Hành trình 'trở về' cố hương của nữ điệp báo hy sinh ở Hoả Lò

Thứ Hai, 31/08/2015, 11:18
“Chị Nguyệt” - Nữ điệp báo Lê Thị Nguyệt hy sinh năm 1948, tại nhà tù Hoả Lò. Sự hy sinh anh dũng của chị được một chiến sỹ Cộng sản ký tên P chứng kiến và viết lại trong bài “Căm thù” đăng trên nội san “Rèn luyện” (tiền thân của Báo CAND) số xuân 1949. Thế nhưng, phải 66 năm sau khi hy sinh, chị mới được lễ truy điệu liệt sỹ và quê hương mới “đón” chị trở về…

Gương hy sinh anh dũng trên tờ “Rèn luyện”

Tôi “gặp” chị Nguyệt năm 2007 sau khi được chị Nguyễn Thị Anh Tuấn, Giám đốc Bảo tàng CAND cung cấp bài viết “Căm thù” trên tờ “Rèn luyện”. Từ công tác bảo tàng, chị Tuấn tiếp cận hiện vật là bài báo trên và rất trăn trở vì sự hy sinh của nữ điệp báo Lê Thị Nguyệt chưa được Tổ quốc ghi công. Tôi sao chụp bài báo này tại Bảo tàng CAND rồi về thư viện của cơ quan và tìm thấy bài báo này trong kho lưu trữ.

Bài viết có đoạn: "Chị là hoạt động viên nội thành của Ty Công an Hà Nội, quận 6. Chị vào công tác nội thành từ ngày nào chúng tôi không rõ, chỉ nhớ chị bị bắt vào Sở Mật thám ngày 20/4/1948 cùng mấy đồng chí. Cái chết thê thảm của chị đã làm nỗi căm hờn sôi sục. Cho đến ngày hôm nay, tôi viết ít dòng để tưởng nhớ đến vong linh chị".

Bài báo còn mô tả cảnh chị Nguyệt bị bọn mật thám dụ dỗ ngon ngọt, hết cương lại đến nhu. Chúng còn giở trò gạ gẫm, chị phản kháng, chúng thẳng tay đánh đập, tra tấn chị. Chiếc áo lụa bạch chẳng mấy lúc thấm màu máu. Lần nào cũng vậy, chị trở về buồng giam với thân hình đầy thương tích. 8h sáng hôm sau, chị lại bị chúng kéo ra khỏi buồng giam.

Chị Nguyệt (ngoài cùng bên trái) chụp ảnh cùng bà Bắc, bà Hải Phương hồi hoạt động điệp báo.

Chị mỏng manh, yếu đuối đứng trước 3 tên mật thám cười nhăn nhở. "Cho nó nếm đòn nhảy dù", bọn chúng nói và lột trần chị ra. Chúng khóa chân, trói tay chị rồi rút dây lên cao. Người chị treo lơ lửng trên không trung. Chúng quàng dây điện quanh người, gí điện vào những điểm nhạy cảm trên thân thể thanh xuân của chị. Đau đớn, chị vùng vẫy. Chúng gào lên: "Nói đi, khai đi!...".

Chị càng gan lì, bọn mật thám càng điên tiết, chúng dùng mọi cực hình tra tấn. Song chúng không khuất phục được người con gái nhỏ bé này. Chúng vứt chị vào xà lim, hôm sau lại lôi ra tra tấn. Đêm 25/4/1948, chị hy sinh.

Được sự giới thiệu của chị Anh Tuấn, tôi đã tìm gặp bà Trần Thị Bắc, bà Hải Phương vào một ngày giữa năm 2007. Đây là những người đồng chí, đồng đội cùng hoạt động trước năm 1950 cùng chị Nguyệt. Qua câu chuyện của hai bà, tôi được biết, chị Nguyệt là người quê ở Hưng Yên. Chị lên Hà Nội từ lúc còn niên thiếu.

