Công an tập trung giúp dân khắc phục hậu quả lũ lụt

Thứ Năm, 10/11/2011, 09:59
Sáng 9/11, có gần 50 chiến sĩ Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế đã đến giúp Trường Tiểu học Phú Hiệp (TP Huế) để dọn dẹp bùn non ngập sâu hơn 20cm. Một số con đường ở TP Huế bị bùn non ngập sâu, như: Bạch Đằng, Ngô Kha, Chi Lăng… cũng được các chiến sĩ Công an giúp dân dọn dẹp sạch sẽ.

Chiều 9/11, nước lũ chỉ còn ngập ở những vùng bị trũng thấp, ven sông, song do bởi ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới, mưa gió vẫn tiếp diễn. Trước tình hình đó, lãnh đạo Công an các tỉnh Bắc và Trung Trung Bộ huy động lực lượng xuống địa bàn nước lũ vừa rút để giúp dân dọn dẹp vệ sinh môi trường, sửa chữa lại nhà cửa bị hư hỏng, giúp đỡ các gia đình có người bị thương vong trong lũ... Mặt khác, cũng chuẩn bị phương tiện ca nô sẵn sàng các tổ cứu nạn, cứu hộ đồng bào khi đợt lũ mới có thể xảy ra...

Tại tỉnh Quảng Nam, theo thống kê sơ bộ của Trung tâm PCLB khu vực miền Trung - Tây Nguyên, trong đợt lũ lụt diễn ra từ ngày 7/11 đến nay, Quảng Nam là địa phương chịu thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Nước lũ đã làm ngập chìm hàng chục nghìn ngôi nhà, đặc biệt các huyện vùng hạ du các con sông Thu Bồn và Vu Gia, như: Điện Bàn, Duy Xuyên, Đại Lộc, TP Hội An có gần 60.000 ngôi nhà bị ngập sâu trong nước từ 0,5m đến hơn 1m; thậm chí có nơi lũ ngập đến mái nhà.

Trong cơn lũ, Công an các huyện, xã đã cùng các Ban chỉ huy PCLB&TKCN ứng cứu, di dời trên 6.400 hộ, với 25 nghìn người ở những khu vực nguy hiểm đến nơi tạm trú an toàn. Dù nhiều xã còn bị ngập lụt, song con số thiệt hại nhà cửa, công trình, đường sá, hoa màu, ước tính đã lên trên 50 tỷ đồng.

Tại khu tái định cư A Lua (Tây Giang) mưa lũ làm sạt lở đất gây sập đổ hoàn toàn nhà ở nội trú của học sinh xã Dang và 1 trụ ăng-ten điện năng lượng mặt trời. Hiện tại 148 học sinh đang phải ở nhờ nhà dân và tại trường. Đường Hồ Chí Minh tại đèo Lò Xo và nhiều đoạn đường qua các huyện Phước Sơn, Tây Giang, Đông Giang cũng bị sạt lở, các cơ quan chức năng đang tổ chức san ủi khắc phục để thông đường. Về sản xuất nông nghiệp, có khoảng 656ha lúa gieo, 2.520ha rau màu các loại bị hư hỏng; 94ha ruộng bị bồi lấp; lúa đã thu hoạch vào nhà bị ướt và hư hỏng khoảng 300 tấn và có 5ha ao cá bị vỡ do lũ cuốn trôi...

Các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế đến Bình Định, có 24 người chết và mất tích do lũ cuốn, trong đó riêng tỉnh Quảng Nam đã có đến 18 trường hợp. Người chết và mất tích trong lũ tăng cao, nguyên nhân chủ yếu là do sự chủ quan đi lại của các nạn nhân trong lũ lụt. Ngay sau khi lũ rút, Ban Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam chỉ đạo Công an các huyện tập trung giúp dân dọn dẹp vệ sinh đường sá, sửa chữa lại nhà cửa hư hỏng, đưa những hộ gia đình sơ tán trở về nhà...

Đoàn viên thanh niên Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế dọn vệ sinh đường sá.

Tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, ngày 9/11, nhiều đoạn bờ sông, như sông Hương đoạn qua xã Hương Hồ, xã Hương Thọ; sông Bồ đoạn qua xã Quảng Phú, Hương Văn… tiếp  tục bị sạt lở kéo dài thêm trên 10km ăn sâu vào làng xóm, hàng chục hộ dân buộc phải di dời chưa thể trở lại nhà.

Ban chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh đã huy động lực lượng trên 500 người, gồm Quân đội, Công an, đoàn viên thanh niên nỗ lực khắc phục sạt lở đất tại đây; tiếp tục hỗ trợ di dời 5 trong số gần 100 hộ dân trong khu vực bị ảnh hưởng đến nơi an toàn. Bờ biển đoạn từ Thuận An – Phú Thuận nhiều đoạn sạt lở, tường thành khu Resort Ana Mandara ven biển thị trấn Thuận An bị sóng biển làm sập 40m. Nhiều địa phương ở TP Huế, huyện Hương Trà, Phong Điền… nước vẫn còn ngập sâu, người dân phải dùng ghe, thuyền để đi lại.

Ở những khu vực nước lũ đã rút, Công an và chính quyền địa phương tập trung khắc phục hậu quả để nhanh chóng khôi phục sản xuất và đời sống sinh hoạt của người dân. Ngành Y tế cũng cử nhiều tổ công tác đi phun thuốc, hóa chất để ngăn chặn dịch bệnh sau lũ.

