Đồng chí Trần Quốc Hương - Người đặt nền móng cho công tác Điệp báo an ninh miền Nam thời kỳ chống Mỹ, cứu nước
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, lực lượng Điệp báo an ninh miền Nam dưới sự chỉ đạo của Xứ ủy Nam Bộ, Trung ương Cục miền Nam, An ninh Trung ương Cục đã xây dựng và bố trí các lưới điệp báo và hệ thống giao liên bí mật đi sâu vào lòng địch, nắm vững tình hình, các chiến lược chiến tranh, các kế hoạch quân sự của Mỹ - ngụy phục vụ bảo vệ Đảng, bảo vệ phong trào cách mạng ở miền Nam, góp phần phục vụ sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, bảo vệ miền Bắc Xã hội chủ nghĩa.
Nhưng ít ai biết rằng người đặt nền móng cho những chiến công xuất sắc của Điệp báo an ninh miền Nam chính là đồng chí Trần Quốc Hương (Mười Hương) - một trong những nhà tình báo lỗi lạc nhất của Việt Nam.
Vinh dự được Đảng, Bác Hồ lựa chọn cử vào Nam để gây dựng mạng lưới tình báo chiến lược
Sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, Đảng ta nhận định chỉ có thể “đi sát địch”, tức là triển khai hoạt động tình báo trực tiếp ở địa bàn Nam Bộ, nhất là ở Sài Gòn - nơi tập trung cơ quan đầu não của địch, mới có thể nắm địch, thấy sớm nhất, rõ nhất âm mưu, ý đồ, kế hoạch và tình hình địch. Chính vì vậy, tháng 9 năm 1954, Bộ Chính trị đã giao cho đồng chí Phạm Văn Đồng (thay mặt Ban Chấp hành Trung ương phụ trách Tình báo) đề xuất phương án xây dựng tổ chức nắm địch của các cấp ủy Đảng ở địa phương.
Theo đề án xây dựng các ban nghiên cứu do Nha Liên lạc đề xuất, Bộ Chính trị đã chỉ thị Xứ ủy Nam Bộ thành lập Ban Nghiên cứu Xứ ủy, và chính các đồng chí Trường Chinh, đồng chí Phạm Văn Đồng đã trực tiếp giao nhiệm vụ cho đồng chí Trần Quốc Hương vào Nam để tiến hành thành lập Ban Nghiên cứu Xứ ủy Nam Bộ. Trước khi lên đường thực hiện trọng trách này, đồng chí vinh dự được gặp Bác Hồ và nghe Người căn dặn. Sau này, đồng chí Mười Hương kể lại: “Bác dặn: Chúng ta chưa có nhiều kinh nghiệm làm tình báo nên phải học hỏi kinh nghiệm của các nước, nhưng phải biết vận dụng sao cho thích hợp với thực tiễn nước ta”. Như vậy, có thể thấy, đồng chí Trần Quốc Hương là một trong số không nhiều cán bộ được Bác Hồ và Trung ương Đảng trực tiếp lựa chọn, đào tạo, bồi dưỡng, là cán bộ cốt cán ở tầm chiến lược được giao nhiệm vụ đi xây dựng, phát triển lực lượng xâm nhập các mục tiêu đầu não của đối phương để thu thập tin tức tình báo.
Ngay sau khi bí mật vào Nam, đồng chí Trần Quốc Hương cùng các đồng chí lãnh đạo Xứ ủy Nam Bộ đã khẩn trương thực hiện nhiệm vụ thống nhất các lực lượng làm công tác nắm địch tình, gồm cán bộ của Nha Liên lạc Trung ương, Công an, Quân báo.
