Công an TP Hà Nội: Đảm bảo yên bình cho mùa lễ hội

Thứ Hai, 17/02/2014, 10:40
Trộm cắp, móc túi, giao thông tắc nghẽn là hình ảnh dễ thấy trong những mùa lễ hội. Hà Nội có các di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng như chùa Phúc Khánh với hơn một nghìn người dự lễ cầu an, chen chúc tràn ra đường để dâng sao giải hạn; Phủ Tây Hồ với hàng vạn du khách nườm nượp đổ về mỗi ngày trong đầu xuân năm mới… Đảm bảo an toàn tuyệt đối tính mạng, tài sản cho nhân dân đi lễ hội; phòng chống cháy nổ, an toàn cho các di tích là nhiệm vụ hàng đầu của lực lượng Công an Thủ đô. Năm nay, Công an Hà Nội đã đổi mới phương pháp bảo vệ, huy động nhiều lực lượng tham gia, đến thời điểm này, an ninh ở các lễ hội diễn ra an toàn.

Không để xảy ra chen chúc, xô đẩy ở chùa Phúc Khánh

Sáng 13/2, chùa Phúc Khánh, quận Đống Đa, TP Hà Nội mọi người đang tất bật chuẩn bị cho buổi lễ cầu an diễn ra vào 19h tối. Trong không khí trầm mặc, thanh bình, người dân đến lễ chùa với tấm lòng thành kính. Xen lẫn trong dòng người trẩy hội đầu năm, thấp thoáng là bóng dáng của lực lượng Công an quận Đống Đa làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự ở chùa. Theo sư ông Thích Khai Tịnh thì lễ cầu an diễn ra vào tối 13/2 (tức ngày 14 tháng Giêng) có khoảng 1,2 vạn người đến dự (gấp gần 5 lần) so với ngày cúng sao, giải hạn. Công an quận Đống Đa đã thành lập Ban chỉ đạo bảo vệ lễ cầu an chùa Phúc Khánh do đồng chí Trưởng Công an quận làm Trưởng ban.

Ngay từ sáng sớm, 4 đội nghiệp vụ và Công an 15 phường của quận Đống Đa được giao nhiệm vụ đã có mặt để phân luồng giao thông, phòng chống trộm cắp, móc túi, phòng chống cháy nổ nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối về tính mạng, tài sản cho nhân dân. Ngoài ra, các chiến sỹ Đội 5, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an TP Hà Nội cũng được tăng cường tại khu vực này… Rút kinh nghiệm từ những mùa lễ hội trước, năm nay chùa Phúc Khánh tổ chức chia lễ dâng sao, giải hạn ra làm 4 ngày để đảm bảo lưu lượng người đổ về chùa giảm đi, tránh tình trạng quá đông đúc, chen lấn, xô đẩy, nguy cơ cao về mất an toàn như nhiều năm trước. Chính vì thế mà trong ngày diễn ra lễ dâng sao, giải hạn chỉ có khoảng 4.000 người, giảm 1/4 so với trước.

Lực lượng Công an Hà Nội luôn chủ động trong công tác đảm bảo ANTT mùa lễ hội năm 2014. Ảnh: Nguyễn Hương.

Gặp Tổ công tác của Công an phường Thịnh Quang đang làm nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự trong khu vực chùa Phúc Khánh, chúng tôi được biết, các chốt đảm bảo về an toàn phòng cháy nổ, phòng chống trộm cắp, kiểm tra xử lý các hoạt động liên quan mê tín dị đoan, đổi tiền lẻ, bán sách ngoài luồng… đều được triển khai khá nghiêm túc.

Trung tá Nguyễn Duy Hưng, Trưởng Công an phường Thịnh Quang cho biết, để đảm bảo an toàn tuyệt đối tính mạng cho nhân dân và an toàn, tài sản cho nhà chùa, Công an phường đã phân luồng tạo lối thoát hiểm cho người dân khi có sự cố. Nhờ liên tục tuyên truyền trên loa và biển thông báo, nên đến thời điểm này, ANTT trong và ngoài khu vực chùa Phúc Khánh được đảm bảo. Theo Trung tá Nguyễn Duy Hưng thì đến thời điểm này Công an phường chưa nhận được trình báo trộm cắp tài sản nào của người dân. Trung tá Hưng khuyến cáo, người dân khi đi làm lễ phải đặc biệt chú ý tự đề phòng, bảo quản tài sản nhất là khi chắp tay khấn, tránh việc chen lấn xô đẩy vào sâu trong Tam Bảo.

