Khai mở vụ án từ giám định kỹ thuật hình sự

Thứ Năm, 23/08/2012, 20:16
Ngày 23/8/2012, lực lượng kỹ thuật hình sự (KTHS) tổ chức kỷ niệm 55 năm Ngày truyền thống (23/8/1957 - 23/8/2012). Là một trong những bộ phận cấu thành quan trọng của khoa học hình sự, KTHS có nhiệm vụ nghiên cứu, ứng dụng những thành tựu của khoa học, kỹ thuật và công nghệ - đặc biệt là khoa học tự nhiên và kỹ thuật - vào việc đưa ra hệ thống luận thuyết khoa học và các phương pháp phát hiện, thu thập, bảo quản và nghiên cứu, giám định dấu vết hình sự và vật chứng; xác lập chứng cứ, phục vụ công tác điều tra, xử lý tội phạm và các vi phạm pháp luật khác.

Khám nghiệm hiện trường, truy tìm dấu vết biết nói

100% các vụ án đặc biệt nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc có tính chất phức tạp như: hiện trường án giết người, cướp tài sản, trộm cắp với số lượng tài sản lớn, án hiếp dâm, tự sát hoặc các hiện trường có người chết chưa rõ nguyên nhân, hiện trường tai nạn giao thông nghiêm trọng, cháy nổ... đều phải tổ chức khám nghiệm hiện trường (KNHT) và hầu hết đều thu được dấu vết, vật chứng có giá trị làm rõ vụ việc hoặc truy nguyên tội phạm. Số dấu vết đủ yếu tố giám định ngày càng tăng, các loại vi vết, dấu vết ẩn được khai thác triệt để phục vụ cho công tác truy tìm thủ phạm.

Nhiều vụ án, qua công tác KNHT đã định hướng cho cơ quan điều tra truy bắt nhanh được đối tượng gây án theo dấu vết nóng hoặc xác định chính xác thủ phạm như: vụ cháy Trung tâm thương mại quốc tế TP Hồ Chí Minh (ITC) năm 2002 làm 60 người chết; vụ tên Lã Xuân Trường hiếp, giết chị Hoàng Thị Trinh rồi đốt xác phi tang, xảy ra ở Phú Xuyên, Hà Tây (2003); vụ Hoàng Văn Xuân giết 3 người trong gia đình ông Nguyễn Đức Tường để cướp tài sản ở Bình Dương (2004); vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng xảy ra ngày 21/4/2005, tại đèo Lò Xo thuộc huyện Đắk Glei, tỉnh Kon Tum làm 31 người chết, 2 người bị thương; vụ sập trụ dẫn cầu Cần Thơ (2007); vụ tên Lê Văn Luyện giết 3 người và chém trọng thương 1 cháu bé, xảy ra tại tiệm vàng Ngọc Bích (Lục Nam, Bắc Giang - 2011)...  Từ những dấu vết thu được qua công tác KNHT, lực lượng KTHS đã cung cấp cho cơ quan điều tra những thông tin chính xác, truy tìm thủ phạm kịp thời, góp phần giải quyết tốt vụ việc.

Tỷ lệ các vụ án hình sự và các vi phạm pháp luật khác được KNHT tăng lên qua từng năm (năm 1994: 6.006 vụ, năm 1995: 7.440 vụ; năm 2005 là 31.595 vụ, năm 2006: 32.817 vụ và đến năm 2010: 52.488 vụ; 2011: 57.802 vụ).

Cán bộ kỹ thuật hình sự khám nghiệm vụ cháy, đắm tàu Nhật Thuần tại vùng biển Vũng Tàu (2010).

Giám định kỹ thuật hình sự và pháp y: Dựng tiếng nói của tử thi

Giám định kỹ thuật hình sự (KTHS) là lĩnh vực giám định phục vụ yêu cầu của cả tố tụng hình sự, tố tụng dân sự và tố tụng hành chính. Đây là nét đặc thù về đối tượng phục vụ của giám định KTHS. Trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử tội phạm hoặc điều tra xử lý các hành vi vi phạm pháp luật khác, giám định KTHS và pháp y là một giai đoạn quan trọng trong quá trình xác lập chứng cứ. Với tính khoa học cao qua việc áp dụng các phương pháp tiên tiến và sử dụng các thiết bị hiện đại, kết luận giám định KTHS và pháp y luôn là nguồn chứng cứ vật chất quan trọng.

