Dạy chữ, dạy người và dạy nghề - nhiều cách làm hay, sáng tạo trong nhà trường CAND

Thứ Hai, 23/12/2013, 11:28
Dạy chữ, dạy người và dạy nghề - một triết lý giáo dục cốt lõi trong Đề án đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đào tạo đã và đang được đông đảo các nhà khoa học, nhà giáo và các nhà trường, trong đó có các trường CAND đặc biệt quan tâm.

Đối với các trường CAND, do đặc thù của lực lượng vũ trang nên cả ba yếu tố “dạy chữ, dạy người và dạy nghề” luôn được coi trọng, đào tạo song hành, bài bản, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, nhiều loại tội phạm gia tăng, biến ảo khôn lường, càng đòi hỏi ở những chiến sỹ Công an trẻ vừa có bản lĩnh chính trị vững vàng, trung thành với lý tưởng, vừa có kiến thức chuyên môn nghiệp vụ và kỹ năng thuần thục, đồng thời có khả năng tham mưu cho cấp trên những quyết định đúng đắn trong cuộc chiến đấu bảo vệ ANQG và TTATXH…

PGS.TS Nguyễn Hữu Duyện, Hiệu trưởng Trường Trung cấp CSND VI, Bộ Công an chia sẻ với chúng tôi rằng, cách đổi mới nào trong quá trình đào tạo cũng phải nhằm đạt được một số tiêu chí như: hình thành nhân cách tốt, nâng cao khả năng thực hành, lòng yêu nghề và đặc biệt là sự trải nghiệm nghề nghiệp cho học viên các trường CAND.

Là một cơ sở đào tạo được giao nhiệm vụ đào tạo lực lượng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp, với những đặc trưng rất riêng biệt, nên sau 5 năm thành lập, Trường Trung cấp CSND VI đã chủ động đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới cách thức đào tạo theo mô hình mới: “tổ chức dạy học gắn liền với thực tiễn”, nghĩa là nhà trường đã tổ chức dạy học chuyên ngành ngay tại một số trại giam của Bộ Công an. (Trên thực tế đã có nhiều nhà trường áp dụng cách đào tạo tại cơ sở thực hành, như các trường đào tạo y, bác sỹ tổ chức theo mô hình “trường học – bệnh viện”).

Sinh viên ĐH PCCC sáng tạo nhiều mô hình, kỹ thuật phòng cháy mới để đối phó với tình trạng cháy nổ ngày càng gia tăng.

Tại các trại giam, các học viên của Trường Trung cấp CSND VI sau khi học lý thuyết xong, họ được phân công về các tổ, đội nghiệp vụ, được cán bộ thực tế hướng dẫn thực hành ngay tại các phân trại, hiện trường lao động, sản xuất của phạm nhân. Hình thức “dạy chữ” kết hợp với “dạy nghề” này giúp học viên dễ dàng tìm hiểu và ghi nhớ kiến thức đã học, đồng thời bước đầu làm quen với thực tế, góp phần hình thành tư duy nghề nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi khi ra trường có thể thực hiện ngay những nhiệm vụ được giao. Học viên sẽ hứng thú bởi họ không phải “học chay”, họ được trực tiếp giải quyết nhiều tình huống xuất hiện ở trại giam, được hiểu và nắm bắt tâm tư, tâm lý của phạm nhân để tìm ra con đường hướng thiện cho phạm nhân một cách nhân văn nhất, tránh được những sơ suất trong quá trình thực thi nhiệm vụ.

Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Duyện, sau 4 khóa học với gần 1.000 học viên học và thực hành tại trại giam, kết quả rất khả quan: 100% học viên được đánh giá có ý thức kỷ luật tốt, 18,6% học viên đạt loại giỏi, 78,8% đạt loại khá và chỉ có 2,6% học viên đạt kết quả trung bình. Hầu hết các giáo viên của nhà trường đều hứng thú, nhiệt tình với mô hình dạy học này bởi có thực tế, việc truyền thụ kiến thức của họ cũng dễ dàng hơn, học sinh chịu khó học hơn. Tất cả những giả định, những tình huống đột xuất bất ngờ xảy ra trong thực tế được cả thầy và trò cùng trải nghiệm cụ thể trong công việc của trại giam.

TS Vũ Đức Khiển, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng CSND II tâm sự, thực trạng giáo dục ở nước ta hiện nay đang “nặng về dạy chữ, nhẹ về dạy người”, các hoạt động giáo dục nhằm dạy kỹ năng sống, rèn luyện đạo đức cho học sinh, sinh viên chưa được quan tâm, dẫn đến tình trạng xuống cấp trong đạo đức, lối sống của một bộ phận học sinh, sinh viên…

Với quyết tâm thu hẹp khoảng cách giữa dạy chữ và dạy người, dạy nghề, TS Vũ Đức Khiển cho hay, nhà trường đã chú trọng cả ba khâu này với nhiều hình thức sáng tạo mới: bên cạnh việc dạy chữ là công việc bắt buộc của các nhà trường CAND, trường đã đa dạng hóa nhiều hình thức để “dạy người, dạy nghề” cho học viên. Đó là tổ chức quản lý học viên theo quy chế, quy định, giữ nghiêm kỷ luật của lực lượng vũ trang; coi trọng tổ chức các hoạt động rèn luyện, phát huy tinh thần tự giác, tự quản của học viên.

Về dạy nghề, nhà trường đã chú trọng đến đào tạo kỹ năng tay nghề, giúp học viên hình thành và thực hiện được các thao tác thành thạo, đúng quy trình công tác. Nhà trường yêu cầu giáo viên phải tăng cường giảng dạy tình huống để học viên có thể vận dụng linh hoạt, sáng tạo các tình huống. Nhờ đó, học viên của nhà trường sau khi về công tác tại các địa phương đã góp phần không nhỏ vào công tác đấu tranh chống tội phạm, giữ vững cuộc sống bình yên cho nhân dân. Có những gương sáng như học viên Lê Thanh Tâm về thực tập tại Công an tỉnh Đồng Nai đã dũng cảm tấn công trấn áp, truy bắt tội phạm và đã hy sinh…

Còn nhiều cơ sở đào tạo trong hệ thống các trường CAND cũng đang nỗ lực đưa thực tiễn vào nhà trường, như ĐH PCCC, Trường ĐH Kỹ thuật - Hậu cần CAND. Tại Trường ĐH PCCC, mục tiêu đào tạo ra chiến sỹ Cảnh sát PCCC có sức khỏe, sự dẻo dai và dũng cảm, có kỹ năng xử lý tình huống nhanh nhạy, kỷ luật, đặc biệt phải yêu nghề, xả thân, dám đối mặt với tình huống gay cấn, nguy hiểm. Do đó, trong quá trình đào tạo, nhà trường luôn đặt song song mục tiêu: đào tạo cán bộ có trình độ khoa học kỹ thuật và đào tạo một người lính.

Để có “người lính” PCCC, trường luôn đặt ra yêu cầu học viên phải làm quen và thích nghi với môi trường khói lửa, nhiệt độ cao, chứa đựng nhiều âm thanh, tiếng ồn lớn, độ cao công trình. Đồng thời còn hình thành cho học viên kỹ năng ứng phó với thực tiễn sụp đổ của các cấu kiện xây dựng, khả năng rơi ngã từ trên các tầng cao hay phải quen với những bộ quần áo, găng tay chữa cháy, sẵn sàng vì nhiệm vụ và lợi ích của người dân là trên hết…

Thu Phương
.
.