Giám định con chữ giải oan cho người lương thiện

Chủ Nhật, 21/11/2010, 21:05
Trên cơ sở chữ viết chung, chữ viết có sự biến đổi tùy theo tuổi tác, sức khỏe, trạng thái tâm lý của con người, để đưa ra những kết luận chính xác đòi hỏi người giám định viên phải thực sự tỷ mỷ và tâm huyết với nghề.

Một vụ án cần giải quyết đúng người, đúng tội, một sự thật cần được phân định thật, giả, trắng, đen… khi đó, bản kết luận giám định không chỉ là nguồn chứng cứ mang tính củng cố cho các nguồn chứng cứ khác, mà còn là "chìa khóa" để mở ra hướng giải quyết vụ án theo đúng pháp luật.

Đại úy Nguyễn Thị Hồng Hạnh, giám định viên Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Hải Dương (PC 54) chia sẻ một kinh nghiệm vô cùng quý báu, mà chị rút ra từ thực tế các vụ giám định tài liệu: Trong khi tiến giám định, sự phối hợp trao đổi thông tin một cách thường xuyên giữa cơ quan điều tra và cơ quan giám định là hết sức cần thiết. Trong quá trình giám định, sự cẩn thận, tỷ mỷ luôn là một bài học không bao giờ cũ, đừng bao giờ để sự hối thúc về thời gian có thể trở thành áp lực…

Bởi khi giám định tài liệu, một chi tiết nhỏ cũng giúp việc giám định tìm được một hướng đi đúng, giúp vụ án được giải mã thành công. Người giám định viên phải tìm hiểu về nhân thân của người có dấu hiệu phạm tội, đây là một dấu hiệu đặc biệt quan trọng vì nét chữ thường có sự thay đổi theo thời gian, tuổi tác và sức khỏe…

Có một vụ án mà Đại úy Hạnh đặc biệt ấn tượng, đồng thời cũng là bài học kinh nghiệm chị đúc rút được qua thực tế, lần đó Đại úy Hạnh được đồng chí Phó trưởng phòng giao giám định chữ viết về một tài liệu phản động. Đó là một bài thơ lục bát, có nội dung nói xấu một cán bộ địa phương, bày tỏ thái độ bất mãn... Tài liệu gửi đến là 2 bản tường trình nội dung không liên quan đến vụ án, thời điểm viết tài liệu phản động rất gần với thời điểm thu thập tài liệu cần giám định (đảm bảo yêu cầu của một tài liệu mẫu so sánh).

Nhiều đêm trắng nghiên cứu tài liệu, Đại úy Hạnh đã phát hiện những đặc điểm chung, đặc điểm riêng đúng theo bài bản đã học, nhưng vẫn chưa thể đưa ra một kết luận chính xác. Sau đó, bản báo cáo được lãnh đạo phòng trao đổi với cơ quan điều tra. Khi đó, có một thông tin được trao đổi lại: "Tôi năm nay đã 82 tuổi đầu, 60 năm tuổi Đảng, tôi không bao giờ viết những thứ ấy…".

Lúc này, Đại úy Hạnh chợt nhớ rằng, mình đã bỏ qua một yếu tố rất quan trọng đó là vấn đề tuổi tác của người nghi vấn. Lật những trang tài liệu mẫu so sánh, Đại úy Hạnh mới thấy sự run rẩy trong chữ viết của người cao tuổi mà tài liệu giám định không hề có...

Giám định tài liệu là một mảng quan trọng trong giám định kỹ thuật hình sự vì bản kết luận giám định không chỉ là nguồn chứng cứ mang tính củng cố cho các nguồn chứng cứ khác mà còn đóng vai trò then chốt, là chìa khóa duy nhất để mở ra vụ án. Thực tế hiện nay cho thấy không một vụ giám định nào giống vụ nào, ở mỗi vụ giám định viên phải có góc nhìn khác nhau.

