Kỷ niệm 7 năm thành lập lực lượng cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường:

Góp phần thay đổi nhận thức về bảo vệ môi trường

Thứ Tư, 27/11/2013, 15:07
Trải qua 7 năm hoạt động, lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (PCTPVMT) đã từng bước trưởng thành cả về lực lượng lẫn năng lực công tác, đã đạt được một số kết quả nhất định và khẳng định được vai trò, vị trí nòng cốt trong công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường.

Tội phạm môi trường là thách thức của nhân loại, một hành vi gây ra có thể gián tiếp gây hậu quả nghiêm trọng cho cả vùng, lãnh thổ ở một hay nhiều thế hệ. Tại Việt Nam, thách thức này còn lớn hơn khi nhiều cá nhân, tổ chức có tâm lý coi nhẹ vi phạm mà không lường hậu quả do nó để lại...

Phạm pháp về môi trường diễn biến trên nhiều lĩnh vực, bao gồm: buôn bán động vật hoang dã trái phép; xả thải gây ô nhiễm môi trường; tàn phá hệ thực vật làm mất cân bằng sinh thái; buôn bán chất khí gây thủng tầng ozone (ODS); kinh doanh trái phép các loại chất thải nguy hại; đánh bắt, khai thác tài nguyên trái phép và khai thác, buôn lậu gỗ...

Đó là những hành vi vi phạm các Hiệp ước quốc tế được thiết lập để hạn chế tình trạng buôn bán các chất độc hại ảnh hưởng đến môi trường hay buôn lậu các loài động thực vật quý hiếm. Hậu quả do nó để lại rất nghiêm trọng (ví dụ như việc khai thác gỗ trái phép không chỉ làm mất đi sinh kế của các cộng đồng dân cư sống dựa vào rừng, mà còn gây ra các vấn đề về hệ sinh thái như lũ lụt và biến đổi khí hậu; việc buôn lậu các chất khí ODS như chất làm lạnh Chloroflorocarbon (CFCs) cũng làm mỏng tầng ozone, gây ra các vấn đề về sức khoẻ như bệnh ung thư da và bệnh đục thuỷ tinh thể...).

Interpol ước tính, con số tổn thất từ nạn buôn bán trái phép động vật hoang dã trên toàn cầu ít nhất cũng tới 10 tỷ USD/năm, còn theo Ngân hàng Thế giới thiệt hại đến ngân sách nhà nước từ việc khai thác gỗ trái phép ở các quốc gia đang phát triển là 15 tỷ USD...

Tại Việt Nam, suốt thời gian dài, vi phạm môi trường phổ biến nhưng tâm lý coi đây chỉ là “vấn đề hành chính”, xem nhẹ việc xử lý, trong khi hành lang pháp lý còn nhiều lỗ hổng khiến tình hình càng nghiêm trọng. Gần đây, sau khi Nhà nước từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật, nhất là việc bổ sung các điều luật về chế định tội phạm môi trường và biện pháp hành chính cũng như việc thành lập các lực lượng chuyên trách, trong đó có Cảnh sát PCTPVMT, tình hình đã có những chuyển biến.

Nhận thức về bảo vệ môi trường trong cộng đồng phần nào đó đã có những thay đổi. Mặc dù vậy, tình hình tội phạm và vi phạm luật pháp về môi trường đang rất phức tạp, các đối tượng mở rộng hoạt động sang các loại hình, phương thức phạm tội mới, tinh vi hơn và được tổ chức kín kẽ, thậm chí có những hành vi khó nhận diện hơn.

Trải qua 7 năm hoạt động, lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (PCTPVMT) đã từng bước trưởng thành cả về lực lượng lẫn năng lực công tác, đã đạt được một số kết quả nhất định và khẳng định được vai trò, vị trí nòng cốt trong công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường.

Thiếu tướng Nguyễn Xuân Lý với các giảng viên Khoa CSMT, Học viện CSND.

Qua hoạt động phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm về môi trường, lực lượng Cảnh sát môi trường đã phát hiện các thiếu sót, sơ hở trong hệ thống pháp luật và công tác quản lý nhà nước về môi trường để kịp thời kiến nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền tăng cường chấn chỉnh công tác này. Đặc biệt, năm 2013, Bộ Công an đã báo cáo Chính phủ trình Quốc hội đưa dự án Pháp lệnh Cảnh sát môi trường vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014.

