Tiểu đoàn Cảnh sát bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt được tặng Huân chương Chiến công hạng ba:

Chuyện áp tải những chuyến hàng đặc biệt

Thứ Tư, 06/05/2015, 09:36
Đã thực hiện nhiệm vụ phải an toàn tuyệt đối, đi đến nơi về đến chốn, dẫu khó khăn gian khổ cũng không bao giờ chùn bước. Đó chính là nhiệm vụ của cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn Cảnh sát bảo vệ (CSBV) vận chuyển hàng đặc biệt.

1.  “Đi không khói, nói không tiếng”, đã vào cuộc ắt phải thành công” - Trung tá Nguyễn Vọng Câu, Phó Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn CSBV vận chuyển hàng đặc biệt nhấn mạnh nhiệm vụ đặc biệt của đơn vị này. 

Vừa rót nước mời khách, đồng chí Tiểu đoàn phó vừa hồ hởi kể về những kỷ niệm không thể nào quên trong cuộc đời, những chuyến bảo vệ, áp tải an toàn những chuyến hàng đặc biệt của Chính phủ tới mọi miền của đất nước. Quê anh ở Hải Dương, rất mê Công an nên tình nguyện được vào lực lượng Cảnh sát bảo vệ. Với dáng người “chuẩn” nên anh đã được lựa chọn vào đội quân duyệt binh năm 1985, mặc dù lúc đó chưa tròn 1 tuổi quân. 

Sau cuộc rèn luyện gian khổ ấy, người lính trẻ đã trưởng thành rất nhiều, dù khó khăn gian khổ mà vẫn…vui. Vì thế, khi được điều về đơn vị chuyên áp tải, vận chuyển hàng đặc biệt thì anh lính Nguyễn Vọng Câu thỏa nỗi khát khao. Vì nhiệm vụ này sẽ đưa anh đến nhiều vùng đất nước, được trải nhiệm những gian khổ, chịu áp lực rất cao trong công việc. “Năm nay anh 50 tuổi, anh còn nhớ đã áp tải bao nhiêu chuyến hàng đặc biệt rồi?”, tôi hỏi. Anh Câu bảo, không thể nhớ nổi bao nhiêu chuyến.

Với anh, mỗi chuyến đi là một trải nghiệm đáng nhớ trong đời. “Có lẽ đáng nhớ nhất là chuyến áp tải hàng đặc biệt đi tàu hỏa vào TP HCM, khi tôi là Trung đội trưởng”, anh Câu bộc bạch. Đó là 9 ngày liền anh cùng đồng đội “bám riết” trên con tàu chở hàng đặc biệt từ Hà Nội vào TP HCM, cùng ăn, cùng bảo vệ và cùng… thức với con tàu. Thời tiết nóng như đổ lửa mà không có nước tắm, người cứ dính như… keo. 9 ngày đêm liền không hề chợp mắt, cứ miệt mài những bước chân và thức với con tàu đang chuyển bánh. Khi ăn cũng phải lắng tai nghe, mắt quan sát mọi di biến động trên con tàu. Nghĩa là phải canh gác 24/24h căng thẳng và lo lắng biết chừng nào… Cho đến bây giờ, anh đã quen với nỗi vất vả, gian nan đó.

Nói về việc chuẩn bị cho mỗi chuyến đi áp tải, bảo vệ hàng đặc biệt, Đại úy Nguyễn Văn Tuân, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn CSBV vận chuyển hàng đặc biệt không giấu sự lo lắng: “Trước mỗi chuyến đi, chúng tôi tổ chức 50 đồng chí tham gia chuyến công tác để quán triệt, chuyện nhỏ nhất là từ đôi dép cho tới vũ khí, khí tài liên quan tới nhiệm vụ”.

Đồng chí Tiểu đoàn trưởng cho biết, từ khi nhận kế hoạch đến khi tuyển chọn cán bộ cho tới các phương án chiến đấu, các tuyến đường hàng hóa vận chuyển qua. Chuẩn bị chu đáo tới mức, đang nằm trên tàu cũng biết mình đang ở vị trí ga nào, an ninh trật tự ở địa bàn đi qua ra làm sao… Tóm lại, là phải chuẩn bị hết sức chu đáo để không bao giờ có thể xảy ra sơ suất, chỉ có thể là an toàn nên khâu chuẩn bị phải có sự tính toán rất kỹ lưỡng. Người chỉ huy hầu như không ngủ suốt hành trình, vì thế đòi hỏi phải có sức khỏe tốt, dẻo dai và tinh thần trách nhiệm cao…

Đại úy Tuân cùng quê Hải Dương với Trung tá Câu và cùng trưởng thành từ người lính, mọi khó khăn gian khổ trong nghề anh từng trải qua. Tôi được biết, hoàn cảnh kinh tế của gia đình Đại úy Tuân, Trung tá Câu và nhiều đồng chí khác ở Tiểu đoàn còn rất nhiều khó khăn.

Tập thể Ban chỉ huy Tiểu đoàn có 7 đồng chí thì hiện tại có đến 5 đồng chí phải đi thuê nhà để ở (chỉ 2 đồng chí có nhà riêng). “Cứ phải yên tâm công tác, hoàn thành nhiệm vụ Đảng, Nhà nước giao. Còn khi về hưu thì chúng tôi sẽ về quê để sống, không phải lo nhà ở Hà Nội”, Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Văn Tuân dí dỏm nói, đó cũng là cách tự an ủi mình.

Gánh nặng cơm áo cũng không làm các anh xao nhãng nhiệm vụ. Tính tình vốn điềm đạm, chín chắn, anh ít nói về những khó khăn của bản thân mình mà luôn lo lắng và chia sẻ những khó khăn với chiến sĩ, động viên họ trên mỗi chặng đường làm nhiệm vụ.