Ngày 18-10-1954, đồng chí Lê Duẩn, Bí thư Xứ ủy Nam Bộ cùng đồng chí Phạm Hùng công bố quyết định thành lập Ban Địch tình trực thuộc Xứ ủy (mật danh là Ban Nghiên cứu Xứ ủy). Bộ máy lãnh đạo của Ban Địch tình Xứ ủy có 5 đồng chí: Văn Viên - Xứ ủy viên là Trưởng Ban, Mai Chí Thọ, Mười Hương (Trần Quốc Hương), Cao Đăng Chiếm và Hoàng Minh Đạo là Phó Ban. Nhiệm vụ của Ban Địch tình Xứ ủy và Ban Địch tình các cấp là bí mật tổ chức các Lưới điệp báo chui sâu, leo cao vào lòng địch; xây dựng mạng lưới cơ sở trong quần chúng để làm chỗ đứng chân và giao thông liên lạc; tổ chức mạng lưới lực lượng bí mật trong các cơ quan tình báo, cảnh sát, các cơ quan đặc biệt khác của ngụy quân, ngụy quyền, các đảng phái, tôn giáo phản động để điều tra nắm tình hình, âm mưu, tổ chức và hoạt động của chúng phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Xứ ủy và cấp ủy các địa phương; xây dựng căn cứ, bảo vệ lãnh đạo Đảng, và phong trào đấu tranh của quần chúng…
Vượt qua những khó khăn, gian khổ khi mới thành lập Ban, đồng chí Trần Quốc Hương cùng các đồng chí lãnh đạo Ban đã từng bước xây dựng các hệ tình báo đi sâu vào bộ máy ngụy quân, ngụy quyền.
Với tầm nhìn sắc bén và khả năng phán đoán tinh tế, đồng chí Trần Quốc Hương đã trực tiếp gây dựng và lãnh đạo Hệ tình báo chiến lược với 10 Lưới, qua đó đã bố trí được nhiều cán bộ hoạt động đơn tuyến, chui sâu, leo cao vào hàng ngũ địch nhằm thu thập tin tức về âm mưu, hoạt động của Mỹ - Diệm.
Tiêu biểu đó là đồng chí Phạm Ngọc Thảo được Diệm mời hợp tác làm chuyên viên Phủ Thủ tướng và sau đó được giao nhiều trọng trách quan trọng như Tỉnh đoàn trưởng Bảo an Vĩnh Long, Tỉnh trưởng Kiến Hòa (Bến Tre). Đồng chí Phạm Xuân Ẩn được bố trí cử đi học ngành báo chí ở Mỹ để tạo thế chui sâu leo cao về lâu dài.
Đồng chí Vũ Ngọc Nhạ sử dụng vỏ bọc giáo dân từ Bắc di cư vào Nam và thông qua quan hệ quen biết với Giám mục Lê Hữu Từ để tạo dựng mối quan hệ thân tín với Diệm, Nhu, Cẩn; được Lê Hữu Từ sử dụng như người liên lạc và cung cấp thông tin giữa anh em họ Ngô với giới Công giáo di cư.
Ở vị trí này đồng chí không chỉ thu được nhiều tin tức tình báo có giá trị mà còn tạo dựng được ảnh hưởng nhất định thông qua sự nhạy bén, chủ động tư vấn hiệu quả trong việc trao đổi thông tin giữa hai bên, từ đó đồng chí có biệt danh là “Ông cố vấn”…
Ông Mười Hương (đứng giữa) và các học trò tình báo tại Lễ trao Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp tình báo” vào ngày 20-4-2012 tại TP Hồ Chí Minh. |
Giữ vững bản lĩnh kiên trung, đấu trí trực diện với kẻ thù
Tháng 12-1957, do bị chỉ điểm, đồng chí Trần Quốc Hương bị bọn đặc vụ thuộc tổ chức “Ban công tác đặc biệt miền Trung” do Ngô Đình Cẩn thành lập bắt giữ. Biết đồng chí là lãnh đạo Ban Địch tình miền Nam, lại phụ trách Lưới tình báo chiến lược, Diệm - Nhu trực tiếp lệnh cho Dương Văn Hiếu - Trưởng ban Công tác đặc biệt miền Trung phải làm mọi cách để lấy được lời khai của đồng chí. Nhưng chúng không ngờ rằng đang phải đối đầu với một trong những người cộng sản “cứng đầu nhất”.
Biết mình đã bị kẻ phản bội khai rõ với địch là lãnh đạo tình báo cao cấp, không thể che giấu thân phận được nữa, đồng chí đã trực tiếp đấu tranh trực diện bằng những lý lẽ sắc bén, khiến cho kẻ thù không dám ngạo mạn, dương oai.
