Chủ động ngăn mầm tội ác…

Thứ Năm, 29/10/2020, 10:36
Những vụ vận chuyển vũ khí và công cụ hỗ trợ buôn bán tràn lan trên không gian mạng, chuyển phát nhanh, xe khách liên tỉnh và lén lút tuồn qua đường hàng không; những ổ nhóm tội phạm sử dụng súng để tranh giành địa bàn và gây án; những vụ chết người chỉ vì bắn nhầm khi săn thú rừng vẫn tiếp tục gây nên nỗi đau ở nơi rừng núi...

Việc sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự an toàn xã hội và an ninh quốc gia. Bởi vậy, một đợt tổng kiểm tra, cao điểm vận động toàn dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ đã được triển khai bằng Kế hoạch số 105/KH-BCA ngày 13-3-2020 của Bộ trưởng Bộ Công an.

Những con đường tiếp tay cho tội ác

Ở tỉnh Hoà Bình, cứ nhắc đến hậu quả của việc sử dụng súng săn, người ta lại liên tưởng đến câu chuyện đau lòng mà Hà Văn Th. ở xã Xăm Khoè, huyện Mai Châu gây ra. Đã hơn 10 năm trôi qua mà nỗi ám ảnh về cái ngày đen tối ấy vẫn bám riết trong tâm trí của Th. Đó là chuyến đi săn thú rừng đầu tiên của anh. Thấy mọi người trong xóm rủ nhau vào rừng đi theo vết chân lợn, anh cũng vác khẩu súng tự chế đã nhồi thuốc súng, đạn chì bám theo.

Công tác tuyên truyền, vận động người dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ đã thu được nhiều kết quả tốt

Nhóm đi săn chia nhau các ngả để tìm con mồi, trên tay ai cũng lăm lăm khẩu súng. Khi bóng tối dần đổ ập xuống cánh rừng, Th. thấy phía trước có tiếng động, lá cây rung lên như bị con thú nào đó vừa rượt qua, anh giương súng hướng về phía đó. Một tiếng nổ khô khốc vang lên, bóng đen phía trước mặt đổ ập xuống.

Th. hào hứng lao đến chỗ con thú bị thương, nhưng anh ta chợt sững người khi trước mặt mình không phải là con mồi mà là một con người, người đó cũng đi săn thú giống anh ta. Suốt 10 năm qua, Th. không chỉ phải chịu hình phạt nghiêm khắc của pháp luật, đền bù món nợ cho gia đình bị hại, mà còn phải sống trong nỗi ám ảnh, dằn vặt về hành vi sai lầm của mình.

Những vụ việc sử dụng súng tự chế đi săn rồi bắn nhầm người thi thoảng vẫn xảy ra ở khu vực rừng núi, trong những vùng sâu, vùng xa như thế. Đó là còn chưa kể đến những vụ việc sử dụng súng tự chế để giải quyết mâu thuẫn, gây ra những cái chết oan nghiệt ở vùng sơn cước. Bởi vậy, việc tuyên truyền, vận động để người dân từ bỏ thói quen dùng súng săn bắn thú rừng là vô cùng cấp thiết.

Người dân giao nộp súng tự chế cho Công an xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông

Ngoài súng tự chế chủ yếu sử dụng ở miền rừng núi thì còn nhiều loại vũ khí mà các đối tượng tội phạm tìm mua. Không quá khó để mua được các loại vũ khí, vật liệu nổ qua mạng xã hội. Tuy nhiên, để đối phó với các cơ quan chức năng, các đối tượng chỉ bán lẻ linh kiện. Người mua sẽ đặt mua từng loại và mang về lắp ráp lại. Trên không gian mạng có hẳn chợ bán vũ khí mà dân mạng gọi nôm na là "chợ thần chết". Công tác đấu tranh với các đối tượng buôn bán vũ khí này không hề đơn giản, nhưng đã có nhiều vụ việc bị phát hiện, bắt giữ.

Điển hình là vào ngày 17-6-2020, Công an quận Thanh Xuân phát hiện một đối tượng đi bộ vào trong ngõ 214 Nguyễn Xiển, trên người đeo 1 túi đựng cần câu màu xanh có biểu hiện nghi vấn nên đã yêu cầu kiểm tra hành chính. Qua kiểm tra phát hiện 1 khẩu súng săn tự chế và một hộp đựng 100 viên đạn chì. Đối tượng khai là Lò Văn Quý, sinh năm 1997, quê ở xã Phù Nham, thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái, hiện trú tại thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ, Hà Nội.

Cán bộ công an Vận động người dân xã Đắk Nhau giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ

Quý vào mạng Facebook tìm mua các bộ phận của súng rồi tìm cách lắp ráp thành khẩu súng trên. Trong khi Quý hẹn bạn đi bắn chim thì bị bắt quả tang. Sau đó cơ quan công an đã điều tra và xác định các đối tượng bán cho Quý các linh kiện để lắp súng là Trần Mạnh Linh (sinh năm 1996 ở phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội), Bùi Quang Thắng (sinh năm 1984 ở xã Nhã Nam, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang), Vũ Quang Quân (sinh năm 1985 ở phường Phúc Xá, quận Ba Đình, Hà Nội). Cơ quan công an kết luận khẩu súng thu từ Quý là súng săn, khi sử dụng súng và đạn chì trên bắn vào người sẽ gây chết hoặc bị thương.

