"Hết mưa lụt, con đem vợ con về thăm ba mạ nghe!"
Lúc 8h40 sáng 19/10, xe của Công an tỉnh Quảng Trị đã đưa vợ, con và người thân của Thượng úy Trương Văn Thắng từ vùng ngập lụt thôn Lưỡng Kim (xã Triệu Phước, huyện Triệu Phong) đến trụ sở Công an tỉnh.
Như CAND online đã đưa tin, lúc 16h30 ngày 17/10/2020, UBND xã Hướng Việt, huyện miền núi Hướng Hóa (Quảng Trị) thông báo có 7 người dân thôn Tà Rùng-Ka Tiêm đi làm rẫy bị mất tích. Nhận được tin báo, Công an xã và UBND xã Hướng Việt cử 7 cán bộ tham gia tìm kiếm.
Lúc 18h cùng ngày, khi đoàn đến Km193 đường Hồ Chí Minh (nhánh Tây Hướng Việt đi Quảng Bình) thì bị núi sạt lở. Hậu quả, Thượng úy Trương Văn Thắng, Công an xã Hướng Việt hy sinh tại chỗ; Đại úy biên phòng Lê Văn Dùy, Phó Bí thư Đảng ủy xã Hướng Việt (Bộ đội Biên phòng tăng cường đảm nhiệm công tác này) bị gãy chân trái; ông Hồ Văn Sinh, Chủ tịch UBND xã Hướng Việt bị chấn thương nặng; 4 người khác mất tích...
Chính quyền xã Hướng Việt nhận được hung tin ngay sau thảm họa. Qua điện thoại của 2 đồng chí bị thương cho biết, Thượng úy Thắng bị đất đá lở đè trúng, hi sinh tại chỗ; 4 đồng chí khác bị bùn đất cuốn phăng mất dấu...
Nhằm kịp thời giúp đỡ gia đình Thượng úy Thắng, đêm 18/10, Đại tá Lê Phương Nam, Phó Giám đốc Công an Quảng Trị đã vượt gần 200km trời mưa lụt đi đón bố mẹ, anh chị em ruột và người thân trong gia đình của Thượng úy Thắng đến Nhà khách Công an tỉnh nghỉ ngơi.
Theo kế hoạch, khi trời sáng, đại diện các đơn vị và một số người thân của anh Thắng sẽ ngược lên Công an huyện miền núi Hướng Hóa, ngóng về nơi chồng, cha, con em họ đã hy sinh. Hiện nay, tuyến đường này đang bị chia cắt, cô lập do lũ quét, sạt lở núi cách xa hàng chục cây số…
Thứ trưởng Nguyễn Văn Sơn thăm hỏi, động viên ba ruột, vợ và con đồng chí Thắng, trao số tiền của Bộ Công an hỗ trợ, chia sẻ những khó khăn trước mắt với gia đình. |
Sáng 19/10, chiếc xe 16 chỗ từ Đông Hà ngược lên miền núi chỉ có nước mắt. Ngoài trời, thỉnh thoảng mưa gió rừng rít lạnh từng cơn. Con sông Đakrông ven Quốc lộ 9 sau lũ dữ, lũ quét, sạt lở từng mảng lớn; đất, đá nham nhở như bãi chiến trường. Chúng tôi cố gắng bắt chuyện để mong phần nào làm nguôi nỗi đau trong họ, song ai cũng vì buồn bã, đau xót đến tận cùng mà không cất nổi tiếng trả lời. Ngoại trừ người anh em bạn cọc chèo với Thắng, anh Nguyễn Thọ Cửu ở thôn Lưỡng Kim, nước mắt ứa ra, giọng cứ đứt quãng: “Hôm 17/10, cả xã vẫn đang bị mất điện, ngập lụt sâu gần 2m. Tôi và vợ, con phải chồng mấy cái ghế lên trên giường ngủ để ngồi chờ nước rút. Vì mất điện, nhờ có chiếc đài nhỏ nên tôi bật lên để nghe. Lúc đang nghe bản tin của Đài tiếng nói Việt Nam, thông tin một Thượng úy Công an ở xã biên giới Hướng Việt, huyện Hướng Hóa hy sinh khi đi cứu dân làm tôi lạnh người. Tôi liền điện cho Thắng nhưng máy của không đổ chuông. Tôi điện cho Huê vợ của Thắng thì dì ấy bảo để liên lạc hỏi Công an xã và huyện trên đó. Rồi Huê điện lại cho tôi, chỉ nói được một câu anh Thắng mất rồi… Cả người tôi bủn rủn, đau xót, mong sao sớm đưa được thi thể cậu ấy về với người thân”.
