Thiếu tướng Trần Sơn Hà, Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông:

Chủ động phát hiện, xử lý các yếu tố mất an toàn giao thông

Thứ Tư, 29/04/2015, 12:02
Công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông (TTATGT) đang là vấn đề quan tâm đặc biệt của dư luận, nhất là trong thời gian vừa qua liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Ngày 3/4, vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công an đã có Chỉ thị về tăng cường công tác bảo đảm TTATGT của lực lượng CAND trong tình hình mới với 9 nội dung công tác trọng tâm. Để triển khai có hiệu quả Chỉ thị của Bộ trưởng, Thiếu tướng Trần Sơn Hà, Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (ảnh) trả lời Báo CAND về những giải pháp đảm bảo ATGT trong thời gian tới.

Phóng viên: Xin đồng chí cho biết, qua mấy tháng triển khai mô hình tổ chức mới, hợp nhất hai Cục: Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt và Cảnh sát đường thủy thành Cục Cảnh sát giao thông trực thuộc Bộ Công an đã đem lại hiệu quả gì trong thực tế công tác?

Thiếu tướng Trần Sơn Hà: Thực hiện Quyết định của Bộ trưởng Bộ Công an, từ ngày 1/1/2015 Cục CSGT trực thuộc Bộ Công an được hình thành. Đây là điều kiện thuận lợi để lực lượng CSGT tiếp tục tăng cường sức mạnh, thực hiện có hiệu quả công tác bảo đảm TTATGT trong tình hình mới.

Với vị thế và tầm vóc lớn hơn cũng đặt ra nhiệm vụ nặng nề và đòi hỏi trách nhiệm cao hơn đối với cán bộ, chiến sĩ CSGT trên mặt trận bảo đảm TTATGT.

Trọng trách đó đòi hỏi chúng tôi nỗ lực tiếp tục thực hiện có trách nhiệm và hiệu quả công tác bảo đảm TTATGT ngay từ tháng đầu, quý đầu của năm 2015, Cục vừa ổn định tổ chức, xây dựng chức năng nhiệm vụ, bố trí lực lượng, phân công công tác, vừa chỉ đạo các đơn vị, địa phương tăng cường công tác bảo đảm TTATGT Tết Nguyên đán và mùa lễ hội 2015, phục vụ bảo vệ tuyệt đối an toàn IPU-132 và tham gia bảo vệ Lễ kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Lực lượng CSGT trên toàn quốc đã tập trung thực hiện công tác tuần tra kiểm soát (TTKS), giải quyết những vấn đề chính là nguyên nhân gây mất TTATGT trên các tuyến giao thông như xử lý vi phạm nồng độ cồn, xử lý xe quá tải trọng, vi phạm vượt đèn đỏ, đi ngược chiều; kiểm tra xử lý các vi phạm quy định về trang thiết bị, dụng cụ an toàn của phương tiện và không mặc áo phao cứu sinh khi tham gia giao thông trên phương tiện vận tải khách ngang sông...

Bên cạnh đó, đã tập trung đẩy mạnh công tác phối hợp tuyên truyền, giáo dục phổ biến pháp luật về TTATGT; tăng cường công tác kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động TTKS, xử lý vi phạm TTATGT và thực hiện các mặt công tác nghiệp vụ khác góp nâng cao hiệu quả công tác đảm bảo TTATGT. Do vậy tình hình TTATGT cơ bản được duy trì ổn định, giao thông thông suốt an toàn.

Phóng viên: Ngày 3/4 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công an đã ban hành Chỉ thị số 02/CT-BCA về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông của lực lượng CAND trong tình hình mới. Là lực lượng nòng cốt trong công tác này, Cục CSGT xác định đâu là khâu mũi nhọn cần đột phá để thực hiện có hiệu quả Chỉ thị?

Thiếu tướng Trần Sơn Hà: Chúng ta phải nhìn nhận thực tế về tình hình TTATGT hiện nay còn diễn biến phức tạp, TNGT vẫn còn ở mức cao và nghiêm trọng. Công tác quản lý Nhà nước về TTATGT còn lỏng lẻo dẫn đến tiềm ẩn nhiều nguy cơ gia tăng TNGT.

Thực hiện Chỉ thị của Bộ trưởng, trước mắt chúng tôi sẽ chỉ đạo CSGT toàn quốc chủ động nắm, dự báo sát, đúng diễn biến tình hình trật tự an toàn giao thông; nâng cao chất lượng công tác điều tra cơ bản để tham mưu với cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể thực hiện có hiệu quả các chủ trương, giải pháp bảo đảm TTATGT của Đảng, Nhà nước, của Bộ Công an.