Trong những năm cuối thập kỷ 90, thế kỷ XX, Viện KHHS đã triển khai được 2 lĩnh vực giám định mới là giám định gen và giám định âm thanh góp phần nâng cao hơn rất nhiều năng lực giám định của lực lượng KTHS, giúp cho công tác điều tra, truy tố, xét xử tội phạm cũng như xử lý các vụ việc dân sự, vụ án hành chính... chính xác, kịp thời. Nhờ sự trợ giúp của các phương tiện, thiết bị hiện đại, nhiều yêu cầu mà trước đây cơ quan giám định phải từ chối hoặc chỉ có thể kết luận khả năng do không đủ phương tiện kỹ thuật, thì đến nay, tỷ lệ các kết luận khẳng định trong giám định KTHS đã tăng lên rất nhiều. Thời gian giám định đã được rút ngắn đáng kể. Nếu những năm đầu thập kỷ 90, thế kỷ XX, mỗi năm lực lượng KTHS tiến hành giám định gần 40.000 vụ/năm thì 10 năm sau, số vụ việc yêu cầu giám định đã tăng lên rất nhiều (năm 2011 là 76.342 vụ).

Trong nhiều vụ án, kết quả giám định KTHS là chứng cứ duy nhất giúp cho cơ quan điều tra khẳng định tội phạm hoặc kết luận chính xác nguyên nhân sự việc xảy ra. Vụ chị Lương Hồng Vân bị hiếp, giết tại Tân Trụ, Long An (2000), qua giám định dấu vết tinh trùng thu được trong chỗ kín nạn nhân đã khẳng định tên Lê Phát Niên chính là thủ phạm của vụ án; vụ tên Doan Christofer giết ông Diem Peter (cả hai đều mang quốc tịch Anh) tại Huế năm 2003, xảy ra vào những ngày giáp Tết Nguyên đán, lại có nhân tố nước ngoài. Sau gần 1 tuần liên tục chiến đấu đã xác định chính xác thủ phạm. Mặc dù tên Doan Christofer đã cố tình xoá dấu vết, phi tang vật chứng và tạo ra các chứng cứ ngoại phạm hết sức tinh vi, nhưng trước những chứng cứ khách quan, khoa học của giám định KTHS, tên Doan Christofer đã phải cúi đầu nhận tội.

Kỹ thuật phòng ngừa tội phạm

Kỹ thuật phòng chống tội phạm (KTPCTP) là một trong các biện pháp nghiệp vụ quan trọng của công tác KTHS. Trong những năm qua, lực lượng KTHS trong cả nước đã tham gia triển khai phòng ngừa tội phạm bằng biện pháp kỹ thuật và tham gia điều tra phá án bằng phương tiện kỹ thuật hàng ngàn vụ việc. Trong nhiều vụ án, công tác này phát huy tốt hiệu quả như: các chuyên án bắt quả tang đối tượng phạm tội về ma tuý, chống đua xe trái phép, cắt trộm cáp thông tin, cáp điện lực, đưa và nhận hối lộ, tống tiền...

Điển hình như: vụ tên Nguyễn Văn Hùng, 11 lần cắt trộm cáp điện thoại trên cánh đồng xã Văn Phú, Thường Tín, Hà Tây (1999); vụ tên Nguyễn Kim Bình gây ra 15 vụ cắt trộm cáp điện thoại trên cánh đồng xã Kim Bài, Thanh Oai, Hà Tây (2000); hay những vụ chặt phá đường dây thông tin liên lạc xảy tại Thanh Hà, Hải Dương (chỉ trong 2 năm 2001 và 2002 bọn tội phạm đã gây ra trên 20 vụ). Ngoài trực tiếp tham gia công tác điều tra, phá án, KTPCTP còn nghiên cứu, lắp đặt hàng ngàn hệ thống bảo vệ các cơ sở kinh tế, xã hội quan trọng phòng ngừa tội phạm, chế tạo các thiết bị bảo vệ công tơ điện chống thất thoát điện năng, chống làm giả giấy tờ có giá trị, phát hiện và chống trộm cắp xe máy.

