Chuyện về một anh hùng qua lời kể của cha

Chủ Nhật, 26/12/2010, 14:05
Có lần ông Hoan vào Tây Nguyên thăm con cháu, ngày nghỉ Nguyễn Xuân Hà đưa gia đình đi chơi, nhận được thông tin anh quên cả việc đang ở cạnh gia đình để họ ngồi ở quán ăn và vào rừng gặp đầu sỏ FULRO thương thuyết…

Ngoài 20 tuổi, tốt nghiệp Học viện An ninh nhân dân, tràn trề sức trẻ, Nguyễn Xuân Hà, chàng trai sinh ra và lớn lên ở Thủ đô Hà Nội, không chọn cho mình một cuộc sống nơi phồn hoa đô hội mà khoác ba lô tình nguyện vào công tác tại mảnh đất Tây Nguyên đầy nắng gió. Tạm biệt tổ ấm thân thương ở cuối con phố Trần Hưng Đạo thoang thoảng mùi hoa sữa mỗi dịp thu về nơi đã thắp lửa và hun đúc ý chí của một người anh hùng. Những câu chuyện kể của người cha đã bạc mái tóc là những kỷ niệm thật đáng trân trọng và khó quên.

1. Con đường nhỏ gồ ghề nhớp nhúa sau trận mưa phùn, lối vào khu tập thể Bệnh viện 108 thuộc phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội sao khó đi đến thế. Ấy là đường về nơi cư ngụ của bố mẹ Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Đại tá Nguyễn Xuân Hà, Phó Cục trưởng Cục An ninh Tây Nguyên.

Cuối tháng 12, Đại tá Nguyễn Xuân Hà có mặt ở Thủ đô Hà Nội dự Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ VIII. Trước khi thực hiện bài viết này, tôi đã liên lạc và Đại tá Nguyễn Xuân Hà bảo: "Anh ở trong này (Gia Lai, Tây Nguyên) rất bận, chưa biết ngày nào sẽ ra Hà Nội…”. Sau đó, tôi đã tới thăm và trò chuyện với người cha thân yêu của anh, người đã nuôi dưỡng ý chí anh hùng, dìu dắt từng bước đi trên đường đời của đứa con trai yêu quý. Ông là Trung tá Quân đội Nguyễn Như Hoan.

Ông Nguyễn Như Hoan, thân phụ Đại tá Nguyễn Xuân Hà, đang kể chuyện với phóng viên Báo CAND.

Ông Hoan mở toang cánh cổng ngôi nhà nhỏ niềm nở đón tôi vào nhà. Cốc nước trà xanh bốc khói nghi ngút nhận từ tay ông đã khiến tôi đỡ cóng hơn. Tôi nhìn quanh thấy ngôi nhà đơn sơ quá, cuộc sống quá đỗi đạm bạc của người chiến binh đã có tới 36 năm trong quân ngũ, nay trở về vui tuổi già với sự trưởng thành của cháu con.

Khi tôi hỏi về Nguyễn Xuân Hà, ông Hoan kể, sau khi tham gia 2 cuộc kháng chiến chống pháp, chống Mỹ, ông chuyển công tác về Tổng cục Chính trị và đưa vợ từ vùng quê nghèo Hà Tĩnh ra Hà Nội, làm cấp dưỡng phục vụ bệnh binh ở Bệnh viện 108. Những đứa con thân yêu lần lượt chào đời và sống trong căn nhà nhỏ ở khu tập thể.

Kể về đứa con trai mà ông đã dồn biết bao tâm sức, ông Hoan nói: "Hà nó vất vả lắm. Khi bố đi đánh Mỹ thì gửi Hà lên trường của Tổng cục Chính trị ở Sơn Tây. Từ nhỏ đã phải xa bố mẹ nhưng lại được các bác trong Quân đội rèn giũa giáo dục thật nghiêm khắc ngay từ lớp 1 nên tôi cũng yên tâm lắm. Ai cũng khen Hà chăm ngoan, nhất là các cô bác trong khu tập thể Bệnh viện 108 đều quý mến Hà. Ai có việc gì cần là cậu ta xắn tay áo giúp liền, đặc biệt là rất chăm học và học giỏi".  Và, đến lúc Hà học lớp 9, lớp 10 thì bố đưa về quê để có thời gian chăm bà nội ốm nặng thay bố.

Tốt nghiệp phổ thông trung học, Hà thi đỗ Đại học An ninh (nay là Học viện An ninh nhân dân). Sau khi tốt nghiệp Đại học An ninh khóa D10, Nguyễn Xuân Hà khoác ba lô vào nhận nhiệm vụ tại Tây Nguyên. Nhiều bạn bè bảo, gia đình ở Hà Nội sao lại tình nguyện vào Tây Nguyên, Hà chỉ cười. Còn người cha thương con cháy dạ, nhưng 6 tháng sau từ Tây Nguyên trở về Hà Nội thăm nhà thì Hà tăng được 6kg. Nhìn thấy con trưởng thành mà ông Hoan mừng đến chảy cả nước mắt. Hà kể cho bố mẹ nghe về những ngày đầu vào Tây Nguyên công tác. Muốn tiếp xúc gần gũi với bà con dân tộc Tây Nguyên phải biết tiếng dân tộc, phải biết sở thích của bà con. Hằng ngày anh đi xuống buôn làng cùng ăn, cùng ở, cùng làm và vui chơi như chính người con của buôn làng.

