Lực lượng Công an bảo vệ phiên tòa xét xử phúc thẩm bầu Kiên và đồng phạm:

Gắn trách nhiệm với tình người

Chủ Nhật, 14/12/2014, 09:41
Phiên tòa xét xử vụ án Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm đã diễn ra được 10 ngày đúng vào thời điểm giá lạnh kéo dài. Để đảm bảo an ninh trật tự trong suốt thời gian diễn ra phiên xử, lực lượng Công an đã cử gần 100 cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ kiểm tra an ninh, cháy nổ trong và ngoài phòng xử án, bảo vệ tuyệt đối an toàn cho các bị cáo, phòng ngừa các tình huống gây mất trật tự phiên tòa, góp phần giúp Hội đồng xét xử (HĐXX) và những người tham gia tố tụng hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.

Tiếp xúc với chúng tôi, Thượng sĩ Hoàng Văn Phong, Phòng Cảnh sát Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp, Công an TP Hà Nội tâm sự “Tôi đã  tham gia bảo vệ nhiều phiên tòa, nhưng đây là lần đầu tiên được tham gia bảo vệ một phiên tòa có tính chất quan trọng như thế này nên cảm thấy trách nhiệm của mình rất lớn. Dù đã được Chỉ huy đơn vị quán triệt rõ nhiệm vụ, tuy nhiên quá trình thực hiện vẫn thấy có những tình huống phát sinh không lường trước. Chẳng hạn như người được Tòa triệu tập tới phiên xử nhưng lại quên mang giấy triệu tập, trong khi nhà họ ở xa, mà thời gian bắt đầu xét xử chỉ còn ít phút. Gặp tình huống ấy vừa phải xử lý linh hoạt, vừa phải đảm bảo  quy định để tránh ảnh hưởng đến quá trình xét xử vì họ cũng tham dự phiên tòa với tư cách người tham gia tố tụng”.

Trao đổi với phóng viên Báo CAND, Thượng tá Nguyễn Trọng Thanh, Phó trưởng Phòng Cảnh sát Thi hành án hình sự và hỗ trợ Tư pháp, Công an TP Hà Nội cho biết: “Khi Tòa phúc thẩm TAND Tối cao, tại Hà Nội đề nghị bố trí lực lượng bảo vệ phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm, chúng tôi phải trao đổi với Chủ tọa phiên tòa để nắm rõ số lượng người tham dự, từ đó xây dựng phương án bảo vệ phiên tòa, bảo vệ các nhân chứng, nguyên đơn dân sự, người có quyền và nghĩa vụ liên quan, bảo vệ đại diện các cơ quan có trách nhiệm được Tòa mời tới cung cấp các thông tin, tài liệu phục vụ cho quá trình xét xử vụ án”.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, lực lượng Cảnh sát Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp có trách nhiệm phối hợp với lực lượng Cảnh sát Trại tạm giam T16 Bộ Công an bảo vệ các bị cáo tại phòng xử án và phòng cách ly bị cáo trong thời gian HĐXX nghỉ trưa để phòng ngừa và ngăn chặn những người có ý định tiếp xúc với bị cáo vì mục đích riêng, hoặc phát hiện và ngăn chặn các bị cáo có hành động tự gây thương cho mình, gây thương cho các bị cáo khác. Ngoài ra, lực lượng Cảnh sát Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp còn phối hợp giữa các đơn vị: Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy Hà Nội, Cảnh sát cơ động, Công an quận, Công an phường nơi diễn ra phiên tòa để tổ chức kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ khu vực xung quanh phòng xử án, phân ra nhiều tuyến, nhiều chốt kiểm tra, trao đổi diễn biến tình hình để phòng ngừa, ngăn chặn các tình huống phức tạp có thể xảy ra.
Lực lượng Công an kiểm tra giấy tờ của những người được Tòa triệu tập.

