Cuộc vận động thu hồi súng tự chế: Khi lòng dân đồng thuận

Chủ Nhật, 04/03/2012, 19:38
Theo tập quán, súng tự chế còn là vật dụng thờ cúng linh thiêng của tổ tiên dòng họ, tiếng súng cũng là báo hiệu gia đình có tang hay tiễn đưa người quá cố về trời. Chính vì vậy, khi vận động thu hồi, theo nguyện vọng của bà con dân bản, tổ công tác của huyện Mai Châu (Hòa Bình) đồng ý thống nhất để lại mỗi bản 3 khẩu súng làm tài sản chung của cả bản...

Như một tập quán, từ lâu súng tự chế là một vật dụng gắn bó gần gũi với bà con dân tộc thiểu số vùng cao, nhưng lợi bất cập hại khi loại vũ khí này phát triển tràn lan, bị bọn tội phạm lợi dụng trong khi công tác quản lý còn nhiều sơ hở, bất cập. Với gần 3.500 khẩu súng được nhân dân tự giác giao nộp, cuộc vận động thu hồi vũ khí vật liệu nổ (trọng tâm là súng tự chế) ở huyện vùng cao Mai Châu, Hòa Bình đã thu được những kết quả quan trọng. Thắng lợi của cuộc vận động này chính là ở biện pháp tiến hành và phát huy được sức mạnh toàn dân…

Bí thư Huyện ủy cũng “thượng sơn”…

Bài học xương máu từ trận đánh bi hùng với tội phạm ma tuý ở Hang Kia, Pà Cò tháng 2/2010 làm 3 chiến sĩ của Công an tỉnh Hòa Bình hy sinh anh dũng là một minh chứng đau xót cho sự hiểm nguy của trận tuyến phòng chống tội phạm ở vùng cửa ngõ Tây Bắc. Nhưng vụ việc này cũng gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng tàng trữ và sử dụng vũ khí vật liệu nổ (VKVLN) trái phép trên địa bàn.

Huyện Mai Châu có 22 xã vùng cao, hơn 80% dân số là người dân tộc thiểu số. Qua công tác điều tra cơ bản vào thời điểm đầu năm 2010, trên địa bàn huyện có hàng ngàn khẩu súng tự chế các loại, đây thực sự là một nhân tố tiềm ẩn phức tạp về an ninh trật tự. Chính vì vậy, ngay khi tỉnh Hòa Bình xây dựng Đề án 1081 về vận động thu hồi VKVLN và công cụ hỗ trợ, Mai Châu là huyện đầu tiên tổ chức triển khai thực hiện. Mục tiêu của kế hoạch là trong thời gian 12 tháng sẽ thu hồi toàn bộ  VKVLN trên địa bàn, với phương châm lấy vận động, thuyết phục là chính…

Kế hoạch đặt ra như vậy nhưng bắt tay vào triển khai gặp nhiều khó khăn, nhất là để thay đổi thói quen sử dụng súng tự chế đã ăn sâu vào trong tiềm thức của bà con dân tộc thật không dễ dàng. Cũng bởi do địa bàn hẻo lánh, chia cắt, giao thông đi lại khó khăn; để đến được các bản như Chiềng Châu, Hang Kia, Nà Phòn… cán bộ phải đi bộ nhiều giờ, trong khi nhận thức của một bộ phận nhân dân còn hạn chế.

Tuy nhiên, cấp ủy, chính quyền và các lực lượng chức năng của huyện Mai Châu đã đồng tâm hiệp lực với quyết tâm cao; các tổ công tác tổ chức thực hiện 3 cùng dưới cơ sở, đảng viên ở xã, bản phải tiên phong gương mẫu thực hiện trước tiên.

Người dân tự giác giao nộp súng tự chế.

Bí thư Huyện ủy Khà Phúc Dằng, Trưởng ban Chỉ đạo cuộc vận động trực tiếp “thượng sơn” dẫn đầu một tổ công tác xuống địa bàn xã Hang Kia (địa bàn thực hiện thí điểm) để triển khai. Với phương châm: vận động + giáo dục + thuyết phục, cán bộ Công an đã đến từng nhà, tìm gặp từng người để tuyên truyền, vận động. Đến nay, nhân dân tự giác giao nộp 3.445 khẩu súng các loại, trong đó có 4 súng quân dụng, 8 quả lựu đạn, 150kg đạn chì... Đáng chú ý, do làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nên nhân dân ở 2 xã trọng điểm là Hang Kia và Pà Cò đã nhiệt tình ủng hộ. Bà con tự giác giao nộp gần 300 khẩu súng các loại.

Bài học từ lòng dân

Qua cuộc vận động thu hồi VKVLN và công cụ hỗ trợ ở huyện Mai Châu, đã rút ra được nhiều bài học quý trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ. Bí thư Huyện ủy Khà Phúc Dằng nhấn mạnh, để cuộc vận động thành công, cán bộ phải vào cuộc, đảng viên phải là người tiên phong, gương mẫu thực hiện trước. Các tổ công tác tranh thủ các già làng, trưởng bản, người có uy tín để vận động. Phương châm thực hiện là kiên quyết nhưng phải linh hoạt.

Thượng tá Hà Công Cận - Trưởng Công an huyện Mai Châu cũng cho biết: “Do tập quán, súng tự chế còn là vật dụng thờ cúng linh thiêng của tổ tiên dòng họ, tiếng súng cũng là báo hiệu gia đình có tang hay tiễn đưa người quá cố về trời. Chính vì vậy, khi vận động thu hồi, theo nguyện vọng của bà con dân bản, tổ công tác đồng ý thống nhất để lại mỗi bản 3 khẩu súng làm tài sản chung của cả bản và giao cho già làng, trưởng bản quản lý, chịu trách nhiệm”.

Theo số liệu quản lý trong hồ sơ của Công an huyện Mai Châu, hiện vẫn còn một số khẩu súng tự chế đang lưu hành trong dân, số súng này chủ yếu tập trung ở những người đi làm nương rẫy vùng xa xôi hẻo lánh. Tuy nhiên, các gia đình đều cam kết sẽ vận động người thân trong gia đình giao nộp súng trong thời gian sớm nhất.

Vẫn biết, những gì vốn gắn bó với cuộc sống của người dân, gần như một tập quán thì không dễ dàng xoá bỏ, nhưng một chủ trương đúng đắn, cán bộ, đảng viên gương mẫu thực hiện trước; có cách làm phù hợp, đáp ứng nguyện vọng của đại bộ phận quần chúng nhân dân, thì đều có thể thực hiện thành công. Bài học từ cuộc vận động thu hồi VKVLN và công cụ hỗ trợ ở huyện Mai Châu là một ví dụ sinh động…

Ngọc Oanh
.
.