ĐH PCCC: Năng động, sáng tạo nhiều phương pháp giảng dạy tiên tiến

Thứ Hai, 29/08/2011, 16:38
Một trong những hướng đi năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của Trường ĐH PCCC là đã chủ động mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế trong đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ mới, như: mở rộng quan hệ với Tổng cục PCCC và cứu nạn Nhật Bản, cơ quan hợp tác quốc tế của Chính phủ Nhật Bản (JICA), Bộ An ninh Lào, Bộ Nội vụ Vương quốc Campuchia.

Trường Đại học Phòng cháy chữa cháy (ĐH PCCC) ra đời và phát triển từ tiền thân là tổ PCCC, trực thuộc Khoa Cảnh sát của trường Công an TW năm 1963. Năm 1965, Bộ Công an đã có quyết định thành lập Phân hiệu Cảnh sát nhân dân gồm có 4 khoa, trong đó có Khoa Cảnh sát PCCC. Năm 1972, Phân hiệu Cảnh sát PCCC trực thuộc Trường Cảnh sát nhân dân được thành lập. Và năm 1976, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã ký Quyết định số 5062-NV/QĐ, tách Phân hiệu Cảnh sát PCCC khỏi trường Cảnh sát nhân dân, thành lập Trường Hạ sĩ quan PCCC trực thuộc Cục Cảnh sát PCCC để tổ chức thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng và bổ túc sỹ quan, hạ sỹ quan Cảnh sát PCCC. Đây là mốc lịch sử quan trọng, khẳng định nhà trường là một chủ thể độc lập trong hệ thống các trường trong lực lượng CAND. Từ đó đến nay, ngày 2/9/1976 trở thành ngày truyền thống của Trường Đại học PCCC.

Sinh viên ĐH PCCC tiến hành thí nghiệm phòng cháy, chữa cháy.

Trung tướng Trần Văn Thảo, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an, nguyên Hiệu trưởng Trường Cao đẳng PCCC (1988 - 1990) nhớ lại: “Năm 1986, tôi lại được cử về trường giảng dạy và đến năm 1988 thì giữ cương vị Hiệu trưởng Trường Cao đẳng PCCC. Lúc đó, không riêng gì Trường Cao đẳng PCCC, mà tất cả các trường đại học trong khối Công an nhân dân đều ở trong tình trạng thiếu thốn. Cơ sở vật chất của Trường Cao đẳng PCCC vô cùng sơ sài, gần như chỉ có bàn ghế và bảng đen. Thầy giáo lên lớp giảng bài bằng phương pháp thuyết trình, học sinh ghi chép lại mà không hề có các phương tiện, giáo cụ trực quan để thực hành. Không có kinh phí đầu tư mua thiết bị, máy móc mới, chúng tôi bắt đầu nghiên cứu, tìm tòi đưa những máy móc, ôtô, máy bơm cũ, hỏng rồi cưa cắt, xây dựng dần thành những phòng học thực hành với những thiết bị thật để giảng dạy cho học viên về cơ khí, về cấu tạo máy bơm, ôtô… Chúng tôi trăn trở làm sao xây dựng những mô hình đám cháy như thật, để giảng dạy cho học viên nắm được thực tế và triển khai một số mô hình khác. Có thể nói, lúc bấy giờ Trường Cao đẳng PCCC gần như là trường đầu tiên trong lực lượng Công an nhân dân xây dựng mô hình trường như thế. Trong thời gian tôi giữ cương vị Hiệu trưởng, rất nhiều đồng chí Hiệu trưởng của các trường thuộc lực lượng Công an đã đến tham quan, đồng tình khen ngợi và học tập mô hình đào tạo trực quan của trường”.

Sau này, đồng chí Đặng Từng (người kế nhiệm ông) cùng với anh em cán bộ, giáo viên đã nỗ lực xây dựng nhà trường từng bước đi lên, khẳng định tầm quan trọng của công tác đào tạo lực lượng PCCC chuyên nghiệp. Ngày 14/10/1999, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định thành lập Trường Đại học PCCC. Theo Trung tướng Trần Văn Thảo, đây không chỉ là một bước tiến về hình thức, tên gọi mà còn là sự khẳng định vị thế của công tác đào tạo lực lượng Cảnh sát PCCC trong sự nghiệp xây dựng đất nước.

