Dấu ấn đóng góp của những người thầy - chiến sĩ Công an
Bài 2: Nỗ lực truyền cảm hứng
Cô giáo đạt giải Nhì môn bắn súng
Trong Hội thi giảng viên dạy giỏi cấp Bộ 2019 do Bộ Công an tổ chức, có một hình ảnh thật đẹp và nhân văn đã làm xúc động tất cả những ai có mặt ở hội thi. Đó là một em bé 12 tháng tuổi theo mẹ từ miền Bắc vào Trường ĐH CSND ở miền Nam cùng mẹ tham dự hội thi. Em bé đó là con của Đại úy Đỗ Thị Kiều Oanh, một giảng viên trẻ công tác tại Bộ môn Quân sự, Võ thuật, Thể dục thể thao (Trường Đại học Kỹ thuật - Hậu cần CAND).
Đại úy Đỗ Thị Kiều Oanh (thứ hai từ phải sang) hướng dẫn các học viên kỹ thuật bắn súng. |
Đi theo chăm sóc em bé còn đang bú mẹ đó còn có bà ngoại. Các anh chị trong Ban Tổ chức hội thi nói vui, đây là mô hình cả gia đình đi thi giảng viên dạy giỏi, cho thấy sự nỗ lực vượt bậc của Đại úy Kiều Oanh. Cảm phục Oanh hơn khi chúng tôi biết, cháu lớn của Oanh học lớp 4, nhưng cháu lại không được may mắn như bao đứa trẻ khác, bị mắc một căn bệnh dị tật bẩm sinh (loạn sản sụn), nên hành trình nuôi con, chăm bẵm bé lớn của cô giáo Oanh vô cùng vất vả, mà nếu không có sự kiên trì, có ý chí lớn lao và tình yêu thương con vô điều kiện, Oanh có thể đã gục ngã. Loạn sản sụn là căn bệnh khiến trẻ khó phát triển tứ chi, nên giờ dù bé đã học đến lớp 4 nhưng bé chưa cao được 1 mét…
Gần 10 năm trời rõng rã đưa con đi khám bệnh, châm cứu khắp mọi nơi, ngày nắng cũng như ngày mưa, cô giáo Oanh chưa bao giờ nản chí. “Nghĩ đến con, em không thấy điều gì là trở ngại. Nhiều đêm ôm con vào lòng, càng thương con, càng khi khó khăn, em lại càng thấy ý chí mình mạnh mẽ nhất”, cô giáo Oanh trải lòng.
Và đúng là cuộc sống luôn kì diệu, luôn mở ra những cánh cửa nhiều ánh sáng an lành cho những người luôn biết vượt qua hoàn cảnh. Đại úy Kiều Oanh đã vượt qua những khó khăn đó để chuyên tâm gắn bó với công việc giảng dạy và đạt được nhiều thành tích đáng khâm phục.
Bốn năm tham gia Hội thi dạy giỏi cấp trường, Đại úy Kiều Oanh đều đạt danh hiệu Giảng viên dạy giỏi cấp trường. Năm 2019, Kiều Oanh tham gia Hội thi dạy giỏi cấp Bộ và đã xuất sắc đạt giải nhì. Năm học 2018 - 2019, Đại úy Kiều Oanh đã đạt danh hiệu Chiến sĩ Thi đua cơ sở.
Đại úy Đỗ Thị Kiều Oanh chia sẻ, em tốt nghiệp Khoa Bắn súng của Đại học Thể dục Thể thao Bắc Ninh và được tuyển dụng vào lực lượng CAND. Học ngành ngoài nên quá trình công tác chuyên môn, Kiều Oanh cũng có nhiều khó khăn. Tuy nhiên, được sự quan tâm, giúp đỡ tận tình của Thượng tá Nguyễn Cảnh Toàn - Trưởng Bộ môn Quân sự, Võ thuật, Thể dục thể thao và Thiếu tá Lều Thọ Sâm - Tổ trưởng tổ Quân sự, Kiều Oanh đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của một giảng viên giảng dạy lĩnh vực quân sự.
