Để lại niềm kính trọng

Chủ Nhật, 13/02/2011, 15:19
Kể với chúng tôi về những người thân yêu trong gia đình mình, về người cha đã từng cống hiến cuộc đời cho sự nghiệp giữ gìn an ninh Tổ quốc, Đại tá Đặng Xuân Khang - Chánh Văn phòng Interpol Việt Nam - rất tự hào. Tôi thấy anh như trẻ lại khi nói về những đứa con...

Qua nhiều lần hẹn, chúng tôi mới có dịp ngồi trò chuyện cùng Đại tá Đặng Xuân Khang, Chánh Văn phòng Interpol Việt Nam. Dịp cuối năm, giáp Tết Tân Mão là thời điểm công việc bộn bề, đặc biệt là ở một đơn vị Công an có chức năng phối hợp đấu tranh, phòng chống tội phạm với các cảnh sát các nước.

Ngồi nhâm nhi chén trà nóng trong một buổi sáng Hà Nội rét buốt xen lẫn mưa phùn, kể với chúng tôi về những người thân yêu trong gia đình mình, về người cha đã từng cống hiến cuộc đời cho sự nghiệp giữ gìn an ninh Tổ quốc, Đại tá Khang rất tự hào. Tôi thấy anh như trẻ lại khi nói về những đứa con. Bây giờ, hai con trai anh cũng là đồng chí, đồng nghiệp, những chiến sĩ Công an với sức trẻ của tuổi thanh xuân đang nỗ lực phấn đấu tiếp tục đi trên con đường mà cha ông đã đi.

1. Ra đi từ mái tranh nghèo

Nói tới Nhà giáo ưu tú Đặng Cân, hẳn nhiều cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng Công an nhân dân từng biết tới ông. Ông đã giữ nhiều chức vụ: Trưởng khoa Luật của Trường Đại học An ninh nhân dân (nay là Học viện An ninh nhân dân), Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Cảnh sát nhân dân (nay là Học viện Cảnh sát nhân dân); Cục trưởng Cục Tham mưu Cảnh sát; Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Công an)… Nhiều chức vụ đã trải qua, đến nay ông vừa được trao tặng Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng. Nhưng con đường ra đi làm cách mạng của Đại tá Đặng Cân, người con trai trưởng là Đại tá Đặng Xuân Khang, Chánh Văn phòng Interpol Việt Nam là nhớ cặn kẽ nhất với tấm lòng kính trọng mến yêu cha mình…

Chàng trai Đặng Cân sinh ra và lớn lên tại một làng quê nghèo ở vùng trung du: xóm Lê Lợi, xã Phương Thịnh, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ, trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng. Vừa đến tuổi trưởng thành là Đặng Cân gia nhập quân ngũ tham gia kháng chiến. Đầu những năm 50 thế kỷ trước, người lính ấy được đào tạo tại Trường Công an Trung ương những lớp học đầu tiên và được giữ lại trường làm công tác quản lý học viên.

Là một cán bộ trẻ, giàu năng lực nên từ năm 1961 - 1963 ông đã được cấp trên lựa chọn đi đào tạo tại Liên Xô. Hai năm sau trở về trường giữ chức vụ Phó trưởng Khoa Luật. Bắt đầu lên bục giảng đào tạo những học viên khóa D1 là những học viên đầu tiên của Trường Đại học An ninh nhân dân. Với 20 năm làm công tác quản lý và giảng dạy dưới mái trường này, với biết bao kỷ niệm, thầy Đặng Cân luôn là người thầy mẫu mực, tâm huyết hết lòng với sự nghiệp giáo dục trong lực lượng Công an.