Cảnh sát PCTPVMT xác định được đặc điểm, phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường, từ đó có biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, xử lý bước đầu đạt hiệu quả, kịp thời trấn áp, răn đe, kiềm chế sự phát sinh, phát triển của tội phạm này.

Cùng với đó, hợp tác quốc tế trong phòng, chống tội phạm về môi trường từng bước được củng cố, tăng cường. Tranh thủ và huy động được tối đa điều kiện và các nguồn lực xã hội, trong đó đặc biệt là đã đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ chiến sỹ Cảnh sát PCTPVMT, từng bước hình thành được hệ thống chuyên trách từ trung ương đến địa phương.

Tuy đã có nhiều cố gắng và đạt được một số kết quả nhưng quá trình hoạt động phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường, lực lượng Cảnh sát PCTPVMT vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Bước đầu mới chỉ làm kiềm chế tình hình, không để tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường gia tăng nhưng vẫn còn nảy sinh một số điểm nóng về an ninh trật tự mà nguyên nhân xuất phát từ vi phạm pháp luật về môi trường.

Tuy có nhiều cố gắng trong phát hiện, điều tra, xử lý nhưng kết quả xử lý các vụ việc phần lớn là xử lý hành chính. Tỷ lệ xử lý hình sự thấp, trong số các vụ việc xử lý hình sự phần lớn là các tội hủy hoại rừng, vi phạm quy định về bảo vệ loài thuộc danh mục được ưu tiên bảo vệ, chưa xử lý về hình sự vụ việc nào về gây ô nhiễm môi trường hay vi phạm quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Những tồn tại, hạn chế nêu trên là do một số nguyên nhân như hệ thống văn bản quy phạm pháp luật tạo hành lang pháp lý cho lực lượng Cảnh sát PCTPVMT còn nhiều bất cập, mặc dù đã được điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi nhưng vẫn gặp nhiều vướng mắc trong việc áp dụng.

Các quy định về tội phạm môi trường quy định tại Chương XVII và một số tội phạm có liên quan được quy định tại chương khác của Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi bổ sung năm 2008) đến nay chưa có văn bản hướng dẫn thi hành nên chưa áp dụng được.

Đối với pháp luật hành chính, mặc dù quy định lực lượng Cảnh sát PCTPVMT có chức năng, nhiệm vụ điều tra, xử lý tội phạm, xử lý vi phạm hành chính về môi trường trong các lĩnh vực, nhưng đến nay thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính của lực lượng Cảnh sát PCTPVMT mới chỉ được quy định trong Nghị định về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và lĩnh vực thú y, còn trong các lĩnh vực khác có liên quan như: thuỷ sản, khoáng sản, bảo vệ và phát triển rừng, an toàn vệ sinh thực phẩm...

Thời gian tới, lực lượng Cảnh sát PCTPVMT tham mưu các cơ quan có thẩm quyền đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, hướng dẫn một số văn bản pháp luật liên quan đến phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường, trọng tâm là: dự án Pháp lệnh CSMT, Thông tư liên tịch hướng dẫn thi hành Chương XVII và Điều 244 Bộ luật Hình sự (Tội vi phạm các quy định trong lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm); các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính, trong đó bổ sung thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính cho lực lượng Cảnh sát PCTPVMT trong một số lĩnh vực như: bảo vệ rừng, khoáng sản, an toàn vệ sinh thực phẩm.

Nghiên cứu việc bố trí lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực bảo vệ, phát triển rừng, bảo tồn thiên nhiên và tài nguyên khoáng sản; lĩnh vực môi trường biển và hải đảo, lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm. Phân bổ thỏa đáng ngân sách trong kinh phí sự nghiệp môi trường cho Bộ Công an phục vụ công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm về môi trường đạt hiệu quả cao hơn.

Qua 7 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, nhìn lại chặng đường với những thành quả đã đạt được, mặc dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức nhưng lực lượng Cảnh sát PCTPVMT đã từng bước khẳng định được vai trò, vị trí nòng cốt trong công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường, tạo được niềm tin trong quần chúng nhân dân.

Tính từ khi thành lập đến nay (29/11/2006), lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường đã phát hiện, điều tra, khám phá trên 38.830 vụ vi phạm pháp luật về môi trường, trong đó: Xử phạt vi phạm hành chính tổng số tiền 437,576 tỷ đồng (đồng thời, kiến nghị truy thu phí bảo vệ môi trường trên 150 tỷ đồng). Cơ quan điều tra các cấp khởi tố 969 vụ, 1.478 đối tượng.

N.X.L.
.
.