Ký ức của những người bảo vệ tù binh phi công Mỹ

Thứ Bảy, 14/12/2013, 15:07
Chiều 13/12, Nhà xuất bản CAND và Quỹ Mãi mãi tuổi 20 đã tổ chức cuộc giao lưu giữa các tướng lĩnh, sĩ quan phòng không –không quân (PK-KQ) và CAND từng tham gia bảo vệ tù binh phi công Mỹ ở Việt Nam những năm kháng chiến, cũng là nhân chứng trong cuốn “Phi công Mỹ ở Việt Nam” do NXB CAND chính thức phát hành.

Tới dự buổi giao lưu có: Trung tướng Võ Tuấn, Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐNDVN; Trung tướng, nhà văn, AHLĐ Hữu Ước, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục XDLL-CAND, Bộ Công an, nguyên Chủ tịch Quỹ Mãi mãi tuổi 20; Thiếu tướng Nguyễn Kim Cách, Phó Chính ủy Quân chủng PK-KQ.

Cùng dự còn có Trung tướng, AHLLVTND Nguyễn Đức Soát, nguyên Phó Tổng tham mưu trưởng QĐNDVN; Trung tướng, Anh hùng Liên Xô, Anh hùng Lao động Phạm Tuân, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng; Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt, AHLLVTND, nguyên Tư lệnh Quân chủng PK-KQ; Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng; Thiếu tướng Phạm Văn Dần, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục XDLL-CAND, Bộ Công an; Đại tá, TS. Phạm Văn Miên, TBT Báo CAND; Đại tá Phùng Thiên Tân, Giám đốc NXB CAND.

Đại tá Trần Trọng Duyệt với một số tư liệu về tù binh phi công Mỹ.

Cuộc gặp gỡ là hoạt động được tổ chức nhân 40 năm sự kiện trao trả tù binh phi công Mỹ bị bắt trong chiến tranh Việt Nam (1973 - 2013), cũng là một hoạt động trong cuộc vận động “Sưu tầm và tuyên truyền kỷ vật lịch sử CAND”. Tại buổi gặp gỡ, nhiều câu chuyện từng được coi là bí mật an ninh, đã được các nhân chứng kể lại.

Đó là Đại tá Công an Trần Trọng Duyệt, nguyên Trại trưởng Trại giam tù binh Mỹ 1968-1973, với những câu chuyện lý thú: Trại là nơi nuôi dưỡng hơn 400 “vị khách không mời”, trong đó, có 4 đại tá, 38 trung tá, 108 thiếu tá, 177 đại úy, còn lại, từ trung úy trở xuống. Thời chiến, nhân dân phải ăn độn ngô, khoai, sắn … nhưng các tù binh phi công Mỹ lại được hưởng chế độ ngang đại tá QĐNDVN lúc đó, với đầy đủ thịt, bơ, sữa, hoa quả tươi v.v...

Điều này cho thấy chính sách nhân đạo của ta, bởi theo Công ước Geneve, tiêu chuẩn cho tù binh chỉ bằng tiêu chuẩn của người dân ở nơi giam giữ. Ngoài ra, các tù binh Mỹ còn được chơi thể thao: bóng chuyền, bóng bàn, bi-a, được đọc sách, gửi thư và nhận thư, quà của gia đình v.v… ; được tham quan tất cả các danh lam thắng cảnh ở Hà Nội và được sống trong các căn phòng có tiện nghi theo tiêu chuẩn sĩ quan cấp tá của QĐNDVN khi đó.

Đại tá Trần Trọng Duyệt và bà Trần Thị Nghiên – 2 nhân chứng trong buổi giao lưu.

Câu chuyện nhỏ về nữ tù binh Mỹ của Đại tá Trần Trọng Duyệt khiến mọi người hiểu hơn về chính sách với tù binh Mỹ của ta khi đó: Monica là tù binh nữ duy nhất của Trại giam. Ban đầu, được cấp một căn phòng nhỏ hơn 10m2, có đủ tiện nghi, nhưng cô vẫn không đồng ý. Đại tá Trần Trọng Duyệt đã gọi cô lên phòng mình, chỉ cho cô thấy, dù là Trưởng trại, phòng của ông không được tiện nghi bằng của cô.

Được “mục sở thị”, Monica hiểu rằng, cô đã được nhận sự ưu tiên của Việt Nam, nên vui vẻ nhận phòng. Sau đó, cô còn viết thư cho ông, xin nuôi 1 con mèo nhỏ và được đáp ứng. Thậm chí, nhiều lần, Đại tá Trần Trọng Duyệt còn đích thân đưa cô đi dạo phố Hà Nội, mua sắm những đồ thiết yếu của phụ nữ cho cô. Đại tá Trần Trọng Duyệt không thể quên, khi được trao trả, Monica đã vừa đi vừa ngoái nhìn ông với ánh mắt rưng rưng. Ông hiểu, tình cảm con người với con người đã xóa nhòa ranh giới địch - ta trong trái tim người nữ tù binh.

Ông Lê Việt Tiến, nguyên Phó Ty Công an Sơn Tây, người đã chịu nỗi mất mát vô cùng lớn trong vụ tập kích Sơn Tây của Mỹ năm 1970, trong 13 người là thương binh, cán bộ và người dân bị biệt kích Mỹ bắn chết, có vợ và con gái ông, cùng một cô con gái khác bị thương, chia sẻ: Chịu nỗi đau mất mát vô cùng lớn, ông vẫn vừa làm công tác tư tưởng, trấn an mọi người về công tác bảo vệ an ninh. Việc thất bại trong vụ tập kích Sơn Tây chứng minh địa bàn “sạch”, không có gián điệp và đây chính là chiến công của lực lượng CAND. 

Bà Trần Thị Nghiên (tức Liên), người đã nhiều năm tiếp phẩm nuôi các tù binh Mỹ cũng kể về những kỷ niệm hơn 40 năm trước. Nhiều năm cung cấp thực phẩm cho bếp ăn các phi công của QĐNDVN, nên bà được chọn là người tiếp phẩm cho trại. Bà kể, khi đó, chế độ ăn cho tù binh phi công Mỹ cao hơn so với phi công ta, nên bà rất vất vả trong việc tìm kiếm thực phẩm.

“Tất cả đều phải là đồ ăn ngon nhất: gà đen, thịt bò, thịt lợn thăn, trứng tươi, đu đủ, chuối chín v.v… Vì thế, tôi thường phải để các con nhỏ tự trông nom nhau, rồi đi trong đêm, dưới làn bom đạn của máy bay Mỹ, vô cùng vất vả, lại nguy hiểm, để đến nhiều địa phương, tìm kiếm cho đủ thực phẩm đạt chất lượng theo yêu cầu, để nuôi chính các tù binh phi công Mỹ, những kẻ từng ném bom hủy diệt đất nước, nhân dân Việt Nam” –bà nhớ lại. 

Mỗi câu chuyện của các nhân chứng, đều là những câu chuyện đầy cảm động về chính sách nhân đạo của ta đối với tù binh Mỹ năm nào…

Thái Hoàng
.
.