Già làng, người có uy tín tỉnh Quảng Nam:

Góp phần giữ gìn an ninh trật tự buôn làng

Thứ Bảy, 13/09/2014, 14:32
Tỉnh Quảng Nam hiện có hơn 700 người có uy tín trong lĩnh vực bảo vệ an ninh trật tự (ANTT). Trong những năm qua, già làng, trưởng bản, người có uy tín đã góp phần tích cực trong việc vận động đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, giữ bình yên buôn làng…

Ở thôn Anoonh, xã A Nông, huyện Tây Giang nhiều năm nay đồng bào Cơ Tu luôn xem già làng Alăng Bhưm như cây cổ thụ giữa đại ngàn, là chỗ dựa tinh thần tin cậy. Từ việc tỉa bắp đến việc cưới xin, ma chay trong dòng họ, bà con đều tìm đến già Alăng Bhưm để được nhận lời khuyên. Với kiến thức của mình, già Alăng Bhưm luôn tận tình hướng dẫn dân làng phát triển kinh tế, vận động bà con từng bước xóa bỏ các hủ tục lạc hậu và xây dựng nếp sống văn hóa. Đến nay, ở thôn Anoonh, việc cưới xin, tang ma chỉ còn tổ chức trong một ngày một đêm, không kéo dài đến ba, bốn ngày hay giết mổ nhiều trâu bò vừa tốn kém lại mất vệ sinh như trước đây. Nạn tảo hôn, thách cưới, bắt rể ở làm công cũng không còn diễn ra.

Già làng Bríu Thiện ở thôn Bhơ Hôồng 1, xã Sông Kôn, huyện Đông Giang cũng là một cây cao bóng cả mà con cháu, người dân trong thôn noi gương học tập. Già luôn răn dạy, nhắc nhở mọi người không được đốt rừng già làm nương rẫy, không rượu chè bê tha… Già Bríu Thiện quan tâm nhất là chuyện học hành của lũ trẻ trong thôn. Bởi theo như lời già để thoát nghèo thì phải học cái chữ, không học hành, thiếu hiểu biết thì dễ vi phạm pháp luật. Chính vì mong ước mọi trẻ em đều được học hành mà già Thiện đích thân đứng ra dạy chữ cho con cháu trong tộc, trong thôn. Già Bríu Thiện lên gặp các thầy cô giáo mượn sách giáo khoa để mỗi buổi tối hoặc những ngày cuối tuần già lại trực tiếp đến tận nhà các em trong thôn có hoàn cảnh khó khăn để dạy chữ. Nhờ công của già làng Bríu Thiện, phong trào khuyến học ở thôn Bhơ Hôồng 1 ngày càng phát triển, không có trẻ trong độ tuổi bỏ học…

Già làng Bríu Thiện đang dạy chữ cho các cháu nhỏ trong thôn.

Trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, già làng Đinh Văn Khương ở thôn 5, Phước Gia, Hiệp Đức là điển hình tiêu biểu trong công tác vận động nhân dân tham gia phong trào giữ gìn ANTT. Còn nhớ năm 2012, một số người dân xã Tiên Lãnh, huyện Tiên Phước qua xã Phước Gia chăn thả gia súc gây hư hại hoa màu khiến nhân dân 2 xã phát sinh mâu thuẫn. Không để xảy ra điểm nóng, già Khương đã trực tiếp gặp gỡ và vận động người dân 2 xã ngồi lại với nhau hoà giải. Với sự nhiệt tình và uy tín của mình, già Khương đã hóa giải mâu thuẫn giữa 2 xã, góp phần ổn định tình hình địa bàn.

Già làng ở Quảng Nam không chỉ làm dân vận, dạy chữ, vận động người dân xoá bỏ hủ tục, không nghe, không tin kẻ xấu mà còn trực tiếp tham gia bắt giữ tội phạm. Thượng tá Huỳnh Ngọc Thành, Phó Trưởng Công an huyện Nam Trà My kể cho chúng tôi về tấm gương già làng Nguyễn Đình Cường ở thôn 3, xã Trà Mai, huyện Nam Trà My, người vẫn được nhân dân trìu mến gọi là “thám tử” vì đã trực tiếp tham gia khám phá nhiều vụ án. Vụ mất trộm 11,5 triệu đồng tại nhà ông Hồ Văn Út ở thôn 3 là một ví dụ. Sau khi nhận được tin báo, già Cường đã “khoanh vùng” xác định đối tượng nghi vấn và chỉ sau một ngày đã làm rõ thủ phạm, thu hồi tang vật trả cho người bị hại…

Tỉnh Quảng Nam hiện có 716 người có uy tín trong lĩnh vực an ninh trật tự. Từ năm 2011 đến nay, các già làng, trưởng bản, người có uy tín đã tham gia cùng lực lượng chức năng tổ chức hơn 700 buổi tuyên truyền cho quần chúng về công tác bảo vệ ANTT. Các già làng, người có uy tín còn tham gia quản lý, giáo dục, tạo điều kiện cho 86 người lầm lỗi ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng; giải quyết 256 vụ mâu thuẫn, tranh chấp xảy ra trong nhân dân; vận động nhân dân giao nộp 207 vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ các loại; cung cấp cho lực lượng Công an hàng nghìn nguồn tin có giá trị...

Đại tá Trương Quang Vinh, Phó giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam cho biết: Những năm qua, già làng, người có uy tín còn có nhiều đóng góp trong việc phối hợp với chính quyền xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến về ANTT như: “Dòng tộc tự quản”, “Tộc họ văn hóa”, “Khu dân cư không có tội phạm”… góp phần làm giảm tội phạm, giữ bình yên buôn làng. Nhận xét về vai trò của người uy tín trên địa bàn, ông Võ Xuân Ca, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Nam khẳng định: “Già làng, trưởng bản là những người giữ vai trò nòng cốt trong việc xây dựng làng bản ngày càng phát triển về kinh tế, xã hội. Họ giỏi dân vận, là cầu nối giữa Đảng và nhân dân, là những người vận động đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đạt kết quả cao”.

Già làng, trưởng bản và người có uy tín tỉnh Quảng Nam có đóng góp tích cực trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ. Năm 2013 có 374/385 thôn, 62/73 xã miền núi đạt chuẩn an toàn về an ninh trật tự; có 59/73 xã đạt tiêu chí thứ 19 xây dựng nông thôn mới về giữ vững ANTT. 4 xã được Bộ Công an, UBND tỉnh tặng cờ thi đua xuất sắc, 56 tập thể, cá nhân được Bộ Công an, UBND tỉnh tặng bằng khen; 120 tập thể, cá nhân được Giám đốc Công an tỉnh và UBND huyện tặng giấy khen...

Ngọc Oanh - Viết Kim
.
.