Mô hình “Tổ tự quản dòng tộc về ANTT” ở Bạc Liêu:

Giữ gìn bản sắc văn hóa, xây dựng phum, sóc an toàn

Chủ Nhật, 28/09/2014, 11:42
Tỉnh Bạc Liêu có 22 chùa và 6 Salatel (nhà sinh hoạt văn hoá cộng đồng) của Phật giáo Nam Tông Khmer, bà con theo đạo Phật chiếm 7,6% dân số toàn tỉnh. Những năm qua, bà con phật tử đã gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa, tích cực tham gia các hoạt động từ thiện xã hội, sống tốt đời đẹp đạo, đoàn kết xây dựng phum, sóc an toàn, bình an…

Hòa thượng Lý Sa Muoth, Chủ tịch Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Bạc Liêu là người có uy tín trong đồng bào, sư sãi Khmer, ông có nhiều đóng góp trong các phong trào thi đua yêu nước và bảo vệ an ninh Tổ quốc. Chính Hoà thượng Lý Sa Muoth là người đã đề xuất xây dựng mô hình “Tổ tự quản dòng tộc về an ninh trật tự” trên địa bàn tỉnh. Trò chuyện với chúng tôi, Hoà thượng chia sẻ, năm 2004, tình hình ở một số địa phương, nhất là huyện Phước Long nảy sinh nhân tố phức tạp về an ninh trật tự. Một số người nhẹ dạ cả tin đã nghe theo các luận điệu tuyên truyền gây mất đoàn kết dân tộc. Trước tình hình đó, Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Bạc Liêu đã nghiên cứu địa bàn và đề xuất với cấp ủy, chính quyền huyện Phước Long cho triển khai mô hình “Tổ tự quản dòng tộc về an ninh trật tự”.

Ấp Vĩnh Lộc, xã Vĩnh Phú Đông là địa phương được chọn làm điểm để triển khai mô hình này. Tháng 10/2011, 3 “Tổ tự quản dòng tộc về an ninh trật tự” ấp Vĩnh Lộc đã chính thức ra đời. 

Hoà thượng Lý Sa Muoth chia sẻ: “Mô hình này không chỉ bó hẹp trong công tác giữ gìn ANTT mà còn tăng cường tương trợ, giúp đỡ nhau trong sản xuất, động viên con cháu trong dòng họ tích cực học tập, lao động, không sa đà vào các thói hư tật xấu”. Mô hình được người dân nhiệt tình hưởng ứng do ý nghĩa thiết thực của nó. Sự ra đời của “Tổ tự quản dòng tộc về an ninh trật tự” đã góp phần tăng cường mối đoàn kết trong các gia đình và dòng họ, giữ gìn bản sắc văn hoá của người Khmer; làm giảm đáng kể những bất đồng, tiêu cực, trộm cắp, tệ nạn xã hội... Từ 3 dòng họ tham gia, đến nay toàn ấp Vĩnh Lộc có 12/12 họ tộc với hơn 243 hộ, 1.257 khẩu đã tham gia vào mô hình. Trung tá Châu Quốc Huy, Trưởng Công an huyện Phước Long nhận xét: “Sau 3 năm triển khai mô hình tại ấp Vĩnh Lộc, phạm pháp hình sự giảm mạnh theo từng năm, không xảy ra tình trạng khiếu kiện. Các họ tộc đã ý thức và tích cực tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm; cảm hóa giáo dục người lầm lỗi tại cộng đồng dân cư. Tình trạng thanh niên tụ tập, la cà hàng quán nhậu nhẹt đã giảm hẳn.

Lãnh đạo Công an tỉnh Bạc Liêu tặng quà lực lượng bảo vệ dân phố.

Mô hình “Tổ tự quản dòng tộc về an ninh trật tự” tại ấp Vĩnh Lộc đã đem lại  hiệu quả thiết thực và được nhân rộng ra toàn xã Vĩnh Phú Đông và 8 xã, thị trấn của huyện Phước Long. Theo Đại tá Lê Tấn Thảnh, Phó giám đốc Công an tỉnh Bạc Liêu, mô hình thu được kết quả tích cực bởi đã phát huy được sức mạnh của nhân dân, các dòng tộc, đặc biệt là công tác phát huy vai trò của người có uy tín, hoà thượng, sư sãi trong các nhà chùa trong công tác tuyên truyền, vận động.

Hiện nay, Công an tỉnh Bạc Liêu đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức nhân rộng “Tổ tự quản dòng tộc về an ninh trật tự” ra địa bàn 7 huyện, thành phố, với hàng trăm mô hình đã và đang phát huy có hiệu quả, góp phần giữ gìn bình yên phum, sóc, tổ dân cư. Trung tá Lê Thanh Sơn, Trưởng phòng Xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, Công an tỉnh Bạc Liêu cho biết, mô hình này hiện đã và đang được triển khai rất hiệu quả ở huyện Vĩnh Lợi, Giá Rai và TP Bạc Liêu. Trong đó nổi bật như huyện Giá Rai (nơi bà con dân tộc Khmer chiếm tỷ lệ khá đông) đang duy trì 51 “Tổ tự quản dòng tộc về an ninh trật tự” trong đồng bào dân tộc ở 71 ấp thuộc 10 xã và thị trấn. Nhiều người có uy tín còn tích cực tham gia các tổ chức, đoàn thể chính trị, xã hội, tổ chức quần chúng bảo vệ an ninh trật tự ở khu dân cư, điển hình như ông Lý Sil, Trưởng Ban quản trị chùa Đìa Muồn, ấp Vĩnh Lộc, làm Tổ phó dòng tộc; ông Sơn Sa Ri, Trụ trì chùa Cos Đôn, xã Vĩnh Phú Tây là đại biểu MTTQ huyện Phước Long...

Hùng Nam
.
.