Đượm nghĩa tình chương trình của Bộ Công an hỗ trợ nhà ở cho đồng bào Mường Nhé
Bài 2: Chuyện dựng nhà cho hộ nghèo ở xã ngã ba biên giới Sín Thầu
Xã Sín Thầu (huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên) có vị trí địa lý rất đặc biệt. Đây là xã duy nhất trong cả nước "một tiếng gà gáy ba nước (Việt Nam, Lào và Trung Quốc) cùng nghe". Đây là xã thuộc huyện Mường Nhé - một trong những huyện nghèo nhất của cả nước, điểm cực Tây của Tổ quốc gắn với địa danh A Pa Chải. Để xây được những căn nhà vững chãi, khang trang cho bà con tại đây là cả một "kỳ tích" của 3 đơn vị được giao làm nhà mới, sửa chữa 55 căn nhà ở Sín Thầu và có sự đóng góp, hỗ trợ quan trọng của lực lượng Công an nhân dân.
1. Sáng sớm 1-5, từ trung tâm xã Sín Thầu, vượt qua cung đường quanh co bùn đất do vừa có trận mưa to đêm qua, chúng tôi có mặt tại bản biên giới A Pa Chải. Mới hơn 8h sáng nhưng hàng chục người đã có mặt tại nhà anh Thùng Văn Năm, hộ nghèo được thụ hưởng chính sách hỗ trợ người nghèo sửa chữa nhà dột nát từ chủ trương của Bộ Công an, cấp ủy chính quyền tỉnh Điện Biên. Đây là một trong 55 căn hộ được tỉnh giao cho Ban Dân vận và Ủy ban Kiểm tra tỉnh Điện Biên và xã Sín Thầu làm mới, sửa chữa cho các hộ nghèo.
Công an huyện Mường Nhé cùng Công an xã Sín Thầu, Đồn Biên phòng A Pa Chải giúp dân lợp lại mái nhà. |
Thượng tá Nguyễn Đình Quân, Phó trưởng Công an huyện Mường Nhé cùng Thiếu tá Lý Xú Tư, Trưởng Công an xã Sín Thầu cùng các đồng chí Phó Công an huyện và gần 10 em sinh viên thực tập đến từ Học viện An ninh nhân dân có mặt tại bản A Pa Chải để cùng chung tay với gia đình, nhân dân, Đồn Biên phòng A Pa Chải tiến hành tháo dỡ mái nhà, chuẩn bị lợp lại mái mới. Đây là công việc cuối cùng đối với hộ nghèo này. Trước đó, nguyên vật liệu đã được xã bố trí người vận chuyển tập kết đến sân nhà anh Năm. Đến khoảng 10h toàn bộ mái nhà đã được tháo dỡ xong. Đến chiều 1-5, công việc sửa chữa nhà cho anh Năm đã hoàn tất.
Ngay bên ngôi nhà mới, anh Năm cảm động nói: “Hai vợ chồng được gia đình giúp đỡ dựng cho căn nhà từ 4 năm trước. Tuy nhiên sau một thời gian sử dụng, phần mái ngôi nhà lợp bằng Fibroximăng đã bị dột, mỗi khi trời mưa vợ chồng con cái chịu cảnh “màn trời, chiếu đất” không có chỗ ăn ngủ, đồ đạc bị ướt hết…
Hôm nay được lợp bằng mái tôn, gia đình mình sẽ không còn khổ nữa”. Chị Trang Sùa Mé vợ anh Năm cũng rất phấn khởi chi biết, hai vợ chồng chỉ làm nghề nông, hằng năm trồng được một vụ ngô, lúa chỉ tạm đủ ăn. Nếu bị thiên tai thì sẽ đói. Nhà bị dột từ lâu mà không có tiền sửa lại. Nay được Bộ Công an, các cấp chính quyền quan tâm, chị rất cảm động.
