Đào tạo cán bộ An ninh chi viện chiến trường miền Nam: Những đóng góp to lớn, đáng tự hào

Thứ Ba, 27/10/2020, 07:45
Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Công an nói chung và lực lượng An ninh nói riêng là một nhiệm vụ rất quan trọng của Học viện An ninh nhân dân (ANND) gắn liền với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của đất nước, gắn liền với sự phát triển và những chiến thắng oanh liệt của lực lượng Công an nhân dân (CAND) trên mặt trận bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong các giai đoạn cách mạng, đặc biệt trong thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ.

Với lịch sử 74 năm xây dựng và phát triển, Học viện ANND có những mốc son, đánh dấu quá trình phấn đấu bền bỉ, vừa phục vụ đắc lực cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, góp phần xây dựng đất nước, xây dựng lực lượng CAND; vừa từng bước xây dựng nhà trường ngày càng lớn mạnh về mọi mặt. Trong đó, giai đoạn chống Mỹ cứu nước (1954-1975) là thời kỳ Học viện ANND có những đóng góp to lớn, đặc biệt trong công tác đào tạo chi viện cán bộ phục vụ chiến trường miền Nam.

Trong bối cảnh cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước diễn ra cam go, ác liệt, thì chủ trương đào tạo cán bộ chi viện cho An ninh miền Nam được lãnh đạo Bộ Công an xác định là một nhiệm vụ chiến lược quan trọng nhất lúc bấy giờ, và chỉ đạo quyết liệt nhằm thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ chiến lược của toàn Đảng, toàn dân là giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Từ cuối năm 1961, lãnh đạo Bộ Công an đã giao cho tổ công tác cán bộ miền Nam chịu trách nhiệm chiêu sinh và Trường Công an Trung ương (nay là Học viện ANND) chịu trách nhiệm đào tạo, bồi dưỡng về chính trị, nghiệp vụ và thể lực. Từ đó, việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chi viện cho chiến trường miền Nam trở thành một nhiệm vụ hết sức nặng nề nhưng cũng rất vinh quang đã được Đảng đoàn và lãnh đạo Bộ Công an giao phó cho Trường Công an Trung ương.

Trải qua 14 năm (1961 - 1975) đã có 13 đợt với 8.038 cán bộ Công an chi viện cho An ninh miền Nam, (5.261 cán bộ Công an người miền Bắc, 2.777 cán bộ Công an người miền Nam), trong đó có 1 đồng chí Thứ trưởng, 3 đồng chí Cục trưởng, 7 đồng chí Phó Cục trưởng, 2 Trưởng ty, 23 Phó Trưởng ty, hàng trăm cán bộ Trưởng, Phó phòng và Trưởng, Phó Công an huyện, thị xã. Hầu hết số cán bộ chi viện đều được tập trung về Trường Công an Trung ương học tập, bồi dưỡng trước khi chi viện vào miền Nam (riêng đợt chi viện năm 1959, năm 1960 và đi theo đường tàu không số, đường hàng không thì không tập trung học tập ở Trường Công an Trung ương).

Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới của cách mạng, Trường Công an Trung ương xác định phương châm huấn luyện là “nhanh, khẩn trương”; chương trình nội dung học tập tinh gọn, phương pháp giảng dạy được đổi mới tinh giản, thiết thực, vững chắc. Trường Công an Trung ương đã công phu nghiên cứu, xây dựng chương trình đào tạo nhằm chuẩn bị tốt về tinh thần, sẵn sàng vào Nam chiến đấu cho học viên (đây là nội dung bồi dưỡng hàng đầu đối với học viên); đồng thời giúp học viên nắm vững đường lối, chính sách của Đảng đối với cách mạng miền Nam; vận dụng phương châm, chính sách, biện pháp đấu tranh trấn áp phản cách mạng phù hợp với đặc điểm ở chiến trường; tầm quan trọng của công tác bảo vệ Đảng; kinh nghiệm hoạt động trong vùng địch kiểm soát và các điều kiện bổ trợ nhằm nâng cao thể lực, khả năng sử dụng vũ khí và võ thuật…

Thứ trưởng Nguyễn Văn Sơn và các đại biểu dự lễ khánh thành Đài kỷ niệm cán bộ Công an chi viện chiến trường miền Nam thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954 – 1975) tại Học viện ANND.