Nhất là trong những năm gần đây, khi mà sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ bên cạnh việc đem lại nhiều lợi ích cho xã hội, đồng thời cũng là cơ hội để tội phạm lợi dụng công nghệ cao vào hoạt động phạm tội… Trong những trường hợp này, nếu cơ quan điều tra cung cấp đủ mẫu để giám định, đáp ứng nhu cầu thì việc giám định sẽ thuận lợi hơn rất nhiều.

Nếu nhìn bên ngoài sẽ nhầm tưởng rằng công việc giám định rất nhàm chán… Nhưng thực tế lại hoàn toàn khác, giám định viên phải là người thông minh, sáng tạo bởi có lúc giữa cái đúng và sai rất mong manh, phải có quyết đoán chính xác. Bởi nếu kết luận là chính xác thì tài liệu giám định sẽ trở thành một chứng cứ vô cùng quan trọng.

Ngược lại, nếu kết luận là khả năng thì khi đó bản kết luận giám định chỉ là tài liệu tham khảo, cơ quan điều tra không có chứng cứ cứng để làm rõ vụ án. Vụ lừa đảo hơn 10 tỷ đồng vừa được Công an tỉnh Hải Dương làm rõ năm 2010 là một ví dụ. Bị hại trong vụ án là chị Nguyễn Thi P., trú tại tỉnh Hải Dương.

Trước đó, chị P. đã cho Vũ Thị L., nguyên là một cán bộ nhà nước vay 10 tỷ đồng, với lãi suất 14%/tháng để kinh doanh trong lĩnh vực xăng dầu, số tiền này đã được thanh toán trả cả gốc và lãi. Đến đầu năm 2009, L. dùng danh nghĩa của công ty tiếp tục vay của P.  số tiền là 17 tỷ đồng cùng với hơn 400 USD nhưng sau đó bỏ trốn.

Khi đó, chị P. đã làm đơn tố cáo L. và Phạm Văn Th. đến cơ quan Công an, đồng thời xuất trình toàn bộ sổ ghi chép vay nợ, trong đó có một tờ giấy bảo lãnh vay nợ giữa chị P. và L., một tờ giấy bảo lãnh nhận nợ đánh máy đứng tên Phạm Văn Th. Theo nội dung đó thì anh Th. nhân danh là giám đốc của công ty bảo lãnh nhận cùng bà L. thanh toán trả nợ.

Giám định viên Phòng PC54 Công an tỉnh Hải Dương trong một giám định tài liệu.

Trong trường hợp công ty cần vốn thì sẽ ủy quyền cho bà L. giao dịch vay mượn của bà P. và Giám đốc Th. sẽ nhận hết số nợ đó. Thế nhưng, khi bị cơ quan Công an triệu tập, Th vẫn một mực khai rằng không hề giao dịch hay vay mượn với chị P. và không hề ký vào các tờ giấy bảo lãnh vay nhận nợ trên. Ngoài ra, Th. còn khai rằng, trước đó đã trả lại cho chị L. toàn bộ số tiền góp vốn vào công ty…

Khi đó, để có căn cứ giải quyết vụ án, Cơ quan CSĐT đã gửi các mẫu giám định đến Phòng PC 54 Công an tỉnh Hải Dương. Từng chi tiết được các giám định viên thận trọng cân nhắc, chỉ một chi tiết khác biệt trên nét chữ đã giúp họ xác định anh Th. không ký vào giấy trên. Toàn bộ các tài liệu là do L. làm giả. Như vậy với kết luận này, anh Th không liên quan đến vụ nợ nần trên… 

Hay như một vụ giám định liên quan đến một đối tượng mua bán trái phép chất ma túy. Trong quá trình bị bắt, tên này đã lợi dụng sơ hở rồi bỏ trốn. Khi đó, tài liệu giám định chỉ có duy nhất bản tường trình, đối tượng khai tên là Phạm Đức Huỳnh, trú tại Hải Dương…