Thượng úy Trương Văn Thắng (bìa trái) nhận Quyết định tăng cường về Công an xã (tháng 3/2020). |
Anh Cửu kể thêm: “Là cọc chèo trên nhưng tôi với Thắng thân tình như anh em ruột, cậu ấy hay kể về gia đình mình. Thắng là con thứ 3 trong gia đình có 4 anh chị em. Đầu là chị rồi đến người anh, Thắng và đứa em gái út. Ba mẹ Thắng là ông Trương Minh Bưa, bà Trương Thị Tuyên đều khoảng 60 tuổi, ở xã Quảng Sơn, vùng ven thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình. Gia đình làm nông nghiệp, kinh tế khá khó khăn do ông bà thường bị đau ốm. Về phần Thắng, sau khi học xong tốt nghiệp cấp 3, em đi nghĩa vụ Công an, sau đó thi đỗ học Cao đẳng CSND tại Quảng Nam. Tốt nghiệp ra trường, em về công tác tại Phòng CSHS Công an tỉnh Quảng Trị, rồi tình nguyện lên công tác tại Công an huyện miền núi Hướng Hóa. Đến tháng 3/2020, em một lần nữa viết đơn tình nguyện công tác tại Công an xã biên giới Hướng Việt. Vợ của Thắng là Lê Thị Minh Huê (SN 1992). Huê là con gái út của ba vợ tui, ông Lê Văn Tiến, bà Nguyễn Thị Mót, đều sinh khoảng năm 1960, trong gia đình có 3 chị em. Huê quen biết và đem lòng yêu thương Thắng khi còn đang học Trường Cao đẳng Kinh tế- Kế hoạch ở Đà Nẵng. Đến năm 2018 thì hai đứa quyết định nên vợ chồng và sinh được con trai đầu lòng năm 2019, cháu tên Trương Thành Hưng nay mới hơn 1 tuổi. Thắng là người rất hiền lành, yêu thương vợ con và rất trách nhiệm với nghề nghiệp, công việc. Thắng có những khát vọng lớn, muốn đóng góp sức trẻ cho những người dân ở những vùng còn nhiều khó khăn, vất vã nên em mới 2 lần tình nguyện đi làm công tác xa nhà như thế. Em cũng chia sẻ vì công tác xa nên thường động viên vợ cố gắng và mong có tương lai tốt đẹp. Trước khi chưa sinh con, Huê có làm việc cho một doanh nghiệp tư nhân trên địa bàn huyện Triệu Phong (Quảng Trị), nhưng sau đó ở nhà chăm con nhỏ. Từ khi chồng đi làm xa nhà, một tay dì ấy chăm lo cho con, phụ giúp ba mẹ ở nhà và luôn gọi điện thoại hỏi thăm, động viên chồng cố gắng công tác tốt. Chồng ở xa bận nhiều việc ít khi về thăm nhà được, nên dì ấy thỉnh thoảng chủ động bắt xe đò, bồng theo con ngược lên miền núi để thăm chồng. Vậy mà hạnh phúc chưa tày gang thì nó đã xa vợ con…”, giọng anh Cửu đứt quãng trong tiếng nấc nghẹn đau xót.