Nói về những khó khăn của lực lượng Cảnh sát Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp trong quá trình làm nhiệm vụ bảo vệ phiên tọa này, Thượng tá Thanh cho biết, cán bộ chiến sĩ được giao nhiệm vụ bảo vệ phiên tòa phải mặt tại Tòa từ 5h sáng để kiểm tra an ninh, kiểm tra an toàn cháy nổ trong và ngoài phòng xử án trước khi HĐXX làm việc. Nhiều người dân đến tham dự phiên tòa hiểu biết pháp luật còn hạn chế nên cán bộ chiến sĩ làm nhiệm vụ phải giải thích cho họ hiểu.

Thượng tá Tạ Văn Duy, Trại tạm giam T16 cho chúng tôi biết thêm, nơi tạm giam bị cáo Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm cách địa điểm xét xử hơn 30 km, nên bắt đầu từ 5h, cán bộ chiến sĩ của Trại phải làm thủ tục trích xuất các bị cáo ra khỏi phòng giam để cho bị cáo ăn sáng, sau đó đưa đến địa điểm xét xử sớm hơn thời gian HĐXX làm việc khoảng hơn một tiếng, điều đó giúp các bị cáo ổn định tâm lý trước khi hầu tòa. Để bảo vệ tính mạng, sức khỏe cho các bị cáo nên lực lượng Cảnh sát Trại tạm giam T16 không để cho gia đình, người thân đưa bất kỳ một thức ăn gì cho bị cáo mà cán bộ chiến sĩ làm nhiệm vụ phải chuẩn bị đồ ăn trưa cho các bị cáo. Trong quá trình bảo vệ cho các bị cáo ăn, nghỉ trưa, cán bộ chiến sĩ vừa thay phiên nhau ăn, vừa làm nhiệm vụ bảo vệ các bị cáo để tránh các tình huống bất ngờ trong bữa ăn.

“Mỗi phần cơm của các bị cáo đều được cán bộ chiến sĩ của Trại tạm giam T16 chuẩn bị chu đáo. Bữa cơm trưa của các bị cáo tuy đơn giản nhưng đủ chất và đặc biệt là đồ ăn, thức uống được đảm bảo an toàn tuyệt đối, không ảnh hưởng đến sức khỏe. Nếu để người nhà mang cơm trưa vào cho các bị cáo sẽ xảy ra tình trạng mất trật tự, khó kiểm soát và các bị cáo sẽ luôn bị phân tán tư tưởng. Khi HĐXX nghỉ trưa, gia đình các bị cáo thường đề nghị cán bộ chiến sĩ làm nhiệm vụ cho họ được gặp gỡ, tiếp xúc với bị cáo. Về mặt tình thì ai cũng có thể hiểu và thông cảm. Nhưng về mặt nguyên tắc thì cán bộ chiến sĩ không được phép cho các bị cáo và người thân trong gia đình họ tiếp xúc”, Thượng tá Duy nhấn mạnh.

Một trong những khó khăn khác mà cán bộ chiến sĩ Trại tạm giam T16 gặp phải, đó là các bị cáo đều nhiều tuổi, từng giữ các vị trí cao ở Ngân hàng ACB, cán bộ chiến sĩ làm nhiệm vụ phần lớn còn trẻ tuổi nên trong quá trình làm nhiệm vụ áp giải nhiều lúc cũng bị một số bị cáo có lời lẽ không đúng mực, thiếu tôn trọng gây ức chế. Tuy nhiên, cán bộ chiến sĩ vẫn bình tĩnh xử lý các tình huống đột xuất xảy ra để vừa hoàn thành nhiệm vụ, vừa tránh tạo tâm lý không tốt đối với các bị cáo.

Do chủ động làm tốt các nhiệm vụ liên quan đến việc bảo vệ phiên tòa nên trong những ngày diễn ra phiên xử phúc thẩm vụ án này, chưa xảy ra một sự cố nào làm ảnh hưởng đến quá trình xét xử. Vụ án Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm được dư luận đặc biệt quan tâm, theo dõi diễn biến nên trong thời gian diễn ra phiên tòa, các lực lượng Công an làm nhiệm vụ bảo vệ phiên tòa luôn chủ động trong mọi tình huống để đảm bảo an ninh trật tự, góp phần quan trọng phục vụ công tác xét xử vụ án này được thuận lợi.

Nguyễn Hưng
.
.