Giảm TNGT nhờ phần mềm nhận dạng xe vi phạm

Chủ Nhật, 14/10/2012, 06:45
Sau 1 năm thử nghiệm thành công tại Công an Rạch Giá (Kiên Giang), phần mềm nhận dạng biển số xe vi phạm, biển số xe giả do Công ty Biển Bạc, phối hợp với Cục Khoa học công nghệ và môi trường - Bộ Công an (H46) nghiên cứu đang được Bộ Công an cho triển khai thử nghiệm tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước, trong đó có Thủ đô Hà Nội.

Tại các quốc gia phát triển, hệ thống giao thông thông minh được ứng dụng rất rộng rãi nên đã hạn chế được tối đa tình hình tai nạn giao thông. Tuy nhiên, hầu hết các phần mềm quản lý giao thông thông minh của các quốc gia tiên tiến trên khi qua Việt Nam thử nghiệm đều cho kết quả không tương thích do các phương tiện tham gia giao thông của chúng ta quá hỗn loạn và phức tạp.

Trước thực tế đó, ông Trần Trọng Vinh, Tổng giám đốc Công ty Biển Bạc, Phó Chủ tịch Hiệp hội An ninh châu Á đã phối hợp với Cục Khoa học công nghệ và môi trường - Bộ Công an (H46) bắt tay nghiên cứu phần mềm nhận dạng biển số xe vi phạm, biển số xe giả... thích ứng với điều kiện giao thông tại Việt Nam. Đây là phần mềm “nội” đầu tiên tại Việt Nam sử dụng công nghệ hình ảnh để phát hiện, xử lý vi phạm giao thông một cách tự động. Sau một năm thử nghiệm thành công tại Công an Rạch Giá (Kiên Giang), hiện phần mềm này đang được Bộ Công an cho triển khai thử nghiệm tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước, trong đó có Thủ đô Hà Nội.

Trao đổi với PV Báo CAND, ông Trần Trọng Vinh, Tổng Giám đốc Công ty Biển bạc chia sẻ: Khác với các quốc gia tiên tiến trên thế giới, Việt Nam có nhiều chủng loại phương tiện tham gia giao thông như xe đạp - xe máy, ôtô, xe tải, xe khách, xe ngoại giao, nhưng hầu hết đều không phân làn nên rất hỗn loạn, thường xuyên vi phạm tốc độ, đèn hiệu, đi sai làn, ngược chiều... Ý thức của người tham gia giao thông còn kém, thường chỉ tuân thủ luật lệ khi có lực lượng Cảnh sát giao thông giám sát, nên tai nạn giao thông tại Việt Nam đang trở thành vấn đề nhức nhối đối với xã hội.

Là một nhà khoa học, đồng thời cũng là Phó Chủ tịch Hiệp hội An ninh châu Á, thường xuyên đi công tác ở nước ngoài, đặc biệt là các nước phát triển sớm có điều kiện ứng dụng các giải pháp công nghệ thông tin thông minh nhằm giảm thiểu tối đa tai nạn giao thông nên bản thân ông luôn ấp ủ giấc mơ có một ngày, các ứng dụng này sẽ được đưa vào Việt Nam để góp phần giải quyết được vấn nạn tai nạn giao thông. Tuy nhiên, các hãng cung cấp phần mềm quản lý giao thông thông minh tiên tiến nhất trên thế giới, như OCCONER, OAWELL, ISS, ITS, ARTIVISION, ASIA VISION, ICARE VISION... sang Việt Nam thử nghiệm đều gặp trở ngại trong ứng dụng, vì tất cả đều chỉ nhận dạng biển số ôtô, không nhận dạng được biển số xe máy, nên rất khó khăn trong việc triển khai tại Việt Nam.

Sau một thời gian mày mò nghiên cứu, hệ thống “Tự động phát hiện vi phạm giao thông bằng hình ảnh” do Công ty cổ phần Biển Bạc phối hợp với Cục Khoa học và Công nghệ môi trường (Bộ Công an) ra đời đã khắc phục được toàn bộ những hạn chế mà các giải pháp tiên tiến của nước ngoài không làm được.

Trung tâm điều khiển hệ thống tự động phát hiện vi phạm giao thông bằng hình ảnh tại Công an tỉnh Kiên Giang.

Theo ông Trần Trọng Vinh, hệ thống tự động phát hiện vi phạm giao thông bằng hình ảnh là tập hợp các giải pháp phần cứng và phần mềm, cho phép thu thập dữ liệu từ camera giám sát, súng bắn tốc độ và phân tích các dữ liệu từ đó để tìm ra các phương tiện vi phạm giao thông. Đáng chú ý là việc phát hiện các phương tiện vi phạm, nhận dạng biển số của các phương tiện vi phạm đều được tiến hành một cách tự động, không cần sự can thiệp của con người. Hệ thống được thiết kế bao gồm: Hệ thống tự phát hiện vi phạm đèn đỏ, tự động phát hiện vi phạm tốc độ, đi sai làn đường… phát hiện biển số giả. Trên cơ sở đó, hệ thống có thể nhận dạng được tất cả các loại biển số xe ôtô/xe máy tại Việt Nam theo đúng format và đầy đủ ký tự, màu sắc. Thời gian nhận dạng nhanh, chỉ từ 20 - 50ms, do đó đáp ứng được nhu cầu nhận dạng biển số xe máy vi phạm tốc độ trên 80km/h. Độ chính xác nhận dạng lớn hơn 98%.

Với những chức năng đó, hệ thống góp phần giảm lực lượng Cảnh sát phải đứng ngoài đường, giảm chi phí nhân sự và sự cố nguy hiểm. Đặc biệt là có thể hỗ trợ truy tìm tội phạm và gian lận trong xử lý xe vi phạm giao thông; kết nối với hệ thống đèn giao thông để điều tiết phương tiện, tránh ùn tắc. Nói cách khác, với các tiện ích mà hệ thống mang lại sẽ giúp lực lượng Cảnh sát giao thông có đủ cơ sở để xử phạt “nguội” các hành vi vi phạm của người tham gia giao thông, dẫn tới giảm tai nạn giao thông. Do đó, nếu hình thức “phạt nguội” này được áp dụng rộng rãi, kể cả không thấy bóng dáng cảnh sát, thì những người tham gia giao thông vẫn sẽ răm rắp tuân thủ luật lệ.

Điều đáng nói là sau một năm thử nghiệm tại Công an Rạch Giá (Kiên Giang), hệ thống tự động phát hiện vi phạm giao thông bằng hình ảnh đã bước đầu cho kết quả khả quan.

Theo báo cáo đánh giá của Bộ Công an và Công an tỉnh Kiên Giang thì nhờ hệ thống ứng dụng CNTT nêu trên, ý thức chấp hành luật lệ giao thông của người dân đã tăng rõ rệt, và số lượng vi phạm cũng đã giảm. Hệ thống đã phát hiện và trích xuất hình ảnh vi phạm chuyển giao cho lực lượng xử lý: 9,912 trường hợp vi phạm tốc độ; 16,186 trường hợp vi phạm tín hiệu đèn giao thông... Các trường hợp vi phạm đã phải tới cơ quan chức năng để nộp phạt, không thể kêu oan vì đã có tang chứng vật chứng rành rành

Huyền Thanh
.
.