“Công việc huấn luyện và giảng dạy chủ yếu ngoài thao trường nên vất vả lắm chị ạ. Với nam giới, cả ngày lăn lộn trên thao trường đã nhọc nhằn, nên với nữ giới, em phải cố gắng hơn rất nhiều. Nhưng khi vượt qua được những khó khăn đó, mang lại cho học viên những bài giảng bắn súng, quân sự võ thuật bổ ích, thì em cảm thấy vô cùng hạnh phúc”, Đại úy Kiều Oanh kể.
Ở Hội thi giảng viên dạy giỏi cấp Bộ vừa rồi, Đại úy Kiều Oanh là thí sinh nữ duy nhất tham dự môn bắn súng. Các bạn học viên tròn xoe mắt nhìn cô giáo Oanh vì họ nghĩ, giáo viên dự thi lĩnh vực giáo dục quốc phòng phải là một thầy giáo. Các bạn càng bất ngờ hơn khi cô giáo Kiều Oanh dù thuộc giới “chân yếu tay mềm” nhưng ngoài kĩ năng thực hành điêu luyện, cô còn trình diễn một bài giảng “bắn súng” xuất sắc. Kết thúc hội thi, Đại úy Đỗ Thị Kiều Oanh đã được trao giải Nhì.
Trong quá trình giảng dạy, cô giáo Kiều Oanh luôn học hỏi đồng nghiệp, trau dồi những kiến thức chuyên môn và tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy. Ngoài ra, Đại úy Đỗ Thị Kiều Oanh còn tích cực tham gia viết bài đăng trên tạp chí trong và ngoài ngành; đồng thời, tham gia nghiên cứu hai đề tài cấp cơ sở; biên soạn nhiều tài liệu dạy học và chuyên đề chuyên sâu phục vụ cho giảng dạy…
Bền bỉ như con tằm nhả tơ
Tôi gặp Đại úy Nguyễn Thị Thu Trang (Phó Tổ trưởng Tổ Chủ nghĩa xã hội và tư tưởng Hồ Chí Minh, Bộ môn Lí luận Chính trị và Khoa học Xã hội nhân văn, Học viện ANND) khi Trang vừa kết thúc bài giảng. Với vẻ nhẹ nhàng, duyên dáng trông Thu Trang đầy chất “sư phạm”.
Trang thuộc thế hệ 8X, nhưng đã sở hữu bộ “sưu tập” thành tích giáo viên dạy giỏi thật đáng nể. Cô giáo Thu Trang từng đạt giải Nhì tại Hội thi giảng viên dạy giỏi cấp Học viện ANND và đạt giải thành tích cao nhất trong phần thi “Hồ sơ bài giảng” năm học 2015 - 2016; đạt giải Nhì tại Hội thi giảng viên dạy giỏi cấp Bộ và đạt giải thành tích cao nhất trong phần thi “Hồ sơ bài giảng” tại Hội thi giảng viên dạy giỏi cấp Bộ năm 2016. Năm 2016, cô giáo Thu Trang còn xuất sắc dành danh hiệu Giảng viên dạy giỏi cấp Bộ.
Trang tâm sự, từ khi được trở thành giảng viên tại Học viện ANND, Trang không ngừng học tập, rèn luyện tri thức, nghiệp vụ sư phạm và học hỏi những tấm gương, trí tuệ của những thầy cô đi trước. Trang rất tâm đắc với câu nói của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng: “Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất trong những nghề sáng tạo vì nó đã sáng tạo ra những con người sáng tạo”.
Do đó, Trang quan niệm, ở người thầy CAND, cần có sự kết hợp hài hoà giữa phẩm chất, phong cách của nhà giáo và phẩm chất của người Công an cách mạng, nghĩa là người thầy CAND phải có tri thức, có nghiệp vụ chuyên môn và đạo đức, lối sống trong sáng, xứng đáng là những chiến sĩ trên bục giảng.
