Dưới những nếp nhà CAND:

Không có gì ngoài tình thương yêu

Chủ Nhật, 18/07/2010, 12:29
Năm 2003, người vợ đảm đang, tốt bụng mất, ông gọi các con lại dặn dò: "Mẹ các con được an táng tại Nghĩa trang Thanh Tước, các con lên đó xin trước 1 phần mộ bên cạnh để sau này ba lên ở với bà". Thế mới biết, ông yêu thương bà đến nhường nào. Năm 2006, Trung tướng Hà Ngọc Tiếu mất, lần đầu tiên các con ông đã làm một việc sai lời ba dặn, đó là để ông yên nghỉ tại Nghĩa trang Mai Dịch theo quy định của Nhà nước.

Ông là người trải qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, có lẽ những năm tháng lăn lộn, quyết chiến với quân thù đã cho ông một kết luận giản dị: Được như hôm nay là nhờ có sự hy sinh quên mình của đồng đội, sự yêu thương như ruột thịt của đồng bào với những người lính từ nhân dân mà ra. Phải luôn hướng về những tấm lòng cao quý ấy để hết lòng tri ân, tận cuối đời ông vẫn còn luôn trăn trở tâm nguyện ấy.

Trung tướng Hà Ngọc Tiếu (người ngồi giữa) trong một lần đi công tác tại biên giới.

Vượt lên gia cảnh

Tôi đã từng là lính của ông và nghe nhiều chuyện như huyền thoại về vị tướng nghiêm khắc và bao dung trong những lần đến thăm hay những chuyến công tác cùng anh Hà Tuấn, con trai ông.

Sinh ra và lớn lên ở xã Trực Tuấn, Trực Ninh, Nam Định, ông tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1942. Tháng 8/1945, ông tham gia cướp chính quyền ở Sài Gòn rồi lên chiến khu. Năm 1949, trong những ngày học tập tại chiến khu, ông gặp cô nhân viên mật mã tên Nhàn (quê gốc Hà Nam) rồi kết hôn tại chiến khu D - Biên Hòa. Năm 1953, sau đợt tập huấn ở miền Bắc chuẩn bị cho cải cách ruộng đất và cho Hiệp định đình chiến, được giao mang vào chiến khu miền Đông 36kg vàng để chuẩn bị kháng chiến, ông đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Năm 1954, ông đưa vợ và hai con tập kết ra Bắc.

Tuổi trẻ của ông đã để lại trong thời kỳ làm quân báo, hoạt động tình báo, rồi làm trinh sát, điều tra đánh án… Những lần hành quân cả nửa năm trời vào Nam, ra Bắc làm nhiệm vụ, sau đó là chiến trường B, vùng giới tuyến Vĩnh Linh và chiến tranh biên giới ông đều có mặt. Ông đi công tác biền biệt, mọi việc nhà hầu như vợ ông phải gánh vác hết, nhất là giai đoạn ông vào Nam công tác với cương vị là cán bộ của Bộ chi viện An ninh giải phóng. Tại chiến trường Khu 5, bị bom ném gần cửa hầm may mà thoát chết.

Sau này nghĩ lại, ông bảo: Mình mà hy sinh thì không biết vợ mình sẽ sống thế nào khi phải nuôi 6 đứa con ăn học. Ngày 13/1/1964, vợ ông sinh đứa con thứ 7 cũng là ngày bà mất, các con ông đang tuổi ăn, tuổi học ngây ngô… Giữa lúc đó giặc Mỹ ném bom miền Bắc, với cảnh gà trống nuôi 7 đứa con, ông phải chia nhóm, gửi các con tại nhiều nơi để sơ tán, riêng đứa út lớn lên bằng sữa của nhiều chị cùng cơ quan và các bà hàng xóm, có thể nói đây là giai đoạn cực kỳ khó khăn đối với gia đình ông.

Trong 2 năm 1965 và 1966, ông lần lượt gửi 2 con trai vào Trường Thiếu sinh quân, sống tập trung xa nhà… Ba năm sau (1967), ông yêu và chọn một người phụ nữ đã có 4 con, vợ của một đồng đội đã mất do bị bệnh hiểm nghèo, về sống với ông và để cùng ông trông coi các con ông, để ông yên tâm công tác.

Đầu năm 1970, sau lần vào tăng cường An ninh giải phóng, ông ra Bắc, phải nằm Viện 108 nửa năm trời để điều trị bệnh sốt rét. Do sơ tán phải chuyển nhà nhiều lần, để nuôi 11 miệng ăn học, dù ở đâu vợ ông cũng chăn nuôi lợn bán để tăng thu nhập. Cứ mỗi lần đi công tác về, ông lại cùng xuống bếp phụ vợ việc bếp núc, chăn nuôi…

Năm 2003, người vợ đảm đang, tốt bụng mất, ông gọi các con lại dặn dò: "Mẹ các con được an táng tại Nghĩa trang Thanh Tước, các con lên đó xin trước 1 phần mộ bên cạnh để sau này ba lên ở với bà". Thế mới biết, ông yêu thương bà đến nhường nào. Năm 2006, Trung tướng Hà Ngọc Tiếu mất, lần đầu tiên các con ông đã làm một việc sai lời ba dặn, đó là để ông yên nghỉ tại Nghĩa trang Mai Dịch theo quy định của Nhà nước.

