Hành trình bắt doanh nhân nước ngoài trốn nã 12 năm

Thứ Bảy, 10/11/2012, 20:57
“Sao anh lại nói được tiếng Việt”? “Dạ em người Việt Nam”, ông chủ DN bán gỗ tại Lào đáp gọn lỏn với khách (do các cán bộ Truy nã tội phạm Công an tỉnh Nghệ An “đóng vai”). “Anh có phải tên là Trần Ngọc Phương không?”. Phương miệng ngọng líu: “Dạ! Em là Trần Ngọc Phương”... Ngay lập tức, việc bắt kẻ trốn nã 12 năm được triển khai…

Đại tá Lê Viết Hà, Phó trưởng Phòng Truy nã tội phạm Công an tỉnh Nghệ An, người được giao nhiệm vụ bắt tên Phương tại Lào kể lại: 4h sáng 22/10, tổ công tác truy bắt Trần Ngọc Phương tại Lào gồm 8 đồng chí đã được lệnh lên đường, trong đó có lực lượng điều tra hình sự Quân khu 4. Đúng 7h30 cùng ngày, tổ công tác đặc biệt đã qua cửa khẩu Cầu Treo, Hà Tĩnh và đi vào bản Na, thuộc huyện U-thâm-phon, đây là địa danh được xác định Trần Ngọc Phương lẩn trốn gần 12 năm nay.

Theo hồ sơ của cơ quan điều tra hình sự Quân khu 4, Trần Ngọc Phương (47 tuổi), trú tại xã Diễn Xuân, Diễn Châu, Nghệ An. Trước đó,  ngày 29/11/2000, Phương và Phan Xuân Hiền (người cùng xã) lái xe ôtô BKS 37H-0682 chở 1,84m3 gỗ đi ra Hà Nội. Khi đến Thanh Hóa thì bị Đội Kiểm lâm cơ động tỉnh ra tín hiệu dừng xe kiểm tra, nhưng Trần Ngọc Phương không chấp hành mà còn lái xe bỏ chạy. Đến Trạm thu phí Tào Xuyên thì xe ôtô chở gỗ của Phương đâm vào anh Vũ Văn Quang (binh nhất, chiến sỹ Đại đội 20, Phòng Tham mưu, BCHQS tỉnh Thanh Hóa) làm anh Quang chết tại chỗ. Sau đó, Phan Xuân Hiền đã ra đầu thú, còn Trần Ngọc Phương bỏ trốn khỏi địa phương và bị phát lệnh truy nã. 

Tổ công tác đặc biệt thực thi nhiệm vụ tại Lào.

Khi tổ công tác đến nơi, nhiều công nhân làm thuê cho Phương vốn là những đối tượng tù tha về, nghiện ma túy, trộm cắp, thậm chí trốn truy nã đứng hằm hè. Kế hoạch bao vây toàn bộ xưởng cưa được triển khai, nhưng khi tiếp cận một số đối tượng người Lào và người Việt Nam, thì biết Trần Ngọc Phương đã đi khỏi nơi đây. Nhận định tên Phương đã bỏ trốn lên khu vực Bắc Lào, tổ công tác vượt hàng trăm cây số lên khu vực này, cách Thủ đô Viêng Chăn khoảng 200km.

“Xe chạy được hơn 100km, khi xuống dốc do đường trơn trượt, xe của tổ công tác bất ngờ quay ngang đường và không may cán vào chân một con bò của hai thanh niên người Mèo. Họ đã sừng sộ quát mắng, yêu cầu phải đền tiền nếu không sẽ dùng dao chặt lốp xe. Đại tá Lê Viết Hà và Đại tá Lê Huy Thông khoác vội bộ quân phục, cảnh trang treo sẵn trên xe, nhảy xuống xin lỗi và dùng số tiền trang trải ăn uống cho chuyến đi đưa cho họ, hành trình truy bắt mới được tiếp tục theo kế hoạch” - Đại tá Hà kể.