Chủ động lực lượng bảo đảm ANTT Phủ Tây Hồ

Những ngày đầu năm này, mỗi ngày, Phủ Tây Hồ đón hàng ngàn lượt khách đến làm lễ, dâng hương. Không chỉ người dân trên địa bàn Thủ đô mà du khách ở ngoại tỉnh cũng nô nức về làm lễ Phủ Tây Hồ. Những bãi trông giữ xe xung quanh Phủ Tây Hồ lúc nào cũng trong tình trạng chật cứng phương tiện. Ngay từ đầu đường Đặng Thai Mai, để tránh ùn tắc giao thông, lực lượng Công an phường Quảng An đã thường xuyên tổ chức phân luồng, hướng dẫn giao thông. Lượng người đông cũng khiến cho cảnh chen chúc thường xuyên xảy ra, đặc biệt là tại khu vực trong khuôn viên Phủ. Đây chính là cơ hội thuận lợi để các đối tượng trộm cắp, móc túi hoạt động. Tuy nhiên, lẫn trong những người dân đi lễ hội năm nay là những chiến sỹ Cảnh sát hình sự Hà Nội đang âm thầm làm nhiệm vụ.

Thiếu úy Bùi Lưu Kiên, Tổ trưởng Tổ công tác số 7-142, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an TP Hà Nội cho biết: Bắt đầu ngay từ mùng 1 Tết, 2 Tổ công tác 142 kết hợp cùng với Công an phường Quảng An, Công an quận Tây Hồ thường xuyên tổ chức làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự tại khu vực này. Mỗi tổ công tác 142 bao gồm 5 cán bộ chiến sỹ thay nhau bám chốt từ 8h sáng cho đến 21h cùng ngày. "Phủ Tây Hồ thường mở cửa từ 5h sáng đến 19h để phục vụ du khách. Vào ngày Rằm, mùng 1, khách đến làm lễ tại Phủ đến 21h mới kết thúc. Chúng tôi luôn nâng cao tinh thần trách nhiệm, chủ động đảm bảo cho nhân dân yên tâm đi lễ vào dịp đầu năm này", Thiếu úy Kiên cho biết. Chẳng thế mà, những chiến sỹ Cảnh sát như Thiếu úy Kiên đã hy sinh niềm vui cá nhân, không đón Tết cùng gia đình, hoàn thành nhiệm vụ đơn vị giao phó.

Do làm tốt công tác bảo đảm ANTT nên phần lớn người dân đi lễ Phủ Tây Hồ cảm thấy khá yên tâm. Chị Lan Hương, trú quận Hoàng Mai, Hà Nội cho biết: “Mùng 6 tôi đi lễ Phủ mà chỉ vái vọng từ bên ngoài vì đông quá. Lượng người lễ Phủ tuy đông nhưng không thấy cảnh chen lấn xô đẩy. Chúng tôi cũng khá yên tâm khi ngay từ cổng Phủ đã thấy hình ảnh lực lượng Công an bảo vệ Phủ thường xuyên tuần tra kiểm soát". Đặc biệt, từ đầu năm đến nay, tại Phủ Tây Hồ chỉ xảy ra 1, 2 vụ trộm cắp tài sản nhỏ, lẻ.

Một trong những thành công ngày đầu năm của lực lượng Công an TP Hà Nội chính là đảm bảo cho nhân dân môi trường bình yên khi đi lễ, dâng hương tại các đền, chùa… Các anh đã ghi dấu trong lòng nhân dân bằng hình ảnh "thức cho dân vui chơi, gác cho dân ngủ".  

1. Theo khuyến cáo của Trung tá Nguyễn Duy Hưng, Trưởng Công an phường Thịnh Quang thì hiện phường Thịnh Quang đã sắp xếp 4 điểm trông giữ xe cho khách vào chùa theo đúng giá quy định của thành phố. Đó là, điểm trông xe ở cổng Viện Châm cứu; gầm cầu vượt Ngã Tư Sở; sân chơi khu tập thể B5 Vĩnh Hồ; Trường Đại học Thủy Lợi. Các hộ trông giữ xe ở ngoài đường và vỉa hè đường Tây Sơn đã bị nghiêm cấm trông giữ xe cho khách, do vậy người dân hãy tới 4 điểm trên để gửi xe.

2. Theo Đội 5, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về TTXH, Công an TP Hà Nội thì "cò" chùa Hương thường "đu" bám khách đi xe máy, ôtô từ đường Lê Văn Lương đến Quang Trung, quận Hà Đông. Đội quân "cò" khá đông, đeo bám khách dai dẳng vào tận thị trấn Vát. Từ đầu mùa lễ hội đến nay, Đội 5 đã bắt được 17 đối tượng "cò" chùa Hương. Sáng 13/2, bằng các biện pháp nghiệp vụ, Đội 5 đã tạm giữ được 7 đối tượng "cò", trong đó có đối tượng Lê Thiện Thuấn, SN 1983, trú tại xã Phùng Kiên, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Theo Trung tá Lê Kim Đồng, Đội trưởng Đội 5 thì một số đối tượng "cò" vừa bị xử phạt hành chính và tạm giữ phương tiện hôm trước thì hôm sau lại tái phạm. Mức xử phạt vi phạm hành chính theo Điều 5 từ 100 đến 300 nghìn hiện còn quá thấp nên chưa đủ tính răn đe.

Trần Hằng - Nguyễn Hương
.
.