Những năm 80 thế kỷ trước, kẻ xấu ẩn náu ở Tây Nguyên rất nhiều, những chiến sĩ an ninh như Nguyễn Xuân Hà xuống buôn làng luôn phải đối mặt với nguy hiểm. Lần đầu tiên xuống buôn anh phải mang theo từ súng AK tới võng, chăn màn, đêm ngủ trên võng mà không tài nào chợp mắt vì lo kẻ xấu mò về. Chỉ sau 2 năm lăn lộn ở mảnh đất này, anh đã được đồng bào Tây Nguyên yêu quý như con, cháu trong gia đình. Những địa danh như Hra, A Yun, Kon Dơng, Mang Yang… đã in đậm dấu chân anh. Chàng trai Hà thành đã gắn chặt đời mình với mảnh đất Tây Nguyên từ đó và trở thành đảng viên cộng sản. Anh đã được già làng yêu quý và nhận làm con nuôi, có việc gì cần là đều gọi Nguyễn Xuân Hà tới…

2. Nói về chuyện riêng tư của cậu con trai, ông Nguyễn Như Hoan giọng như trầm xuống. Ông kể, vào đó rồi được đồng bào Tây Nguyên yêu quý vô cùng, Hà đã được một người có uy tín ở đây gọi gả con gái cho anh nhưng anh không dám. Vì trước khi rời giảng đường đại học vào mảnh đất này, anh đã có một người bạn gái ở Hà thành. Ngờ đâu, tình cảm giữa họ cứ mờ dần bởi sự xa cách. Nhưng biết làm sao được, người chiến sĩ An ninh phải sống và cống hiến vì sự bình yên cuộc sống, sự an bình của đồng bào Tây Nguyên. Nguyễn Xuân Hà đã thề trước Đảng kỳ như vậy.

Người yêu đi lấy chồng, để quên đi nỗi buồn ấy, Nguyễn Xuân Hà lao vào công việc, được chọn là đại biểu xuất sắc đi dự Festival thanh niên quốc tế ở Liên Xô, trở về học tiếp Đại học Xã hội và Nhân văn ở Hà Nội và lại trở vào với Tây Nguyên sau đó. Tiếp tục lập công xuất sắc, truy bắt nhiều đầu sỏ FULRO không tốn một viên đạn, với phương pháp thuyết phục giáo dục là chính, người cán bộ An ninh giỏi như Nguyễn Xuân Hà đã quy phục được nhiều đối tượng đầu sỏ FULRO trở về với gia đình, buôn làng Tây Nguyên.

Chiến công liên tiếp, tình yêu cũng đến tự bao giờ. Anh đã được một cô gái Tây Nguyên thầm yêu trộm nhớ và săn sóc ân cần khi những cơn sốt rét rừng cứ triền miên kéo dài. Họ đã nên vợ nên chồng trong niềm vui hân hoan của bản làng Tây Nguyên hùng vĩ.

Qua những câu chuyện kể của con trai những lúc về Hà Nội thăm nhà, ông Hoan biết rằng, Nguyễn Xuân Hà là người xông xáo,  rất gần gũi với nhân dân và có sức cảm hóa tuyệt vời. Anh đã tới từng nhà gặp những người vợ có chồng hoạt động FULRO để thuyết phục họ cách gọi chồng về. Có người vợ đã đề nghị anh viết thư để họ mang vào rừng cho chồng hiểu, đừng ngoan cố chống lại chính quyền… Đó là kinh nghiệm quý của một cán bộ An ninh từng lăn lộn với địa bàn Tây Nguyên, rất mềm dẻo, kiên quyết và tình người. Phương châm ấy đã được triển khai rộng rãi ở địa bàn Tây Nguyên, thu được kết quả tốt đẹp.

Có lần ông Hoan vào Tây Nguyên thăm con cháu, ngày nghỉ Nguyễn Xuân Hà đưa gia đình đi chơi, nhận được thông tin anh quên cả việc đang ở cạnh gia đình để họ ngồi ở quán ăn và vào rừng gặp đầu sỏ FULRO thương thuyết…

Khi địa bàn Tây Nguyên trở về bình yên, người dân được sống trong yên vui no ấm, cũng là thời điểm anh được đề bạt giữ chức Phó cục trưởng Cục An ninh Tây Nguyên, Nhà nước đã phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho Đại tá Nguyễn Xuân Hà…

Ông Hoan mỉm cười khi nói về chuyện làm nhà của con trai. Vào Tây Nguyên đã gần 30 năm, cả gia đình sống trong gian nhà tập thể của đơn vị, mãi tới bây giờ Đại tá Nguyễn Xuân Hà mới mua được một căn nhà nhỏ ở Gia Lai cho gia đình mình. Bù lại, anh có 2 đứa con ngoan ngoãn và học giỏi, người vợ hiền đảm đang gánh vác công việc gia đình để chồng yên tâm công tác…

Bây giờ tóc anh đã bạc gần hết, nước da đen bóng, ít ai còn nghĩ rằng đó là chàng trai Hà Nội năm xưa. Mảnh đất Tây Nguyên đã gắn chặt với cuộc đời và sự nghiệp đầy gian khổ mà vô cùng vinh quang của người Anh hùng trong lực lượng Công an nhân dân

Kim Qúy
.
.