Hai lần phơi nhiễm HIV, vẫn kiên quyết bắt ma túy

Thứ Năm, 22/12/2011, 13:09
Trong vòng 8 năm, Trung tá Nguyễn Quốc Trung đã hai lần bị phơi nhiễm HIV khi truy bắt tội phạm ma túy. Và lúc này, anh vẫn đang chờ đến ngày để kiểm tra kết quả thử máu lần cuối sau một lần bắt giữ đối tượng đã bị bệnh AIDS giai đoạn cuối. Nhưng người Cảnh sát khu vực này vẫn coi đó là những sự cố bình thường trong nghề nghiệp, mà dường như ai cũng phải chuẩn bị tâm lý để đối mặt…

Có thâm niên làm Cảnh sát khu vực gần 30 năm, hàng ngày Trung tá Nguyễn Quốc Trung, Cảnh sát khu vực Công an phường 14, quận Bình Thạnh, TP HCM xuống địa bàn nắm tình hình, giải quyết những vụ việc xảy ra, giải tỏa lòng lề đường, trực ban, họp với các ban ngành để trấn áp tội phạm…

Lần đầu tiên Trung tá Nguyễn Quốc Trung bị phơi nhiễm là vào năm 2004. Lần ấy anh được người dân gọi điện báo ở hẻm 115 đối diện với trụ sở cơ quan có một số thanh niên lạ mặt tới tiêm chích ma túy. Dù đang nghỉ phép nhưng anh vẫn tới hiện trường, đến nơi anh quan sát không thấy các đối tượng nhưng trong hẻm có nhiều rác, ống chích, vỏ bao nilon và nước cất của ống chích cũng tương đối nhiều.

Sau đó anh đã theo dõi con hẻm này nhiều ngày, đến một chiều anh thấy hai thanh niên, người ngồi dưới đất chích cho người ngồi trên xe, ngay lúc đó anh liền tìm cách bắt giữ các đối tượng. Khi người dân chạy ra hỗ trợ anh, thì chúng đã vật lộn khỏi anh và chạy thoát. Một trong hai tên đã cầm ống chích đâm vào vị trí giữa má và cổ anh. Mũi kim tiêm đâm thành vết trên mặt, và anh đã không nghĩ mình bị thương.

“Chưa kịp xác minh thì ba mẹ đối tượng đã đến Công an phường để tìm cách xin lại chiếc xe. Lúc đó, tôi mới biết một tên là Nguyễn Nhân Nghĩa, ngụ ở phường 24, đặc biệt tên này đang có quyết định bắt đi cai nghiện tập trung nhưng vẫn đang trốn. Mấy tháng sau đó tôi nghe tin tên này đã bị bắt giao cho Công an quận xử lý” - anh Trung nói.

Vết kim đâm không chảy máu nhiều, nhưng lại mang một nỗi hiểm nguy kinh hoàng, đó là ống kim tiêm của những con nghiện ma túy đang khát thuốc. Ngay đêm hôm đó anh đã đi bệnh viện, được các bác sĩ cho uống thuốc khẩn cấp đồng thời xét nghiệm thử máu. Dù sáng hôm sau có kết quả xét nghiệm “âm tính”, nhưng anh Trung vẫn được chuyển Bệnh viện Nhiệt đới theo dõi và điều trị (trong vòng 6 tháng mới chắc chắn kết quả xét nghiệm lần cuối), cứ một tuần ra lấy thuốc một lần, cứ hết mỗi một tháng, ba tháng, sáu tháng lại xét nghiệm một lần.

“Trong khoảng thời gian theo dõi và điều trị đó, tôi vẫn đi làm bình thường và cũng không suy nghĩ gì cả. Nhưng ba ngày sau khi xảy ra sự việc thì báo chí có đăng tin, người nhà đọc được mới báo cho vợ tôi biết. Tôi đã cẩn thận đề phòng, lấy một cái ca rồi nói với hai đứa con gái của tôi đây là ca thuốc của ba, mục đích là để tránh cho mọi người trong nhà không dùng cái ca đó…”, anh vui vẻ kể lại câu chuyện bị phơi nhiễm của mình. Lần bị phơi nhiễm thứ hai của anh Trung mới xảy ra giữa tháng 10 vừa rồi, trong khi truy bắt một đối tượng phạm tội, bị nhiễm HIV chuyển sang AIDS.

Ngày 17/1, anh sẽ đi xét nghiệm lần cuối để biết kết quả cuối cùng. Dù luôn uống thuốc đúng giờ (hai lần một ngày vào lúc 7h sáng và 7h tối), tuy nhiên, điều anh lo lắng là lần uống thuốc này anh lại bị những tác dụng phụ. Dù phải uống thuốc đặc trị trong một thời gian khá dài, người rất mệt mỏi vì tác dụng phụ của thuốc song anh vẫn luôn lạc quan và hết lòng vì công việc.

Trung tá Lê Minh Trí, Trưởng Công an phường 14, quận Bình Thạnh cho biết: “Trung tá Nguyễn Quốc Trung luôn hết lòng hết sức với công việc, và anh có nhiều thành tích tốt trong quá trình công tác, đặc biệt là bản lĩnh khi truy bắt tội phạm. Sự việc xảy ra ngày 17-10-2011, sau khi khống chế và bắt giữ được đối tượng Mai Phước Bình (SN 1980, ngụ quận Tân Phú, tên này nghiện ma túy và đã bị nhiễm HIV) đưa về phường, chúng tôi đã lập biên bản thu giữ vật chứng, tiến hành lập hồ sơ về hành vi chống người thi hành công vụ của đối tượng. Đồng thời, đề xuất BCH Công an quận chuyển hồ sơ vụ việc và đối tượng cùng vật chứng cho Đội CSĐT tội phạm về TTXH quận tiếp tục điều tra làm rõ”.

Phú Lữ
.
.