2. Còn nhớ hơn chục năm về trước, chúng tôi đã có chuyến công tác tại xã Sín Thầu. Thời điểm đó, sáng sớm đi từ Hà Nội thì đến tối mịt mới lên tới Điện Biên. Song từ TP Điện Biên Phủ vào Sín Thầu hết mấy ngày thì... không nói trước được vì giao thông khó khăn. Cho tới thời điểm hiện tại, cung đường vào xã Sín Thầu đã thuận lợi hơn rất nhiều.
Tuy nhiên, để vào được trung tâm các bản thì vẫn còn rất nan giải. Đặc biệt, những chuyến xe chở nguyên vật liệu như cát, đá, xi măng, các cột, kèo, tôn chống nóng... chở từ trung tâm huyện Mường Nhé lên sẽ phải tập kết tại một điểm gần tỉnh lộ. Từ đó, đơn vị thi công sẽ phải dùng xe máy, xe cải tiến để chở vào đến chân công trình.
Trải lòng về việc dựng nhà ở Sín Thầu, Bí thư Đảng ủy xã Sín Thầu Pờ Mý Lế cho biết, có một điểm mà khi làm dự toán chưa lường trước được. Đó là mỗi căn nhà làm mới được đầu tư khoảng 50 triệu đồng, sửa chữa là 15 triệu đồng, song mỗi bản có vị trí, địa hình, đường sá vào khác nhau. Việc vận chuyển nguyên vật liệu sẽ bị "đội giá" lên không ít. Đặc biệt, tại xã Sín Thầu cũng là xã có nhiều bản mà việc đi lại phải đi bộ. Điều này cũng ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ của công trình, đặt ra bài toán không dễ cho lực lượng làm nhà sao cho căn nhà xây phải quản lý được giá, tiết kiệm nhưng phải đảm bảo chất lượng và bàn giao đúng tiến độ.
Vượt qua nhiều đèo dốc cheo leo, qua những con suối nước chảy như thác lũ, chúng tôi có mặt tại căn nhà mới của ông Chu Xà Lèng năm nay 67 tuổi. Sau nhiều năm chiến đấu tại chiến trường Lào, ông Lèng trở về A Pa Chải sống tại ngôi nhà gỗ được dựng từ năm 1974. Sau hơn 40 năm sử dụng căn nhà đã mục nát, mái lá vá chỗ nọ thủng chỗ kia. Biết tin mình có trong danh sách được xây lại nhà, ông Lèng vô cùng cảm động.
Hơn một tháng trước, vượt bao gian khó, các nguyên vật liệu đã được tập kết tại công trình. Khó khăn nhất là việc vận chuyển gạch và cát. Nếu như khung thép, lá tôn có thể khiêng thì cát, đá phải cho vào bao để gùi, vác vai. Cát rất nặng - nhất là cát ướt, trong thời tiết nắng nóng cán bộ chiến sỹ vận chuyển vô cùng vất vả. Vượt mọi khó khăn, sau khi nguyên vật liệu tập kết chỉ khoảng hai ngày căn nhà đã dựng xong.
Cán bộ đại diện các cơ quan, ban, ngành huyện Mường Nhé thăm ông Leng tại ngôi nhà tình nghĩa vừa được xây mới. |
Được biết ông Lèng nằm trong diện người tàn tật của xã, ông gần như chỉ ngồi một chỗ. Ông có 4 người con gái, ba người đã đi lấy chồng xa. Con gái út đang học dưới huyện, chỉ có hai vợ chồng ở với nhau. Tâm sự với chúng tôi, ông Lèng nghẹn giọng: “Hoàn cảnh gia đình vô cùng khó khăn, may mắn được Bộ Công an và các cấp chính quyền quan tâm xây lại cho căn nhà, vợ chồng tôi vui lắm. Chúng tôi cảm ơn Đảng, Bộ Công an, cảm ơn các cấp, các ngành và chính quyền xã, bà con dân bản đã giúp đỡ”.
