, người thanh niên Trần Thiệu đã tham gia Việt Minh, làm Công an xã, rồi Đồn trưởng Đồn Công an Thanh Chương, Đội trưởng Đội Điều tra Công an tỉnh, Trưởng Công an huyện Quỳnh Lưu, Trưởng Công an huyện Anh Sơn… Năm 1958, ông trở thành Phó Trưởng Ty Công an Nghệ An khi mới 36 tuổi. Sau đó là các giai đoạn làm Trưởng ty Công an Nghệ Tĩnh, Trưởng đoàn chuyên gia Công an nhân dân Việt Nam tại Lào, Cục trưởng Cục Vật tư - Kỹ thuật - Bộ Công an.

Đại tá Trần Minh Đạo kể tiếp: Trong công việc, cha anh là một người quyết liệt và không ngừng tiến lên, còn trong mối quan hệ với gia đình, con cái, ông là một người nghiêm khắc nhưng rất thương con. Từ nhỏ lớn lên, ông đều triền miên đi công tác, 5 anh chị em chủ yếu sống với mẹ. Trong suốt quãng thời gian đó, ông chưa một lần nghỉ phép. Gia đình có công việc lớn nhỏ gì, ông cũng chỉ tranh thủ tạt qua nhà một lát rồi đi ngay. Ngày bà nội ốm nặng rồi mất, ông cũng vắng mặt vì đang làm nhiệm vụ.

Trong suy nghĩ của anh em tôi, cha thật gần gũi nhưng cũng thật xa xôi, vừa là một tấm gương để noi theo, nhưng những đòi hỏi khắt khe của cha cũng là áp lực trong học tập và công tác. Nhờ đó, giúp chúng tôi trưởng thành và đứng vững được như ngày hôm nay. Nhớ có lần, gửi thư cho cha khi ông đang công tác ở Lào, trong thư tôi có viết: "Con vẫn tâm niệm rằng, bố luôn là ngôi sao sáng dẫn đường cho con đi tới đích, không là nhịp cầu cho con bước tới sự vinh quang". Sau khi đọc, ông lấy bút đỏ gạch đi gạch lại mấy dòng ấy và viết một dòng chữ đậm rồi gạch dưới: "Ngôi sao sáng dẫn đường cho con phải là chủ nghĩa Mác - Lê Nin" và gửi trả lại bức thư ấy cho tôi.

Những năm 70 của thế kỷ trước, khi chiến tranh vừa kết thúc, gia đình Đại tá Trần Thiệu có một cơ hội được đoàn tụ sau bao ngày xa cách. Lúc đó, người con lớn là giáo viên dạy hơn 10 năm ở Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh đã vượt hơn 500km về Vinh, chiến sỹ Trần Minh Đạo cũng từ chiến trường B trở về sau trận sốt rét ác tính. Ty Công an Nghệ An bố trí 1 chuyến xe cho cả gia đình về thăm nhà. Mấy anh em ai cũng hào hứng lên xe để mong sớm được về gặp mẹ vì hôm đó trời mưa, đường trơn, rét mướt. Thế nhưng, đáp lại sự hào hứng của các con, Đại tá Trần Thiệu đã không cho các con lên xe ôtô, bắt phải tự đạp xe về quê cách đó hơn 50km. Ông giải thích với các con: Dân mình vừa thoát ra khỏi chiến tranh, còn nghèo, nhiều gia đình mất cha, mất con, mất chồng… đói rách, trong khi ấy gia đình mình trống giong cờ mở về làng, xe cộ ung dung, các con làm vậy để cho những gia đình khác nghĩ sao đây…

Trong các con, chỉ một mình Minh Đạo được phép đi ôtô vì vừa trải qua một trận sốt rét ác tính ở chiến trường. Lúc đó, cảm nhận được sự nghiêm khắc, nhưng cũng rất mực lo cho con của ông, Minh Đạo đã từ chối không đi ôtô như phân công của cha mà vui vẻ đạp xe vượt bùn lầy cùng anh chị về nhà! 

Lúc nào cũng nghĩ về người khác và khiêm nhường với tâm niệm "sống là cống hiến" là đức tính mà Đại tá Trần Thiệu luôn muốn các con phải học tập, rèn luyện để có được. Năm 1990, Đại tá Trần Thiệu về nghỉ hưu, theo quy định, ông sẽ được phân một căn nhà ở khu Hoàng Cầu hoặc Ngọc Khánh nhưng ông đã từ chối không nhận. Lúc đứng trước cơ hội như thế, trong những người con của ông, cũng có người đề nghị cha cứ nhận, nếu cha không dùng, sau này để lại cho con cái coi như cái lộc công sức cả đời mà ông đóng góp. Thế nhưng, khi nghe đề xuất đó, ông đã gạt phắt đi và còn mắng con: "Căn nhà Nhà nước phân là tiêu chuẩn của cha. Các con muốn có nhà thì phải theo tiêu chuẩn của các con tại nơi các con công tác".