Không chỉ buôn bán trên mạng, các loại vũ khí, linh kiện vũ khí, công cụ hỗ trợ còn được vận chuyển, phát tán qua dịch vụ bưu chính. Tại Hội nghị chuyên đề về công tác đảm bảo an toàn, an ninh bưu chính do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức vào tháng 7-2020, đại diện Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - Bộ Công an cho biết, trong thời gian qua đã phát hiện, xử lý 7.270 bưu phẩm, bưu kiện phát tán qua dịch vụ bưu chính chứa 8.022 loại vũ khí, linh kiện vũ khí, công cụ hỗ trợ; ngăn chặn, gỡ bỏ 102 đường dẫn tài khoản Facebook, 6.000 đường dẫn video YouTube, 41 trang thông tin điện tử có dấu hiệu vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

Để không còn những nỗi đau mang tên... súng đạn

Sơn La là một trong những tỉnh thu được nhiều vũ khí, vật liệu nổ nhất trong cả nước. Ngay sau một thời gian tập trung cao điểm, ngày 17-4-2020, Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an tỉnh Sơn La đã tổ chức tiêu huỷ hàng ngàn vũ khí thô sơ, súng tự chế, công cụ hỗ trợ. Từ năm 2018 đến ngày 17-4, Công an tỉnh Sơn La đã thu hồi, thu gom tổng số 8.945 vũ khí, công cụ hỗ trợ, trong đó có 5.686 khẩu súng, 1.443 viên đạn, 63 quả nổ nghiệp vụ…

Đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo trong công tác tuyên truyền, vận động. Từ 16-6 đến 26-6, Công an tỉnh Sơn La phối hợp với Ban An toàn giao thông tỉnh, Công an huyện Vân Hồ, Mai Sơn tổ chức 2 cuộc vận động toàn dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ tại 2 xã Tân Xuân, huyện Vân Hồ và xã Chiềng Sung, huyện Mai Sơn. Tại các hội nghị tuyên truyền cấp xã, bản đã tổ chức chương trình trao tặng mũ bảo hiểm cho người dân tự giác giao nộp các loại vũ khí, súng săn, súng tự chế. Chỉ trong 10 ngày đã vận động, thu gom được 65 khẩu súng tự chế.

Đại tá Vũ Minh Hùng, Trưởng phòng Hướng dẫn, Quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo, Cục Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an đánh giá, những kết quả từ khi thực hiện đợt cao điểm đến nay cho thấy, công tác vận động giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ phải phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, tạo sự đồng thuận và quyết tâm của cấp ủy đảng, ban ngành đoàn thể các cấp, tạo sự đồng thuận, hưởng ứng tích cực trong mọi tầng lớp nhân dân.

Đặc biệt, phải phát huy được sức mạnh quần chúng, phát huy vai trò, trách nhiệm, tính tiên phong, gương mẫu của các lực lượng nòng cốt như già làng, trưởng bản, người có uy tín… Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, kiên quyết, tích cực nhưng cũng phải thận trọng, mềm dẻo để thuyết phục, vận động nhằm thay đổi nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người dân, loại bỏ phong tục, tập quán còn lạc hậu.

Mới đây nhất, một vụ sử dụng súng tự chế vào ngày 9-10 đã gây hoang mang cho người dân ở phường Mỹ Thới, TP Long Xuyên. Đối tượng Trần Văn Hậu sinh năm 1995 trú ở khóm Tây An đã đến nhà anh Huỳnh Thanh Luận ở cùng địa phương để đòi tiền. Nhưng không thấy anh Luận nên Hậu đã lôi khẩu súng tự chế giấu trong người ra bắn chỉ thiên.

Sau đó Hậu đến nhà bạn gái (đã chia tay) bắn chỉ thiên 2 phát rồi quay về nhà. Do lo sợ Hậu có súng trong người sẽ gây hậu quả nghiêm trọng nên bạn gái cũ của Hậu đã báo công an. Ngày 11-10, Công an TP Long Xuyên, tỉnh An Giang bắt khẩn cấp đối tượng Trần Văn Hậu để điều tra hành vi gây rối trật tự công cộng.

Vụ việc trên cũng như hiện tượng rao bán vũ khí trên mạng xã hội với những thủ đoạn ngày càng tinh vi cho thấy, súng tự chế và thậm chí là vũ khí vẫn còn trong dân và sử dụng lén lút. Bởi thế, những cán bộ chiến sỹ được giao nhiệm vụ vận động giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và đấu tranh với tội phạm vẫn còn nhiều việc phải làm, với quyết tâm cao nhằm góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, đảm bảo trật tự an toàn xã hội.

Việt Hà - Minh Hiền
.
.