Công an Hà Giang: Phá nhiều vụ bắt cóc trẻ em vùng biên
Chỉ trong một thời gian ngắn, trên địa bàn các huyện biên giới tỉnh Hà Giang đã liên tục xảy ra các vụ chiếm đoạt, bắt cóc trẻ em bán sang bên kia biên giới. Do địa hình rộng, phức tạp đồi núi chập trùng nên nhiều đối tượng đã lợi dụng để gây án... Điều này đòi hỏi lực lượng chức năng cũng như người dân cần cảnh giác cao độ, nhất là khi hiện nay đang cận kề Tết Nguyên đán - thời điểm được dự báo là "vào mùa" tội phạm bắt cóc trẻ em.
Lần tìm đầu mối từ những đối tượng bắt cóc trẻ em sa lưới
Thời gian gần đây, tại tỉnh biên giới Hà Giang lại nóng lên tình trạng bắt cóc trẻ em bán sang biên giới. Hôm chúng tôi đến làm việc, Thượng tá Nguyễn Văn Thông, Trưởng phòng CSĐT tội phạm về TTXH, Công an tỉnh Hà Giang cho biết: Đơn vị vừa phối hợp với Bộ đội Biên phòng bắt giữ 9 đối tượng có hành vi trộm, buôn bán trẻ em ở khu vực biên giới. Tại cơ quan điều tra, số đối tượng này khai nhận trước đó đã gây ra 3 vụ bắt trộm trẻ em trên địa bàn…
Cũng trong thời gian vừa qua, Công an tỉnh Hà Giang đã khám phá thành công nhiều vụ buôn bán trẻ em đã khởi tố vụ án, bắt tạm giam hàng loạt đối tượng vi phạm.
Điển hình như Giàng Mí Sung ở xã Lũng Pù, huyện Mèo Vạc đã câu kết với đối tượng bên kia biên giới để bán một phụ nữ cùng đứa con nhỏ sang biên giới. Sau phi vụ đầu thực hiện trót lọt, thấy dễ gây án đối tượng tiếp tục tìm đến chợ phiên Mèo Vạc cùng câu kết với một đối tượng tại địa phương lừa được 4 đứa trẻ trú tại xã Sơn Vĩ (Mèo Vạc) bán sang bên kia biên giới lấy 10.000 Nhân dân tệ…
Sau vụ này, Tính còn thâm nhập trở lại Việt Nam lừa được hai cháu Giàng Thị L., 17 tuổi và Giàng Thị V., 15 tuổi ở xã Lũng Pù, huyện Mèo Vạc sang Trung Quốc bẻ ngô giúp mình. Lúc đi, thấy bị đưa lên ôtô, hai cháu bé đã nghi ngờ Tính bảo "do nương ngô ở xa nên phải đi bẻ bằng ôtô". Sang đến nơi, vợ chồng Tính đã gọi điện cho một người Hán đến và bán với giá 8.000 NDT.
Khi biết mình bị lừa, lợi dụng sơ hở của người trông coi, cháu L. đã trốn vào một gia đình người Mông và sau đó nhắn tin cho gia đình sang đón về. Còn cháu Vá sau đó cũng đã được gia đình giải cứu.
Theo Công an tỉnh Hà Giang thì đến nay, trên địa bàn đã xảy ra hàng chục vụ chiếm đoạt, bắt cóc và buôn bán trẻ em. Thượng tá Nguyễn Văn Thông cho biết, trước tình trạng rộ lên nạn bắt cóc trẻ em, ngay từ đầu năm, Công an tỉnh Hà Giang đã thành lập các chuyên án đấu tranh trong đó lấy việc phòng ngừa làm trọng tâm. Đặc biệt tại các khu vực các huyện có đường biên kéo dài như: Mèo Vạc, Đồng Văn, Yên Minh… được xem là điểm "nóng" mà chuyên án hướng tới.
Những vụ án đã khám phá thời gian qua cho thấy các đối tượng bắt cóc trẻ em thường lân la vào các thôn bản hẻo lánh của các huyện vùng cao có đường biên kéo dài với nhiều lối mòn thông sang biên giới. Sau khi đã tìm hiểu rõ hoàn cảnh từng gia đình, địa hình cụ thể. Bọn chúng thường chọn những gia đình có trẻ em, chồng hay đi làm xa. Lợi dụng đêm tối, giá rét nên gia chủ mất cảnh giác, các đối tượng này đột nhập vào nhà để bắt cóc trẻ em. Chúng thường đi thành nhóm 2-3 người. Sau khi đột nhập vào nhà bị hại chúng khống chế người nhà, bắt cóc trẻ em mang đi. Sau khi gây án chúng lập tức di chuyển ra khu vực đường biên để giao cho đối tượng đã đợi sẵn tại đây...