Với tính liêm khiết đó, ông chỉ nhận một căn hộ tập thể lắp ghép chưa đầy ba chục m2 ở khu tập thể Trung Tự và sống ở đó đến cuối đời. Kể cả sau này, Công an tỉnh Nghệ An có nhã ý xây cho ông một căn nhà ở thành phố Vinh để đền đáp công lao mà ông đã một đời cống hiến cho quê hương. Nhưng khi hỏi ý kiến ông, ông đã một mực từ chối: "Nếu mà tôi chưa nhận nhà ở Hà Nội, thì tôi sẽ nhận. Nhưng tôi đã có căn hộ tập thể 28m2 ở đây rồi. Đừng nên tạo tiền lệ cho những người khác. Về hưu, tôi sẽ về quê cha đất tổ ở Thanh Chương ở".

Đại tá Trần Minh Đạo kể: Những ngày về hưu, cha tôi bị tai biến mạch máu não nên sức khoẻ yếu. Lúc đó, tôi mới có cơ hội sống cùng với ông ở khu tập thể Trung Tự. Tính tôi hay nấu ăn và nấu ăn khá ngon nên rất thích nấu các món ăn để ông ngon miệng. Thế nhưng, cha tôi không thích nhìn cảnh tôi chui vào bếp. Ông bảo: "Cha nuôi dạy con là một người đàn ông, cha không muốn con trở thành con gà mái suốt ngày chui vào bếp như thế".

Đại tá Trần Thiệu có ảnh hưởng rõ rệt đến từng bước đi cũng như con đường thành công của PGS-TS Trần Minh Đạo. Học xong lớp 10, chàng trai trẻ Trần Minh Đạo đủ tiêu chuẩn đi học nước ngoài. Vui mừng báo cáo với bố thì bất ngờ Đại tá Trần Thiệu yêu cầu con phải đi bộ đội với lý do là gia đình mình chưa có ai đi bộ đội.

Vào chiến trường, chiến đấu dũng cảm nên năm 18 tuổi, Trần Minh Đạo đã được kết nạp Đảng, được thăng vượt cấp từ Binh nhất lên Trung sỹ, rồi được đơn vị cử đi học tại Học viện Quân y. Tốt nghiệp ra trường, BS Trần Minh Đạo được phân công lên Việt Trì làm việc tại Bệnh viện dã chiến 85 của Cục Quân y. Sau đó, thể theo nguyện vọng của người cha, BS Đạo được chuyển từ quân đội sang Công an rồi về công tác tại BV 198.

Không bằng lòng với những gì mình có, BS trẻ Trần Minh Đạo xin được đi học thêm nghiệp vụ tại BV Hữu nghị Việt Đức. Khi đợt thực tập kết thúc, vị GS đầu ngành ở bệnh viện này đã có nhã  ý nhận BS Đạo ở lại làm việc. Được ở lại làm việc tại một bệnh viện hàng đầu là niềm mơ ước của hầu hết BS, nên BS Đạo không muốn bỏ lỡ cơ hội. Thế nhưng khi hỏi ý kiến cha, BS Đạo bị "chỉnh" một trận rằng chính ngành Công an là cái nôi của mình, ngành đã cho mình đi học thì phải quay về phục vụ trong ngành. Bỏ đi kiểu đó chẳng khác gì phụ bạc.

Sau lần ấy, Đại tá Trần Minh Đạo thấm thía hơn lời dạy của cha về nhân cách người chiến sỹ CAND và ông cũng đã biến nó thành bài học để truyền thụ cho các thế hệ CBCS hiện đang công tác tại BV 198, trước những cám dỗ của kinh tế thị trường.

Vào những ngày cuối đời, dù ốm yếu nhưng Đại tá Trần Thiệu vẫn luôn là chỗ dựa cho các con, là người để các con tìm về và xin ý kiến, xin lời khuyên khi đứng trước những bước ngoặt và lựa chọn. Chính bài học quyết liệt, không ngừng tiến lên của cha đã giúp cho PGS-TS Trần Minh Đạo và anh chị em trong gia đình luôn phấn đấu vươn lên, không được phép dừng lại.

Năm 2004, mặc dù đã ở tuổi ngũ thập tri thiên mệnh, và đã là PGĐ BV 198 nhưng BS Trần Minh Đạo vẫn cắp sách đến giảng đường học văn bằng II, Đại học Ngoại ngữ để có điều kiện đọc, nghiên cứu, hội thảo bổ sung kiến thức nói chung, kiến thức chuyên ngành nói riêng.

Không ngừng vươn lên, không ngừng học hỏi, từ năm 1995 đến nay, Đại tá, PGS-TS Trần Minh Đạo đã hoàn thành 5 đề tài khoa học cấp Bộ, 2 đề tài khoa học cấp cơ sở, hơn 60 công trình nghiên cứu khác, được đăng tải trên các tạp chí khoa học trong nước, viết và xuất bản được 2 quyển sách tài liệu quý "Những bệnh hiếm gặp" xuất bản năm 2002, và cuốn "Ung thư dạ dày - Một cách nhìn tổng thể và một  cách tiếp cận mới" của NXB Y học phát hành năm 2008.