Quá trình sinh sống ở Hà Nội, chị được giác ngộ và tham gia hoạt động điệp báo. Chị Nguyệt có mái tóc rất dài, mỗi khi chải tóc thường bị các chị em trong tổ chức trêu là, “ngồi đợi chàng hoàng tử đến đón”. Những người đồng chí, đồng đội của chị đều có chung mong muốn sự hy sinh của chị phải được đền đáp. Mặc dù họ đã lên tiếng về việc này từ lâu nhưng chưa có kết quả. Qua sự giới thiệu của họ, tôi tìm đến nhạc sỹ Xuân Oanh. Nhạc sỹ cho biết, có vợ là người họ hàng và cùng quê với chị Nguyệt. Đấy là làng Đìa (hay còn gọi là làng Bảo Tàng, xã Bình Hồ, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên).

Theo bà Hải Phương, chính bà là người đưa chị Nguyệt vào tổ chức, phân công công tác, nhận tin tức mật báo của chị. “Sự hy sinh của chị Nguyệt có phần trách nhiệm của tôi”, bà Phương từng chia sẻ. Cũng theo bà Phương, sau ngày Toàn quốc kháng chiến (19/12/1946), bà Phương hoạt động trong đoàn thể phụ nữ và trực tiếp làm công tác cứu thương khu vực Quỳnh Lôi. Lúc này, tổ cứu thương có bà Trần Thị Bắc, bà Vũ Thị Hải Phương, bà Duyên (vợ nhạc sỹ Xuân Oanh) sau này có thêm chị Nguyệt và một số chị em khác nữa. Thông qua bà Duyên, bà Phương biết và đưa chị Nguyệt vào hoạt động tại tổ cứu thương. Công việc của chị là lo phần hậu cần, chăm sóc thương binh, cán bộ y tế...

Bản thân bà Phương về hoạt động trong lực lượng Công an với nhiệm vụ thu nạp những chị em làm nghề hát cô đầu. Chị Nguyệt có thời kỳ đi sơ tán ra ngoại thành. Một thời gian sau, chị Nguyệt trở vào nội thành. Do chưa bị lộ và có mối quan hệ với gã Tây lai nên chị được đưa vào hoạt động điệp báo. Tổ chức giao cho chị moi tin từ gã Tây lai đó. Tin tức chị thu nạp được chuyển đến cho bà Phương.

Cùng thời kỳ này ở Công an quận VI (nay là quận Hai Bà Trưng) có người tên là Hùng “đen”, cùng quê với chị Nguyệt. Sau này hắn phản bội trở thành tên chỉ điểm. Chính hắn báo cho gã Tây lai rằng chị Nguyệt là Công an. Chị bị bắt. Trước đòn tra tấn dã man của kẻ thù, chị kiên quyết không khai bất cứ điều gì.

Như vậy, về tài liệu lẫn nhân chứng sống đều đủ căn cứ để xác định chị Nguyệt là chiến sỹ điệp báo, là người đã hy sinh anh dũng. Thế tại sao, chị Nguyệt vẫn chưa được ghi công. Những đồng đội của chị đã nhiều lần kiến nghị cơ quan chính sách nhưng câu trả lời mà họ nhận được là do không xác định được người thân của chị Nguyệt. Chỉ vì không có người thân, mà sự hy sinh anh dũng của nữ điệp báo Lê Thị Nguyệt suốt mấy chục năm chưa được ghi công? Câu hỏi này thôi thúc tôi tiếp tục tìm đến những người làm công tác chính sách người có công.

Làng Đìa đón chị “trở về”

Cũng tại thời điểm năm 2007, tôi đến gặp ông Lê Quang Bảy, Cục phó Cục Thương binh - Liệt sỹ và Người có công, Bộ Lao động – Thương binh – Xã hội. Khi nghe tôi trình bày trường hợp của chị Nguyệt, ông Bảy cho biết, nếu không có thân nhân, thì cơ quan, đơn vị hoặc xã, phường có thể đứng ra đề nghị truy tặng danh hiệu liệt sỹ cho chị. Tôi tiếp tục liên hệ với bộ phận chính sách của Bộ Công an và được hướng dẫn đến Công an TP Hà Nội. Cán bộ Phòng Tổ chức Cán bộ, Công an TP Hà Nội lại hướng dẫn tôi liên hệ với lãnh đạo phụ trách chính sách Công an quận Hai Bà Trưng.

