Đêm trắng tiễn đưa Lý Đại Bàng

Thứ Bảy, 17/04/2010, 11:34
5 giờ sáng ngày 14/4, trong những quán cà phê cóc dọc hai bên đường của thị trấn Củ Chi, thay vì cười nói râm ran, thay vì những câu chuyện tào lao, hôm nay khách uống cà phê trầm lắng hơn, và không hẹn mà gặp, tất cả họ đều nói về một chủ đề duy nhất, một cái tên duy nhất: Lý Đại Bàng.
>> Đại tá Lý Đại Bàng về với Đất mẹ

Ngày hôm nay, nhiều người dân Củ Chi dậy sớm hơn bình thường. Gác lại chuyện cơm áo gạo tiền, gác lại những toan tính xô bồ, họ ngồi đó và chờ đợi đến giây phút tiễn đưa người con anh hùng của quê hương về nơi an nghỉ cuối cùng. Lâu lắm rồi, Củ Chi mới có một ngày buồn đến thế...

1.Kể rằng, sau khi cái tin Đại tá Lý Đại Bàng đột ngột qua đời tại phòng làm việc, đã có một độc giả của báo gọi điện lên tòa soạn. Bà chỉ kịp nói: "Xin anh cho tôi 5 phút để khóc Đại tá Bàng" rồi òa lên nức nở. Vẫn chưa hết bàng hoàng trước cái tin Lý Đại Bàng qua đời, người phụ nữ ấy đã gọi điện đến bất cứ đâu mà bà nghĩ ra để trút nỗi niềm đó. Ngày hôm ấy bà đã nằng nặc bắt con trai đưa mình về tận Củ Chi, cách thành phố mấy chục cây số, chỉ để thắp nén nhang cuối cùng cho người đã khuất.

Hai lần gia đình bà bị cướp xe máy, cả hai lần bà đều được "huyền thoại SBC" Lý Đại Bàng tìm lại và giao trả tận taỵ Hai chiếc xe máy, có thể giá trị vật chất không quá lớn, nhưng những việc làm của Lý Đại Bàng khiến bà cảm kích từ tận đáy lòng. Nên nén nhang ấy, vòng hoa ấy, những giọt nước mắt ấy vừa là sự biết ơn chân thành, vừa là lòng ngưỡng mộ, vừa là nỗi đau trước sự ra đi của vị thủ lĩnh SBC một thờị

Căn nhà nơi Lý Đại Bàng sinh ra và lớn lên nằm khiêm nhường giữa vườn cao su trong một con hẻm nhỏ của thị trấn Củ Chị Đêm cuối trước khi anh được đưa về an táng tại nghĩa trang liệt sĩ Củ Chi, có rất nhiều đồng chí, đồng đội, những người bạn của Lý Đại Bàng đã đến và ở lại nhà anh. Họ thay nhau túc trực bên linh cữu Lý Đại Bàng, thay nhau kể những câu chuyện, những hồi ức về anh. Khi mệt quá, họ lấy chiếc võng được mang sẵn theo từ nhà mắc lên gốc cao su để lấy chỗ ngả lưng tạm thờị Họ nói, dù có mệt đến mấy, cũng cố để được ngủ cạnh Lý Đại Bàng một đêm cuối cùng trước khi anh về với đất mẹ. Đêm đó, ở trong nhà, khi Lý Đại Bàng đã yên giấc ngàn thu, thì ngoài kia, quanh những gốc cao su, có những giọt nước mắt lặng lẽ rơi trong mộng mị chập chờn.

Đồng đội đến tiễn đưa Lý Đại Bàng.

Những người cuối cùng đã thức trọn đêm hôm đó là những thành viên của SBC thời kỳ đầu, nơi đã khiến cái tên Lý Đại Bàng trở thành huyền thoại.  Họ đã ở bên anh trong những năm tháng rực rỡ nhất và lại sát cánh cùng anh trong những giây phút sinh ly tử biệt. Mấy chục năm qua, mỗi người đều bị số phận cuốn đi, cũng chẳng có một đơn vị nào đứng ra kêu gọi, tổ chức nên sau khi chia tay, những thành viên SBC lừng lẫy một thời chưa từng có cơ hội gặp mặt, tề tựu đông đủ. Nhưng hôm nay, không ai bảo ai, họ đều có mặt trong đám tang Lý Đại Bàng, tiễn đưa người đội trưởng anh hùng của mình về  thế giới bên kia.

Có những xúc động ngày hội ngộ, có nhiều câu chuyện để tâm sự, nhưng nỗi đau mất mát là cái họ chia sẻ và đồng cảm với nhau nhất. Những trinh sát SBC từng là nỗi kinh hoàng của tội phạm một thời, giờ đây, khi ngồi cùng nhau bên ly rượu đắng, bỗng trở nên yếu đuối và dễ rơi nước mắt đến không ngờ.