Vợ, con cháu chúc mừng ông nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng.

Từ dấu chân người lính

Trong Quyết định số 693/QĐ/CTN ngày 8/6/2006 của Chủ tịch nước Trần Đức Lương trao Huân chương Độc lập hạng Nhất cho Trung tướng Hà Ngọc Tiếu, có ghi: Đồng chí Hà Ngọc Tiếu (tên khai sinh là Nguyễn Văn Hoàn) SN 1921 tại xã Trực Tuấn, Trực Ninh, Nam Định, nguyên Phó Tư lệnh CAND vũ trang (nay là Bộ đội Biên phòng), nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát. Với những cống hiến trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, cứu nước và những thành tích trong xây dựng lực lượng CAND, Trung tướng Hà Ngọc Tiếu được Chủ tịch nước ghi nhận "Đã có thành tích đặc biệt xuất sắc, góp phần vào sự nghiệp xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc".

Đại tá Hà Tuấn, bạn đồng niên, đồng nghiệp, là Phó trưởng Ban, hiện cùng công tác tại Báo CAND, kể lại, ngày 19/8/1946, ba anh tham gia treo cờ và rải truyền đơn ở Sài Gòn, bị giặc Pháp bắt giam tại Khám Lớn, chúng lập tức hỏi cung nhằm khai thác những thông tin mà chúng biết chắc ông là người nắm giữ. Ông đã tranh thủ nói cho bọn mật thám biết: Ngoài Hiệp ước ký ngày 6/3, nay có Hiệp định do Bác Hồ ký ngày 14/9 với chính quyền Pháp về việc luật pháp không cấm đấu tranh chính trị.

Bọn mật thám dao động, đề nghị ông làm chứng cho chúng là vì cuộc sống chứ không chống lại Cách mạng, không chống lại Chính phủ Việt Nam, trinh sát Nguyễn Văn Hoàn cười khẩy tỏ thái độ coi thường bọn chúng. Bạn tù thì nể phục mà gọi ông là "hà cớ gì cười?", từ đó ông Nguyễn Văn Hoàn có họ tên mới Hà Tiếu. Sau này, ra tù, ông được cử về làm Chỉ huy phó và sau đó làm Chỉ huy trưởng Tự vệ TP Sài Gòn. Tháng 5/1948, ông được đồng chí Lê Duẩn cử làm Trưởng ban Quân báo Khu 7...

Những năm tháng khắc nghiệt, lăn lộn ở chiến trường B, vùng giới tuyến Vĩnh Linh và chiến tranh biên giới… những tổn thất, hy sinh xảy ra trước mắt với những đêm đi cõng thi thể đồng đội về chôn cất đã khảm vào lòng ông nỗi đau của người chỉ huy, theo ông suốt những trận đánh giặc và đánh án sau này. Khi tuổi cao, sức yếu, có lần trong cơn mê lúc nửa đêm khiến cả nhà choàng dậy, con cái vây quanh ông mà ông vẫn nghĩ đó là đồng đội và ra lệnh: "Lấy dầu cao xoa cho anh em đang sốt ở lán bên nhanh lên!".

Anh Hà Tuấn nhớ lại lần ba đi công tác xa về, ông khuân xuống xe một bao tải củ sắn còn vương đất đồi ông mua về cho các con ăn độn. Đêm hôm đó, ông và một số cán bộ của Cục Cảnh sát hình sự chỉ huy cuộc vây bắt một đối tượng truy nã đặc biệt lẩn trốn tại địa bàn gần phường ông cư trú. Suốt đêm cuối năm giá rét, vợ con ông bóc hết cả số sắn, luộc chín, đem ra tận nơi anh em đang truy tìm để anh em ăn cho đỡ đói.

Anh Phạm Văn Miên (nay là Phó Tổng biên tập Báo CAND) kể lại, lần đi công tác cùng ông ra Quảng Ninh sau khi nhận tin mỏ than đang cháy, đường sá lúc đó cực xấu mà ông thì muốn đến nhanh nhất, dọc đường ông luôn giục lái xe chạy nhanh lên. Khi đến phà Bãi Cháy, dịp giáp Tết nên xe ôtô xếp hàng dài chờ xuống phà, xe ông được ưu tiên lên trước. Trong khi chờ phà, ông tìm gặp đồng chí chỉ huy Trạm CSGT và phà Bãi Cháy yêu cầu: Tất cả các xe của bộ đội, Công an đi làm nhiệm vụ và xe chở anh em từ chiến trường về phải được ưu tiên giải quyết nhanh nhất.

Ông hiểu, trên những chiếc xe cắm ngụy trang vương bụi đường từ biên giới về, có thương binh và nhiều người lính rất cần về quê và gia đình đang mong họ trong dịp Tết.