Lần theo từng manh mối, buổi trưa cùng ngày, tổ công tác đã tìm đến đúng nơi Trần Ngọc Phương. Một lần nữa, các anh được biết, Phương đã quay lại bản Na, huyện U-thâm-phon. Lần thứ 2, tổ công tác buộc phải vòng xe quay trở lại. Nhưng khi đến nơi, một công nhân Việt Nam làm thuê cho Phương cho hay, Trần Ngọc Phương đã về nơi ăn nghỉ, cách xưởng gỗ khoảng 20km. Cũng thông qua một công nhân của Lào làm việc tại đây cho biết thêm, nơi ở của Phương là khu rừng sâu, hoang vu, xa dân cư. Muốn vào đó phải đi bộ, còn đi xe 7 chỗ thì đường rất hẹp.

Từ thông tin trên, tổ công tác quyết định thuê xe taxi của Lào làm phương tiện đột nhập. Khi cách khu lán trại của Phương nghỉ khoảng hơn 1km, tổ công tác chia làm 3 mũi trinh sát, tiến sâu, bao vây toàn khu lán trại của Phương. Tại đây, các trinh sát phát hiện có hơn 100 người bản xứ làm thuê ở trong lán trại gồm Việt Nam, Lào, Campuchia, rất khó cho công tác nhận diện tên Phương. Trong khi đó ảnh của Trần Ngọc Phương chụp cách đây đã hơn 12 năm, vì vậy, việc đối chiếu ảnh hầu như vô hiệu. Chỉ cần sơ hở nghiệp vụ, thì cả trăm công nhân sẽ nhảy ra cản trở và Trần Ngọc Phương trốn thoát.

Với kinh nghiệm của một trinh sát từng trải trong các vụ truy bắt đối tượng truy nã đặc biệt nguy hiểm, các anh hội ý bằng cách đóng vai người mua gỗ để tiếp cận đối tượng. Đồng nhất cao về phương pháp, một trinh sát làm nhiệm vụ phiên dịch quần xắn quá gối, nhếch nhác lân la dò hỏi xin được gặp ông chủ để hợp tác, kinh doanh mua bán gỗ... Bỗng một người đàn ông gầy, da đen, nói tiếng Lào xuất hiện. Qua trao đổi bằng tiếng Lào, người đàn ông cho biết chính ông là chủ doanh nghiệp chế biến lâm sản ở đây.

“Sao anh lại nói được tiếng Việt”? “Dạ em người Việt Nam”, ông chủ đáp gọn lỏn. Xác định đúng hắn là đối tượng truy nã Trần Ngọc Phương, nếu kéo dài thời gian thì cả trăm công nhân làm công cho Phương kéo đến bao vây và Phương lợi dụng sơ hở trốn thoát. “Anh có phải tên là Trần Ngọc Phương không?”. Phương miệng ngọng líu: “Dạ! Em là Trần Ngọc Phương”. “Anh có tên gì khác nữa không?”. “Dạ không”. Ngay lập tức, việc bắt tên Phương được triển khai.

Trước khi lên xe về Việt Nam, Trần Ngọc Phương không yêu cầu gì khác, ngoài việc xin tổ công tác gọi điện thoại bàn giao toàn bộ tài sản doanh nghiệp chế biến lâm sản cho một người Việt Nam mà hắn tin cậy cưu mang ở Lào.

Để dẫn giải Trần Ngọc Phương qua cửa khẩu biên giới đúng quy định, tổ công tác một lần nữa ngược lên Thủ đô Viêng Chăn - Lào, được sự hỗ trợ của Cục Quản lý người nước ngoài của bạn lập biên bản chứng minh Trần Ngọc Phương có quá trình trốn tại nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào. Khoảng 12 giờ kém 15 phút, ngày 24/10, sau cuộc hành trình đầy gian nan, vất vả, tổ công tác của Quân khu 4 và Công an tỉnh Nghệ An đã dẫn giải Trần Ngọc Phương, một đối tượng truy nã đặc biệt nguy hiểm về tội giết người và chống người thi hành công vụ sau 12 năm lẩn trốn tại nước bạn Lào về đến Nghệ An và bàn giao cho cơ quan điều tra hình sự Quân khu 4 để xử lý theo quy định pháp luật

Hữu Trọng
.
.