Ký ức thiêng liêng của những cán bộ Công an chi viện chiến trường miền Nam

Thứ Sáu, 06/11/2020, 06:25
“… Giống như một phong trào thi đua vậy, gần như tất cả đều làm đơn tình nguyện xin vào chi viện chiến trường miền Nam. Có người thậm chí làm đến 2, 3 lá đơn… Ngày đấy chỉ biết đi làm nhiệm vụ là đi chứ cũng chẳng bao giờ nghĩ đến ngày về…”, câu chuyện của Trung tá Tạ Phúc Thành, nguyên Phó Giám thị Trại giam, Công an tỉnh Yên Bái đã dẫn dắt chúng tôi trở về những năm 70, giai đoạn hàng trăm cán bộ chiến sỹ Công an tỉnh Yên Bái tình nguyện chi viện chiến trường miền Nam.


Sau Hiệp định Geneve năm 1954, miền Bắc được giải phóng, đi lên xây dựng CNXH. Ở miền Nam, Mỹ dựng lên một chính quyền tay sai với bộ máy quân sự đồ sộ, mạng lưới tình báo dày đặc; điên cuồng khủng bố, giết hại cán bộ, cơ sở cách mạng, bắt tù đầy hàng triệu người, dìm phong trào cách mạng miền Nam trong biển máu... Sớm nhận định tình hình trên, Đảng ta đã đề ra nhiệm vụ chiến lược, xây dựng CNXH ở miền Bắc và tiến hành cách mạng giải phóng dân tộc ở miền Nam.

Tháng 4-1972, nghe theo tiếng gọi của Đảng, chỉ thị động viên của Bộ Công an, Trung tá Phạm Phúc Thành khi đó 24 tuổi đã cùng hàng trăm cán bộ chiến sỹ Công an tỉnh Hoàng Liên Sơn (nay là Công an tỉnh Yên Bái) viết đơn tình nguyện chi viện chiến trường miền Nam.

Sau khi được tuyển chọn, Trung tá Phạm Phúc Thành cùng 31 đồng chí khác được đưa về Trường An ninh miền Nam ở huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc (nay là Trung tâm huấn luyện Bộ đội biên phòng) để huấn luyện. Ban ngày thì học nghiệp vụ, ban đêm rèn luyện sức khỏe bằng cách đeo balo gạch nặng 30kg hành quân ngoài đồng ruộng.

Cán bộ Công an tỉnh Yên Bái chi viện chiến trường miền Nam thăm Bảo tàng tỉnh.

Sau gần 3 tháng huấn luyện, cả đoàn được đưa đến bờ sông Gianh của tỉnh Quảng Bình để từ đó tìm cách vượt sông, sau đó đi theo đường dây của Quân đội đến Khu VI nhận nhiệm vụ. Để đảm bảo bí mật, mỗi người đều được cấp chứng minh nhân dân giả và không được biết trước về nhiệm vụ phải thực hiện.

Đường đi gặp nhiều khó khăn, gian khổ, chịu nhiều mưa bão, lương thực, thuốc men mang theo dần cạn kiệt, sức khỏe các thành viên trong đoàn cũng ngày càng giảm sút. Sau gần 5 tháng hành quân vào đến Khu VI, một số đồng chí được phân công làm nhiệm vụ trong khu, số còn lại chia về các tỉnh.

Trung tá Phạm Phúc Thành được phân công về nhận nhiệm vụ tại tỉnh Bình Thuận. Từ căn cứ Khu VI đến Bình Thuận lúc đó phải đi bộ mất 2 ngày. Một mình xuống vùng đồng bằng mênh mông sông nước, xung quanh lại toàn là quân địch, các thành viên đội điệp báo mà Trung tá Phạm Phúc Thành được phân công đến nhận nhiệm vụ trước đó cũng đã hy sinh hoặc bị địch bắt chỉ còn lại 2 đồng chí nhưng cũng đã bị mất liên lạc.