Mọi ngón đòn tra tấn dã man, kể cả mua chuộc của địch đều không khuất phục được đồng chí. Mọi bí mật về mạng lưới tình báo đều được ông giữ kín “sống để bụng, chết mang theo” trong suốt 6 năm bị địch đọa đầy trong tù. Đến năm 1963, khi anh em Diệm - Nhu bị lật đổ, đồng chí đã được Điệp báo an ninh bí mật cứu thoát khỏi ngục tù.
Phụ trách mạng lưới điệp báo Sài Gòn - Gia Định
Thoát khỏi cảnh tù đầy, đồng chí Trần Quốc Hương tiếp tục được Trung ương Cục miền Nam, Ban An ninh Trung ương Cục giao nhiệm vụ lãnh đạo công tác điệp báo an ninh miền Nam. Năm 1968, đồng chí là Ủy viên Ban An ninh Trung ương cục, phụ trách công tác điệp báo.
Đầu năm 1971, đồng chí được lãnh đạo Ban thường vụ Trung ương Cục điều động làm Trưởng Ban An ninh Đặc khu Sài Gòn - Gia Định, phụ trách công tác điệp báo an ninh. Đồng chí đã chỉ đạo lực lượng Điệp báo củng cố thêm một bước về tổ chức, rà soát lại mạng lưới cơ sở bí mật đã có, phát triển thêm đầu mối, tuyển chọn, bổ sung nhiều cơ sở, đặc tình mới trong lòng địch.
Dưới sự chỉ đạo của đồng chí, Điệp báo An ninh đã thu được nhiều tin có giá trị đặc biệt quan trọng như tình hình phản chiến trong binh lính ngụy và trong nội bộ nước Mỹ; thông tin về việc Mỹ không thể kéo dài cuộc chiến ở Việt Nam; phát hiện và thu được kịp thời nhiều tài liệu về âm mưu “bình định”, nguyên bản kế hoạch “Phượng Hoàng” và “Thiên Nga” của Mỹ - ngụy, các kế hoạch hoạt động quân sự, kế hoạch hành quân của Mỹ - ngụy.
Đặc biệt, trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (tháng 4-1975), đồng chí đã chỉ đạo tổ Điệp báo A10 dũng cảm, mưu trí tiếp cận và trực tiếp tác động Tổng thống ngụy Dương Văn Minh sớm tuyên bố đầu hàng cách mạng, hạn chế được thương vong và xương máu của quân dân ta, góp phần vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc ngày 30-4-1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
“Kho kinh nghiệm quý” về công tác tình báo
Sau ngày miền Nam giải phóng, dù không còn phụ trách công tác tình báo, đồng chí Trần Quốc Hương vẫn dành nhiều thời gian trao đổi kinh nghiệm với các thế hệ cán bộ tình báo CAND.
Các cán bộ tình báo Công an không bao giờ quên hình ảnh người cán bộ lão thành hết sức thân thương, giản dị cùng những câu chuyện cuốn hút về những kỷ niệm hoạt động tình báo đầy sôi nổi.
Mỗi câu chuyện thể hiện bản lĩnh trí tuệ, giá trị nhân văn của người cán bộ tình báo lỗi lạc, nhưng cũng để lại những ấn tượng khó quên về sự hy sinh thầm lặng của một con người là nhân chứng sống và minh chứng hùng hồn cho những chiến công thầm lặng của thế hệ điệp báo cha anh trong lòng địch.
Nay đồng chí Trần Quốc Hương đã đi xa trong sự tiếc thương của Đảng, Nhà nước, của đồng bào, đồng chí và gia quyến, song những đóng góp to lớn của đồng chí đối với sự nghiệp cách mạng nói chung và sự trưởng thành, lớn mạnh của lực lượng Tình báo Công an nhân dân nói riêng, luôn sống mãi trong lòng mỗi cán bộ, chiến sỹ lực lượng Tình báo Công an nhân dân hôm nay và mai sau.