Đại úy Nguyễn Thị Thu Trang hiện đang giảng dạy chuyên môn “Hồ Chí Minh học”. Cô giáo Trang mong muốn mỗi bài giảng của mình không chỉ truyền giảng kiến thức mà còn phải truyền được cảm hứng cho học viên; giúp học viên hiểu về tư tưởng, vai trò của Hồ Chí Minh, cuộc đời hoạt động cách mạng và những phẩm chất sáng ngời của Người.
Giảng viên trẻ Nguyễn Thị Thu Trang - người sở hữu nhiều danh hiệu giáo viên dạy giỏi các cấp. |
Ở Hội thi giảng viên dạy giỏi cấp Bộ 2019, cô giáo Thu Trang đã mang đến hội thi bài giảng “Tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề dân tộc và cách mạng giải phóng dân tộc”. Bài giảng đã đạt giải Nhì, được hội đồng chuyên môn đánh giá cao về mặt phương pháp và sự sáng tạo trong phần cemina, cô giáo Trang đã lồng ghép bài giảng vào mô hình tuyên truyền “Cuộc vận động học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, tạo sự hấp dẫn, mới mẻ, thu hút và phát huy tính tích cực của học viên trong suốt giờ giảng.
Đối với phần thi “Hồ sơ bài giảng” của Thu Trang, hội đồng chuyên môn đánh giá đạt giải cao nhất vì Trang đã bố trí hồ sơ mang tính thẩm mỹ, khoa học, phong phú, dễ dàng tra cứu, dễ tìm hiểu. Bộ hồ sơ này sau đó của cô giáo Thu Trang được triển khai là hồ sơ mẫu để giảng viên các trường trong CAND đến tham khảo qua các hội thi.
Cô giáo trẻ Thu Trang kể: “Những ngày đầu được đứng lớp, được phân công giảng dạy hệ học viên quốc tế cho học sinh lớp của CHDCND Lào, trái với suy nghĩ của em là học viên Lào sẽ có cản trở về mặt ngôn ngữ, nhưng thực tế, họ rất lưu loát tiếng Việt, vừa giảng vừa chuyện trò, làm quen, hiểu được văn hoá của nước bạn. Sau giờ giảng cũng là dịp Tết truyền thống của Lào vào dịp 14-4, các học viên Lào đã mời cô giáo ở lại tham dự lễ hội Bunpimay, ăn các món ăn truyền thống Lào và được buộc chỉ cổ tay cầu may. Đây là kỷ niệm đẹp trong cuộc đời dạy học của em”.
Các học viên quốc tế hay học viên Việt Nam sau khi học xong môn học hay sau khi ra trường, khi có cơ hội gặp lại, họ đều nhớ đến cô giáo Thu Trang với phương pháp sư phạm cuốn hút, sáng tạo, đã thực sự truyền cảm hứng cho họ học tập đạt kết quả tốt nhất…
Còn rất nhiều những tấm gương nhà giáo CAND trẻ giàu ý chí vươn lên trong nghề nghiệp và bước đầu thành công, ghi dấu ấn mà một bài báo nhỏ của tôi không thể viết hết được. Nhìn lại chặng đường khi họ mới vào nghề, phải trải qua biết bao “nấc thang thử thách”, từ đi luân chuyển, rồi về khoa, về tổ tham gia trợ giảng, trải qua duyệt giảng, rồi trở thành giảng viên, giảng viên chính, là một chặng đường dài đòi hỏi ở họ sự bền bỉ, kiên trì như con tằm miệt mài nhả tơ, như con ong miệt mài cho mật ngọt.
Một Nhà giáo nhân dân trong lực lượng CAND nói với tôi, ông khâm phục các giáo viên trẻ vì họ ngoài kiến thức tin học, ngoại ngữ vượt xa thế hệ ông, họ còn tiếp cận vấn đề rất nhanh và rất chịu khó lăn lộn trong thực tế. Hiện giáo dục đang đổi mới rất mạnh mẽ, các nhà giáo trẻ CAND cũng không ngừng đổi mới theo hướng tích cực, lấy người học làm trung tâm, phát huy tư duy sáng tạo của học viên. Những giảng viên trẻ đó xứng đáng được tôn vinh vì đã góp phần quan trọng nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo của lực lượng CAND…