Khẩn trương ứng phó với bão số 6
* Công an các đơn vị, địa phương tiếp tục triển khai phương án chống bão.
Là địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão số 6 với thủy triều trong 2 ngày 7, 8/8 lên rất cao từ 3-4m, ngay từ chiều 8/8, Công an tỉnh Thái Bình đã có công điện khẩn yêu cầu các đơn vị ứng trực 100% quân số từ 6h sáng 7/8. Tất cả các cuộc họp đều hoãn để tập trung phương tiện và người chống bão. Các lực lượng xung kích của Công an tỉnh Thái Bình gồm các Đại đội PCLB-TKCN, CSCĐ, CS113 và Đại đội cứu hộ - cứu nạn của lực lượng PCCC với trên 600 CBCS đã được tăng cường nhiều phương tiện, trang bị cùng trên 60 xe cơ giới tập kết sẵn sàng làm nhiệm vụ khi có yêu cầu.
Riêng Công an huyện Thái Thụy đã bố trí 1 trung đội cơ động chốt tại điểm xung yếu nhất của huyện là xã Thái Thượng cùng các lực lượng quân đội bảo vệ tuyến đê biển. Thực hiện lệnh cấm biển, sáng 7/8, Công an các huyện Tiền Hải, Kiến Xương, Thái Thụy phối hợp với BĐBP kiểm đếm, kêu gọi trên 30.000 (100%) phương tiện của tỉnh đang còn trên biển vào nơi trú tránh an toàn.
Cũng từ sáng 7/8, 2 giờ một lần, Công an các đơn vị phải báo cáo tình hình về công tác chống bão với Giám đốc Công an tỉnh. Cùng với đó, Công an 7 huyện và thành phố triển khai ngay các phương án đảm bảo ANTT tại các địa bàn trọng điểm, các mục tiêu quan trọng, đê, kè, cống; tuần tra, chốt điểm phòng chống địch và tội phạm lợi dụng mưa bão để phá hoại, trộm cắp.
Tại TP Hải Phòng, tới 14h 7/8, 100% các phương tiện tàu, thuyền trên biển đã được các lực lượng Công an, Biên phòng thông báo khẩn về nơi trú tránh tại đảo Bạch Long Vĩ, quần đảo Cát Bà, quận Đồ Sơn và các huyện Kiến Thụy, Thủy Nguyên. Trong đó, Công an huyện đảo Bạch Long Vĩ đã thực hiện di dời hàng chục hộ dân ở khu 32 gian làng cá (ven biển) vào khu vực an toàn. Công an huyện Kiến Thụy cũng đã tổ chức sơ tán 80 hộ (115 người) nuôi ngao ở ngoài đê quốc gia xong trước 12h cùng ngày 7/8.
Công an quận Đồ Sơn và Trung Đoàn 50, Bộ CHQS TP Hải Phòng gia cố bờ kè tại khu du lịch Đồ Sơn. |
Xác định mưa to kết hợp triều cường là yếu tố nguy hiểm nhất của cơn bão số 6, Công an huyện Cát Hải thực hiện phương án “4 tại chỗ” tổ chức di dân từ những khu vực trũng, đê yếu lên các khu đất cao. Bộ chỉ huy BĐBD Hải Phòng cũng đã điều tàu CN09 ra ứng trực tại vùng biển Cát Bà từ sáng 7/8.
Ngoài ra, Công an các quận Đồ Sơn, Kiến An cùng Công an các huyện Thủy Nguyên, An Lão phối hợp với chính quyền địa phương, kiểm tra, rà soát nguy cơ sạt lở đất đá tại các khu vực dân cư dưới chân núi, chân các mỏ đá, đưa các hộ gia đình ra khỏi nơi nguy hiểm.
Tính đến 17h cùng ngày, toàn thành phố Hải Phòng đã huy động gần 37.000 người tham gia phòng chống bão, lụt, hộ đê và khắc phục hậu quả sau bão.
Tại Quảng Ninh, từ tối 6 đến sáng sớm 7/8, Bộ đội Biên phòng, Công an tỉnh phối hợp với các cấp, ngành đã phổ biến và giám sát chặt chẽ lệnh cấm tàu thuyền trên vùng biển Quảng Ninh không được ra khơi.
Đến 9h sáng cùng ngày, toàn bộ 10.579 phương tiện tàu, thuyền lắp máy hoạt động khai thác thuỷ sản trong toàn tỉnh đã về nơi neo đậu, tránh trú bão an toàn trong các vụng, vịnh, đảo, bến cá, các bến sông và khu neo đậu tàu, thuyền của 12 huyện, thị xã trong tỉnh Quảng Ninh và Cát Bà, Đồ Sơn (Hải Phòng).
Riêng lực lượng Công an, ngoài việc làm tốt công tác tham mưu cho chính quyền giải quyết những vấn đề cần kíp nhằm đảm bảo ATTTXH trước, trong và sau mưa bão số 6 còn thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Bộ Công an về đối phó với bão số 6.
Đến 13h trưa 7/8, tất cả Công an các đơn vị, địa phương đã quán triệt và triển khai đầy đủ những công việc theo chỉ đạo của Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ninh như: Kế hoạch, phương án phòng chống bão, lũ, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông; sẵn sàng lực lượng, phương tiện tham gia sơ tán dân và triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu. Tổ chức trực ban 24/24 giờ, thường xuyên theo dõi diễn biến của áp thấp trên các phương tiện thông tin đại chúng và trên trang web riêng của Bộ Công an tại địa chỉ: http://pttt-bca.gov.vn để chủ động phòng tránh.
