Chuyện nghề của những người chiến sỹ huấn luyện cảnh khuyển

Thứ Hai, 19/03/2012, 23:24
Dọn vệ sinh chuồng trại, tắm rửa, chải lông, đưa những chú chó nghiệp vụ đi khám bệnh, rồi kiên trì, sáng tạo trong việc huấn luyện… đó là những công việc hằng ngày của các chiến sỹ tại Cục Quản lý, huấn luyện và sử dụng chó nghiệp vụ (C69) thuộc Tổng cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội - Bộ Công an.

Gắn bó với công việc bằng lòng đam mê, tâm huyết, các cán bộ, chiến sỹ tại Cục đã cho “ra lò” không biết bao nhiêu chú cảnh khuyển tinh nhuệ để phục vụ cho công tác bảo vệ, phòng ngừa và trấn áp tội phạm.

Ngày còn nhỏ hay theo bố đến đơn vị nên mơ ước của Trần Ngọc Hiếu là được trở thành một chiến sỹ Công an huấn luyện chó nghiệp vụ. Sau khi tốt nghiệp Trường Trung học Cảnh sát vũ trang, năm 2008, Thiếu úy Hiếu về nhận công tác tại Cục C69. “Cứ nghĩ tới làm Công an là nhiều người hình dung phải trực tiếp chiến đấu chống tội phạm, bởi vậy, đã có lúc, bạn bè thường trêu và nói họ cảm thấy ái ngại khi tôi phải nhận công tác tại Cục C69, suốt ngày chỉ quanh quẩn bên con vật nuôi là chó, thế nhưng với tôi, công việc đó thực sự là một đam mê ngay từ nhỏ. Có say nghề này mới hiểu nỗi gian truân, vất vả khi huấn luyện một con chó và đón nhận từng chiến công của chú chó mình tham gia trong các mặt trận công tác…”, Thiếu úy Hiếu chia sẻ.

Nhiệm vụ chính của Thiếu úy Trần Ngọc Hiếu là huấn luyện những chú chó tinh khôn giám biệt nguồn hơi. Thế nhưng, để giúp chú chó tốt nghiệp khóa huấn luyện 6 tháng và tham gia các chuyên án thì việc đầu tiên của Thiếu úy Hiếu là làm quen, thân thiện và hiểu tính khí của các chú cảnh khuyển. Đều đặn hằng ngày, Thiếu úy Hiếu vệ sinh chuồng, cho ăn, tắm rửa, chải lông, dẫn đi chơi… chú chó mà anh huấn luyện. Mỗi con chó lại có xuất xứ khác nhau nên việc chăm sóc, huấn luyện cũng khác nhau.

Trước khi huấn luyện chú chó Jonh bây giờ, Thiếu úy Hiếu đã từng huấn luyện 2 chú chó là Back và Ly. “Back là con chó nhập từ Đức về. Vì vậy mà khi về Việt Nam, Back đã bị “stress” khí hậu dẫn đến bị ốm và viêm phổi truyền nhiễm. Còn Ly lại là con chó nội địa, mới trưởng thành nên rất nghịch ngợm. Có những lúc vừa đến cổng chuồng thì nó đã chạy ra nhảy chồm lên người mình với đầy chất bẩn trên người. Mặc dù rất bực mình nhưng mình lại không thể quát mắng hay đánh Ly được mà lại thể hiện sự thân thiết, gần gũi với nó”.

Thân thiết, hiểu tính khí của những chú cảnh khuyển, Thiếu úy Hiếu còn đảm nhận vai trò của một bác sỹ thú y tận tụy chăm sóc khi các chú cảnh khuyển ốm. “Chỉ cần nhìn phân của chúng là tôi cũng có thể hiểu được chúng đang bị bệnh gì…”, Thiếu úy Hiếu cho biết. Điều đáng ngại nhất khi chăm sóc, huấn luyện chó không phải những chú chó này không nghe lời mà chính là dịch bệnh. Nhiều chú chó đang được nuôi dạy, huấn luyện ở trung tâm được nhập từ nước ngoài, chưa thích nghi được thời tiết nên dễ mắc phải bệnh viêm phổi truyền nhiễm, bệnh care (bệnh về gan)… “Những lúc đưa chó đi khám bệnh, tôi phải ở cạnh bên như người thân để giúp bác sỹ lấy ven, truyền nước, cho uống thuốc… Có những chú chó phải theo phác đồ điều trị hàng tuần thậm chí hàng tháng cũng không qua khỏi do bị “stress” khí hậu”.

Tại đơn vị, chúng tôi còn có dịp trò chuyện với Thượng sỹ Từ Hùng, cán bộ Phòng Kiểm tra địa phương. Anh đảm nhận công việc huấn luyện chó bảo vệ truy vết. Thượng sỹ Hùng kể: “Sau khi tốt nghiệp Trung học Cảnh sát nhân dân, được sự điều động của lãnh đạo, mình đã vui vẻ về nhận công tác tại Cục”. Sau khi học xong khóa huấn luyện 6 tháng về việc chăm sóc, nuôi dưỡng, huấn luyện chó nghiệp vụ, Thượng sỹ Hùng đã dần làm quen, yêu quý công việc của mình. Qua tiếp xúc, người huấn luyện phải nắm được chú chó thuộc loại thần kinh nào để từ đó có phương pháp thích hợp.

Một điều mà các huấn luyện viên phải luôn ghi nhớ đó là dù bực mình thế nào cũng không được đánh chó. Bởi lẽ, nếu đánh chúng sẽ khiến chúng sợ mình. Nếu muốn xử phạt, chỉ có thể giật dây cương ở cổ con chó khiến chúng cảm thấy đau. Khi chiếc dây cương ở cổ con chó được tháo ra cũng là lúc chúng đã hoàn thành xong được khóa huấn luyện. Niềm đam mê lớn nhất của người Thượng sỹ trẻ ấy chính là chăm sóc, huấn luyện những chú cảnh khuyển. Khi những chúng hoàn thành khóa huấn luyện đạt điểm số cao cũng là lúc mà Thượng sỹ Từ Hùng cảm thấy vui nhất.

Qua tìm hiểu, riêng năm 2011, các đơn vị, địa phương đã sử dụng chó nghiệp vụ tuần tra kiểm soát 22.686 lượt trên các tuyến địa bàn trọng điểm, tăng 511 lượt so với năm 2010, phối hợp kiểm tra bắt giữ 329 đối tượng… đồng thời đã sử dụng chó nghiệp vụ tham gia 52 vụ án trong đó có 22 vụ giám biệt mùi hơi, lùng sục phát hiện 19 vụ ma tuý, truy tìm dấu vết 9 vụ, phối hợp thực nghiệm điều tra 2 vụ án giết người. Điển hình như vụ Phòng CSĐT tội phạm về ma túy, Công an TP Hải Phòng đã bắt giữ 4 đối tượng có hành vi tổ chức, sử dụng trái phép chất ma túy và tàng trữ vũ khí quân dụng trái phép tại khách sạn Tây Đô, quận Lê Chân, Hải Phòng. Cơ quan điều tra đã thu tại hiện trường 1 khẩu súng ngắn, 1 viên đạn, 1 hộp đạn.

Cục C69 - một binh chủng đã có mấy chục năm bề dày kinh nghiệm nuôi dạy, huấn luyện và sử dụng chó nghiệp vụ đang ngày đêm thầm lặng góp chiến công trong công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm

A.Hiếu-N.Hương
.
.