Hướng phạm nhân về nẻo

Thứ Hai, 12/11/2012, 08:33
Từ năm 2002 đến nay, qua điều tra khảo sát trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp có gần 6.000 người chấp hành xong án phạt tù về cư trú tại địa phương. Hơn 80% người hoàn lương đều đã có việc làm ổn định. Có thể nói đó là kết quả tổng hợp của nhiều lực lượng, nhiều biện pháp nhưng trước hết phải kể đến đóng góp quan trọng nhất của lực lượng Cảnh sát trại giam trong quản lý, giáo dục phạm nhân cải tạo tốt để trở thành người lương thiện tái hòa nhập cộng đồng.

Có mặt trong một buổi sáng lao động của tổ may bóng (quả bóng đá) của Phân trại 1 Trại tạm giam Công an tỉnh, chứng kiến cảnh lao động của can phạm nhân, chúng tôi mới thấy rõ tình cảm giữa cán bộ quản giáo và những người đang chấp hành án phạt tù nơi đây. Cán bộ quản giáo vừa nghiêm khắc trong quản lý công việc và cũng vừa gần gũi, quan tâm trong sinh hoạt hằng ngày. Các anh luôn thăm hỏi sức khỏe và động viên can phạm nhân chấp hành tốt quy định của trại.

Phạm nhân Nguyễn Vũ Linh vui vẻ trả lời khi chúng tôi hỏi về thái độ đối xử của cán bộ quản giáo đối với phạm nhân: “Đối với anh chị em ở đây thì cán bộ luôn có nhận xét trước khi mà đưa ra lao động, thì những anh chị em nào có sức khỏe tốt thì làm những công việc nặng nhọc hơn, cán bộ bố trí công việc luôn phù hợp với trình độ và tính cách của mỗi người, nam thì làm việc nặng, nữ thì làm việc nhẹ, ngoài những giờ lao động ra cán bộ luôn bố trí giờ để cho anh chị em vui chơi giải trí, học tập và phổ biến các kiến thức pháp luật”.

Hướng dẫn tăng gia sản xuất, cải thiện bữa ăn trong Trại tạm giam.

Đáp lại những tình cảm đó, những người chấp hành án nơi đây đã thể hiện rất tốt lòng kính trọng đối với những người quản lý và với công việc được giao. Người cũ chỉ bảo công việc cho người mới. Người làm quen tay thì chỉ tiêu công việc được nâng lên vừa sức của mình. Nhìn những nụ cười tươi của phạm nhân trong buổi lao động, chúng tôi hiểu phần nào sự thoải mái trong tư tưởng của những người chấp hành án nơi đây.

Chúng tôi đến vườn rau của các phạm nhân đang trồng gần khu vực may bóng. Nhìn những líp rau xanh mướt mắt, mọc ngay ngắn thẳng tắp trông thật đẹp. Ở đây trồng rau đều không dùng hóa chất và phân bón hóa học, vì vậy công sức bỏ ra là chủ yếu. Các cán bộ quản giáo vừa theo dõi công việc, vừa chuyện trò tâm sự với phạm nhân về chuyện đời tư của họ.

Được biết, nhiệm vụ của cán bộ quản giáo là giúp cho người chấp hành án hiểu được những quy định của pháp luật và cách xử sự trong đời sống hằng ngày, tức là hiểu và phân biệt được việc lương thiện và tội ác, cái đúng và cái sai, cái tốt và cái xấu. Vì vậy, công việc của người quản giáo rất nặng nề, bởi ngoài các quy định thì các anh cũng chính là những tấm gương sáng để phạm nhân noi theo tự sửa chữa mình.

Thiếu tá Đỗ Văn Hải - Phó Phân trại trưởng Phân trại Quản lý phạm nhân, tâm sự: “Là một cán bộ quản giáo thì chúng tôi cũng thường xuyên tiếp xúc với nhiều phạm nhân, nhiều hoàn cảnh gia đình khác nhau, nhiều bối cảnh gia đình, quan hệ, mối quan hệ khác nhau cho nên cũng rất là đa dạng phức tạp. Và chúng tôi thì theo tâm niệm làm cán bộ quản giáo phải có tâm, có lòng. Những cái gì trong khả năng của mình giúp đỡ được trong khuôn khổ quy định thì chúng tôi sẵn sàng giúp đỡ, ngoài khả năng thì chúng tôi trình báo Ban giám thị”.

Chúng tôi được gặp gỡ Thượng tá Nguyễn Văn Tuấn, Phó Giám thị Trại tạm giam Công an tỉnh Đồng Tháp tại phòng làm việc. Tuy thời gian tiếp xúc ngắn, nhưng câu chuyện về cải tạo phạm nhân mà chúng tôi nghe thật phức tạp. Ngoài việc giáo dục, chế độ ăn uống, đảm bảo sức khỏe, giải trí, rèn luyện,… thì công tác quản lý cũng thật khó khăn.

Thượng tá Nguyễn Văn Tuấn cho biết: “Quan điểm chỉ đạo của chúng tôi là phải quản lý can phạm nhân chặt chẽ. Chặt chẽ có nghĩa là chúng tôi phải áp dụng tất cả các biện pháp nghiệp vụ để làm như thế nào ngăn chặn bài trừ những hành vi mà can phạm nhân có thể mà chống phá, trốn trại hoặc chống lại cán bộ làm nhiệm vụ hoặc những trường hợp tự tử hay tiếp tục gây án trong Trại tạm giam. Ngoài ra, quản lý chặt chẽ còn thể hiện ở chỗ là chúng tôi phải nắm cho được từng can phạm, từng bị can, bị cáo, từng phạm nhân rõ về hoàn cảnh gia đình, lý lịch, về tư tưởng để nhằm giáo dục kịp thời”.

Để quản lý chặt chẽ can phạm phân, từ ngày đến đêm cán bộ chiến sĩ Trại tạm giam phải thực hiện chế độ tuần tra, gác chốt. Chúng tôi đã cùng các chiến sĩ đi tuần tra đêm khoảng 1 giờ. Công việc tưởng chừng như đơn giản nhưng có những vất vả mà chỉ người trong cuộc mới hiểu được. Không ai bảo ai nhưng nhìn từng đôi mắt hằn sâu ngời sáng trong đêm của các chiến sĩ Cảnh sát Trại tạm giam chúng tôi cũng hiểu phần nào những vất vả mà các anh từng nếm trải. Có những đêm mưa, giá rét nào các anh chưa từng chịu, có những đêm nào phạm nhân quyết tâm vượt ngục mà các anh không thức trắng. Để những phạm nhân vượt ngục tức là họ đã phạm thêm một tội mới và hình phạt dành cho những phạm nhân này sẽ cao hơn.

Vì vậy, để giúp phạm nhân yên tâm chấp hành án và cải tạo tốt, từng cán bộ chiến sĩ Trại tạm giam phải luôn quyết tâm đảm bảo yên bình bên trong Trại và khu vực dân cư sinh sống xung quanh

V.Vĩnh - L.Hiếu
.
.