Tết Độc lập kể chuyện diễu binh, duyệt binh

Chất lính thao trường lên facebook

Thứ Hai, 31/08/2015, 10:22
“Con gái Hà Nội có khác, trắng thật. Lại rất chi dũng khí. Ngất thế mà vào nằm tí lại ra đứng ở hàng dự bị ngay”! – một facebook tự nhận “nam binh nhì” sẻ chia chuyện luyện tập diễu binh.

Hơn 3 tháng huấn luyện diễu binh, những nhóm facebook trở nên thân thuộc với các chàng lính trẻ như “Khối nam chiến sỹ Cảnh sát cơ động A70”. Lướt một đoạn trên nhóm facebook này, tôi hiểu thêm tâm hồn những chàng trai trẻ, súng khoác bên mình đầy uy nghiêm khi tập luyện nhưng sự thi vị chất lính không vì thế bị đánh mất khi sẻ chia trong giờ nghỉ.

Một nam sĩ quan chia sẻ với từ ngữ kiểu facebook “chiện bên lề” (chuyện bên lề): “Lâu rồi mới lại có dịp xem những cô gái Cảnh sát đặc nhiệm (CSĐN) tập luyện, đợt tập luyện này chuẩn bị cho diễu binh mừng 70 năm Quốc khánh nước mình (2/9/1945 – 2/9/2015). Kế nghiệp những 32 bông hoa thép nữ CSĐN K20 đầu tiên, ngày hôm nay những cô gái đang ngày ngày cố gắng tập luyện và mục tiêu là hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ A70. Cố gắng nhé các đồng chí nữ CSĐN, các đồng chí là niềm hi vọng của đợt A70 lần này nè”.

Trên xe ra thao trường của nữ Cảnh sát đặc nhiệm.

Thấy mấy nàng khối nữ CSĐN chăm chỉ tập luyện nhưng vẫn luôn nở nụ cười thiệt xinh, một sĩ quan trải lòng: “Dù thời gian tập diễn ra dưới cái nắng oi bức nhưng vẫn đâu đó thấy những nụ cười và những khoảnh khắc chụp hình lưu giữ kỷ niệm. Còn mình thì toàn tập với máy bay mô hình. Chúc toàn thể anh em và mọi người sức khỏe thật tốt. Hoàn thành quá trình huấn luyện để tới ngày hẹn lại tỏa sáng…”.

Và đây là “khúc mùa thu”: “Mùa thu lá vàng rơi. Anh em chiến sĩ lại bước đi, đôi chân bước điều lệnh không mỏi mệt. Khó khăn vất vả vẫn cố gắng nhé các đồng chí. Chúc các đồng chí đồng đội ngày mới ngập tràn niềm vui”…

Hay “tâm thư” của một nữ chiến sĩ khối Cảnh sát cơ động (CSCĐ) A70: “Dù gặp khó khăn và vất vả trong quá trình tập luyện, em và đồng đội vẫn kiên trì chăm chỉ học tập, chúc toàn thể mọi người tham gia A70 sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao mà lãnh đạo cấp trên giao phó. Thành quả học tập vất vả của mọi người sẽ được đền đáp vào ngày 2/9 một cách xứng đáng... Cố lên nhé mọi người”…

Post lên bức hình nhóm nữ CSĐN tươi tắn trò chuyện trong giờ giải lao, người tự nhận “nam binh nhì” băn khoăn: “Cũng đã lâu chưa hỏi thăm những Thu Trang, Thị Linh, Thị Oanh Tiểu đội 1, Trung đội CSĐN số 1. Không biết những cô gái thép ấy đợt này có tham gia A70 hay không? Giờ chỉ muốn đếm từng ngày đến hẹn lại xem mọi người đi diễu binh. Hi vọng sẽ chụp được những khoảnh khắc đáng nhớ nhất về khối CSCĐ và CSĐN A70”…

Và cũng thật dí dỏm với tính cách đời lính, nhóm CSCĐ A70 còn có sáng kiến in áo phông để nhắc nhở huấn luyện diễu binh: phía sau có chữ số 1...2, trên không phải tên cá nhân hay cầu thủ bóng đá mà là “Nhìn bên phải, chào” và “Đi đều, bước”!...

Nếu không cận cảnh thao trường huấn luyện binh, hẳn chúng ta khó thấy được sự khổ nhọc tập luyện. Diễu binh tầm một hai giờ đi qua lễ đài và qua một số tuyến phố, nhưng để răm rắp trăm người như một thì đó là cả quá trình huấn luyện vô cùng kỳ công.