Đẩy mạnh và đa dạng hoá các hoạt động tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, nếp sống văn hoá khi tham gia giao thông.

Tăng cường các biện pháp công tác công tác TTKS, xử lý vi phạm, nhất là các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông.

Đưa vào sử dụng các thiết bị kỹ thuật trong công tác nghiệp vụ của CSGT, đặc biệt là hệ thống giám sát TTATGT trên các tuyến quốc lộ và khu vực đô thị để xử lý các hành vi vi phạm. Chủ động phát hiện, xử lý các yếu tố mất an toàn giao thông.

Nâng cao năng lực lãnh đạo chỉ huy, đổi mới tư duy, tác phong, nêu cao tinh thần trách nhiệm, văn hóa ứng xử, phòng ngừa sai phạm, tiêu cực của mỗi cán bộ, chiến sĩ CSGT khi thực thi nhiệm vụ.

Phấn đấu xây dựng hình ảnh người chiến sĩ Cảnh sát giao thông Việt Nam: “Thân thiện, trách nhiệm, nhân văn”.

Phóng viên: Việc ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác đảm bảo an toàn giao thông đang được triển khai như thế nào? Qua đó, giảm được công tác TTKS trên đường của Cảnh sát giao thông cũng như phát hiện được tiêu cực không, thưa đồng chí Cục trưởng?

Thiếu tướng Trần Sơn Hà: Việc triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ kết hợp ứng dụng khoa học công nghệ đã tạo chuyển biến rõ rệt trong đấu tranh làm giảm TNGT, hạn chế ùn tắc giao thông, bảo đảm TTATGT.

Hiện Cục và CSGT các tỉnh thành phố Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Quảng Ninh… đang triển khai thực hiện có hiệu quả các hệ thống cơ sở dữ liệu về quản lý phương tiện giao thông, TNGT, xử lý vi phạm và sử dụng nhiều thiết bị công nghệ cao trong phát hiện vi phạm và điều tra giải quyết TNGT như: máy đo tốc độ, cân tải trọng, camera giám sát, máy đo nồng độ cồn…

Hệ thống cơ sở dữ liệu và thiết bị này, giúp lực lượng CSGT phát hiện và xử lý vi phạm khách quan, chính xác; đảm bảo cải cách hành chính trong đăng ký xe; là cơ sở để lực lượng CSGT phân tích, đánh giá chính xác tình hình, kịp thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền những giải pháp bảo đảm TTATGT.

Đơn cử như sau hơn 15 tháng triển khai áp dụng hệ thống giám sát xử lý vi phạm bằng camera trên tuyến quốc lộ 1 đoạn Hà Nội - Vinh và TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ, lực lượng CSGT đã phát hiện trên 25 nghìn trường hợp vi phạm, trong đó xử lý vi phạm ngoài hiện trường hơn 17 nghìn trường hợp, tiến hành xử lý qua thông báo vi phạm gần 9 nghìn trường hợp, tổng số tiền phạt hơn 31 tỷ đồng, tước 3.596 giấy phép lái xe.

Việc áp dụng hệ thống giám sát camera đã góp phần nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật giao thông của người tham gia giao thông, tạo chuyển biến tình hình TTATGT trên tuyến. TNGT trên tuyến quốc lộ 1 xảy ra 581 vụ, làm chết 553 người, bị thương 423 người.

So sánh với thời gian liền kề trước đó, đã giảm cả 3 tiêu chí, đáng chú ý là không xảy ra tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng trên tuyến.

Như vậy, có thể thấy rằng việc triển khai lắp đặt hệ thống giám sát phục vụ việc phát hiện xử lý vi phạm TTATGT đã giúp kiểm soát được tình hình lưu lượng phương tiện tham gia giao thông tốt hơn, từng bước hiện đại hoá việc giám sát xử lý vi phạm, giảm bớt áp lực của lực lượng CSGT có mặt trên đường, đặc biệt đã tạo lập được ý thức tự giác chấp hành Luật Giao thông của người tham gia giao thông, nâng cao hiệu quả xử lý vi phạm, góp phần làm giảm TNGT cả ba mặt.

Đồng thời cũng góp phần chấn chỉnh lễ tiết, tác phong, thái độ làm việc và ứng xử của lực lượng CSGT trong quá trình thực thi công vụ.

Xin cảm ơn Thiếu tướng!

Quang Nhật – Phương Thủy (thực hiện)
.
.