Kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7: Còn nỗi đau ở lại

Chủ Nhật, 25/07/2010, 17:49
Từ năm 1999 tới nay, đã có 480 trường hợp Công an xã hy sinh, bị thương trong khi làm nhiệm vụ. Tuy nhiên mới có rất ít được công nhận (22/56 trường hợp được công nhận liệt sĩ, 59/424 trường hợp được công nhận thương binh). Người thân ở lại vẫn đau đáu nỗi day dứt vì sự hy sinh không được ghi nhận một cách xứng đáng...

Phải nhờ anh cán bộ Công an huyện Nga Sơn (Thanh Hóa) dẫn đường, tôi mới tìm được tới ngôi nhà cũ kỹ nằm sâu trong con ngõ nhỏ ở thôn Vân Hoàn, xã Nga Lĩnh của gia đình chị Nguyễn Thị Hiệu - vợ anh Ngô Sỹ Đăng, nguyên Trưởng Công an xã Nga Lĩnh.

Nhắc lại chuyện cũ, chị bảo đã 6 năm rồi nhưng vẫn không thể quên cái buổi sáng ngày 1/12/2004 oan nghiệt ấy. Sáng hôm ấy, anh nói với chị rằng, phải đưa người nhà lên bệnh viện khám. Nhưng anh vừa đi được hơn 1 tiếng thì chị đã nhận được tin anh bị người ta đánh phải đi cấp cứu. Chị lên đến nơi thì anh đã mất rồi.

Sau này, trong bản án của cả hai cấp tòa, trường hợp hy sinh của anh Đăng được thuật lại rằng: Bà Phạm Thị Dục là mẹ đẻ Phạm Đức Hoàn có một mảnh đất bán cho ông Đinh Hữu Tường. Việc mua bán này hoàn toàn hợp pháp. Khoảng 7h30’ ngày 1/12/2004, ông Tường nhờ một số người đến chặt cây dọn dẹp để chở vật liệu làm nhà. Nhưng khi thấy mọi người đến chặt cây, Phạm Đức Toàn chạy ra chửi và không cho mọi người làm, còn mẹ Toàn là Vũ Thị Biều thì chạy đi gọi chồng là Phạm Đức Hoàn về.

Khi về đến nhà, Phạm Đức Hoàn vừa chửi bới vừa cầm gậy chạy lên gác hai nhà Hoàn đồng thời lấy đất đá đã chuẩn bị từ trước ném tới tấp vào những người đang dọn dẹp.

Nhận được tin báo có vụ gây rối, Chủ tịch UBND xã Nga Lĩnh trực tiếp chỉ đạo Trưởng Công an xã Ngô Sỹ Đăng và 3 công an viên là Mai Công Thành, Phạm Văn Tiến, Bùi Văn Biên xuống giải quyết.

Khi anh Đăng và tổ công tác tới yêu cầu anh ta xuống làm việc, Hoàn tiếp tục la hét "quân áp đảo tại gia", buộc anh Đăng phải cử 3 công an viên lên gác đưa Hoàn xuống làm việc. Thấy vậy, Phạm Đức Toàn liền cầm 1 dao phay và 1 xẻng chạy lên cầu thang ngăn cản không cho công an xã lên tầng khiến anh Đăng phải trực tiếp xông vào thu xẻng và dao và khống chế Toàn giao cho anh Biên giữ. Nhưng anh Đăng vừa lên tới tầng 2, lợi dụng sơ hở, Toàn vùng chạy lên đá vào bụng anh Đăng. Anh Tiến bắt được Toàn khóa tay đưa xuống tầng 1.

Thấy công an xã lên được tầng 2, Hoàn chống trả quyết liệt buộc anh Đăng và anh Thành phải xông vào đè Hoàn xuống để tước con dao Hoàn dắt ở thắt lưng. Nhưng cũng đúng lúc này, Toàn lại vùng chạy từ tầng 1 lên, thấy anh Đăng đang khom người đè Hoàn xuống, Toàn liền đá thẳng vào mặt anh Đăng khiến anh Đăng lao đầu vào tường. Cú đá bất ngờ khiến anh Đăng ngã ngửa bất tỉnh.     

