Chuyện những Cảnh sát dẫn đoàn nguyên thủ quốc gia

Thứ Hai, 23/06/2014, 19:12
Bắt đầu ngày dậy từ lúc 5h sáng để kịp giờ lên đơn vị, chuẩn bị công việc dẫn đoàn cho các nguyên thủ quốc gia trong và ngoài nước tham gia các sự kiện quan trọng. Có khi, những chuyến dẫn đoàn vài ngày mới kết thúc và phải dẫn đoàn từ Hà Nội đi các tỉnh xa. Trên đường đi, bao nhiêu tình huống có thể xảy ra nhưng các chiến sĩ dẫn đoàn luôn tự tin, ứng phó kịp thời với các tình huống bởi họ đã được tập dượt các phương án kỹ lưỡng. Họ chính là cán bộ, chiến sỹ Đội Tuần tra dẫn đoàn, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt, Công an TP Hà Nội.

Một ngày theo chân lực lượng tuần tra dẫn đoàn (TTDĐ) để biết rằng công việc của họ không nhàn hạ, thảnh thơi như nhiều người vẫn nghĩ, chúng tôi còn vỡ lẽ thêm nhiều thứ khi trực tiếp đến làm việc với đơn vị. Mỗi cán bộ, chiến sỹ phải làm nhiều phần việc khác nhau trong một ngày, bị động về thời gian và phụ thuộc hoàn toàn vào kế hoạch dẫn; luôn túc trực ở đơn vị để đảm bảo công tác đột xuất… là những đặc thù của Đội TTDĐ, không giống với bất kỳ lực lượng nào ở Phòng CSGT đường bộ - đường sắt, Công an TP Hà Nội. Ngoài công tác trọng tâm là dẫn, đón, bảo vệ, xếp xe phục vụ các kỳ họp, hội nghị lớn, các đoàn khách quốc tế, các đoàn đại biểu, lực lượng TTDĐ còn phối hợp lực lượng 141 và lực lượng giao thông công chính kiểm tra cân tải, xử lý mũ bảo hiểm, xử lý vi phạm nồng độ cồn…

Nhìn lịch trên bảng làm việc đặc kín, từ ngày 10/6 đến cuối tháng, Đội TTDĐ nhận được kế hoạch đón 6 đoàn nguyên thủ, gồm: Thủ tướng Italia, Thủ tướng Cô-oét, Thủ tướng Hà Lan, Tổng thống Công-gô. Song song với đó là công tác đón dẫn, bảo vệ các đoàn đại biểu tham gia kỳ họp Quốc hội đến ngày 24/6. Công việc nhiều, chồng chéo nhưng các cán bộ, chiến sỹ vẫn đảm nhiệm tốt công việc, đảm bảo an toàn, đúng thời gian, đúng kế hoạch, không xảy ra bất kỳ sự cố nào.

Cán bộ, chiến sỹ Đội Tuần tra dẫn đoàn đón dẫn các đoàn đại biểu Quốc hội đến hội trường.

Cán bộ, chiến sỹ nữ trong thời gian dẫn đoàn nguyên thủ đi từ sáng sớm đến 21-22h là chuyện bình thường. Thượng úy Đặng Thị Huyền Trang còn nhớ, lần chị đi đón đoàn Hàn Quốc, do thời gian hạ cánh là rạng sáng nên 23h, cán bộ, chiến sỹ của Đội đã bắt đầu ra sân bay Nội Bài đón Đoàn. Và quá trình Đoàn hoạt động từ sáng sớm ngày hôm sau tới khuya, các cán bộ, chiến sỹ đều phải bám theo mọi hoạt động của Đoàn…

Ngoài nhiệm vụ cụ thể, cán bộ, chiến sỹ của Đội phải thường trực ở đơn vị để đảm bảo công tác đột xuất. Lịch hoạt động của đoàn thường xuyên thay đổi, phương án của đoàn bị động nên các cán bộ, chiến sỹ Đội TTDĐ cũng phải túc trực và xử lý linh hoạt với mọi tình huống. Có lần lịch trình của đoàn nguyên thủ thay đổi, dẫn đến phải thay đổi phương án dẫn đoàn nhưng cán bộ, chiến sỹ vẫn phải tính toán để phù hợp thời gian, sao cho các nguyên thủ và Thủ tướng gặp nhau không bị lệch giờ, mất thời gian chờ đợi… Có nhiều lúc phương án dẫn thay đổi liên tục, đòi hỏi cán bộ, chiến sỹ phải nắm vững quy định, quy trình, thủ tục công tác. Ví dụ như nhiều lần đón đoàn nguyên thủ, khi cán bộ, chiến sỹ đang dẫn bằng môtô mà trời mưa bất chợt thì các cán bộ, chiến sỹ không được phép dừng lại mặc áo mưa, mà vẫn phải dẫn, đảm bảo đội hình, đảm bảo đúng tiến độ và đảm bảo an toàn cho đoàn xe của các nguyên thủ.