Năm nay, mùa hè khổ luyện được các chiến sĩ trải lòng cả trên facebook sau những giờ đối phó với cái nắng như tạt lửa vào mặt. Thoạt nhìn đã toát mồ hôi, huống gì lại “bịt” bằng bộ quân phục thu đông từ đầu tới chân. Dịp đó, nhiều cụm huấn luyện báo cáo chỉ huy chuyển thời giờ sang buổi tối, dù rằng mặt đường nhựa cả khi đêm xuống vẫn hầm hập như lò than.

Chẳng những khổ luyện với hiện tại, những câu chuyện huấn luyện năm xưa của các bậc đàn anh cũng được giở lại để cùng tìm hiểu và tiếp thêm sức mạnh. Trong “Góc khác dành cho các bạn muốn tìm hiểu về cuộc duyệt binh năm 1985, gọi tắt là A85”, nhiều chiến sĩ chia sẻ câu chuyện sau đây của một sĩ quan pháo binh huấn luyện cuộc duyệt binh 30 năm trước: “Đến tận tháng 8/1985, trung đoàn pháo chúng tôi được huy động vào cuộc duyệt binh kỷ niệm 2/9/1985, còn gọi là A85. Mười hai khẩu pháo được huy động. Lệnh hành quân, tôi đi kiểm tra lại chốt hành quân khẩu pháo của mình rồi vác ba lô leo lên chiếc xe Zil 131. Lần đầu tiên trong đời được phi qua tầng hai của cầu Thăng Long lộng gió. Lúc đó đây là đoạn đường bằng phẳng nhất của miền Bắc. Đến đóng quân thuộc Trường Trung cấp Chính trị bên đường Cuba, Thủ đô Hà Nội. Cơm chiều xong chúng tôi kéo pháo vào khu vực sân bay Hòa Lạc… Rút về doanh trại để được ăn những bữa theo chế độ đặc biệt đầu tiên. Cơm, thịt kho, bí xào, canh rau muống đủ ăn, nước mắm thật, hơn cả chế độ tập trận 21kg. Chẳng ai phải đi xin cháy nữa. Ăn xong, cơm thừa cho vào mũ cối đem vào nhà dân đổi lấy mít ăn tráng miệng. Tối đến, y tá đi phát B1 bắt uống rồi tất cả nằm trên giường để y tá cầm thuốc nhỏ mắt đi nhỏ từng người. Đến đây được kéo nhau vào sân bay tập, xung quanh là các khối đứng của nữ tự vệ. Đội hình 16x16. Toàn những cô trẻ, khỏe, nước da rám nắng, áo tự vệ căng tròn. Đội này đã qua ba tháng rèn luyện nên các cô trụ lại phải khỏe lắm, nếu không đã trả về địa phương. Khối nào cũng có hai bác sĩ hay y tá đi kèm. Bên khối nữ đã làm một lều kín. Nhưng những hôm nắng thì các em ngất phải nằm cả ngoài lều, dưới mấy cây bạch đàn chẳng lấy đâu ra bóng mát…”.

Khép lại những trang viết của các sĩ quan huấn luyện diễu binh rồi, tôi  nhớ chất thơ chiến sĩ và cũng đầy dũng khí của sĩ quan huấn luyện: “Con gái Hà Nội có khác, trắng thật. Lại rất chi dũng khí. Ngất thế mà vào nằm tí lại ra đứng ở hàng dự bị ngay”!

Trong lịch sử diễu binh, duyệt binh, từng ghi nhận những dấu ấn đặc biệt. Bây giờ còn lưu truyền câu chuyện của Thượng tá Nguyễn Ngọc Quân, Tiểu đoàn trưởng CSCĐ, Công an TP Hải Phòng. Ông Quân kể, năm 1975, khi ấy mới vào ngành Công an, đeo hàm Trung sỹ, được điều động đi tập duyệt binh phục vụ lễ kỷ niệm Quốc khánh 2/9/1975. Hôm chính thức duyệt binh trên Quảng trường Ba Đình, có một nữ đồng chí đi duyệt binh trong khối nữ dân quân, lúc về đến địa điểm tập kết thì ngã lăn ngất xỉu.

Tìm hiểu mới biết, hành động của nữ Trung sĩ này thật tuyệt vời: khi bắt đầu đi đều, chị bị chiếc đinh 3 phân bật lên từ đế giày, xuyên vào chân, máu chảy đầm đìa. Thế nhưng trong đội hình đi nghiêm, chị vẫn phải thực hiện các động tác dập chân rất mạnh như đồng đội, điều này càng làm vết thương thêm nặng và đinh đâm sâu vào chân.

Bất chấp, chị vẫn nén đau, ngẩng cao đầu bước đều theo hàng quân và tiếng nhạc hùng hồn như không có chuyện gì xảy ra, cho đến khi duyệt binh xong thì ngất lịm vì máu ra nhiều. Sau cuộc duyệt binh ấy, chị được tuyên dương và được phong vượt cấp lên Thiếu úy…

(còn nữa)

Đ.Trường
.
.