Theo Thượng tá Nguyễn Văn Thông, mỗi đường dây trộm, bắt cóc trẻ em thường có sự góp mặt ít nhất là 3 đối tượng. Có những vụ án chỉ diễn ra chóng vánh trong khoảng 1h đồng hồ. Do đặc điểm tại nhiều khu vực các gia đình thường sống đơn lẻ, xa khu dân cư nên khi tin báo đến được với chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng thì đối tượng đã "cao bay xa chạy" thông qua các con đường tắt heo hút. Một đặc điểm đáng chú ý là các đối tượng cũng chỉ thường tìm bắt các cháu bé trai từ 3-5 tuổi.
Tăng cường công tác tuyên truyền, phòng ngừa đến tận thôn, bản.
Trước tình hình bắt cóc, chiếm đoạt trẻ em trên tuyến biên giới có chiều hướng gia tăng, Công an Hà Giang đã phối hợp chính quyền địa phương tập trung nhiều biện pháp quyết liệt. Bên cạnh việc rà soát các tuyến, địa bàn trọng điểm đơn vị còn tổ chức nhiều đợt diễn tập các phương án phòng chống nạn bắt cóc trẻ em trên dọc tuyến biên giới. Nhiều mô hình như: "Tiếng mõ an ninh" "Diễn tập tự phòng ngừa"… đã được triển khai thực hiện. Công tác tuyên truyền về hình thức, thủ đoạn hoạt động của loại tội phạm này cũng được lực lượng Công an và chính quyền địa phương tập trung đẩy mạnh.
Để ngăn chặn nạn trộm, bắt cóc trẻ em trên địa bàn lực lượng Công an đã khuyến cáo các hộ gia đình có trẻ nhỏ cần luôn đề cao cảnh giác, phòng ngừa tội phạm. Không nên sinh sống rải rác, phân tán mà phải tập trung thành cụm có sự gắn kết chặt chẽ, nhất là ở các khu vực vùng cao, có đường biên là lối mòn chạy qua. Đồng thời, chính quyền địa phương cần phải quán triệt việc triển khai mô hình "tiếng mõ an ninh" ở các thôn bản neo người. Khi phát hiện vi phạm phải chung sức bắt giữ các đối tượng gây án.
Lãnh đạo Phòng CSĐT tội phạm về TTXH - Công an tỉnh Hà Giang cũng nhấn mạnh: Việc thực hiện tốt mô hình "tiếng mõ an ninh" ngay từ cơ sở là hết sức quan trọng. Trên thực tế thì do địa bàn quá rộng, nên việc phát hiện và ngăn chặn của lực lượng chức năng sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Đơn cử như có những vụ việc sau khi nhận được tin báo phải mất tới 3 giờ đồng hồ lực lượng Công an mới có thể tiếp cận được hiện trường, trong khi đó các đối tượng hoàn tất việc gây án chỉ trong vòng 30 phút.
Lực lượng Công an cũng đã khuyến cáo các hộ gia đình cần gia cố lại hệ thống cửa để ngăn ngừa sự đột nhập về đêm của đối tượng gây án. Đồng thời chính quyền địa phương cần phải phối hợp chặt chẽ hơn nữa với lực lượng Công an, Bộ đội biên phòng trong công tác phòng ngừa, phát hiện, thường xuyên tổ chức các đợt diễn tập với các nội dung như: dấu hiệu, cách phòng chống, kêu cứu khi gặp phải các đối tượng trộm, bắt cóc trẻ...
Vào thời điểm những tháng cuối năm nhất là khi dịp Tết Nguyên đán cận kề, nhiều tổ công tác của Phòng CSĐT tội phạm về TTXH, Công an tỉnh Hà Giang đã được tung xuống các địa bàn "nóng" là các thôn, bản vùng biên ở Mèo Vạc, Yên Minh, Đồng Văn… để trấn áp loại tội phạm này.
Lãnh đạo đơn vị này cho biết, những trinh sát giỏi và dày dạn kinh nghiệm của lực lượng CSĐT tội phạm về TTXH đã được lựa chọn sẽ cùng với lực lượng Công an cơ sở xây dựng thế trận, những mạng lưới khép chặt đường biên. Ngăn chặn hiệu quả và kịp thời những vụ bắt cóc, chiếm đoạt trẻ em để đảm bảo sự bình yên trên tuyến biên giới