Thượng tá Đặng Minh Lực, Chánh văn phòng Công an tỉnh Thừa Thiên -  Huế cho biết, Công an các đơn vị vừa phối hợp với các địa phương khắc phục lũ lụt; đồng thời một số địa phương còn bị ngập lụt vẫn bố trí lực lượng túc trực để đảm bảo ANTT và tài sản của nhân dân. Một số tuyến đường quốc lộ đi qua địa bàn tỉnh bị ngập nước được bố trí CSGT túc trực 24h/24h để canh giữ và hướng dẫn phương tiện tham gia giao thông lưu hành được an toàn.

Sáng 9/11, có gần 50 chiến sĩ Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế đã đến giúp Trường Tiểu học Phú Hiệp (TP Huế) để dọn dẹp bùn non ngập sâu hơn 20cm. Một số con đường ở TP Huế bị bùn non ngập sâu, như: Bạch Đằng, Ngô Kha, Chi Lăng… cũng được các chiến sĩ Công an giúp dân dọn dẹp sạch sẽ.

Tại tỉnh Quảng Trị tiếp tục có mưa to trên diện rộng. Mưa lớn kết hợp với xả lũ theo điều tiết của công trình thủy lợi, thủy điện Quảng Trị và các công trình thuỷ lợi, thuỷ điện khác, đã gây ngập lụt ở một số vùng đồng bằng. Tại nhiều thôn, xã của các huyện Gio Linh, Hải Lăng, Triệu Phong đã bị nước lũ chia cắt, mọi đi lại đều phải bằng ghe, thuyền. Nhiều hồ nuôi cá chưa kịp thu hoạch ở các huyện trên đã bị ngập trôi. Các địa phương phối hợp với Bộ đội Biên phòng tỉnh kêu gọi tàu thuyền về nơi trú ẩn, đến chiều 9/11, toàn bộ 2.483 tàu thuyền của tỉnh với hơn 10.000 lao động đã về nơi trú ẩn và được các lực lượng Công an địa phương giúp đỡ chằng néo bảo vệ an toàn.

Tại TP Đà Nẵng có 24 xã, phường bị ngập trong lũ, 6 tàu thuyền đã bị chìm và trôi dạt. Bộ đội Biên phòng TP Đà Nẵng đã điều động 1 tàu, 1 ca nô/10 CBCS và trưng dụng 1 tàu kéo đang thi công cầu Rồng cứu kéo được 3 tàu đánh cá bị trôi dạt nên không có thiệt hại về người.

Công an quận Liên Chiểu đưa dân sơ tán trở về nhà sau khi lũ rút.

Tại quận Liên Chiểu, nước lũ đã khiến cho gần 50m đường bê tông ở tổ 35 phường Hòa Hiệp Bắc bị sụt lún nghiêm trọng, uy hiếp trực tiếp đến sự an toàn của 12 hộ dân trong khu vực. Để tạm thời khắc phục sự cố, Công an cùng chính quyền phường Hòa Hiệp Bắc dùng bao tải cát, đá để ngăn nước cống trong khu vực, hạn chế tình trạng sạt lở tiếp tục xảy ra. Trên địa bàn TP Đà Nẵng có 3 người chết do đi lại bị lũ cuốn.

Miền Trung: Mưa lũ tiếp tục diễn biến phức tạp

Chiều 9/11, Ban chỉ đạo PCBLTW cho biết tình hình mưa lũ tại các tỉnh miền Trung vẫn đang có những diễn biến phức tạp. Sau 4 ngày mưa to và lũ dâng cao đã có 22 người chết (thuộc các tỉnh: Thừa Thiên - Huế; Đà Nẵng; Quảng Nam; Quảng Ngãi), Quảng Ngãi đứng đầu danh sách với 17 người chết. Lũ dâng cao đã phá sập và làm trên 117.081 ngôi nhà bị ngập nước; 659ha lúa và 2.852,5ha hoa màu bị ngập và hư hại. Mưa lũ cũng làm nhiều đoạn trên tuyến QL 1A, đường Hồ Chí Minh bị ngập và sạt lở. Nhiều tuyến đường nội thị và tuyến quốc lộ đi qua địa phận các tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định rơi vào tình trạng ngập úng, mặt đường bị xói lở, hư hỏng, trơn trượt  gây cản trở các phương tiện giao thông.

Trong một diễn biến khác, chiều 9/11 đã có một áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) hoạt động cách bờ biển Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng khoảng 290km về phía Đông Đông Bắc. Theo dự báo, ATNĐ sẽ suy yếu thành một vùng áp thấp trên quần đảo Hoàng Sa, nhưng do ảnh hưởng của hoàn lưu kết hợp với ảnh hưởng của không khí lạnh, vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Nam sẽ có gió cấp 7, giật cấp 8, cấp 9, biển động mạnh. Các tỉnh Bắc Bộ và Thanh Hóa sẽ có mưa rải rác, các tỉnh Nghệ An đến Thừa Thiên - Huế sẽ có mưa vừa, mưa to. Đề nghị các địa phương đề phòng lũ quét và sạt lở đất.

Diệp Vũ

Nhóm P.V miền Trung
.
.