Rèn con vượt gian khó

Thượng tá Hà Dũng, Phó trưởng Phòng Quản lý xuất nhập cảnh, con trai thứ 6 của ông bùi ngùi nhớ lại: Ba tôi là người nghiêm khắc và rất trọng sự công bằng, ngay cả trong gia đình, cả 3 anh em trai đều bắt đầu làm lính từ ở đơn vị chiến đấu để rèn luyện và tham gia chiến đấu chống giặc ngoại xâm như mọi gia đình khác.

Đại tá Hà Tuấn (người đứng) và Thượng tá Hà Dũng tại gia đình.

Anh Hà Tuấn vào D26 (Đoàn Thanh Xuyên - đơn vị CANDVT đặc công, có thời kỳ sang giúp bạn Lào tiễu phỉ). Năm 1978, khi tôi nhập ngũ, ba tôi là Thiếu tướng, Phó tư lệnh CANDVT, ông dẫn tôi lên giao cho đơn vị huấn luyện ở thị trấn Xuân Mai, Hòa Bình (D3-E12 cơ động CANDVT), trước khi lên xe về, ông dặn dò Ban chỉ huy rồi đưa cho tôi 15 đồng (bằng 3 tháng phụ cấp binh nhì lúc đó).

Ba tuần sau, tôi nhận được thư của ba với nội dung đại ý là ông đã từng tham gia cách mạng từ năm 15-16 tuổi, đã vượt qua rất nhiều khó khăn, gian khổ mới được như bây giờ, vì vậy tôi phải tự lập, vượt mọi trở ngại để trưởng thành. Chiến tranh biên giới xảy ra, là đơn vị cơ động nên trong một năm, chúng tôi phải hành quân chuyển qua ba bốn huyện, đi bộ hàng trăm cây số, vài lần nổ súng đánh địch.

Mãi đến tháng 6/1979, trong lần ông được cử làm đại diện Bộ Công an cùng đại diện Bộ Quốc phòng trao trả tù binh ở biên giới, được ông gọi lên gặp, hai cha con ôm nhau mừng mừng, tủi tủi. Tưởng được tâm sự với ông cho đỡ nhớ, đến giờ ăn, ông gọi tôi ra nói: Ba ăn với đoàn công tác, con tự lo hoặc về đơn vị ăn sau. Biết chuyện hai bố con một binh nhì, một Thiếu tướng gặp nhau tại biên giới, cánh phóng viên đề nghị viết về hai cha con, ba tôi không đồng ý và nói: Nhiều đồng chí lãnh đạo cấp còn cao hơn tôi, có con hy sinh trong chiến trường, mình có gì mà viết.

Ba tôi mất, để lại tài sản duy nhất là căn hộ ở phố Yên Phụ (Hà Nội), ông đã chia cho 11 người con. Nay ba mẹ tôi không còn nữa, nhưng anh em tôi vẫn sống chung trong một nhà, thương yêu đùm bọc nhau, cùng thờ phụng ba mẹ không hề có sự phân biệt nào.

Sinh thời, ông rất ít khi nói về mình, tất cả những gì chúng tôi biết về ông hầu như đều do bạn bè ông, mỗi dịp gặp nhau họ thường kể những kỷ niệm về một thời để nhớ. Những người cựu chiến binh ấy nay tuổi đã cao, nhiều người đã ra đi, số còn lại chỉ còn đếm trên đầu ngón tay, đó là điều thiệt thòi của gia đình tôi khi nói về ông. "Quân số" gia đình tôi có thời kỳ hơn một tiểu đội thì 6 người (3 anh em trai, 2 chị em gái và ba tôi) đều trong lực lượng CAND, trừ chị Hà Loan năm 1980 chuyển ngành sang Ngoại thương, anh Hà Tiến năm 1983 xuất ngũ vì lý do sức khỏe.

Cho đến nay, gia đình tôi không kể con dâu, con rể, có 3 anh em là tôi, nhà báo Hà Tuấn và chị Hà Thúy (nay là Thượng tá, Phó trưởng phòng, công tác tại Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật), đều là cán bộ, sỹ quan cao cấp trong lực lượng CAND.

Anh em tôi thường nhắc nhau phải cố gắng làm vui lòng ba mẹ. Song, có lẽ lúc nào ông cũng cảm thấy chúng tôi không làm ông toại nguyện, ông muốn anh em tôi phải mạnh mẽ hơn, năng động hơn để góp sức mình vào sự nghiệp chung của những người đứng trên mặt trận an ninh đầy cam go đòi hỏi sự hy sinh. Đó là điều anh em tôi luôn phải phấn đấu để làm thỏa mãn hoài bão của ông.

Đại tá, nhà báo Hà Tuấn: Không dựa vào bóng của cha

Ba tôi là một người điềm đạm, sống tình cảm và xử lý vấn đề nhạy cảm trong cuộc sống rất tinh tế, cả đời ông luôn hướng về đồng đội.

Ông nói với chúng tôi rằng: Có được như hôm nay, ngoài sự nỗ lực của cá nhân mình là sự hy sinh của bao nhiêu đồng chí, đồng đội và sự hết lòng giúp đỡ của nhân dân. Phải tự lập, đừng dựa vào cái bóng của ba, các con không bao giờ được quên điều đó.

.
.