Trước khi rời xa mái trường thân yêu đã gắn bó với ông cả một thời tuổi trẻ để đến với ngôi trường mới, chức vụ mới (Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Cảnh sát nhân dân ở Suối Hai, Ba Vì) ông là Trưởng khoa Luật suốt 10 năm ở Trường Đại học An ninh. Dù ở vị trí nào ông cũng luôn được đồng nghiệp yêu mến, sinh viên kính trọng bởi ông là người tâm huyết với nghề, ông là 1 trong 4 Nhà giáo ưu tú đầu tiên của lực lượng Công an. Theo yêu cầu của Bộ, rời giảng đường đại học, ông tiếp tục được giao những trọng trách khác nhau: Vụ phó Vụ Đào tạo, Cục trưởng Cục Tham mưu Cảnh sát, Vụ trưởng Vụ Pháp chế… Ở cương vị nào ông cũng là một con người tận tâm hết lòng với công việc.

Đại tá Đặng Cân và gia đình.

Kể về những ngày còn thơ bé, Đại tá Đặng Xuân Khang trầm tư. Cha anh cứ đằng đẵng xa nhà từ khi đi theo cách mạng. Anh đã được cha kể cho nghe về mối tình của cha mẹ. Dù đi công tác xa nhưng ông vẫn hướng về quê nhà để tìm "một nửa" của cuộc đời mình. Mẹ anh lúc ấy là học viên của Trường Trung cấp Y tỉnh Phú Thọ, cô thôn nữ trẻ trung, nhanh nhẹn làng bên đã lọt vào "tầm ngắm" của người chiến sĩ trẻ Đặng Cân. Họ cưới nhau rồi lại xa nhau và cậu bé Đặng Xuân Khang đã chào đời trong niềm yêu thương chờ đợi của cả đôi bên nội ngoại. Người mẹ cứ tảo tần công tác ở địa phương để chồng an lòng đi công tác xa nhà, thỉnh thoảng mới ghé thăm gia đình vợ con ở miền trung du heo hút. Cậu bé Khang có thêm một em trai nữa là Đặng Quang Khánh, và hai anh em bé tí phải nhờ tới sự chăm sóc của ông bà nội và người thím tốt bụng. Mẹ cũng đi làm công tác y tế xa nhà, tất cả phó thác cho ông bà nội.

Thời chiến tranh chống Mỹ, cứu nước phải đi sơ tán nhiều để tránh bom đạn, ông bà nội thì đã già nên hai anh em Khang rất sợ hãi. Cứ chiều chiều khi hoàng hôn buông xuống là ra ngõ ngóng bố mẹ rồi lại buồn bã quay về. Ông nội phải đẽo những con quay để hai đứa cháu nhỏ chơi đùa, quên đi nỗi nhớ cha mẹ. Sướng nhất là những lúc mẹ về, cho quần áo mới. Mẹ anh thường bảo: "Mẹ may cho con chiếc áo màu nâu, màu gụ cho đỡ bẩn". Thế rồi gia đình đoàn tụ, sự thật mà cứ ngỡ trong mơ, đó là khi bố anh đưa mẹ anh về làm công tác y tế tại Trường Đại học An ninh cho cả nhà gần gụi. Gia đình anh được trường cấp cho một gian nhà tập thể cấp 4 nhỏ với diện tích 16m2 ở cổng Trường C500.

2. Tài sản lớn nhất là con cháu trưởng thành

Một cuộc sống mới đã đến với gia đình Nhà giáo ưu tú Đặng Cân thời đó. Năm 1971, ông bà Đặng Cân có thêm cậu con trai út (Đặng Trung Dũng). Sau bao năm xa cách, gia đình được đoàn tụ, cùng công tác dưới một mái trường, con cái được bố mẹ đùm bọc gần gũi yêu thương. Là anh của 2 em nhỏ nên Đặng Xuân Khang cảm nhận được nhiều hơn. Cuộc sống thời đó còn nhiều khó khăn thiếu thốn. Hằng ngày bố mẹ bận rộn với công tác, cậu bé Khang thường cùng đám trẻ Trường C500 hằng ngày nhảy tàu điện đi học ở tít Hà Đông. Nhưng được ở với bố mẹ nên rất thích, chẳng dám kêu ca bao giờ. Buổi sáng đi học, buổi chiều học bài xong là đi quét lá xà cừ rụng ở sân trường để nấu cơm. Có hôm nồi cơm sống sít, nhão nhoét, nhưng bố anh vẫn động viên cậu con bé nhỏ: "Sống vẫn ăn được con ạ…". Cứ như vậy, cậu con trai cả vừa lo nội trợ, vừa chăm em nhỏ hằng ngày để bố mẹ lo công tác.

