Hiệu quả từ mô hình “kết nối Zalo, phòng chống tội phạm”

Thứ Bảy, 02/05/2020, 07:20
Nắm bắt được xu hướng phát triển, sức lan tỏa mạnh mẽ của mạng xã hội, đầu năm 2020, Công an tỉnh Đắk Lắk đã thiết lập, tổ chức tiếp nhận thông tin tố giác tội phạm, phổ biến các thủ đoạn tội phạm, biện pháp phòng, tránh qua các trang, nhóm mạng xã hội phổ biến như Facebook, Zalo... kết quả bước đầu đã mang lại nhiều hiệu quả rõ nét, gợi mở cách thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật hữu ích…


Huyện Cư Mgar, tỉnh Đắk Lắk là địa bàn giáp ranh với 7 huyện, thị xã và thành phố. Chính từ địa bàn rộng, trải dài nên các đối tượng phạm pháp hình sự đã lợi dụng để hoạt động phạm tội liên tuyến, liên địa bàn, gây khó khăn trong công tác phòng ngừa, đấu tranh, xử lý. Trước thực tế đó, đầu năm 2020, Công an huyện đã chủ động tham mưu cho lãnh đạo Công an tỉnh cho phép địa phương triển khai mô hình “Kết nối Facebook, Zalo an ninh - Bình yên cho mỗi gia đình”.

Cán bộ công an Phường hướng dẫn người dân sử dụng mạng Zalo.

Qua đó, Công an huyện đã thiết lập 6 tài khoản Zalo Official Account, gồm: “Công an huyện Cư Mgar”, “Đội Cảnh sát giao thông - Trật tự Công an huyện”, “Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội và Đội Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ - Công an huyện”, “Công an thị trấn Quảng Phú” và “Công an thị trấn Ea Pốk” để tuyên truyền, phổ biến các thủ tục hành chính cho nhân dân; thông báo và chia sẻ những phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm; lập đường dây nóng, hộp thư tố giác tội phạm thông qua truy cập trực tiếp trên trang Zalo Page…

Sau một thời gian triển khai, mô hình này đã mang lại hiệu quả thiết thực trong công tác bảo đảm ANTT tại địa phương, phát huy tinh thần tự giác cùng tham gia tố giác tội phạm của người dân trên địa bàn. Đặc biệt, thông qua các trang Zalo này, Công an huyện Cư Mgar đã tiếp nhận được nhiều tin báo tố giác tội phạm, phát hiện hành vi vi phạm pháp luật, thông báo về TNGT…, từ đó kịp thời điều tra, xử lý.

Điển hình như vào ngày 25-3, từ tin báo của người dân thông qua trang Zalo, Công an huyện đã kịp thời vào cuộc xử lý một cô gái ở xã Cư Suê bịa đặt thông tin về dịch bệnh COVID-19 để “câu like” trên mạng xã hội...

Trao đổi với PV Báo CAND, Thượng tá Trần Bình Hưng, Trưởng Công an huyện Cư Mgar cho biết, đến nay, 17/17 Công an xã, thị trấn và 1 UBND xã trên địa bàn đã xây dựng trang Zalo Official Account, được xác thực và đi vào hoạt động. Các cơ quan, đơn vị đã đăng tải hơn 550 bài viết liên quan tới công tác bảo đảm ANTT trên địa bàn, thu hút hơn 19.586 lượt xem.

Qua đó, lực lượng Công an đã phổ biến những thủ đoạn tội phạm, biện pháp phòng, chống; đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về tình hình tội phạm và các khuyến cáo cho người dân. “Việc ứng dụng mạng xã hội để tuyên truyền phòng chống tội phạm bước đầu đã mang lại nhiều kết quả thiết thực.

Quan trọng nhất là người dân có thêm một kênh để tiếp cận kiến phức pháp luật, nâng cao ý thức tự quản, phòng ngừa, đấu tranh ngăn ngừa tội phạm nên cũng tích cực tham gia tố giác, phản ánh các hành vi vi phạm pháp luật. Đến nay, tình hình phạm pháp hình sự trên địa bàn được kéo giảm rõ rệt, góp phần ổn định ANTT tại địa phương”, Thượng tá Hưng thông tin thêm.

Đại tá Lê Văn Tuyến, Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết, hiện nay, trong xu hướng phát triển của khoa học công nghệ, công tác đảm bảo ANTT trên không gian mạng là một yêu cầu cấp bách, đặc biệt phải coi trọng. Qua thực tiễn đấu tranh với tội phạm trên địa bàn và lợi ích mang lại từ việc sử dụng mạng xã hội của các đơn vị, đầu năm 2020, Công an tỉnh chỉ đạo triển khai thí điểm phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ trên không gian mạng.

“Thay vì tổ chức tuyên truyền miệng trực tiếp, mất thời gian thì các văn bản sẽ được đăng tải trên các trang, các nhóm Zalo này. Từ việc đăng ký lưu trú, hộ khẩu… cho đến hướng dẫn các thủ tục khác, để người dân tiếp cận và không phải đến các trụ sở cơ quan Công an. Đồng thời, giữa Công an cơ sở sẽ thường xuyên tương tác với người dân, với quần chúng hơn, qua đó sẽ được người dân cung cấp thông tin liên quan đến ANTT trên địa bàn nhằm xử lý kịp thời”, Đại tá Tuyến nói.

Cũng theo Đại tá Tuyến, việc triển khai thí điểm mô hình “Kết nối Zalo an ninh - Bình yên cho mỗi gia đình” của Công an tỉnh Đắk Lắk sẽ được chia làm 2 giai đoạn. “Ở giai đoạn 1 (từ tháng 3-2020 đến hết tháng 5-2020), Công an tỉnh sẽ thiết lập, sử dụng trang Facebook được xác thực “Công an tỉnh Đắk Lắk”; thí điểm thiết lập tài khoản Zalo Official Account được xác thực cho 17 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Cư Mgar và Công an 21 xã, phường trên địa bàn TP Buôn Ma Thuột; tổ chức đồng loạt các nhóm Zalo Group do Cảnh sát khu vực, Công an xã chính quy quản lý để trao đổi tương tác với người dân trên địa bàn, kết nối với cán bộ các thôn, buôn, tổ dân phố, các ban ngành đoàn thể tại địa phương…

Giai đoạn 2, trên cơ sở tổ chức sơ kết, đánh giá rút kinh nghiệm, chấn chỉnh khắc phục những tồn tại hạn chế, Công an tỉnh Đắk Lắk sẽ đồng loạt tổ chức phát động phong trào trên tất cả 184 xã, phường, thị trấn toàn tỉnh từ 1-6 tới và sẽ duy trì hoạt động thường xuyên”, Đại tá Tuyến thông tin thêm. Việc áp dụng hình thức tuyên truyền, phòng, chống các loại tội phạm thông qua Zalo đã phần nào nâng cao ý thức cảnh giác trong phòng ngừa tội phạm của người dân, góp phần kéo giảm chung của toàn tỉnh trong những tháng đầu năm 2020.

Việc áp dụng hình thức tuyên truyền phòng, chống tội phạm thông qua Zalo rất thuận tiện và thiết thực, giúp lực lượng Công an chủ động, nhanh chóng và đạt hiệu quả hơn trong việc truyền tải thông tin tuyên truyền đến người dân…

Văn Thành
.
.