Không phải cứ dẫn đoàn là ngồi ôtô, đi môtô, lực lượng TTDĐ luôn sẵn sàng chuẩn bị, tùy cơ ứng biến với nhiều phương án khác nhau. Năm 2006, Hội nghị APEC lần thứ 14 diễn ra tại Hà Nội, Thủ tướng Australia tham dự và quá trình đoàn dẫn đi qua hồ Hoàn Kiếm thì ngài có ý muốn đi bộ dạo một vòng bờ hồ. Trước tình huống bất ngờ này, Đội không dùng ôtô, môtô nữa, mà cắt cử các cán bộ đi bộ dẫn trước, đảm bảo an toàn cho Thủ tướng. Theo yêu cầu cấp trên, có nhiều tổ công tác dẫn đoàn đi ngoại tỉnh 2-3 ngày là chuyện bình thường. Năm 2005 có hội nghị diễn ra ở tỉnh Quảng Ninh, mỗi ngày cán bộ, chiến sỹ của Đội phải đi 3 chuyến Hà Nội – Quảng Ninh để đón dẫn, đưa các đoàn từ sân bay đến Quảng Ninh dự hội nghị đảm bảo an toàn. Còn khoảng cách dẫn đoàn xa nhất mà Đội TTDĐ từng đảm nhiệm là tuyến đường Hà Nội – Hà Tĩnh, Nghệ An - Móng Cái.

Công tác dẫn đoàn ảnh hưởng đến sinh hoạt cá nhân của cán bộ, chiến sỹ, nhiều hôm 3h chiều mới họ được ăn trưa, hay 9-10h đêm mới được ăn tối, thậm chí nhiều hôm không được ăn cơm mà phải ăn bánh mì hoặc xôi ở trên xe để đảm bảo yêu cầu công tác đột xuất. “Chưa bao giờ về đến nhà trước 9h tối, vì chiều xong hết mọi việc thì mình vẫn phải trực ở cơ quan chờ các công văn về phương án công tác dẫn đoàn, bảo vệ đoàn của ngày hôm sau”, Thiếu tá Nguyễn Văn Hải, Đội trưởng Đội TTDĐ cho biết. Thời gian không có đoàn thì cán bộ, chiến sỹ của Đội tranh thủ bảo dưỡng, sửa chữa, kiểm tra phương tiện để đảm bảo yêu cầu, quy định của cấp trên.

Do không đủ quân số nên có nhiều hôm, mỗi cán bộ, chiến sỹ của Đội phải làm 3-4 phần việc mỗi ngày. “Cá biệt, năm 2011 ở Hà Nội diễn ra hội nghị, một ngày chúng tôi làm 7 việc, một lúc dẫn rất nhiều đoàn, đưa đoàn này đi, đón đoàn này về, có đoàn không trong kế hoạch nhưng đột xuất phải dẫn, rồi làm công tác 141…”. Trung tá Lê Tú, Đội phó Đội TTDĐ cho biết. Ở người cán bộ gắn bó lâu năm với công tác TTDĐ này cũng có rất nhiều kỷ niệm đáng nhớ với nghề. Đó là năm 2008, Hà Nội sáp nhập Hà Tây cũ, sau khi Quốc hội họp xong, anh cùng các đồng nghiệp dẫn đoàn đại biểu Quốc hội lên Yên Bái, trong đó có đồng chí Thượng tá Trịnh Văn Sỹ, Phó trưởng Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội. 14h đến Việt Trì thì trời bắt đầu mưa như trút nước. Thời đó, phương tiện xe dẫn đoàn không được như bây giờ, đồng chí Phó trưởng Phòng ngồi trong xe mà vẫn phải mặc áo mưa. Đường xá cũng không thuận lợi như hiện tại, có nhiều đoạn mưa to trắng xóa, trời tối, sương mù, đường xấu khó đi, đồng chí Sỹ phải chạy xuống đường dùng đèn pin để xi-nhan, dò đường, xem các ổ trâu này, ổ voi kia xe có đi qua được không… Quãng đường chỉ 5-7km thôi nhưng rất khó đi, cộng với trời mưa và đêm tối, quanh co, đèo dốc, một bên là vực sâu nên xe đi chậm, mất nhiều thời gian. Sau khi đến TP Yên Bái thì đồng hồ đã điểm 23h30’...

Quỳnh Vinh - Anh Hiếu
.
.