Tốt nghiệp phổ thông, Đặng Xuân Khang tha thiết được theo nghiệp bố. Vốn yêu thích ngoại ngữ nên anh đã thi đỗ Trường Cao đẳng Ngoại ngữ - Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an). Sau khi ra trường, anh được về công tác tại Công an TP Hà Nội. Phải nói rằng, ngay từ nhỏ đã được sống và tiếp cận với nghề giáo, đặc biệt là người cha, nên Đặng Xuân Khang rất yêu thích nghề này. Do vậy, sau khi ra công tác 1 năm, anh đã được bố mẹ xin chuyển về làm giảng viên Khoa Ngoại ngữ Trường Đại học Cảnh sát nhân dân để phát huy kiến thức ngoại ngữ đã được học. Anh nỗ lực phấn đấu thi đỗ khóa học đào tạo về tiếng Anh cho sĩ quan Cảnh sát học tập tại Hunggari. 2 năm sau trở về nước và tiếp tục làm công tác giảng dạy tại chính mái trường mà cha anh từng là Phó Hiệu trưởng (Học viện CSND).

Gần 10 năm đứng trên giảng đường, thầy giáo Đặng Xuân Khang cũng giống như cha anh, đã để lại rất nhiều ấn tượng sâu đậm trong các thế hệ cán bộ, học viên. Đến bây giờ, nhiều cán bộ đã trưởng thành từ mái trường Đại học Cảnh sát năm xưa vẫn còn nhớ nỗi "sợ" khi bước chân tới hội trường chữ U (nơi học ngoại ngữ) và nhà bạt (nơi học vũ thuật) của Học viện CSND với biết bao kỷ niệm về tình thầy trò.

Tới khi Interpol Việt Nam được thành lập, Bộ Công an tổ chức thi tuyển những cán bộ Công an giỏi tiếng Anh, Đại úy Đặng Xuân Khang đã trúng tuyển. Từ đó, anh chuyển sang môi trường mới, với những yêu cầu nhiệm vụ mới. Trong quá trình làm việc tại Interpol Việt Nam, đồng chí Đặng Xuân Khang đã phát huy được năng khiếu tiếng Anh, giúp đơn vị xử lý được nhiều thông tin khi làm việc với các tổ chức Cảnh sát các nước. Trong những chuyến tháp tùng lãnh đạo Bộ Công an đi dự Đại hội đồng Interpol quốc tế, anh Khang là một cán bộ có nhiều kinh nghiệm chuyên môn, là cầu nối Cảnh sát Việt Nam với Cảnh sát các nước trong tổ chức Interpol. Tổ chức Interpol Việt Nam ngày càng phát triển, nâng cao vị thế Cảnh sát Việt Nam trên thế giới…

Hiện nay, Đại tá Đặng Xuân Khang là Chánh Văn phòng Interpol. Trách nhiệm nặng nề, bận rộn nhưng sự học trong anh chưa bao giờ ngừng nghỉ, vẫn tiếp tục học và tốt nghiệp thạc sĩ luật học, chuẩn bị bảo vệ luận án tiến sĩ. Anh là một trong những cán bộ Công an khi làm việc, tham gia các cuộc hội thảo quốc tế về phòng, chống tội phạm không cần phiên dịch… Với kinh nghiệm và kiến thức của một người đứng đầu Văn phòng Interpol, Đại tá Đặng Xuân Khang tiếp tục chèo lái con thuyền Interpol Việt Nam ngày càng phát triển và mang lại hiệu quả trong đấu tranh phòng, chống tội phạm quốc tế.

