Chuyện nghề của nữ quản giáo người Dao tiêu biểu
- Nữ quản giáo ở khu biệt giam
- Chuyện về những nữ quản giáo ở Trại giam Tân Lập1
- Nữ quản giáo cảm hóa phạm nhân bằng lòng nhân ái
Ra trường với tấm bằng loại giỏi, được thăng cấp trước niên hạn, không như các cô gái khác, Bàn Thị Huệ tình nguyện về Trại tạm giam Công an tỉnh công tác.
Lúc đầu, gia đình hết sức lo lắng, can ngăn Huệ nên chọn công việc khác, bởi Huệ có dáng người mảnh dẻ, yếu đuối, hơn nữa công việc lại vất vả, cực nhọc. Tuy nhiên, sau khi nghe con chia sẻ rằng muốn được góp sức mình cải tạo những người lầm lỗi trở thành người có ích cho xã hội, thì gia đình ủng hộ, động viên để Huệ theo con đường đã chọn.
Theo Thiếu úy Huệ, điều khó nhất mà mỗi cán bộ quản giáo cần làm là làm sao “chạm” được vào góc tâm hồn mà họ đang cố giấu, có như vậy mới là thành công. Đối với tử tù thì họ sám hối, ăn năn trước khi đền tội.
Thiếu úy Bàn Thị Huệ trò chuyện với phạm nhân. |
“Dù bị kết án tử họ vẫn từng là người lương thiện, có cha, có mẹ, có trái tim biết rung động. Vì vậy, chúng tôi vẫn dành sự trân trọng, đối xử với họ như người bình thường để họ sống những ngày còn lại trong thanh thản".
Trong số tử tù chị trực tiếp trông coi có Nguyễn Thị Lợi ở huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên, để lại cho chị ấn tượng sâu sắc. Nữ tử tù ấy phạm tội vận chuyển trái phép 20 bánh heroin.
Nắm được hoàn cảnh của tử tù, Thiếu úy Bàn Thị Huệ thường xuyên có mặt để động viên, giúp Lợi ổn định tinh thần, tránh hoang mang dẫn đến tiêu cực, ảnh hưởng tới sức khỏe. Trước đây, do đi lao động tại các bãi vàng nên Lợi bị nhiễm độc, tóc rụng dần. Tuổi ngày càng cao, sức khỏe suy yếu, lại trong hoàn cảnh éo le này nên Lợi suy sụp rất nhiều.
Nhờ sự gần gũi của quản giáo mà Lợi dần ổn định, chấp hành quy định của trại. Những lúc Lợi đau yếu, các y, bác sỹ đều có mặt thăm khám, cấp thuốc giúp thị ổn định tinh thần. Sau lần đó, Lợi thường chia sẻ niềm vui, nỗi buồn, có khi cả những câu chuyện xưa kia mà ít khi Lợi nhắc đến. Mỗi lần như vậy, Lợi cảm thấy thoải mái, mãn nguyện hơn.
Đêm trước khi “trả án”, Lợi đã dành thời gian cuối cùng để cảm ơn tới Huệ, người quản giáo trẻ mà thị hết mực kính trọng, yêu thương. Những cái nấc nghẹn, dù cố nén lại nhưng giọt nước mắt cứ chực trào trong khoé mắt Lợi khi thấy quản giáo Huệ nắm chặt tay mình…
Với phạm nhân Đinh Thị Phương, 46 tuổi, ở Lộc Hòa, TP Nam Định, tỉnh Nam Định, lại là câu chuyện hoàn toàn khác. Phương bị bắt khi tham gia vận chuyển 22 bánh heroin đi tiêu thụ. Bản án tử hình đã khiến chị sụp đổ hoàn toàn.
Không chỉ một lần, Đinh Thị Phương đề xuất được viết thư gửi các cấp có thẩm quyền “xin chết”, bởi càng sống ngày nào, phải chịu sự giày vò đeo đẳng, bám riết tâm can ngày đó. Nữ quản giáo luôn bên cạnh giúp đỡ Phương vượt qua giai đoạn khó khăn nhất, chăm sóc cho Phương những lúc thị bị đau ốm. Tình cảm nữ quản giáo đã giúp Phương có thêm động lực để sống tốt hơn.
Đúng dịp Tết Nguyên đán Bính Thân năm 2016, Đinh Thị Phương bất ngờ đón nhận tin vui từ cán bộ quản giáo. Chủ tịch nước đã quyết định ân xá giảm án tù chung thân cho Phương. Phương nắm chặt tay Thiếu uý Huệ, khuôn mặt rạng ngời hạnh phúc, giọt nước mắt trào dâng. Phạm nhân này hứa sẽ cải tạo thật tốt để trở về với cuộc sống, với những người thân yêu.
Thượng tá Ngô Nguyên Ngọc, Giám thị Trại tạm giam Công an tỉnh Hòa Bình nhận xét: “Thiếu úy Bàn Thị Huệ trực tiếp quản lý, giáo dục trên 20 phạm nhân, trong đó có 5 nữ phạm nhân. Mặc dù nhiệm vụ khó khăn, vất vả song Huệ rất nỗ lực, cố gắng để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Chúng tôi chưa hề thấy Huệ than vãn về công việc hoặc đề đạt nguyện vọng chuyển đơn vị khác để được an nhàn. Trong công việc, Huệ không nề hà bất kỳ việc gì, không so sánh thiệt hơn với các đồng nghiệp nam. Thiếu uý Bàn Thị Huệ liên tục được công nhận là Chiến sỹ thi đua cơ sở.
Năm 2018, chị được Chủ tịch UBND tỉnh Hoà Bình tặng bằng khen trong phong trào “CAND học tập, thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy”, là nữ cán bộ tiêu biểu của Công an tỉnh Hoà Bình”.