Hành trình lần theo dấu vết của những kẻ trốn truy nã

Thứ Sáu, 06/01/2012, 10:22
Trung tá Tiến tâm sự: Bắt đối tượng truy nã là thế, có khi lần mò hằng tháng không bắt được đối tượng nào. Nhưng có lúc chỉ trong nửa ngày đã bắt được đối tượng… Vì thế, chỉ cần nhận được thông tin là tôi và đồng đội lập tức lên đường. Mỗi đối tượng truy nã bị bắt giữ là bớt đi một mối nguy hiểm cho xã hội…

Gặp tôi sau chuyến công tác dài ngày trở về, Trung tá Đỗ Mạnh Tiến, Đội trưởng Đội trưởng Đội Truy nã, Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm (PC52) - Công an tỉnh Lào Cai, nở nụ cười rạng rỡ. Anh và đồng đội vừa bắt được rất nhiều đối tượng truy nã, trong đó có kẻ trốn chạy gần 20 năm. Thật đau xót khi các đối tượng này đều là cán bộ Nhà nước… chỉ vì suy nghĩ lệch chuẩn, vì lối sống buông thả mà vi phạm pháp luật”.

“Cuối năm 2011, người đàn ông trung tuổi, tự giới thiệu là cán bộ Ban Quản lý dự án chè Ô Long, thuộc Công ty Lợi Sơn Điền, địa chỉ tại tổ 13, xã Ô Quý Hồ, huyện Sa Pa đến làm thủ tục nhập khẩu từ tỉnh Thái Nguyên về Lào Cai. Trên giấy giới thiệu, người này có ghi nơi chuyển đến là xã Ô Quý Dừa, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai”, Trung tá Tiến kể lại.

Khi ấy, với kinh nghiệm gần 30 năm trong nghề, tôi và đồng đội đã nhận thấy những điểm “không bình thường” của người đàn ông trên. Bởi tại huyện Sa Pa chỉ có xã Ô Quý Hồ chứ không có xã Ô Quý Dừa như trong địa chỉ người đàn ông này ghi… Vậy là với sự đồng ý của đồng chí Nguyễn Xuân Ngoại, Trưởng phòng, tôi đã bí mật xác minh thông tin về người đàn ông lạ mặt trên.

Nói đến đây, Trung tá Tiến trầm ngâm: Đối tượng trốn truy nã thường cố tạo cho mình một vỏ bọc vững chắc. Song dù tinh vi đến đâu, có lúc chúng cũng bộc lộ những sơ hở. Vì thế, chỉ cần một thông tin nhỏ, tôi và đồng đội cũng đều xác minh đến cùng. Bởi một đối tượng trốn truy nã còn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, nghĩa là vẫn còn tiềm ẩn các mối nguy hiểm…Vậy là tôi và đồng đội không quản vất vả, lần theo các địa chỉ đối tượng đã từng ở. Và kết quả xác minh đã cho thấy những điều tôi suy nghĩ là hoàn toàn chính xác: Đối tượng đó chính là Bế Viết Phương (55 tuổi, HKTT tại tổ 7, phường Tân Thịnh, TP Thái Nguyên), kẻ có lệnh truy nã đặc biệt về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Trước đây, Phương từng có một công việc ổn định, một mái ấm gia đình hạnh phúc với một người vợ và hai đứa con ngoan. Nhưng lối sống buông thả, sự thiếu trách nhiệm đã khiến Phương trượt dài trên con đường phạm tội. Phương cặp bồ rồi sinh sống như vợ chồng với một người đàn bà trẻ tuổi.

Trung tá Đỗ Mạnh Tiến trong một ngày làm việc.

Đồng lương còm cõi của công chức Nhà nước khi đó, chẳng đủ cho Phương đáp ứng nhu cầu của người tình. “…Túng làm liều”, năm 1995, Phương làm thủ tục vay của Ngân hàng Nông nghiệp tỉnh Thái Nguyên 40 triệu đồng, đó là số tiền không nhỏ vào thời điểm lúc bấy giờ. Thời hạn trả nợ cận kề, Phương trong lúc túng quẫn đã dắt theo người tình bỏ trốn vào huyện Di Linh (Lâm Đồng).

Thời gian đầu, Phương và người tình sống bằng nghề làm thuê. Năm 2011, Phương xin vào làm việc tại Thủy điện Hàm Thuận, Đa Min, Lâm Đồng. Sau 2 năm làm việc ở đây, Phương  chuyển vào Nông trường Chè thuộc Công ty TNHH Phú Sơn, Bảo Lộc. Để che giấu tung tích, Phương sống rất hiền lành, luôn tỏ ra tốt với mọi người... Thời gian sau đó, Phương được bổ nhiệm là cán bộ quản lý công nhân của nông trường. Và đến tháng 5/2011 thì chuyển về Lào Cai, làm cán bộ quản lý dự án chè Ô Long. Sau khi dựng được nhân thân của đối tượng, tôi đã báo cáo lãnh đạo đơn vị.

“Địa bàn Phương trú ẩn nằm biệt lập với những khu vực liền kề. Muốn vào được vị trí đó, chỉ có cách là đi bộ, men theo những con đường mòn ngoằn ngoèo”, Trung tá Tiến chia sẻ. Vì thế, tôi phải xây dựng kế hoạch rất kỹ lưỡng, để vừa bắt được đối tượng đồng thời phải đảm bảo an toàn cho tính mạng của đồng đội.

Khoảng 2h ngày 2/12/2011, chúng tôi đã bao vây toàn bộ nơi ở của Phương. Sự việc quá bất ngờ khiến Phương chẳng kịp trở tay. Cuộc vây bắt thành công, tôi thở phào nhẹ nhõm.

Chưa kịp nghỉ ngơi, tôi đã có thông tin về đối tượng Đào Thị Chung (52 tuổi, trú tại thôn Ngũ Cốc, xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương) phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Để bắt giữ Chung, trước đó tôi và đồng đội đã tốn rất nhiều công sức. Nhiều lần, chúng tôi về quê Chung ở huyện Tiên Lữ (Hưng Yên) rồi có khi lại rà soát tại các địa bàn Hải Dương, Hải Phòng và Hà Nội, là những nơi Chung hành nghề thầy cúng nhưng vẫn “bặt vô âm tín”…

Và sự vất vả của tôi và đồng đội đã được đền đáp xứng đáng, ngày 16/12/2011, tôi và đồng đội đã bắt được Chung khi chị ta vừa về nhà. Cuộc trò chuyện của tôi và Trung tá Tiến bị dừng lại bởi cuộc điện thoại báo tin tội phạm.

Trước khi chia tay tôi, anh Tiến tâm sự: Bắt đối tượng truy nã là thế, có khi lần mò hằng tháng không bắt được đối tượng nào. Nhưng có lúc chỉ trong nửa ngày đã bắt được đối tượng… Vì thế, chỉ cần nhận được thông tin là tôi và đồng đội lập tức lên đường. Mỗi đối tượng truy nã bị bắt giữ là bớt đi một mối nguy hiểm cho xã hội…

Xuân Mai
.
.