Theo UBND huyện Mường Nhé, tính đến ngày 1-5, cùng với Chung Chải, Sín Thầu là một trong những xã đầu tiên của huyện hoàn thành trước tiến độ hoàn thành và bàn giao cho các hộ gia đình nghèo đưa vào sử dụng. Cùng hòa chung niềm vui đón Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước trên mọi miền Tổ quốc, ở vùng đất biên giới cực Tây của Tổ quốc này, niềm vui của những hộ nghèo được thụ hưởng chính sách càng nhân lên gấp bội.
Đặc biệt, sự có mặt của đồng chí Đoàn Xuân Tứ, Chánh Văn phòng UBND huyện Mường Nhé, cấp ủy, đồng chí Bí thư Đảng ủy xã, đồng chí quyền Chủ tịch UBND xã Sín Thầu và các lực lượng vũ trang đóng trên địa bàn đến thăm hỏi, động viên người dân bản A Pa Chải và dành sự quan tâm đặc biệt cho các hộ nghèo.
Theo đánh giá của UBND huyện Mường Nhé, bên cạnh những thuận lợi, việc làm mới, sửa chữa nhà cho hộ nghèo ở Mường Nhé cũng gặp không ít khó khăn. Đó là, do đặc thù phong tục tập quán, đồng bào cư trú không tập trung, địa hình miền núi chia cắt, hệ thống giao thông, điện chưa được đầu tư đồng bộ... Bên cạnh đó, dịch bệnh COVID-19 đã phần nào ảnh hưởng đến việc thực hiện theo kế hoạch đề ra…
Tuy nhiên, thực hiện chủ trương của Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an và Kế hoạch số 87-KH/TU của Ban thường vụ Tỉnh ủy Điện Biên, mặc dù triển khai trong điều kiện còn nhiều khó khăn nhưng các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ hỗ trợ làm nhà cho các hộ nghèo huyện Mường Nhé đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động, tích cực phối hợp, bám sát chỉ đạo, hướng dẫn của UBND tỉnh và các đơn vị liên quan trong triển khai thực hiện nhiệm vụ.
Nhân dân thuộc đối tượng hỗ trợ tích cực tham gia vào quá trình thi công, chủ động đổi công để vận chuyển nguyên, vật liệu xây dựng nhà, thể hiện đúng phương châm: “Nhà nước hỗ trợ - Nhân dân làm nhà”…
Huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên là địa bàn vùng sâu, tình hình kinh tế, xã hội của huyện còn hết sức khó khăn. Mường Nhé là 1 trong 61 huyện nghèo nhất của cả nước đang được thực hiện theo Nghị quyết 30a của Chính phủ về chương trình hỗ trợ, giảm nghèo nhanh và bền vững với hơn 1.200 hộ đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là dân tộc Mông, Hà Nhì, SiLa…ở 11/11 xã phải sinh sống trong các nhà tạm làm bằng tranh tre, vách nứa, dột nát. Người dân nghèo sống cuộc sống tạm bợ, rất cần sự hỗ trợ khẩn cấp về nhà ở để ổn định cuộc sống. Được biết, sau khi có chủ trương hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho các hộ nghèo ở Mường Nhé của Bộ Công an, các đơn vị chức năng có chuyên môn của Bộ Công an đã nghiên cứu và trực tiếp tiến hành khảo sát, thiết kế 2 mẫu nhà theo tiêu chuẩn 3 cứng (nền cứng, khung cứng và mái cứng) phù hợp với điều kiện tự nhiên, đảm bảo đáp ứng được nhu cầu sử dụng, tập quán của đồng bào. Sau khi xây dựng thí điểm 11 nhà tại 3 xã nhằm lấy ý kiến đóng góp của nhân dân, từ đó rút kinh nghiệm, việc thực hiện xây mới, sửa chữa nhà đã được tiến hành trên diện rộng của 11/11 xã của huyện Mường Nhé. |