Phạm Đức Toàn sau đó bị anh Biên bắt giữ, còn Phạm Đức Hoàn khi vùng dậy được, thấy anh Đăng nằm bất tỉnh tiếp tục lao tới đạp vào người anh Đăng. Dù được đưa đi cấp cứu nhưng anh Đăng đã hy sinh. Khi khám nghiệm, cơ quan chức năng ghi nhận trên người anh Đăng ngoài nhiều vết xây xước còn bị gãy 1 xương sườn và chảy máu não. Vì vậy, Tòa Phúc thẩm - TAND Tối cao đã tuyên phạt hai cha con Phạm Đức Hoàn và Phạm Đức Toàn mỗi kẻ 18 năm tù vì tội giết người.

Gạt những giọt nước mắt chảy dài trên gương mặt gầy gò, chị Hiệu bảo rằng anh bất ngờ hy sinh, chẳng kịp nói với vợ con câu nào khiến chị bàng hoàng. Chị vốn bị bệnh suy tim bẩm sinh nên từ ngày lấy nhau, mọi việc đồng áng, nặng nhọc trong nhà anh đều giành lấy làm tất, anh mất đi, mọi việc đều dồn lên vai chị khiến cuộc sống của ba mẹ con càng hụt hẫng, chông chênh. Ngày anh hy sinh, đứa con đầu của anh chị là Ngô Đăng Khoa mới 13 tuổi, cháu thứ hai là Ngô Thị Thu Hằng mới lên 9. Sau cú sốc, chị như người mất hồn, còn căn bệnh suy tim lại càng nặng thêm hành hạ suốt ngày đêm.

Đã 6 năm qua, 3 mẹ con chị hiệu vẫn luôn hy vọng anh Đăng sẽ được công nhận liệt sĩ.

Anh hy sinh, có 5 sào ruộng, chị phải trả bớt 3 vì làm không nổi, còn có 2 sào nhưng đến vụ thì cũng phải nhờ anh em họ hàng mỗi người giúp một tay mới xong. Cũng may anh chị em bên ngoại có điều kiện kinh tế hỗ trợ thêm mới nuôi hai đứa con ăn học, bởi dù tòa đã tuyên phạt hai bố con Hoàn - Toàn phải bồi thường hơn 23 triệu đồng và chu cấp cho hai cháu mỗi tháng 240.000 đồng đến năm 18 tuổi nhưng chị bảo, từ ngày ấy đến giờ gia đình họ vẫn chưa trả được đồng nào. Cũng may hai đứa trẻ thương mẹ nên học rất giỏi. Năm ngoái, thằng lớn đi thi đại học, đỗ cả Học viện An ninh và Đại học Ngoại thương, ngày nghe con báo tin đỗ đại học, chưa kịp mừng thì lại lo khi nghĩ tới khoản tiền phải chu cấp nuôi con học đại học ở Hà Nội, "gia đình phải họp lại để bàn, cuối cùng cháu đồng ý đi học trường công an để mẹ đỡ phải nuôi, sau này ra trường lại có việc làm ngay".

Tuy nhiên, có một điều khiến ba mẹ con chị và tất cả họ hàng hai bên luôn day dứt suốt 6 năm qua, đó là cho tới tận lúc này, anh Đăng vẫn không được công nhận liệt sĩ. Đưa cho tôi một tập đơn, chị Hiệu bảo rằng suốt mấy năm, chị đã gửi đơn đi khắp nơi, các anh Công an huyện cũng rất nhiệt tình giúp đỡ nhưng anh Đăng vẫn không được công nhận liệt sĩ.

INhưng, anh Đăng không phải là trường hợp cá biệt hy sinh trong khi làm nhiệm vụ mà vẫn bị các cơ quan chức năng trả lời là không đủ điều kiện công nhận liệt sĩ.

Đã 11 năm nay, chị Vũ Thị Việt ở thôn 13, xã Tiêu Sơn, huyện Đoan Hùng (Phú Thọ), vợ anh Nguyễn Trọng Lập, nguyên Phó công an xã Tiêu Sơn, cũng đã vác đơn đi gửi khắp các nơi để rồi lại mỏi mòn chờ đợi.