Công an tỉnh cũng đã bố trí đủ cơ số về nhân sự, phương tiện cứu hộ, cứu nạn gồm trên 300 CBCS, bố trí và huy động hàng chục tàu thuyền, phương tiện, công cụ... luôn trong tư thế sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu. Tại thời điểm 16h ngày 7/8, ảnh hưởng của bão số 6 đã khiến một số địa phương như: Cẩm Phả, Quảng Yên, Đông Triều, Cô Tô đã có mưa vừa và mưa to, gió cấp 2, 3. Riêng tại TP Hạ Long đã có mưa rất lớn, gió cấp 3, 4, giật trên cấp 4.
Tàu bè về nơi trú bão an toàn tại Đồ Sơn, Hải Phòng. |
Để chủ động phòng, chống, Công an tỉnh Nam Định đã tham mưu cho UBND tỉnh thành lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra công tác phòng, chống bão của các địa phương, nhất là khu vực đê, kè, cống xung yếu ở các huyện ven biển như Nghĩa Hưng, Giao Thủy, Hải Hậu; thông tin cho các tàu thuyền trên biển về nơi trú ẩn an toàn, nghiêm cấm các tàu thuyền ra khơi. Ban chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh đã kêu gọi 100 % tàu thuyền đang đánh bắt thủy hải sản trên vùng biển chịu ảnh hưởng cơn bão số 6 vào bờ neo đậu, tránh trú bão.
Công an các huyện, thành phố đã triển khai kế hoạch của Giám đốc Công an tỉnh Nam Định, thực hiện ứng trực 100% quân số, huy động các mũi xung kích tập trung xuống các địa điểm xung yếu, phối hợp với Công an các huyện, chính quyền địa phương khẩn trương giúp dân chằng, chống nhà cửa; đảm bảo an ninh, trật tự, đảm bảo an toàn về tài sản và tính mạng cho nhân dân trong các khu vực có nguy cơ xảy ra ngập lụt và sạt lở cao. Có kế hoạch đảm bảo hậu cần, đặc biệt là lương thực, thực phẩm và nước uống cho dân sơ tán, bảo vệ an ninh, trật tự cho người dân ở cả nơi đi và nơi đến... đảm bảo hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản khi bão đổ bộ vào Nam Định.
Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa đã ra mệnh lệnh đêm 7/8 thường trực 100% quân số các đơn vị Công an trong tỉnh để phòng, chống cơn bão số 6 dự kiến sẽ đổ bộ vào Thanh Hóa; sẵn sàng tham gia phòng chống bão khi có yêu cầu. Đồng thời, chủ động bảo vệ an toàn tài sản, hồ sơ, tài liệu, đảm bảo ANTT, bảo vệ các công trình mục tiêu trọng điểm, các hồ, đập trên địa bàn…
Giám đốc Công an tỉnh cũng yêu cầu Công an các huyện, thị xã ven biển phối hợp với lực lượng Bộ đội Biên phòng và chính quyền cơ sở kêu gọi tầu thuyền và nhân dân vào bờ tránh, trú bão an toàn. Tại các huyện miền núi, lực lượng Công an đã có phương án sơ tán, di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm, có nguy cơ sạt lở đất, vùng lũ quét.
Tích cực, chủ động phòng, chống bão số 6, Giám đốc Công an tỉnh Ninh Bình đã có Điện chỉ đạo các đơn vị, địa phương trực 100% quân số từ 19h ngày 7/8 để sẵn sàng ứng phó với các tình huống khẩn cấp, không để thiệt hại về người và tài sản; Chủ động ứng phó với bão lũ theo phương châm “4 tại chỗ”, dự trữ lương thực, nước uống, thuốc men, nhu yếu phẩm cần thiết, đặc biệt tại những nơi dễ bị chia cắt cô lập; triển khai chằng, chống nhà cửa, kho tàng, chuyển tài liệu hồ sơ vào nơi an toàn; đảm bảo thông tin, liên lạc; tổ chức bảo vệ tuyệt đối an toàn trại tạm giam, nhà tạm giữ.
Ban Giám đốc Công an tỉnh và ủy viên Ban Chỉ huy PCLB Công an tỉnh trực tiếp xuống địa bàn, đơn vị được phân công phụ trách để kiểm tra, chỉ đạo công tác PCLB&TKCN, thực hiện các nhiệm vụ được phân công. Tại Kim Sơn, Công an phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tổ chức rà soát, nắm danh sách số phương tiện, ngư dân đang hoạt động trên vùng biển nguy hiểm, phối hợp với Đồn Biên phòng 104 kêu gọi, hướng dẫn ngư dân về nơi trú, tránh bão an toàn, ngăn chặn không cho tàu thuyền ra khơi, đưa toàn bộ số dân ở khu vực đê Bình Minh II về nơi an toàn.
Ở huyện Nho Quan, Gia Viễn, lực lượng Công an tăng cường phối hợp với địa phương có phương án bảo vệ công trình đê, kè, cống xung yếu, đảm bảo ANTT và di dời dân đến nơi an toàn khi có lũ.
Cảnh sát giao thông đường bộ, đường thuỷ đã triển khai phương án đảm bảo an toàn giao thông, bố trí lực lượng hướng dẫn, phân luồng, cấm người đi qua các đường bị ngập sâu, bến đò, các nơi nguy hiểm khi bão, lũ xảy ra…