Anh Tẹo, một thành viên trong đội rơm rớm nước mắt kể: "Những năm sau giải phóng, cướp giật mặc sức hoành hành trên đường phố. Bọn chúng đều có súng đạn và sẵn sàng bắn chết người khi cần. Hầu như tuần nào chúng tôi cũng phải đọ súng với những băng cướp trên đường phố. Tôi nhớ có lần tôi cùng anh Bàng đuổi theo hai tên cướp. Đến lúc bị chúng tôi chặn lại, bọn chúng không chần chừ rút súng ra bắn trả. Tôi với anh Bàng đứng giữa đường, chẳng có chỗ nào để nấp, đành đứng nguyên chịu trận và đọ súng với chúng. Nhưng bọn cướp bắn hết  nguyên một băng đạn mà không hiểu sao hai anh em đều chẳng hề hấn gì. Đêm về nằm nghĩ lại mà toát mồ hôi vì sợ, không hiểu vì sao mình lại còn sống. Nghĩ cũng kỳ lạ. Cứ như là trời phật đỡ đạn cho, nên cả đội đọ súng với tội phạm như cơm bữa mà chưa từng có ai bị thương khi săn bắt cướp. Anh Bàng thậm chí còn là người giữ "kỷ lục" về những lần cận kề với cái chết nhiều nhất trong đội mà vẫn không sao. Từ lâu tôi cứ mặc nhiên nghĩ rằng, Lý Đại Bàng nếu có chết thì cũng là chết khi xung trận, chết khi vây bắt tội phạm. Đến súng đạn cũng phải đầu hàng anh Bàng, những tưởng chẳng có gì có thể khuất phục con người này, thế mà cuối cùng anh ấy lại ra đi vào cái lúc chẳng ai ngờ. Vì một lý do cứ như chẳng đáng là lý do với một người như anh. Chết dễ dàng đến thế, chết ở tuổi 50 còn bao sức lực để cống hiến, chết khi con cái còn chưa trưởng thành, nên anh em SBC ngày ấy đều chẳng cam tâm chấp nhận sự thật này".

Bạn bè tiếc thương anh.

Ngoài 257 đoàn khách và hàng nghìn người bạn, người đồng chí, đồng đội của anh từ mọi miền đất nước tụ hội về, còn có những người dân chưa một lần gặp mặt anh, chỉ nghe báo chí nói về anh, nhưng cũng vượt hàng trăm cây số đến Củ Chi thắp cho Lý Đại Bàng nén hương rồi khóc. Có người phụ nữ bán hàng nước ở tận An Giang, gặp Lý Đại Bàng trong một lần anh đi đánh chuyên án và ngồi uống nước ở đó. Chỉ một lần, cách đây nhiều năm, nhưng cũng đã đủ khiến bà yêu quý và chẳng thể nào quên con người nàỵ Bà cũng đã lặn lội lên Củ Chi, gặp gia đình Lý Đại Bàng, để xin được thắp nén nhang vĩnh biệt tiếc thương anh.

Có lẽ lâu lắm rồi mới có một đám tang khiến dư luận xúc động như thế, dẫu Lý Đại Bàng chẳng phải quyền cao chức trọng, chẳng ông to bà lớn.

2.Đám tang Lý Đại Bàng. Không ít người sững sờ khi gặp gỡ người vợ tần tảo của anh. Đêm cuối cùng trước khi an táng chồng, chị vẫn giản dị trong bộ quần áo thôn dã, chân đi đất và mang từng ấm nước đến mỗi bàn khách viếng. Không ai nghĩ vợ của Lý Đại Bàng lại chân chất, mộc mạc đến thế. Nhưng những người bạn thân thiết với Lý Đại Bàng thì không hề ngạc nhiên về điều đó. Họ nói vợ Lý Đại Bàng giản dị đến vô cùng. Thời gian chị đi chân đất nhiều hơn đi dép. Dù là vợ của Trưởng phòng PC17, một người anh hùng, nhưng chị chọn cho mình một cuộc sống ẩn dật, thôn dã và làm hậu phương vững chắc cho chồng.

Trên mảnh đất Củ Chi, một tay chị quán xuyến gia đình, làm nương làm rẫy để chồng được yên tâm công tác. Có những khi bận đánh những chuyên án lớn, đến hàng tháng chồng mới về nhà một lần, chị cũng không hề kêu than. Ít ai biết rằng, sau những ngày làm việc căng thẳng, hạnh phúc lớn nhất của Lý Đại Bàng là được phóng chiếc xe Wave về đất Củ Chi, cùng vợ nuôi con lợn, con gà hay làm lại mái nhà hỏng. Ở đó, hai vợ chồng anh đã sống một cuộc đời giản dị và liêm khiết như bao người nông dân Nam Bộ bình thường khác.

Đại tá, Anh hùng LLVT Lý Đại Bàng được an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ Củ Chi.