Đêm 25/11/1999, trong khi làm nhiệm vụ, phát hiện hành vi không bình thường của Phạm Văn Quang, Thiếu úy chuyên nghiệp thuộc Trung đoàn 406 - Quân khu 2,  là đến trước cổng một nhà dân ở xã Tiêu Sơn nhòm ngó, sờ vào khóa cửa, đi lại quanh nhà, tay lăm lăm khẩu súng ngắn, anh Lập với chức trách là Phó Công an xã đã yêu cầu Quang cho kiểm tra giấy tờ và về trụ sở ủy ban xã làm việc. Nhưng thay vì chấp hành, Quang đã chống đối, khi bị anh Lập kiên quyết yêu cầu về trụ sở giải quyết, Quang đã rút súng bắn thẳng vào anh Lập, khiến anh Lập chết trên đường đi cấp cứu.

Bản án phúc thẩm của Tòa án Quân sự Trung ương đã kết luận: "Việc anh Lập yêu cầu Quang cho xem giấy tờ và mời về trụ sở UBND để làm việc là đúng với chức trách, nhiệm vụ của người cán bộ công an xã và đúng với quy định của pháp luật, nhưng Quang không chấp hành mà có hành vi sử dụng vũ khí bắn anh Lập rồi bỏ chạy (...) hành vi phạm tội của Phạm Văn Quang là rất nghiêm trọng...". Vì vậy, Tòa án Quân sự Trung ương quyết định giữ nguyên mức án 20 năm tù mà Tòa án Quân sự Quân khu 2 đã tuyên phạt Quang về hai tội "giết người" và "sử dụng trái phép vũ khí quân dụng"...

Anh Lập hy sinh để lại cho chị Việt 3 đứa con nhỏ dại. Và cũng phải trải qua rất nhiều cơ cực, chị Việt mới gắng gượng để một mình nuôi các con khôn lớn.

Sau 11 năm hy sinh, dù đã được UBND tỉnh Phú Thọ đề nghị, nhưng anh Nguyễn Trọng Lập vẫn chưa được công nhận liệt sĩ.

Điều đáng nói là sau rất nhiều năm chị Việt gửi đơn đi khắp nơi, tháng 10-2009, UBND tỉnh Phú Thọ đã có công văn gửi Bộ LĐ-TB&XH, trong đó khẳng định "ông Nguyễn Trọng Lập là Phó Công an xã Tiêu Sơn đã nêu cao tinh thần trách nhiệm có những hành động vì sự bình yên của nhân dân, cương quyết chống lại đối tượng nghi vấn là tội phạm. Đối chiếu với chế độ chính sách của Nhà nước ban hành, UBND tỉnh Phú Thọ kính đề nghị Cục Người có công, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH  trình Thủ tướng Chính phủ xem xét tặng bằng "Tổ quốc ghi công" đối với ông Nguyễn Trọng Lập".

Chị Việt bảo rằng ngày anh hy sinh để lại cho chị một gánh nặng gia đình với 3 dứa con nhỏ dại. Suốt 11 năm qua, chị vẫn luôn hy vọng anh sẽ được công nhận liệt sĩ và cho tới bây giờ vẫn hy vọng, không phải để được hưởng trợ cấp bởi những năm tháng khốn khó nhất đã qua rồi, mà chỉ "để các con thấy sự hy sinh của bố chúng không vô nghĩa". Vậy mà cho tới bây giờ, niềm hy vọng ấy vẫn chỉ là hy vọng.

III- Khó có thể kể hết những trường hợp như vậy, bởi từ năm 1999 tới nay, đã có 56 trường hợp công an xã hy sinh nhưng mới chỉ có 22 trường hợp được công nhận liệt sĩ.

Đưa cho tôi xem danh sách dài các trường hợp hiện vẫn chưa được công nhận liệt sĩ, Thượng tá Lương Ngọc Dương, Trưởng phòng Hướng dẫn quản lý xây dựng Công an xã - Cục Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ An ninh Tổ quốc - Bộ Công an, bảo rằng trong số ấy, thương tâm nhất là trường hợp của anh Hoàng Đình Kỳ, Phó chủ tịch - Trưởng Công an xã Kỳ Hoa, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh). Chỉ vì mạnh tay xử lý những kẻ phá rừng mà rạng sáng 1/1/2000, gia đình anh Kỳ đã bị Nguyễn Văn Duy, chủ một xưởng cưa trong xã, đặt bộc phá trước cửa để trả thù. Vụ nổ không chỉ làm anh Kỳ hy sinh, mà còn cướp đi sinh mạng con gái anh là cháu Hoàng Thị Mai mới 6 tuổi.