Trường Công an Trung ương đã mở rộng công tác đào tạo, bồi dưỡng, tổ chức các khoá huấn luyện sơ cấp, trung cấp, các lớp nghiệp vụ cấp tốc 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng, 1 năm với số lượng học viên từ 200 đến 400 người/lớp. Thời gian này, Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại miền Bắc, Trường Công an Trung ương phải sơ tán ở 6 địa điểm tại các huyện của tỉnh Hà Tây nên công tác đào tạo được chuyển theo hướng “vừa học tập, vừa sẵn sàng chiến đấu”, vừa phải mở các lớp huấn luyện, đào tạo ngắn hạn, trung hạn như: “Lớp điều tra miền núi” cho các Hiệu trưởng, Quận trưởng và cán bộ trực tiếp làm công tác điều tra; lớp “Phản gián” thời gian học 5 tháng; lớp “Đào tạo I”, lớp “Bổ túc I”, đồng thời, nhà trường phải chuẩn bị những điều kiện để mở hệ đào tạo đại học.

Năm 1964, Chính phủ có quyết định công nhận Trường Công an Trung ương là trường đại học và trung học của ngành Công an. Mặc dù lúc này Nhà nước cho phép mở hệ đại học nhưng Trường vẫn mở các lớp trung học và bổ túc nghiệp vụ để kịp thời phục vụ cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và chuẩn bị cán bộ chi viện cho chiến trường miền Nam. Các lớp học đã được các đồng chí lãnh đạo Bộ, Vụ, Cục và nhà trường trực tiếp giảng dạy một số bài cơ bản, đã trang bị cho cán bộ chi viện quán triệt sâu sắc đường lối, chính sách của Đảng; kinh nghiệm thực hiện các hoạt động nghiệp vụ để bước vào cuộc chiến đấu vô cùng khó khăn, gian khổ và ác liệt ở chiến trường. Lớp học còn được Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn đặc biệt quan tâm vào thăm hỏi, động viên, khích lệ.

Năm 1969, mặc dù còn trong khói lửa chiến tranh, nhưng với tầm nhìn xa trông rộng của Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn và lãnh đạo Bộ Công an, khóa đào tạo đại học đầu tiên (D1) của ngành Công an khai giảng ngày 9-10-1969, với 363 học viên, đánh dấu bước phát triển mới về chất trong công tác đào tạo cán bộ của lực lượng Công an. Quán triệt chỉ thị của đồng chí Bộ trưởng là “xây dựng mục tiêu đào tạo phải chú trọng tới phẩm chất chính trị, phẩm chất đạo đức, phải coi đây là hàng đầu”, Trường Công an Trung ương đã xây dựng mục tiêu đào tạo theo hướng cho học viên phấn đấu tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, thể hiện tính xung kích trên mặt trận.

Phong trào thi đua giảng dạy đã được thúc đẩy mạnh mẽ với nội dung “ba nhất”: Giảng dạy với nội dung, phương pháp tiên tiến nhất; cơ bản nhất và thiết thực nhất. Kể từ đó, lớp lớp học viên của các khóa chính quy cùng các lớp đào tạo khác từ mái trường C500 ra trường, tiếp tục bổ sung cho đất nước những cán bộ an ninh tin cậy, xuất sắc, vừa phục vụ sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, vừa chi viện cho chiến trường miền Nam và giúp đỡ lực lượng An ninh của cách mạng Lào và Campuchia.

Cùng với việc trực tiếp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chi viện cho chiến trường miền Nam, Học viện ANND còn đào tạo, chi viện đội ngũ cán bộ, giáo viên cho việc thành lập Trường An ninh miền Nam năm 1971 để thực hiện tầm nhìn chiến lược về công tác đào tạo cán bộ An ninh miền Nam của lãnh đạo Bộ Công an là phải kết hợp chặt chẽ việc đào tạo cán bộ tại chiến trường miền Nam với việc đào tạo từ hậu phương lớn miền Bắc, nhằm phục vụ nhiệm vụ trước mắt và chuẩn bị cho nhiệm vụ lâu dài, chủ động dự trữ lực lượng để sẵn sàng đảm đương nhiệm vụ khi phong trào cách mạng có sự chuyển biến chiến lược và đột biến.

Từ ngày thành lập, Trường An ninh miền Nam đã mở liên tục các lớp đào tạo, bồi dưỡng học viên cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, với sự tham gia giảng dạy một số môn của giáo viên Trường Công an Trung ương.