Yêu ngành Công an và yêu cả những người đẹp trong lực lượng này. Người vợ yêu thương của Đại tá Khang là Thượng tá, Phó trưởng phòng Nguyễn Thị Kim Oanh, hiện công tác ở Học viện Cảnh sát nhân dân. Họ quen và yêu nhau từ thuở là tình thầy trò, nhìn nhau qua ánh đèn sân khấu của những đêm biểu diễn văn nghệ. Và bây giờ, hai con trai của họ cũng bắt đầu sự nghiệp từ mái trường đã từng có biết bao kỷ niệm với cha mẹ. Lớn lên và phấn đấu thi đỗ vào Học viện Cảnh sát khóa D30 với số điểm cao, trở thành đồng chí, đồng nghiệp của ông bà nội và cha mẹ, Trung úy Đặng Thái (cán bộ Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ) vẫn không ngừng học để chiến đấu với tội phạm "cổ cồn". Đặng Hà, con trai thứ hai của Đại tá Khang cũng là sinh viên của Học viện Cảnh sát nhân dân. Với thành tích phấn đấu trong học tập, sinh viên Đặng Hà đã được chọn đi học tại Học viện Cảnh sát Vonga Grat (Liên bang Nga).

Cả gia đình Đại tá Đặng Xuân Khang là những cán bộ, chiến sĩ mẫn cán trong lực lượng Công an. Hai em trai của anh cũng từng tốt nghiệp Đại học Cảnh sát. Người em trai thứ 3, đồng chí Đặng Trung Dũng, hiện là Phó trưởng phòng, công tác tại Tổng cục Quản lý hành chính về TTATXH - Bộ Công an… Bây giờ, khi các con các cháu đã trưởng thành, khôn lớn, phát huy truyền thống gia đình, Đại tá Đặng Cân luôn tự hào về các con, cháu mình. Tuy rằng, cả cuộc đời đi theo cách mạng đến bây giờ cuộc sống vẫn rất đạm bạc, vẫn ở trong căn hộ lắp ghép cũ kỹ được Bộ Công an phân phối tại tầng 2 khu tập thể Nghĩa Tân (Hà Nội), nhưng tài sản lớn nhất trong lòng ông là ba đứa con và 6 đứa cháu (3 trai, 3 gái) cùng người bạn đời thân yêu của mình.

Đại tá Đặng Xuân Khang, Chánh Văn phòng Interpol Việt Nam:

Tôi rất tự hào về cha mẹ tôi… Các cụ mẫu mực trong cuộc sống và công việc. Cha tôi rất tâm huyết, gắn bó với sự nghiệp đào tạo của lực lượng CAND. Mẹ tôi cũng vậy, làm công tác y tế ở trường, bà rất quan tâm đến sức khỏe của cán bộ và sinh viên. Bây giờ khi tôi đi công tác gặp các cựu học sinh, mọi người gặp tôi thường nhắc về cha mẹ tôi với tấm lòng kính trọng cả về tư cách người thầy và năng lực chuyên môn.

Trung úy Đặng Thái, Cán bộ Cục C46, cháu nội Đại tá Đặng Cân:

Ông nội tôi từng là người thầy. Ông đã để lại cho cháu con một khối tài sản lớn, đó là lẽ sống làm người. Vì thế, ngay từ nhỏ tôi đã ao ước được trở thành chiến sĩ Công an và điều đó đã là hiện thực. Ông tôi sống rất đạm bạc, tiền lương hưu chỉ dành cho mình một phần, còn lại ông mua phần thưởng cho các cháu mỗi khi có thành tích trong học tập và công tác nên đã động viên, khuyến khích chúng tôi nhiều lắm. Tôi rất yêu và kính trọng ông bà nội và cha mẹ mình nên không bao giờ làm điều gì để họ phải phiền lòng.

Kim Quý - Thu Hòa
.
.