Anh Kỳ hy sinh để lại gia cảnh rất khó khăn bởi vụ nổ còn làm 3 người khác là mẹ đẻ và 2 con anh Kỳ bị thương nặng.

Để giúp đỡ gia đình anh Kỳ, năm 2005, Cục Tham mưu Cảnh sát - Tổng cục Cảnh sát và Công an huyện Kỳ Anh đã xây tặng một căn nhà tình nghĩa; Công an Hà Tĩnh cũng tạo điều kiện để con trai đầu của anh vào công tác trong lực lượng Công an. Nhưng, điều khiến người thân vẫn luôn day dứt là suốt từ đó đến nay, dù anh Kỳ đã được truy tặng Huân chương Chiến công và các ngành chức năng ở Hà Tĩnh đã làm hồ sơ đề nghị nhưng anh vẫn chưa được công nhận liệt sĩ.

Trong khi Pháp lệnh Công an xã số 06/2008/PL-UBTVQH12 đã quy định: "Trưởng Công an xã, Phó trưởng Công an xã và Công an viên trong khi thi hành nhiệm vụ nếu bị thương hoặc hy sinh thì được hưởng các chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng...".

Pháp lệnh số 26/2005/PL-UBTVQH11 "Ưu đãi người có công với cách mạng" cũng quy định: "Liệt sĩ là người đã hy sinh vì sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế hoặc vì lợi ích của Nhà nước trong các trường hợp: Đấu tranh chống tội phạm; Dũng cảm thực hiện công việc cấp bách, nguy hiểm phục vụ quốc phòng, an ninh; Dũng cảm cứu người, cứu tài sản của Nhà nước và nhân dân"...

Còn Nghị định số 54/2006/NĐ-CP của Chính phủ "Hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng" cũng quy định trường hợp hy sinh và bị thương trong khi thi hành nhiệm vụ mà "Dũng cảm đấu tranh chống lại hoặc ngăn chặn các hành vi gây nguy hiểm cho xã hội là tội phạm được quy định trong Bộ luật Hình sự; dũng cảm làm những công việc cấp bách, nguy hiểm phục vụ quốc phòng và an ninh; dũng cảm cứu người, cứu tài sản của Nhà nước và nhân dân" thì được công nhận là liệt sĩ.

Những quy định như vậy là rõ ràng, đầy đủ nhưng không hiểu sao vẫn còn hàng chục anh em công an xã hy sinh mà không được hưởng chế độ. Trong câu chuyện với tôi, ông Ngô Trường Sơn, Chủ tịch UBND xã Nga Lĩnh than thở việc những người hy sinh trong khi làm nhiệm vụ mà không được công nhận liệt sĩ ảnh hưởng rất lớn tới tâm tư của anh em công an xã, vì phụ cấp hàng tháng đã thấp, chẳng may bị nạn thì lại không có chế độ gì. 

 Còn Thượng tá Lương Ngọc Dương, người đã rất nhiều năm gắn bó với lực lượng Công an xã cũng rất bức xúc khi cho rằng có một bộ phận cán bộ làm chính sách  đang mắc căn bệnh quan liêu và vô cảm. Khi tiếp nhận hồ sơ đề nghị công nhận thương binh, liệt sĩ, những cán bộ làm chính sách thường hay đưa ra yêu cầu anh em công an phải bị thương hoặc hy sinh trong khi giằng co, vật lộn với tội phạm thì mới được coi là "hành động dũng cảm" mà không nhìn nhận sự việc theo quy luật khách quan. Quy định của pháp luật là cụ thể, nhưng điều quan trọng nhất là phải thay đổi nhận thức của những người làm chính sách.

Nỗi đau của những người ở lại sẽ nguôi ngoai nếu sự hy sinh của người thân được ghi nhận xứng đáng. Vì thế những người làm chính sách hãy có cái nhìn cảm thông và chia sẻ với người trong cuộc để có cách xử lý phù hợp

Nguyễn Thiêm (Chuyên đề ANTG 978)
.
.