Năm 2009, anh trở thành Giám đốc thứ 4 của BV 198 - Bộ Công an. Tháng 2/2010, Đại tá-PGS-TS Trần Minh Đạo vinh dự được Chủ tịch nước ký quyết định tặng danh hiệu Thầy thuốc nhân dân, phần thưởng cao quý nhất của ngành Y.

Không phải chỉ có BS Đạo, trong gia đình 5 anh chị em, trừ người anh đầu làm nghề dạy học, người em trai út là Trần Đình Đức, sinh năm 1960 cũng đã có trên 30 năm phục vụ trong ngành Công an. Hiện anh đang là Phó trưởng Công an huyện Thanh Chương - Nghệ An.

Cũng như Đại tá Trần Minh Đạo, Thượng tá Trần Đình Đức luôn xem người cha thân yêu của mình là tấm gương sáng để anh học tập và phấn đấu. Ngoài người em trai cũng tiếp nối sự nghiệp của cha, con trai của Đại tá Trần Minh Đạo, hiện đang làm Thạc sỹ về Điện tử tự động hóa tại Cộng hòa Pháp đến cuối năm 2010 này sẽ về Việt Nam cũng đang có ước mơ và nguyện vọng được phục vụ trong ngành Công an.

Một đời cống hiến, sống liêm khiết và không ngừng tiến lên, Đại tá Trần Thiệu đã để lại cho các con gia tài lớn nhất là nhân cách, là tấm lòng son sắt, thủy chung của người chiến sỹ CAND cách mạng và quan niệm sống là cống hiến. Tháng 6/2010, cố Đại tá Trần Thiệu đã vinh dự được Đảng, Nhà nước truy tặng Huân chương Độc lập hạng III đúng vào dịp giỗ thứ 2 của ông.

Cố Đại tá Trần Thiệu và con trai - PGS - TS, Thầy thuốc nhân dân, Đại tá Trần Minh Đạo.

Thượng tá Trần Đình Đức, Phó Trưởng Công an huyện Thanh Chương, Nghệ An: Đến bây giờ, tôi càng thấm thía lời dạy của cha mình

Trong các anh chị em, tôi may mắn được sống với cha nhiều nhất. Năm học lớp 10, từ Thanh Chương tôi được xuống Vinh học và sống cùng cha, được cha dạy từ cách ăn uống, giao tiếp với mọi người trong cơ quan, đơn vị. Hồi đó, do điều kiện kinh tế còn nghèo, chỉ có cha là Trưởng Ty Công an nên được nằm giường, còn các chú cán bộ và tôi phải nằm chõng tre.

Có lần, khi cha đi công tác Hà Nội, chú thư ký của cha đưa tôi xuống kho, dựng cho tôi một chiếc giường để nằm. Khi về, cha bắt tôi quay lại nằm chõng và bảo: các chú là cán bộ còn phải nằm chõng, con chỉ là học sinh, chưa làm được gì mà đòi chỗ nằm tốt là không được.

Cha muốn tôi đi theo nghiệp Công an. Từ ý định đó, sau khi học xong phổ thông, tôi vào Trường Trung cấp Công an ở Sóc Sơn, Hà Nội. Sau 2 năm rèn luyện, ra trường, Ty Công an Nghệ Tĩnh bố trí cho tôi về công tác tại TP Vinh, nhưng cha tôi lúc đó đang làm chuyên gia Bộ Công an tại nước bạn Lào điện về khuyên nên để tôi về huyện làm việc để vận dụng giữa lý luận và thực tiễn. Nghe theo lời cha, tôi về quê công tác, sau đó tiếp tục học cao lên.

Năm 1993, tôi được về Công an tỉnh công tác, nhưng cha một lần nữa lại bảo tôi phải về cơ sở, lăn lộn dưới địa bàn để nâng cao trình độ. Cha tôi bảo: nghề Công an là nghề nghiệp xã hội, nên con càng gần thực tiễn bao nhiêu thì con càng trưởng thành bấy nhiêu. Trong lĩnh vực Công an, tôi coi cha là thần tượng, nên tất cả những chỉ thị của cha tôi đều tuân theo.

Sau này, khi cha nghỉ hưu, tôi hay về quê để nghe cha tâm sự, bàn luận, trao đổi về lĩnh vực nghiệp vụ Công an. Giờ đây, mỗi lần đứng trước di ảnh của cha, tôi đều cảm ơn và thấm thía những lời dạy của ông, và thầm hứa sẽ mãi mãi học theo tấm gương và làm theo lời dạy của cha.

Lệ Thuý - Huyền Thanh
.
.