Khác với những đám tang bình thường ở Nam Bộ, đám tang Lý Đại Bàng yên ắng đến lạ kỳ, không kèn, không trống, cũng không nhạc. Ông Lý Đại Hòa, anh trai Đại tá Lý Đại Bàng nói: "Lúc còn sống, chú Bảy (Lý Đại Bàng là con thứ 7 trong gia đình) là người giản dị từ sinh hoạt đến tính cách. Chú ấy không thích bày vẽ và ngại nhất là làm phiền hà đến bà con lối xóm. Đoán được nguyện vọng của chú Bảy, nên gia đình chúng tôi tổ chức một lễ tang giản dị hết mức có thể. Không có kèn, nhạc, chỉ có tiếng kẻng nhỏ báo hiệu có người đến viếng".

Sự ra đi đột ngột của Lý Đại Bàng là một cú sốc lớn với gia đình anh. Vì chỉ mới trước đó một ngày, Lý Đại Bàng còn về nhà ăn giỗ đầu người anh trai cả, hoàn toàn khỏe mạnh và không có dấu hiệu báo động nào về sức khỏẹ Trước lúc lên thành phố để trực ca đêm, Lý Đại Bàng còn kịp đút cho mẹ những muỗng cháo mà chính anh cũng không ngờ là cuối cùng. Khi ấy anh dặn người mẹ già gần 90 tuổi của mình rằng: "Má hứa là phải sống cùng con đến hết đời nghen má". Chẳng ai biết chỉ vài tiếng đồng hồ sau, chính anh lại trở thành người thất hứa.

Ông Lý Đại Hòa kể: "Lúc nhận được hung tin, tôi chẳng biết mở lời với má thế nào. Cứ chạy ra chạy vô, bóng gió đủ điều. Nhưng đến lúc chiếc xe chở em tôi về cách nhà 1km, chẳng còn cách nào khác, chúng tôi đành phải nói. Nói rất khẽ thôi, là má ơi, chú Bàng mất rồi. Má tôi không nói gì, chỉ khóc, đến lúc nhìn thấy thi hài em tôi thì má ngất lịm đi. Trước giờ má tôi vẫn khỏe, má thích ngồi trong vườn, thanh thản nhổ từng ngọn cỏ. Nhưng sau này chắc chẳng thể như thế được nữa".

Phát biểu những lời cuối cùng trước khi đưa Lý Đại Bàng về cõi vĩnh hằng, cô con gái của anh, bé Thu Trang (16 tuổi) đã nói: "Con sẽ mãi mãi tự hào vì là con của ba, Đại tá - Anh hùng Lý Đại Bàng. Và con sẽ sống tiếp cuộc đời như ba đã từng sống, sẽ đối xử với mọi người như ba đã từng đối xử. Con sẽ xứng đáng để là con của một người anh hùng".

Nhìn cách cư xử của Thu Trang hôm đó, có người đã thốt lên "đây đúng là con của Lý Đại Bàng". Nỗi đau đến khi Trang còn quá bé, nhưng trước hàng nghìn người dự lễ tang, Trang nhìn thẳng, ánh mắt cương nghị, dõng dạc nói những lời quyết tâm trước vong linh cha. Lúc đó Trang không khóc. Nhưng sau bài phát biểu đó, cháu đi lui vào bên trong, nghẹn ngào gục đầu vào vai mẹ.

Ba người con của Đại tá Lý Đại Bàng nói lời cuối chia tay với cha.

Nhiều người đã không cầm được nước mắt khi nhìn thấy cô con gái nhỏ của Lý Đại Bàng hai tay kính cẩn ôm chiếc mũ - biểu trưng cho sự nghiệp của người cha anh hùng Lý Đại Bàng, đi một cách lặng lẽ đến nghĩa trang liệt sĩ Củ Chi.

Giờ phút đưa tiễn Lý Đại Bàng về nơi an nghỉ cuối cùng, có hàng nghìn hàng nghìn người đã lặng lẽ đi theo đoàn xe tang, dưới cái nóng như thiêu như đốt để cùng đưa anh về nghĩa trang cách đó 20km. Người đã về với đất, những vòng hoa, những nén hương đã đầy trên mộ. Lý Đại Bàng đang trải qua những đêm đầu tiên dưới đất mẹ Củ Chi.

Dẫu biết sinh lão bệnh tử là quy luật bình thường của tạo hóa, nhưng trong những ngày tháng mới mẻ sau khi anh ra đi, tất cả mọi người đều không nguôi nỗi tiếc thương anh.  Thế mới biết người dân cũng rất công bằng. Họ yêu thương, quý trọng những cán bộ, chiến sĩ công an đã hết lòng vì sự bình yên của cuộc sống, vì hạnh phúc của người dân và người dân cũng không tha thứ cho ai đó đã mượn bộ cảnh phục để làm những việc không đúng

Thuận Thiên - Ngọc Lam (An ninh thế giới số 950)
.
.