Đại tá, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Hữu Duyện – Hiệu trưởng Trường Trung cấp Cảnh sát trại giam:

Đào tạo học viên để cảm hóa, giành lại con người

Thứ Sáu, 20/07/2012, 20:40
Đại tá, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Hữu Duyện - Hiệu trưởng Trường Trung cấp Cảnh sát trại giam chia sẻ: “Phạm nhân khao khát tình người vô cùng dù bề ngoài là những trò quậy phá, bất cần đời. Phải đào tạo học viên có trình độ, tình cảm để cảm hóa, giành giật lại con người.”

Trong hệ thống các trường CAND thì Trường Trung cấp Cảnh sát trại giam (còn gọi là Trung cấp CSND VI) là một trong những trường non trẻ nhất. Tuy nhiên, Trường Trung cấp Cảnh sát trại giam đã có những bước đi khá vững chắc khi mỗi năm cho “ra lò” hơn 1.500 học viên. Nhiều học viên về địa phương công tác được đánh giá có bản lĩnh chính trị và nghiệp vụ vững vàng, được kết nạp Đảng, được bổ nhiệm giữ cương vị lãnh đạo, chỉ huy tại các đơn vị.

Mặc dầu vậy, khi trò chuyện với chúng tôi nhân dịp hướng tới 50 năm Ngày thành lập lực lượng CSND, Đại tá, PGS.TS Nguyễn Hữu Duyện, Hiệu trưởng nhà trường luôn canh cánh nhiều tâm tư.

PV: Thưa Phó Giáo sư, trước khi về làm Hiệu trưởng Trung cấp Cảnh sát trại giam, ông đã từng là giám thị một trại giam ở tỉnh Bến Tre. Vậy công việc của một giám thị có giúp ông nhiều trong việc điều hành, quản lí một trường trung cấp chuyên đào tạo cán bộ thi hành án hình sự, trong đó có cả việc đào tạo những quản giáo, những giám thị tương lai?

Đại tá, PGS.TS Nguyễn Hữu Duyện: Đó là cả “duyên nợ” của cuộc đời tôi. Tôi đã từng đi học ở Liên Xô (cũ), làm nghiên cứu sinh về giáo dục học, tôi biết ơn ngành Công an đã cho tôi cơ hội được đào tạo sâu sắc về “nghề trại giam”. Tôi đi học bằng tiền của nhân dân, sau này ra công tác lúc nào tôi cũng nghĩ mình phải “trả nợ” nhân dân.

Còn câu hỏi của nhà báo, tôi nghĩ thế này: Tôi đã từng làm giám thị ở Trại giam Châu Bình tỉnh Bến Tre, trại có tới mấy trăm cán bộ và hơn 2.000 phạm nhân. Đối với quản lí phạm nhân, theo tôi điều quan trọng nhất là công tác tự quản, để họ tự quản lí lẫn nhau có tốt thì mới đạt cái đích của công tác giáo dục phạm nhân. Trong quản lý học viên, chúng tôi rèn luyện cho học viên năng lực quản lí, tự chịu trách nhiệm phần việc của mình, trong đó có việc đẩy mạnh phong trào đoàn thanh niên, các hoạt động văn hoá thể thao. Từ đó mà hạn chế được rất nhiều tiêu cực trong môi trường giáo dục. Đối với học viên, tôi nghĩ nếu mình gần gũi, sâu sát, nắm bắt tâm tư các em thì các em sẽ được khích lệ rất nhiều trong học tập.

Đại tá, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Hữu Duyện. Ảnh: Duy Hiển.

Cách đây một tuần, tôi đến thăm một gia đình học sinh cũ, cậu này chúng tôi đã định cho thôi học vì có vi phạm, nhưng sau đó, hội đồng kỷ luật quyết định cho lưu ban một năm, cho một cơ hội để làm lại. Khi gặp lại các thầy, mẹ cậu học sinh này cứ ôm lấy chúng tôi mà khóc và nói rằng: nhà trường đã sinh ra con tôi một lần nữa. Giờ cậu học sinh này đang công tác ở Công an một huyện ở Ninh Bình, làm tốt lắm!

PV: Trong tương lai, từ “chiếc nôi” này sẽ cho ra đời hàng vạn cán bộ thi hành án hình sự cho tương lai, vậy theo Phó Giáo sư, điều gì nhà trường chú trọng nhất trong công tác đào tạo để “sản phẩm” của mình thực sự có chất lượng?

Đại tá, PGS.TS Nguyễn Hữu Duyện: Chúng tôi rất tâm đắc hai vấn đề, đó là bản lĩnh chính trị và sự trải nghiệm bản lĩnh nghề nghiệp. Bồi đắp bản lĩnh chính trị không chỉ bằng một vài giờ học chính trị mà phải là quá trình đào tạo. Chúng tôi muốn học viên của mình khi ra trường phải có nhận thức sâu sắc về trách nhiệm chính trị, đạo đức công dân của mình. Thiếu bản lĩnh đó thì khi được giao làm quản giáo, làm sao mình định hướng, cảm hoá được cuộc đời người khác.