Thiếu tướng Đặng Từng, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học PCCC tâm sự rằng, một nhà trường vững mạnh đòi hỏi phải có đội ngũ cán bộ, giáo viên với chuyên môn, nghiệp vụ vững vàng và nhiệt huyết với nghề. Nhận thức rõ điều này, trường đặc biệt chú trọng đến công tác bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý. Tính đến cuối năm 1998, Trường đã xây dựng được đội ngũ gồm 48 cán bộ, giáo viên, trong đó có 41 giáo viên chuyên trách giảng dạy cho 2 cấp học là cao đẳng và trung học. Đội ngũ giáo viên của trường được đào tạo cơ bản từ các viện, trường đại học, trong đó giáo viên chuyên ngành hầu hết được đào tạo ở Liên Xô và đều qua các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm. Trong giảng dạy, nhiều giáo viên đã chủ động nghiên cứu, áp dụng phương pháp dạy học mới, sử dụng phương tiện kỹ thuật, giáo cụ trực quan… nhằm nâng cao khả năng tiếp cận thực tế của học viên. Phong trào thi đua dạy giỏi trở thành truyền thống và là động lực để giáo viên nhà trường cải tiến, đổi mới phương pháp giảng dạy. Những giáo viên có đủ thâm niên giảng dạy đều đăng ký phấn đấu trở thành giáo viên dạy giỏi, nhằm học tập, trao đổi kiến thức, chuyên môn với nhau, cùng nhau trưởng thành qua từng giờ giảng.

Bên cạnh đó, để khắc phục tình trạng thiếu hụt giáo viên, trường liên kết với Cục Cảnh sát PCCC và đơn vị Cảnh sát PCCC Hà Nội tận dụng những cán bộ có học vị, trình độ chuyên môn cao và kinh nghiệm thực tế tham gia giảng dạy một số bài, môn học, xây dựng đội ngũ giáo viên kiêm nhiệm đông đảo. Nhiều đồng chí được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú, có học vị Phó Giáo sư, thạc sỹ, được công nhận chức danh giảng viên chính…

35 năm đã trôi qua, đến nay Trường Đại học PCCC đã thực hiện nhiệm vụ đào tạo bậc đại học được gần 10 năm và mới đây, năm 2010, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã ký quyết định giao cho trường nhiệm vụ đào tạo thạc sỹ chuyên ngành tổ chức PCCC.

Đại tá - TS Đỗ Văn Cẩn, Hiệu trưởng ĐH PCCC cho hay, nhiệm vụ mới vẻ vang, nhưng cũng là trách nhiệm nặng nề, bởi lẽ đòi hỏi ngày càng cao của xã hội trong công tác PCCC, phải làm sao đào tạo được những cán bộ phòng cháy khi ra trường, ngoài phẩm chất chính trị tốt, còn phải tinh thông, chuyên nghiệp về nghề, làm chủ các phương tiện hiện đại, biết tổ chức tác nghiệp tại hiện trường.

Một trong những hướng đi năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của nhà trường là đã chủ động mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế trong đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ mới, như: mở rộng quan hệ với Tổng cục PCCC và cứu nạn Nhật Bản, cơ quan hợp tác quốc tế của Chính phủ Nhật Bản (JICA), Bộ An ninh Lào, Bộ Nội vụ Vương quốc Campuchia.

Theo Đại tá, TS Đỗ Ngọc Cẩn, từ nay đến năm 2020, trường sẽ tập trung nghiên cứu dự báo, phân tích xu hướng phát triển, các giải pháp, biện pháp đối với các công trình có mức độ nguy hiểm cháy nổ cao; đồng thời nghiên cứu vấn đề quản lý Nhà nước thuộc lĩnh vực PCCC trong thời kỳ CNH, HĐH đất nước. Nhà trường cũng sẽ tích cực tham gia các chương trình dự án trọng điểm quốc gia của Nhà nước và Bộ Công an…

Từ khi thực hiện nhiệm vụ đào tạo đại học đến nay, Đại học PCCC đã tham gia thực hiện một đề tài cấp Nhà nước, 20 đề tài và 4 dự án cấp Bộ, 53 đề tài cấp cơ sở. Trường có 135 đề tài khoa học sinh viên đạt giải qua các cuộc thi do Bộ Công an, Bộ GD&ĐT tổ chức. Hiện nay nhà trường có 19 tiến sỹ, 59 thạc sỹ, 11 đồng chí được phong tặng Nhà giáo ưu tú. Trường đã đào tạo được 15 khóa cao đẳng và 11 khoá đại học, 16 khoa liên thông từ cao đẳng và trung cấp lên đại học; đào tạo hơn 100 cán bộ cho Bộ An ninh Lào và Bộ Nội vụ Vương quốc Campuchia… Trường phấn đấu trở thành trung tâm đầu ngành về đào tạo và nghiên cứu khoa học, công nghệ PCCC và cứu hộ cứu nạn với quy mô đào tạo 3.000 học viên năm 2015.

Với những thành tích đã đạt được, Trường Đại học PCCC đã vinh dự được nhận, 2 Huân chương Quân công hạng Nhì, 1 Huân chương Kháng chiến hạng Nhất và nhiều bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và của Bộ Công an. Nhân dịp kỷ niệm 35 năm ngày truyền thống (1976 - 2011), Đại học PCCC vinh dự được tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Nhất.

Thu Phương
.
.