“Các đồng chí ở đơn vị phải thường xuyên đi công tác xa nhà, tuân theo quy trình nghiêm ngặt, điện thoại không được mang theo, không được liên lạc với gia đình. Có đồng chí hôm nay đi, ngày mai gia đình có chuyện xảy ra cũng không biết…”, Đại úy Tuân chia sẻ.

Thế nhưng, mọi cán bộ chiến sĩ ở đơn vị này đều quán triệt tinh thần, nhiệm vụ áp tải vận chuyển các chuyến hàng đặc biệt của Nhà nước là nhiệm vụ rất quan trọng. Cán bộ chiến sĩ vừa phải bốc xếp, tiếp nhận, vừa áp tải hàng theo đường bộ và đường sắt. Dẫu bão tố mưa giông, việc áp tải hàng phải theo đúng thời gian, lộ trình và đúng quy trình nghiêm ngặt, tuyệt đối an toàn. Có những cung đường vùng núi non hiểm trở, lầy lội… vẫn cứ đi đến nơi về đến chốn. Những chuyến hàng đặc biệt được bảo vệ từ trung tâm chỉ huy qua thiết bị định vị toàn cầu. Những camera theo dõi những chuyến xe, đoàn tàu hối hả trên những cung đường, hòa vào dòng người xe qua lại như bất kỳ một phương tiện trên đường…

 
Lực lượng Cảnh sát bảo vệ áp tải hàng đặc biệt kiểm tra an toàn hàng hóa.

2. Tiểu đoàn CSBV vận chuyển hàng đặc biệt tiền thân là Tiểu đoàn Cảnh sát vũ trang bảo vệ hàng đặc biệt, được thành lập ngày 6/5/2010, nay trực thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động. Ngoài nhiệm vụ bảo vệ, áp tải vận chuyển an toàn các chuyến hàng đặc biệt của Nhà nước còn có nhiệm vụ thực hiện các phương án, kế hoạch bảo vệ các mục tiêu cố định liên quan đến hàng đặc biệt. Đó là công việc thầm lặng, ngày nào cũng giống ngày nào, các chiến sĩ đến làm nhiệm vụ ở mục tiêu. 

Công việc cứ diễn ra như vậy, nếu không đam mê, yêu nghề sẽ cho rằng công việc đó rất nhàm chán. Ngày hè nóng nực cũng như đêm đông rét buốt, nhiệm vụ của người lính là phải đảm bảo an toàn mục tiêu. Được rèn luyện kỹ càng, mọi cán bộ, chiến sĩ đều tuân thủ nghiêm ngặt kỷ luật công tác. Nhiều chiến sĩ đã có gia đình riêng, khó khăn về nơi ăn chốn ở, phải thuê nhà xa đơn vị nhưng họ vẫn là những chiến sĩ thi đua cơ sở, là tấm gương cho đồng đội học tập.

Ngoài bảo vệ các mục tiêu liên quan đến hàng đặc biệt, Tiểu đoàn luôn xây dựng kế hoạch tổ chức lực lượng phối hợp với các đơn vị liên quan bảo vệ an toàn tuyệt đối các đại lễ kỷ niệm lớn của đất nước. Để đảm bảo an ninh trật tự trong mọi tình huống, phải có tính kỷ luật nghiêm, thích nghi với mọi địa hình, thời tiết… 

Chúng tôi đã chứng kiến những buổi luyện tập gian khổ với phương châm “thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu”. Tiểu đoàn đã tổ chức việc tập luyện, diễn tập các phương án xử lý tình huống nghiệp vụ của Cảnh sát bảo vệ. Tình huống “tập trung đông người, gây rối tại mục tiêu bảo vệ” và tình huống “cướp có vũ trang chuyến hàng Z vận chuyển trên phương tiện ôtô”.

Tiểu đoàn đã triển khai xây dựng phương án, kịch bản tình huống “chống cướp có vũ trang trên phương tiện ôtô chở hàng đặc biệt”, tổ chức lực lượng luyện tập, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng trong và ngoài ngành tham gia thực binh thành công phương án, để lại ấn tượng đẹp trong toàn lực lượng nói chung và cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn CSBV vận chuyển hàng đặc biệt nói riêng.

* Từ năm 2010 đến nay, Tiểu đoàn đã huy động 13.712 lượt cán bộ, chiến sĩ bảo vệ an toàn 5.187 chuyến hàng đặc biệt của Chính phủ bằng 36.841 tấn phương tiện ô tô, tàu hỏa đi Hà Nội-Bình Định-TP HCM và ngược lại. Đi nội, ngoại thành Hà Nội và các tỉnh đảm bảo an toàn. Đảm bảo tuyệt đối an toàn 10/10 mục tiêu, với 36,5 vọng gác, tăng cường hơn 6000 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia bảo vệ an toàn trên 400 hội nghị, đoàn khách trong và ngoài nước…

* Tập thể Tiểu đoàn CSBV và vận chuyển hàng đặc biệt đã 3 lần được Bộ Công an tặng Bằng khen. Hàng trăm lượt tập thể và cá nhân được Bộ Công an, Tổng cục Cảnh sát, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động…  tặng Bằng khen, giấy khen vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác xây dựng đơn vị, đấu tranh phòng chống tội phạm, giữ gìn trật tự an toàn xã hội. Nhân dịp kỷ niệm 5 năm ngày thành lập, Tiểu đoàn vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng “Huân chương Chiến công hạng ba”. 

K. Quý - N. Hằng
.
.