Chuyện những thầy thuốc ở Trại giam số 3

Thứ Năm, 25/02/2010, 11:14
Vào thăm con bị ốm, có những ông bố, bà mẹ khi tận mắt nhìn thấy những thân hình lở loét bị tàn phá vì căn bệnh AIDS ở giai đoạn cuối thì sợ hãi, bỏ đi phó mặc hoàn toàn việc chăm sóc các can phạm cho các y, bác sỹ trong trại giam. Do vậy, các bác sĩ trong trại luôn phải đối mặt với những nguy hiểm, tai nạn nghề nghiệp luôn rình rập như khả năng bị phơi nhiễm HIV.

Tận mắt chứng kiến ngày làm việc thường nhật của các bác sỹ, chiến sỹ Trại giam số 3, tôi thầm cảm phục những hy sinh thầm lặng mà những bác sỹ không mặc áo blouse trắng đang âm thầm cống hiến. Phải có tình yêu nghề, một sự cảm thông sâu sắc với những mảnh đời lầm lỗi, mới giúp họ có đủ nghị lực để vượt qua những nhọc nhằn thường ngày. 

Tình người sưởi ấm những mảnh đời lầm lỗi

Phòng làm việc đồng thời cũng là nơi sinh hoạt thường nhật của Trung tá Phạm Quốc Khánh, Bệnh xá trưởng, Trại giam số 3 là căn phòng cấp 4 nằm ở đầu dãy nhà, rộng chừng hơn chục mét vuông đã xuống cấp, với những mảng tường loang lổ.  27 năm gắn bó với Trại giam số 3, sự vất vả, bộn bề và tính chất bất ngờ, đột xuất của công việc, những giờ phút được quây quần cùng gia đình thật vô cùng hiếm hoi.

Chăm sóc sức khỏe phạm nhân ở Trại số 3.

Trung tá Khánh tâm sự: "Bệnh nhân" của anh là những phạm nhân bị cách ly khỏi xã hội có người mang căn bệnh HIV/AIDS. Họ có hàng nghìn cách đối phó với các bác sỹ như giả vờ ốm để không phải đi lao động, chọc tăm vào chân răng để nhổ ra máu, có trường hợp còn dùng dầu ăn tiêm vào cơ tay và chân sưng tấy...

Cái khó của các y, bác sỹ là phải điều trị bệnh cho phạm nhân, giúp họ biết cách phòng, chống bệnh nhưng cũng không để các phạm nhân khác có ánh mắt kỳ thị với người bệnh. Đối mặt với họ là những nguy hiểm thường nhật như bệnh nhân lở loét, mang trong mình vi trùng lao và HIV hoặc điều trị nhiễm trùng cơ hội như lao, sốt, suy kiệt. Trong khi đó, trang thiết bị của các y, bác sỹ ở bệnh xá chỉ có đôi găng tay và chiếc khẩu trang sơ sài.

Những trường hợp khẩn cấp, họ chỉ nghĩ đến chuyện cấp cứu cho bệnh nhân kịp thời. Song không phải lúc nào, các y, bác sỹ cũng nhận được sự "hợp tác" của các phạm nhân. Có trường hợp, bác sỹ vừa băng bó thì bệnh nhân lại tìm cách móc vào tay cho chảy máu ra.

"Làm y tế trong trại giam khác hoàn toàn môi trường bên ngoài. Chúng tôi vừa là bác sỹ, y tá, đồng thời cũng là một cán bộ trại giam, cùng lúc phải đảm nhiệm hai nhiệm vụ là chăm sóc sức khỏe cho các can phạm, đồng thời giáo dục, cảm hóa họ". Đó là những tâm sự  của Thiếu úy Đào Thiện Quyết, một cán bộ y tế của Trại giam số 3.

Một tuần với 3 ngày trực triền miên và những ca cấp cứu xảy ra bất thường, nên có khi vài tháng Quyết mới có dịp trở về thăm gia đình... Quyết tâm sự với chúng tôi: Làm công việc này, em và đồng đội luôn phải đối mặt với những nguy hiểm, tai nạn nghề nghiệp luôn rình rập như khả năng bị phơi nhiễm HIV. Đặc biệt là vào những đêm tối, khi một mình ứng trực trong trại, hoặc khi có một mình trong những chuyến đưa bệnh nhân đến cấp cứu tại bệnh viện tuyến trên...

Chỉ có cái tâm mới giữ được mình với nghề

Trung tá Phạm Quốc Khánh nói với chúng tôi bằng giọng trầm, buồn: Có những ông bố, bà mẹ khi nhận được tin con mình bị ốm nặng thì khăn gói vào thăm, song khi tận mắt nhìn thấy những thân hình lở loét bị tàn phá vì căn bệnh AIDS ở giai đoạn cuối thì sợ hãi, bỏ đi phó mặc hoàn toàn việc chăm sóc các can phạm cho các y, bác sỹ trong trại giam.

Trại giam số 3 có 10 cán bộ làm công tác y tế, nhưng chỉ có 3 bác sỹ chuyên môn với từ 20 đến 25 giường bệnh lúc nào cũng thường trực những nguy hiểm. 50% cán bộ lúc nào cũng trong những ứng trực với những ca cấp cứu triền miên. Chăm sóc và điều trị những bệnh nhân đặc biệt này đã vất vả, nhưng cái khó nhất của các y, bác sỹ trong trại là có lẽ chính là những trường hợp phạm nhân không hợp tác, tìm cách tự gây thương tích cho mình, thậm chí chống đối, không cho các y, bác sỹ điều trị.

Vào những dịp lễ, Tết, khi trại tổ chức cho một số cán bộ ở bệnh xá về thăm gia đình thì công việc thường ngày càng căng thẳng hơn nhiều. Thiếu úy Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, cán bộ y tế tại Trại giam số 3 đã hy sinh cả niềm hạnh phúc của mình. Hạnh đã phải gửi cô con gái nhỏ nhờ bố mẹ chồng nuôi dưỡng.

Những ngày đầu Hạnh nhận nhiệm vụ là kỹ thuật viên xét nghiệm lao, nhiều người cũng tỏ ý e dè, vì công việc đó phải thường xuyên tiếp xúc với những căn bệnh có khả năng lây nhiễm cao. Có lúc vừa bưng bát cơm thì nghe kẻng là vội vã lao vào trại, làm thủ tục cho các phạm nhân nhập viện, khi trở ra về thì đã gần sáng...

Tâm sự với chúng tôi, các y, bác sỹ đều có nguyện vọng là được có thời gian học tập, để củng cố thêm về chuyên môn. Chúng tôi rời Trại giam số 3 khi khu trại đã chìm trong bóng tối tĩnh mịch. Lúc này, trong tôi chợt bừng lên câu hát "Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết dành phần ai"

Xuân Mai - Hương Sen
.
.