Tại Công an quận Hai Bà Trưng, tôi đã nộp một bộ hồ sơ, trong đó có: Bài báo “Căm thù”; hai bài viết của tôi đăng trên báo CAND là: “Đi tìm thân nhân của nữ chiến sĩ điệp báo Lê Thị Nguyệt” và “Không còn thân nhân, không được truy tặng liệt sỹ?” cùng bản tường trình về quá trình thu thập tài liệu, gặp gỡ nhân chứng cùng hoạt động, chiến đấu với nữ điệp báo Lê Thị Nguyệt.

Tôi làm việc này với mong muốn cung cấp những tài liệu mà mình thu thập được để giúp cơ quan chính sách có căn cứ để ghi công chị. Quá trình tiếp xúc với bà Bắc, bà Hải Phương tôi thấy họ có mong muốn tha thiết sự hy sinh của chị Nguyệt được ghi nhận. Còn chị Anh Tuấn thì mong, tên của chị Nguyệt được khắc trên đài tưởng niệm liệt sỹ và bằng Tổ quốc ghi công Nhà nước tặng cho chị sẽ được treo trang trọng ở phòng truyền thống của Công an TP Hà Nội hay Bảo tàng CAND.

Với sự nỗ lực của các cơ quan chức năng, cuối năm 2014, chị Nguyệt đã được truy tặng liệt sỹ. Gỡ “nút thắt” cho vướng mắc hơn 60 năm qua chính là nhờ quy định mới của Bộ Lao động -Thương binh Xã hội và nỗ lực của cán bộ chính sách, Bộ Công an và những người như: Thiếu tướng Nguyễn Đức Minh, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục XDLL CAND và con trai nhạc sỹ Xuân Oanh…

Khi đọc được thông tin này, tôi vô cùng xúc động. Tôi gọi điện cho chị Anh Tuấn và chúng tôi cùng nghẹn lời khi biết tin vui này. Rồi một ngày tháng 5, chúng tôi đã về làng Đìa để thắp hương cho chị Nguyệt.

Tại làng Đìa, chúng tôi tìm đến nhà thờ dòng họ Lê. Do không còn người thân thích nên cả họ thống nhất lập bàn thờ chị ngay trong nhà thờ họ. Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Văn Mạnh, người trong dòng họ Lê cho biết về hoàn cảnh xuất thân của chị Nguyệt cũng như gia quyến. Dòng họ rất đỗi tự hào khi đón chị Nguyệt trở về với quê hương, dòng tộc. Lễ truy điệu liệt sỹ cho chị được Bộ Công an, Công an TP Hà Nội, chính quyền địa phương tổ chức rất trang trọng.

Chị Nguyệt không còn người thân, nhưng chính những người trong họ sẽ cùng nhau hương khói cho người nữ chiến sỹ điệp báo kiên trung này. Và mặc dù chị sống cách chúng tôi nhiều thế hệ nhưng tôi xin phép được gọi là chị Nguyệt. Bởi, chị ra đi khi tuổi còn xanh...

Lần nào cũng vậy, chị trở về buồng giam với thân hình đầy thương tích. 8h sáng hôm sau, chị lại bị chúng kéo ra khỏi buồng giam. Chị mỏng manh, yếu đuối đứng trước 3 tên mật thám cười nhăn nhở. "Cho nó nếm đòn nhảy dù", bọn chúng nói và lột trần chị ra. Chúng khóa chân, trói tay chị rồi rút dây lên cao. Người chị treo lơ lửng trên không trung. Chúng quàng dây điện quanh người, gí điện vào những điểm nhạy cảm trên thân thể thanh xuân của chị.


Hồng Cao
.
.