Gương mặt trẻ triển vọng Việt Nam 2013 - Thượng sĩ Nguyễn Chí Thanh:

Dũng cảm, quên mình cứu người

Chủ Nhật, 23/03/2014, 21:02
“Lúc làm nhiệm vụ, tôi không nghĩ đến nguy hiểm chỉ biết nhiệm vụ mình phải làm là phải cứu người” - đó là những chia sẻ hết sức dung dị nhưng cũng đầy sâu sắc, ý nghĩa của Thượng sĩ Nguyễn Chí Thanh, Chiến sỹ Đội cứu nạn, cứu hộ thuộc Phòng Hướng dẫn chỉ đạo về chữa cháy và cứu hộ cứu nạn - Sở Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy  TP Hồ Chí Minh tại Lễ Trao Giải thưởng Gương mặt trẻ tiêu biểu, triển vọng Việt Nam 2013 tại Thủ đô Hà Nội, ngày 22/3/2014 vừa qua.

Năm nay vừa tròn 27 tuổi, trước khi nhận công tác tại Sở Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy  TP Hồ Chí Minh, Thượng sĩ Nguyễn Chí Thanh tốt nghiệp Trường Cao đẳng Kỹ thuật - Công nghệ TP Hồ Chí Minh. Trong thời gian đi học, do gia đình hoàn cảnh khó khăn, để đỡ đần cha mẹ, Thượng sĩ Nguyễn Chí Thanh làm thêm đủ nghề, từ bảo trì điện, làm cửa sắt đến phụ quán cà phê.

Tháng 10/2010, Thượng sĩ Nguyễn Chí Thanh vào học ở Trung tâm huấn luyện đào tạo Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ Quận 9, TP Hồ Chí Minh. Sau 4 tháng ròng rã luyện tập, học các kỹ năng bơi lặn, cứu hộ trên cao, phòng cháy chữa cháy, tập thể lực...; hoàn thành khóa huấn luyện chiến sĩ mới này, Thượng sĩ Nguyễn Chí Thanh về công tác tại Đội cứu nạn chuyên nghiệp thuộc Phòng Hướng dẫn chỉ đạo về chữa cháy và cứu hộ cứu nạn, Sở Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy  TP Hồ Chí Minh. Đây là một đơn vị đặc thù, nơi thường được ví như “đầu sóng ngọn gió”, là bộ phận xung kích đến những chỗ có tai nạn, hỏa hoạn… để cứu hộ.

Đối với Thượng sĩ Nguyễn Chí Thanh, vụ cứu hộ nhà sạt lở ở Nhà Bè vào tháng 8/2011 là vụ cứu nạn, cứu hộ đầu tiên mà anh tham gia cùng với các đồng đội. Nhận được tin báo, khi tới hiện trường, anh và đồng đội xác định có một người bị đè tử vong đang mắc kẹt dưới nước nên phải tiến hành tìm kiếm, khoanh vùng vị trí và lặn tìm. Tuy nhiên cứu hộ dưới nước nguy hiểm khó nhìn thấy chướng ngại vật thêm vào đó nhà cửa sạt lở tạo thành những đống hỗn độn nên việc tìm kiếm hết sức khó khăn. Trong quá trình lặn xuống nước, Thượng sĩ Nguyễn Chí Thanh và các đồng đội bị các chướng ngại vật, gậy gộc, tre nứa cứa vào tay, đâm vào người nhiều lần nhưng với sự quyết tâm và lòng quả cảm, đến trưa ngày hôm sau Thượng sĩ Nguyễn Chí Thanh và đồng đội đã đưa được thi thể của nạn nhân ra ngoài.  

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trao Giải thưởng Gương mặt trẻ triển vọng Việt Nam 2013 cho Thượng sĩ Nguyễn Chí Thanh. Ảnh Việt Hưng.

Tiếp đó, ngày 24/4/2013, Thượng sĩ Nguyễn Chí Thanh cùng đồng đội tham gia cứu hộ tại Công ty Cổ phần da Hào Dương  (Khu công nghiệp Hiệp Phước, xã Long Thới, huyện Nhà Bè, TP Hồ Chí Minh). Trong vụ cứu hộ này, anh và đồng đội sử dụng mặt nạ đeo bình lặn, tiếp cận môi trường ô nhiễm, độc hại, kịp thời đưa thi thể 3 nạn nhân đang bị kẹt trong hố xử lý chất thải của công ty ra ngoài.