Để có căn cứ ra lệnh truy nã đối tượng, cơ quan Cảnh sát điều tra đã trưng cầu giám định chữ viết trên bản tường trình, với mục đích tìm ra danh tính của đối tượng có tên trong lời khai. Đại úy Hạnh đã xác định nhân thân của đối tượng là một kẻ nghiện hút, khi viết trong tình trạng sức khỏe suy sụp, lúc đi xuống, xiêu vẹo không ổn định. Khi đó có một khó khăn lại nảy sinh là tài liệu so sánh hầu như không tìm thấy đặc điểm riêng nào giống nhau. Tài liệu mẫu so sánh lúc đó được viết vào trước đó không lâu…

Thận trọng đọc kỹ bản tường trình cần giám định, một điều Hạnh đặc biệt chú ý đó là lối hành văn và chính tả rất giống nhau. Một câu hỏi đặt ra: Chữ viết của một người bình thường và chữ viết của chính người đó sau khi bị nghiện ngập cũng sẽ bị thay đổi? Quãng thời gian 11 năm  liệu chữ viết có thể thay đổi. Sau hơn một ngày tích cực tra cứu hồ sơ và trích lục tại tòa án, Cơ quan CSĐT đã gửi lại một số tài liệu so sánh…

Quả đúng như dự đoán, khi nhìn vào tài liệu mẫu lần này, giám định viên đã dễ dàng tìm ra những đặc điểm chung và đặc điểm riêng giống nhau giữa tài liệu cần giám định và tài liệu mẫu so sánh. Từ đó có đủ căn cứ khẳng định: chữ viết trên bản tường trình mà Cơ quan CSĐT quan tâm đúng là chữ viết của đối tượng...

Hiện nay, có một tài liệu khác cũng bị bọn tội phạm làm giả đó là đăng ký xe ôtô, xe máy. Thông thường, khi giám định các loại tài liệu này, giám định viên sẽ xem xét phần chữ ký và hình dấu của các đăng ký.

Đại úy Hạnh cho biết, thực tế hiện nay cách làm truyền thống đó đã không còn phù hợp vì cách làm giả phổ biến với loại tội phạm này hiện nay là làm giả bằng phương pháp in phun màu, các đối tượng sẽ chỉnh sửa hình ảnh, tài liệu được làm giả 100% kể cả phần chữ ký và hình dấu, nhưng do được sửa chữa bằng photoshop nên hình dấu và chữ ký rất giống với chữ ký và hình dấu thật.

Khi đó, nếu người giám định viên chỉ chú trọng giám định phần chữ ký, hình dấu và nguyên lý hình thành chữ ký thì sẽ dẫn đến kết luận sai. Vì vậy, một kinh nghiệm đáng lưu tâm là thay vì thao tác ngay vào giám định, chữ ký, hình dấu theo phương pháp truyền thống, người giám định viên nên tìm hiểu về phương pháp in rồi sau đó nghiên cứu các đặc điểm bảo vệ. Từ đó sẽ dễ dàng phân tích và kết luận một tài liệu là thật hay giả.

Thượng tá Tuynh, Phó trưởng Phòng PC 54 Công an tỉnh Hải Dương cho biết: Giám định tư pháp gồm giám định con dấu, đường vân, tài liệu đòi hỏi sự khắt khe đến tuyệt đối. Mỗi kết luận đúng 100 % là một căn cứ quan trọng, có khi là quyết định danh dự của một con người, quyết định sinh mệnh chính trị. Trong giám định chữ viết, yếu tố con người trở thành cốt yếu nhất, máy móc chỉ là bộ phận hỗ trợ. Sự tỷ mỷ của điều tra viên là vấn đề then chốt.

Để kết luận giám định thực sự là "chìa khóa" để phân định thật giả, cần phải thận trọng xem xét tài liệu từ hai phía: Tài liệu cần giám định và tài liệu mẫu so sánh. Khi cảm thấy lúng túng hoặc chưa giải đáp được hết các câu hỏi mà mình tự đặt ra thì cần tham khảo ý kiến của đồng nghiệp hoặc tiến hành giám định tập thể.

Xuân Mai
.
.