Nhiệm vụ xây dựng đặc tình trong lòng địch trở nên vô cùng khó khăn. Tuy nhiên với khả năng nhạy bén, cùng với sự hỗ trợ của đồng đội, chỉ sau một thời gian ngắn, Trung tá Phạm Phúc Thành đã tạo được một số đầu mối liên lạc và bắt đầu móc nối trở lại.

Một trong những chiến công nổi bật của ông cùng đồng đội là đã tác động, móc nối, xây dựng được viên Chủ tịch hội đồng tỉnh khi đó trở thành điệp viên nội tuyến, cung cấp nhiều tài liệu bí mật, có giá trị, góp phần đập tan nhiều âm mưu, kế hoạch của quân địch, bảo vệ an toàn nhiều cơ sở cách mạng.

“Ban ngày chúng tôi ở dưới gầm của bụi tre để tránh bom, đạn pháo, tránh biệt kích, ban đêm thì lên mặt đất để dò xét, nắm tình hình. Mình ngoài miền Bắc vào lạ nước, lạ cái, nếu không có sự đùm bọc, giúp đỡ của bà con nhân dân thì chắc chắn không thể hoàn thành nhiệm vụ. Sau giải phóng, tôi còn tiếp tục ở lại tham gia đánh phỉ hơn 10 năm nữa ở các vùng Bình Thuận, Lâm Đồng rồi mới chuyển công tác về Công an Hoàng Liên Sơn.

Hạnh phúc lớn nhất của tôi là đến thời điểm này vẫn thường xuyên được các anh em, đồng chí đồng đội, bà con trong đó gọi điện thăm hỏi, gửi biếu những món quà dân dã, đã trở thành những kỷ niệm không thể nào quên đối với tôi” – Trung tá Phạm Phúc Thành chia sẻ.

Cùng lên đường chi viện chiến trường miền Nam với Trung tá Phạm Phúc Thành, thời điểm nhận được quyết định trưng tập của Bộ Công an, Đại úy Đặng Ngọc Thông – nguyên cán bộ Công an tỉnh Hoàng Liên Sơn đang học tập tại Trường Trung cấp Cảnh sát. Đường hành quân vô cùng khó khăn, gian khổ. Đói, rét, mưa bão cộng với bệnh tật đã khiến nhiều người trong đoàn trải qua những trận ốm thập tử nhất sinh.

Bản thân Đại úy Đặng Ngọc Thông cũng đã từng bị sốt rét rừng tưởng không qua khỏi, thậm chí đã được báo tử về nhà, nhưng may mắn được đồng đội, bà con nhân dân dọc đường hành quân chăm sóc nên khi vào đến nơi thì sức khỏe cũng dần hồi phục. Đại úy Đặng Ngọc Thông được điều động đến nhận nhiệm vụ tại Đồn Công an huyện Trà My, tỉnh Quảng Nam.

Khi đó cả đồn có tất cả 6 Công an vũ trang làm 2 nhiệm vụ chính là bảo vệ dân, giữ dân và đánh địch. Trong một lần đi vào vùng địch nắm tình hình, bị địch phục kích, 1 đồng chí hy sinh tại chỗ, bản thân Đại úy Đặng Ngọc Thông bị địch bắt giữ. Quãng đường bị địch dẫn giải, lợi dụng sơ hở, Đại úy Đặng Ngọc Thông đã nhảy xuống vực, đồng thời được đồng đội ứng cứu kịp thời nên đã trốn thoát. 

Còn rất nhiều những tấm gương của cán bộ chiến sỹ Công an tỉnh Yên Bái tình nguyện chi viện chiến trường miền Nam với tinh thần và quyết tâm “tất cả vì tiền tuyến lớn”, “tất cả vì miền Nam ruột thịt”. Mỗi người là một câu chuyện, là một minh chứng cho những hy sinh thầm lặng của lực lượng CAND trong cuộc cách mạng giải phóng dân tộc ở miền Nam, thống nhất đất nước.

Đỗ Huy
.
.