Hẳn cho đến bây giờ, nhiều người dân sống trên địa bàn TP Hồ Chí Minh vẫn còn chưa quên vụ cháy nổ kinh hoàng khiến 11 người tử vong, tại các số nhà 384/7, 384/7A, 3984/9 đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa Quận 3, TP Hồ Chí Minh ngày 24/2/2013. Khoảng 0h15 ngày 24/2, người dân ở hẻm 384 đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (khu phố 4, phường 8, quận 3, TP Hồ Chí Minh) bàng hoàng thức giấc khi nghe 2 tiếng nổ lớn khiến nhiều người dân khi đó bị thương văng ra ngoài, rồi lửa bốc lên, khói đen dày đặc, nồng nặc mùi thuốc súng. Ngọn lửa phát ra từ căn nhà số 384/9 Nam Kỳ Khởi Nghĩa do ông Lê Minh Phương (Phương “khói lửa”) thuê chứa đạo cụ làm phim. Sức công phá của vụ nổ đã làm căn nhà này và 2 căn nhà 384/7, 384/7A bị đổ sập hoàn toàn. Các căn nhà liền kề bị hư hỏng nhẹ, cửa kiếng một số nhà lân cận bị rạn nứt và một số vật dụng, tấm tôn đã văng xa hơn 10m.

Nhận được tin báo, sau khi tiếp cận hiện trường vụ nổ thảm khốc, tiến hành trinh sát hiện trường, Thượng sĩ Nguyễn Chí Thanh phát hiện tiếng kêu cứu của bà Lưu Thị Rép. Ngay lập tức, anh phối hợp cùng đồng đội tiếp cận và sau 1 tiếng sau đã cứu, đưa được bà Lưu Thị Rép ra khỏi hiện trường. Sau đó, anh và các đồng đội lại quay lại để tìm kiếm, cứu hộ đưa các thi thể nạn nhân khác ra ngoài.

Thượng sĩ Nguyễn Chí Thanh. Ảnh Việt Hưng.

Công tác tại Đội Cứu hộ cứu nạn chưa lâu nhưng trong quá trình công tác, Thượng sĩ Nguyễn Chí Thanh còn được mệnh danh là cây “sáng tạo” của đội. Trong lúc tập luyện bình khí tài phòng độc có mặt nạ cách ly do Nhật sản xuất, anh em trong đội phát hiện khi vận động mạnh đai bình thì ron khí nén xì hơi không tắt được. Sau nhiều ngày tỷ mỷ nghiên cứu, anh đã tự mày mò dũa phần “ti” nhọn cắt ron, để khắc phục tình trạng xì hơi bình khí tài. Sáng chế này của Thượng sĩ Nguyễn Chí Thanh đã được áp dụng cho các bình khí tài của đơn vị rất hiệu quả, ngoài ra anh cũng tìm tòi nhiều phương pháp khắc phục sự cố hư hỏng của một số phương tiện chuyện dụng khác như máy cắt đa năng, rò rỉ khí bình lặn...

Bên cạnh việc hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ công tác chuyên môn, Thượng sĩ Nguyễn Chí Thanh còn tích cực hưởng ứng tham gia phong trào Đoàn, Tuổi trẻ Sở Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy TP Hồ Chí Minh.

Với những cống hiến và thành tích xuất sắc đã đạt được, Thượng sĩ Nguyễn Chí Thanh đã vinh dự được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trao Giải thưởng Gương mặt trẻ triển vọng Việt Nam 2013 tại Thủ đô Hà Nội vừa qua. “Hoàn thành tốt nhiệm vụ là nhờ anh em đồng đội luôn tích cực hỗ trợ, động viên. Nhận danh hiệu này vừa là vinh hạnh, cũng vừa là điều nhắc nhở mình phải luôn phấn đấu, không được nản lòng trước khó khăn, vì bình yên, hạnh phúc của mỗi người dân” - đó là những tâm niệm giản dị của Thượng sĩ Nguyễn Chí Thanh

Bùi Phương
.
.