Gặp mặt lực lượng điệp báo, trinh sát vũ trang Quảng Ngãi trong kháng chiến

Chủ Nhật, 22/03/2015, 14:32
Nhân kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng tỉnh Quảng Ngãi (24/3/1975 - 24/3/2015) và ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2015), Công an tỉnh Quảng Ngãi tổ chức gặp mặt lực lượng điệp báo, trinh sát vũ trang, thuộc Ban An ninh Quảng Ngãi trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Về dự buổi gặp mặt có hơn 100 đồng chí cách mạng lão thành nguyên là CBCS điệp báo, trinh sát vũ trang năm xưa…

Ra đời năm 1965, lực lượng trinh sát vũ trang (mật danh A3), điệp báo (mật danh B3), trong suốt chặng đường chiến đấu, tính chất hoạt động tuy khác nhau, nhưng cùng chung mục đích là xây dựng cơ sở bí mật trong vùng địch, tổ chức địch, nắm tình hình lập phương án diệt ác, phá kềm trên địa bàn bị địch tạm chiếm, trọng tâm là thị xã Quảng Ngãi, các quận lỵ… lập nên nhiều chiến công vang dội khiến cho địch phải khiếp vía kinh hồn.

Trong cuộc chiến đấu một mất một còn với kẻ thù, nhiều đồng chí đã bị địch bắt giam cầm, tù đày, tra tấn, nhưng vẫn một lòng kiên trung với cách mạng, không hề khai báo, giúp cho các lực lượng bí mật nổi dậy, đánh phá vùng tạm chiếm; góp phần cho lực lượng Ban An ninh tỉnh Quảng Ngãi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu đơn vị Anh hùng LLVTND.

Tại buổi gặp mặt, các CBCS cách mạng lão thành xúc động ôn lại những kỷ niệm xưa, kể cho nhau nghe lại những trận đánh mở đường cho lực lượng vũ trang nổi dậy, đấu tranh giành lại chính quyền…

Là người vẽ sơ đồ, hướng dẫn cho quân giải phóng phá nhà tù Quảng Ngãi, giải cứu trên 2.000 chiến sĩ cách mạng bị địch giam cầm, ông Tôn Long Đường tâm sự: “Hơn 40 năm qua, chúng tôi mới có dịp gặp lại nhau, ôn lại chuyện một thời chung lưng đánh giặc. Đây là cuộc gặp gỡ vô cùng ý nghĩa…”.

Còn bà Võ Thị Lan bồi hồi: “Ngày hội ngộ này đem lại một cảm xúc rất khó tả, chúng tôi không còn phải dùng mật khẩu để liên lạc, để nói với nhau như ngày xưa nữa, mà giờ ai cũng được trở về với cái tên mà cha mẹ đã đặt cho mình. Tuy thời gian được gặp lại là quá dài so với đời người, nhưng được gọi nhau, được ôm choàng lấy nhau như thời trai trẻ cùng nhau đánh giặc, chia ngọt sẻ bùi…”.

T.Sự - N.Thùy
.
.