Giúp người chấp hành án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng tại Đồng Tháp

Chủ Nhật, 14/09/2014, 09:24
Người chấp hành xong án phạt tù khi trở về xã hội thường bị mọi người xa lánh. Tuy nhiên, thời gian qua với những nỗ lực và áp dụng nhiều biện pháp của Công an tỉnh Đồng Tháp, đã giúp nhiều người hòa nhập cộng đồng, có việc làm ổn định, quên đi mặc cảm mình từng lầm lỗi.

Từ năm 2002 đến tháng 4/2014, trên địa bàn toàn tỉnh Đồng Tháp có 6.791 người chấp hành xong án phạt tù về cư trú tại địa phương. Trong đó nổi lên một số vấn đề đáng lưu ý như: số người chưa có việc làm chiếm trên 21%; tình hình tái vi phạm pháp luật chiếm trên 10%, có năm chiếm đến 19%. Đa số những người chấp hành xong án phạt tù có trình độ văn hóa thấp, thuộc diện khó khăn, bản thân không có nghề nghiệp, không có việc làm ổn định… nên khi về tái hòa nhập cộng đồng thường gặp nhiều khó khăn. Vì thế, họ rất cần sự chia sẻ, giúp đỡ của chính quyền địa phương, xã hội để họ có cuộc sống ổn định, hạn chế tình hình tái phạm tội.

Thời gian qua, Công an tỉnh Đồng Tháp đã phối hợp với Sở LĐ-TB&XH xây dựng kế hoạch tiến hành thống kê, nắm nhu cầu học nghề, giải quyết việc làm và nhu cầu vay vốn của người chấp hành xong án phạt tù về cư trú tại địa phương. Trong đó tập trung vào nhóm tội danh có nguy cơ tái phạm cao như trộm cắp tài sản, cướp tài sản, cướp giật tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cố ý gây thương tích… Đồng thời, tuyên truyền trong nhân dân không kỳ thị với những người phạm tội nhưng ăn năn hối cãi, làm lại cuộc đời.

Cụ thể, Công an tỉnh Đồng Tháp đã chiếu phim phóng sự; tọa đàm trao đổi trực tiếp giữa người chấp hành xong án phạt tù, thân nhân của họ với chính quyền địa phương được 5 đợt, tại 230 điểm, với khoảng 15.000 lượt người tham dự. Trại tạm giam Công an tỉnh đã tổ chức 50 đợt tuyên truyền giáo dục pháp luật cho 4.000 lượt phạm nhân, người bị kết án tù đang chờ chuyển trại; hướng nghiệp 9 đợt cho 450 phạm nhân sắp chấp hành xong án phạt tù qua các đợt xét giảm án, đặc xá; tổ chức cho 70 phạm nhân tham gia viết thư với chủ đề “Gửi lời xin lỗi”, nhiều bức thư có nội dung xin lỗi chân thành, sâu sắc, bày tỏ sự ân hận, hối lỗi của bản thân đã gây ra, bước đầu đã có ý nghĩa tốt trong giáo dục cải tạo phạm nhân, giúp người phạm tội có cơ hội hoàn lương.

Thiếu tướng Nguyễn Minh Thuấn, Giám đốc Công an tỉnh Đồng Tháp trao giấy khen tặng những tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác tái hoà nhập cộng đồng.

Song song với đó, Công an tỉnh Đồng Tháp tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức Hội nghị biểu dương mô hình, cá nhân điển hình thực hiện công tác tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù. Xây dựng mô hình hỗ trợ vốn cho những người hoàn lương tiêu biểu của huyện Hồng Ngự. Qua hơn 1 năm thực hiện, Ngân hàng CSXH huyện Hồng Ngự đã tổ chức cho 46 người chấp hành xong án phạt tù vay vốn, tạo công ăn việc làm với số tiền trên 700 triệu đồng.

Hầu hết, tất cả những người này đều làm ăn có hiệu quả và tạo dư luận rất tốt trong cộng đồng xã hội. Mô hình hỗ trợ cho vay vốn của Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đồng Tháp đã hỗ trợ 632 triệu đồng, giải quyết cho 36 người chấp hành xong án phạt tù vay vốn để làm ăn kinh tế và tổ chức dạy nghề cho 10 đối tượng khác. Trong năm 2014, Sở tiếp tục phân bổ kinh phí cho hoạt động này với số tiền 500 triệu đồng.

Anh Ngụy Văn Ch. (32 tuổi, ngụ huyện Châu Thành) bùi ngùi khi kể về cuộc đời mình: “Trước đây, do tuổi trẻ bồng bột thiếu suy nghĩ nên tôi đã cùng nhóm bạn đi cướp tài sản, bị tòa tuyên 3 năm tù giam. Nhờ tích cực cải tạo nên tôi đã được xét giảm án trước 5 tháng. Về địa phương, tôi được sự động viên của gia đình, láng giềng và chính quyền địa phương nên  chí thú làm ăn, mở được cơ sở chế biến bong bóng cá, thu nhập mỗi năm trên 1 tỉ đồng”. Ngoài ra, cơ sở của Ch., còn tạo việc làm cho gần 40 lao động tại địa phương, trong đó có 5 người chấp hành xong án phạt tù và nhiều thanh niên vào làm việc với mức lương từ 3 triệu/tháng. Đầu năm 2014 này, anh Ch. chính thức thành lập công ty sản xuất bong bóng cá, với công việc sản xuất kinh doanh ổn định. Hàng năm Ch. đều tham gia tích cực vào công tác từ thiện tại địa phương.

Trước những nỗ lực đạt được, Công an tỉnh Đồng Tháp nghiên cứu mô hình thành lập quỹ tái hòa nhập cộng đồng của Công an tỉnh Đồng Nai và TP Đà Nẵng, Công an tỉnh Đồng Tháp đã đề nghị và được UBND tỉnh Đồng Tháp thống nhất thành lập “Quỹ phát triển tái hòa nhập cộng đồng” với số tiền ban đầu là 3 tỷ đồng để hỗ trợ cho người chấp hành án phạt tù trở về địa phương. Đây sẽ là động lực rất lớn để người hoàn lương an tâm lao động, sản xuất, vươn lên trong cuộc sống.

Văn Vĩnh
.
.