Trải qua 55 năm xây dựng và phát triển, đội ngũ cán bộ làm công tác KTHS ngày càng lớn mạnh, tiếp thu những thành tựu của KTHS thế giới, ứng dụng có hiệu quả vào thực tiễn điều tra tội phạm ở Việt Nam. Là một bộ phận trong hệ thống giám định tư pháp của Nhà nước, lực lượng KTHS cần phải đổi mới và nâng cao hiệu quả trong giám định KTHS và pháp y, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Trước mắt, tổ chức thực hiện có hiệu quả Đề án "Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp" được phê duyệt theo Quyết định số 258/QĐ-TTg ngày 11/2/2010 của Thủ tướng Chính phủ theo Kế hoạch triển khai của Bộ. Trong đó trọng tâm là triển khai thực hiện Đề án "Hiện đại hóa công tác Kỹ thuật hình sự" đến năm 2016 khi được lãnh đạo Bộ phê duyệt; hoàn chỉnh việc đề xuất quy mô phát triển lực lượng KTHS và pháp y Công an phù hợp với điều kiện hiện nay, vừa có tính mở để phát triển trong tương lai.

Phòng Kỹ thuật hình sự, Công an TP Hà Nội: Giám định hơn 130 nghìn vụ việc phục vụ công tác đấu tranh, làm rõ đối tượng phạm tội

Ngày 22/8, Công an TP Hà Nội đã tổ chức kỷ niệm 55 năm Ngày Truyền thống của lực lượng Kỹ thuật hình sự (KTHS). Qua 55 năm vừa trực tiếp chiến đấu, phục vụ chiến đấu, xây dựng lực lượng, các thế hệ cán bộ KTHS của Công an TP Hà Nội ngày một trưởng thành, đội ngũ cán bộ được đào tạo cơ bản về nghiệp vụ, có trình độ chuyên môn cao, phẩm chất đạo đức tốt, các phương tiện kỹ thuật được trang bị ngày một hiện đại. Tổng kết công tác giám định kỹ thuật hình sự - pháp y (từ 1981-2012), Phòng KTHS Hà Nội đã giám định 134.769 vụ việc, kết luận hơn 1 triệu yêu cầu, trong đó kết luận đúng chữ viết của đối tượng 195 vụ thư nặc danh, giám định kết luận trên 360 vụ tiền giả, kết luận chính xác chữ viết, chữ ký của đối tượng trong 620 vụ án kinh tế có giá trị lên tới trên 300 tỷ đồng; phát hiện 30.000 hóa đơn tài chính giả; hơn 600 giấy hải quan ôtô, xe máy giả; kết luận đúng dấu vết tay, chân thủ phạm của 467 vụ giết người, trộm cắp tài sản… Kết quả công tác giám định đã làm rõ nguyên nhân chết người, tính chất nhiều vụ án nghiêm trọng, phức tạp, phục vụ hiệu quả công tác đấu tranh, xử lí tội phạm. Đặc biệt, CBCS Phòng KTHS Hà Nội đã phối hợp với các cơ quan ngoài ngành nghiên cứu, cải tiến ứng dụng các phương tiện, thiết bị kỹ thuật áp dụng vào các chuyên án đấu tranh phòng chống tội phạm như: nghiên cứu sản xuất quả nổ đánh dấu, đạn bắn hóa chất đánh dấu bắt đối tượng đi xe máy cướp tài sản, trộm cắp, phục vụ công tác chống đua xe trái phép; nghiên cứu lắp đặt các thiết bị báo động chống trộm cướp cho hàng trăm cơ sở kinh doanh vàng bạc, máy rút tiền tự động… Nhờ những thành tích xuất sắc, lực lượng KTHS, Công an TP Hà Nội được Nhà nước tuyên dương danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”; được tặng thưởng 2 Huân chương Chiến công, 5 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ…

P. Thủy

N.T.Q.
.
.