Có thể thấy, trong 21 năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Học viện đã đào tạo, bồi dưỡng 192 lớp, với hơn 17.000 học viên (giai đoạn 1954-1964) và đào tạo trên 8.000 cán bộ CAND, 3.500 cán bộ Công an vũ trang chi viện cho chiến trường miền Nam (giai đoạn 1964-1975). Trong chiến đấu, nhiều đồng chí đã trở thành dũng sĩ diệt Mỹ; một số đồng chí đã lập công đặc biệt xuất sắc trong các hoạt động trừ gian diệt ác, thu thập tin tức tình báo, bảo vệ cơ quan đầu não và cán bộ lãnh đạo chủ chốt, được tuyên dương danh hiệu cao quý “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”.

Hàng ngàn đồng chí đã chiến đấu ngoan cường và anh dũng hy sinh “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, để lại trong lòng đồng bào, đồng chí, đồng đội ở miền Nam niềm tiếc thương và quý mến vô hạn. Sau ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng, nhiều cán bộ chi viện đã được bổ nhiệm giữ các chức vụ lãnh đạo chủ chốt trong ngành Công an, từ Công an tỉnh đến các Vụ, Cục, Tổng cục và lãnh đạo Bộ Công an.

Có thể khẳng định rằng, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ an ninh của Học viện ANND đã đạt được những thành tựu đáng tự hào, góp phần quan trọng làm nên thắng lợi của chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Ghi nhận cho những cống hiến và công lao đó, năm 2015, Học viện ANND đã vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước” và nhiều bằng khen, danh hiệu, huân, huy chương như Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân...

Từ những kết quả và thành công đó của Học viện ANND, có thể rút ra những kinh nghiệm chủ yếu như sau:

Một là, công tác đào tạo, bồi dưỡng của Học viện ANND phải luôn bám sát nhiệm vụ chính trị của Đảng, quán triệt nghiêm chỉnh, kịp thời đường lối, quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; chỉ đạo của Bộ Công an, Bộ Giáo dục và Đào tạo để xác định mục tiêu, nhiệm vụ đào tạo, đổi mới toàn diện công tác đào tạo nhằm nâng cao chất lượng đáp ứng yêu cầu thực tiễn bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội của đất nước trong từng thời kỳ, từng giai đoạn cách mạng.

Hai là, trong công tác đào tạo phải luôn căn cứ vào yêu cầu thực tiễn của ngành và của đất nước. Thường xuyên đổi mới và hoàn thiện nội dung chương trình, phương pháp giảng dạy nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo. Tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện các yếu tố đào tạo đại học, từ mục tiêu, nội dung, phương thức đào tạo, phương pháp giảng dạy, đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất và các điều kiện bảo đảm khác... đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục đại học của đất nước và yêu cầu sử dụng cán bộ của lực lượng Công an trong tình hình mới. Việc phát triển các ngành đào tạo, hình thức đào tạo, loại hình đào tạo tại Học viện phải phù hợp với chiến lược cán bộ, cân đối hợp lý trong cơ cấu đào tạo, ổn định về quy mô, cơ cấu, đáp ứng yêu cầu, tình hình đấu tranh phòng, chống tội phạm của lực lượng CAND, việc sử dụng cán bộ của lực lượng CAND.

Ba là, kết hợp chặt chẽ công tác nghiên cứu, giảng dạy với thực tiễn công tác chiến đấu và yêu cầu sử dụng cán bộ của lực lượng CAND. Đào tạo, bồi dưỡng tại Học viện phải gắn liền với nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn, gắn chặt chẽ giữa lý luận với thực tiễn, hình thành và phát triển hệ thống lý luận nghiệp vụ an ninh, góp phần giải quyết những vấn đề mà thực tiễn công tác chiến đấu của lực lượng Công an đặt ra. Đồng thời, sự phối hợp chặt chẽ giữa Học viện với Công an các đơn vị, địa phương, giữa giảng viên với cán bộ thực tiễn trong công tác đào tạo, giúp sinh viên sau khi ra trường nhanh chóng tiếp cận công việc theo yêu cầu sử dụng cán bộ của lực lượng CAND.

Bốn là, công tác đào tạo, bồi dưỡng của Học viện phải tiếp tục phát huy các giá trị truyền thống của mái trường C500 anh hùng, khẳng định uy tín và thương hiệu của Học viện ANND trong lực lượng CAND cũng như trong hệ thống cơ sở giáo dục của đất nước, đồng thời không ngừng phát triển Học viện cả về quy mô, năng lực, chất lượng đào tạo, sớm đưa Học viện ANND thành cơ sở đào tạo đại học trọng điểm của quốc gia, và là trung tâm đào tạo đại học, sau đại học và nghiên cứu khoa học lớn của cả nước.

Thiếu tướng, PGS.TS Lê Văn Thắng - Giám đốc Học viện ANND
.
.