Tại Sở Chỉ huy tiền phương cứu nạn, cứu hộ của Công an tại Hướng Hóa, bố mẹ, vợ con, toàn bộ người thân khác của đồng chí Thắng đã được Công an bố trí dự họp để nghe, yên tâm về việc thi thể anh sẽ được các đồng chí, đồng đội bằng mọi phương án, vượt qua tất cả khó khăn, sớm đưa trở về được với gia đình, người thân.
Ba của Thắng thỉnh thoảng vẫn không thể nào nén được nỗi đau xót tận cùng, ông kể lại trong nấc nghẹn và nước mắt: “Mới hôm rồi khi trời mới bắt đầu mưa lụt, nó lại gọi điện về cho tui (tôi) và mạ (mẹ) nó. Nó bảo mạ ba à, ở đây cũng đang mưa lụt dữ lắm, chúng con đang cố gắng hết sức để giúp dân. Đồng bào họ còn nghèo, thường bị thiên tai, lũ rừng gió núi rất khó lường, rất chật vật. Hết mưa lụt là con về đem vợ con ra thăm ba mạ liền nghe ba mạ!”. Cả hội trường nhìn đứa nhỏ, cu con trai được vợ chồng trẻ đặt cái tên rất khát vọng, Trương Thành Hưng, mới hơn 1 tuổi mà quặn xót trong lòng".
Khu vực mở rộng tìm kiếm, tìm thấy thi thể cuối cùng trong số 22 bộ đội bị lở núi vùi lấp. |
Ngày 19/10, đường Hồ Chí Minh nhánh Tây (Tượng đài Chiến thắng Khe Sanh đi Hướng Phùng, Hướng Hóa) vẫn đang bị sạt lở nghiêm trọng. Ngoại trừ Km15 vừa được khắc phục xong chiều 18/10, nay có thể qua lại bằng xe máy, điểm rạn nứt, sụt lún lòng đường, ta luy âm và sạt lở sườn núi thứ 2 cách đó chừng hơn 1km hướng Hướng Phùng làm tê liệt giao thông hoàn toàn. Theo các trinh sát dò đường của Bộ đội Biên phòng và Công an Quảng Trị, thời điểm hiện tại, khu vực đường Hồ Chí Minh qua các thôn Tà Rùng- Ka Tiêng nơi đồng chí Thắng hy sinh có sương mù dày đặc. Phương tiện thông tin các xã Hướng Việt, Hướng Phùng, Hướng Lập lân cận cũng tê liệt. Hiện tại, chưa thể tiếp cận hiện trường để đưa thi thể Thượng úy Thắng trở về. Hai đồng chí trong tổ công tác bị thương nặng là Đại úy biên phòng Lê Văn Dùy, Phó Bí thư Đảng ủy xã Hướng Việt (Bộ đội Biên phòng tăng cường đảm nhiệm chức danh này) và ông Hồ Văn Sinh, Chủ tịch UBND xã Hướng Việt cũng chưa thể đưa đi cấp cứu do địa bàn bị núi lở chia cắt. Nếu phương án như Thứ trưởng Nguyễn Văn Sơn thống nhất với Công an tỉnh Quảng Trị và Công an huyện Hướng Hóa tìm kiếm, đưa thi thể Thượng úy Thắng về không thành công, thì cách duy nhất có thể tiếp cận khu vực đang bị chia cắt nghiêm trọng này là máy bay trực thăng của Quân đội. Tuy nhiên, phương án này cũng phải chờ đến khi sương mù trên các quả đồi, dãy núi này tạm tan mới có thể thực hiện được. |
Trước sự hy sinh anh dũng của Thượng úy Trương Văn Thắng trong khi cứu nạn người dân, ngày 19/10/2020, Giám đốc Công an tỉnh Quảng Trị đã ký Quyết định truy thăng cấp bậc hàm Đại úy cho đồng chí. |