Nói thật là học viên của tôi nhiều em chưa có được điều này do hạn chế về nhận thức, các em mới chỉ nghĩ rằng mình đi học để kiếm một nghề để sống. Còn trải nghiệm bản lĩnh nghề nghiệp thì học viên phải được rèn luyện trong thực tiễn, phải đạt được ngay trong quá trình học tập. Mấy khoá học vừa rồi, chúng tôi đã làm được một việc khá hiệu quả, đó là sáng học viên lên lớp, chiều thực hành ở cơ sở là những trại giam, trại tạm giam, xem điều thầy giảng có đúng với thực tiễn không. Cách đào tạo đó còn khắc phục được cả tình trạng thầy đọc, trò ghi.

PV: Công việc của cán bộ giám thị, quản giáo có những đặc thù rất riêng và nhạy cảm, nó gắn liền trực tiếp với số phận của những con người lầm lỗi. Ở trong môi trường khắc nghiệt đó, những giám thị, quản giáo chính là “những người thầy đặc biệt”. Vậy theo Phó Giáo sư, “những người thầy đặc biệt” đó cần được bồi đắp những phẩm chất gì ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường?

Đại tá, PGS.TS Nguyễn Hữu Duyện: Nhiệm vụ của chúng tôi là phải đào tạo những người sau này làm công tác giáo dục cảm hoá người lầm lỗi thành người lương thiện, công việc này thực sự khó. Tôi rất thích câu nói của C.Mác: “Người đi giáo dục trước hết phải được giáo dục”. Vậy để học viên của chúng tôi có thể đảm trách được nhiệm vụ sau khi ra trường, theo tôi cần có phương pháp sư phạm và nghệ thuật giáo dục, có như thế mới nâng tầm được đội ngũ cán bộ thi hành án hình sự. Chỉ có lòng tốt mà không có phương pháp, không có nghệ thuật giáo dục thì không dễ gì mà làm việc được với các đối tượng từng phạm pháp.

Tôi hay nói với học viên rằng, phương pháp giáo dục gì đi chăng nữa thì cũng phải có tình cảm, có tâm. Phải dành cho họ tình cảm bởi họ chỉ là nạn nhân của chính sai lầm của mình. Khi được giao giáo dục phạm nhân, phải nhìn họ ở hai góc độ: đối tượng đấu tranh quản lí và góc độ con người, tình người, để sau này trở về cuộc sống, họ còn là người vợ, người mẹ, là ông là bà nữa chứ. Nhiều khi chỉ cần chia sẻ, cảm thông với phạm nhân là họ đã chuyển biến.

Có lần, tôi cùng với một cán bộ Công an tỉnh Bến Tre đi qua trạm xá của trại giam, đến khu đặc biệt dành cho phạm nhân bị nhiễm HIV, nhác thấy chúng tôi đến, có phạm nhân gọi chúng tôi: “Cán bộ ơi, cán bộ vào với chúng con, chúng con cũng là con người”. Câu nói đó vẫn ám ảnh tôi đến tận bây giờ. Phạm nhân khao khát tình người vô cùng dù bề ngoài là những trò quậy phá, bất cần đời. Phải đào tạo học viên có trình độ, tình cảm để cảm hóa, giành giật lại con người.

PV: Hiện nay công cuộc đấu tranh với các loại tội phạm ngày càng phức tạp, xuất hiện nhiều loại tội phạm mới, do đó, công tác giáo dục cảm hoá phạm nhân cũng đặt ra nhiều yêu cầu mới cấp bách hơn. Vậy trong thời gian tới, nhà trường đặt ra mục tiêu lớn gì trong công tác đào tạo để phù hợp với xu thế hội nhập, thưa Phó Giáo sư?

Đại tá, PGS.TS Nguyễn Hữu Duyện: Chúng tôi đang phấn đấu trước năm 2015 sẽ nâng tầm trường lên thành trường Cao đẳng Cảnh sát thi hành án hình sự. Hiện tại, đội ngũ giáo viên đang tập trung biên soạn lại giáo trình. Chúng tôi cũng đã cử nhiều giáo viên đi học cao học, làm nghiên cứu sinh. Bên cạnh đó, trường sẽ thành lập thêm một số khoa ngành mới phù hợp với đòi hỏi ngày càng cao của công tác thi hành án hình sự, để nhà trường sớm trở thành một trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học và truyền bá các tư tưởng quan điểm tiên tiến về thi hành án hình sự.

PV: Trân trọng cảm ơn Phó Giáo sư!

Thu Phương (thực hiện)
.
.