Chữ Tâm của người thầy thuốc CAND

Chủ Nhật, 05/04/2015, 13:55
Tại hội nghị tổng kết phong trào thi đua “Vì an ninh Tổ quốc” giai đoạn 2010-2015 của Bệnh viện (BV) 30-4 - Bộ Công an vừa qua, các cá nhân, tập thể có thành thành tích đều được vinh danh. Những câu chuyện ngoài lề, những tình huống bất ngờ mới là những điều được cả hội trường lắng nghe, chia sẻ trong sự xúc động và ngưỡng mộ.

Đại tá Dương Thị Kim Nhung, Trưởng phòng Chính trị của BV 30-4 đã kể lại câu chuyện cứu được người phụ nữ chết đuối. Lời chia sẻ mộc mạc của chị khiến tôi cũng giật mình vì lâu nay vào làm việc, gặp chị thường xuyên nhưng chưa khi nào thấy chị “hở” ra chuyện cứu người xúc động như vậy. Riêng hội trường lúc đó thì lắng nghe, khâm phục. Trong giây phút sinh tử của một người hoàn toàn xa lạ, chị dù không biết bơi nhưng đã ứng biến hoàn cảnh cứu được người chết đuối.

Đó là vào một buổi sáng tại một khu du lịch ở Nha Trang, chị đi nghỉ mát cùng cơ quan, và cho 5 người cháu trong gia đình đi cùng. Lúc đó khoảng 5h sáng. Chị tắm ở khu vực gần bờ vì còn trông chừng các cháu. Được một lúc bỗng nghe tụi nhỏ chỉ tay ra xa và la hét: Có cái bà kia sao cứ chổng mông lên trời? Có cái phao đẹp sao không dùng mà để trôi kìa! Ngụp hoài sao không thấy nổi... hay chết đuối rồi?!...

Linh cảm có chuyện chẳng lành với người phụ nữ đó, lập tức, chị gọi mọi người trong đoàn đang bơi ở xa để cứu chị ta nhưng mọi người ở quá xa với chị, tiếng kêu của chị tan biến trong tiếng sóng biển ào ào… khoảng cách giữa chị với người bị nạn khá xa mà chị lại không bơi được. Chị chợt nảy ra một cách, đó là hô lũ trẻ dang tay, nắm tay lại với nhau tới tận chỗ người bị nạn. Và hướng dẫn lũ trẻ nắm tóc người phụ nữ kéo vào bờ.

Tình trạng người bị nạn không thể đưa tới BV vì sẽ không kịp, chỉ có cách sơ cấp cứu tại chỗ. Để người phụ nữ nằm thẳng trên cát, chị xoay nghiêng đầu nạn nhân, lấy một miếng nilon trôi trên biển quấn vào ngón tay mình và thận trọng đưa ngón tay vào trong miệng chị ta moi cát, dị vật ra bên ngoài. Rồi chị dùng hai tay ấn mạnh tim liên tục. Cát, bọt và nhớt từ trong miệng bệnh nhân trào ra rất nhiều. Sau 15 phút xoa bóp tim thì người đó rên khẽ. “Thấy vậy, tôi mừng lắm vì biết chị ấy đã sống. Lúc này, người của đội cứu hộ tới và cùng tôi đưa người đó vào BV Đa khoa Khánh Hòa để điều trị tiếp”, chị kể.

Đại tá Kim Nhung chia sẻ: “Việc cứu được người phụ nữ với tôi là một chuyện hy hữu nhưng qua đó, tôi cũng rút ra bài học kinh nghiệm cho chính bản thân mình rằng, làm nghề y cần xác định rõ phải cứu người trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Phải có tâm, có mối đồng cảm giữa người với người. Như vậy mới tìm được cách để giúp người khi gặp nạn. Cả hội trường xúc động khi chị phân tích: “Cứu được một người phúc đẳng hà sa”. Là những bác sĩ, không lẽ nào ta thờ ơ vô cảm trước người bệnh. Bệnh nhân sẽ chết trong giây lát nếu chúng ta chậm trễ”.

Cho tới giờ, lũ trẻ tham gia cùng chị cứu được người phụ nữ đó vẫn tự hào: “Bác tớ là Công an, gan lắm! Thấy người chết mà dám thò tay vào miệng móc cát để cứu sống. Không có bác là bà đó chết và ông chồng thì mất vợ luôn rồi!”…

Trong 12 cá nhân và 12 tập thể điển hình của BV 30-4 được khen thưởng trong phong trào thi đua “Vì an ninh Tổ quốc” giai đoạn 2010-2015 đợt này còn rất nhiều câu chuyện được chia sẻ đã tái hiện thật sinh động về những tấm gương tiêu biểu cho y đức của người thầy thuốc CAND. Họ ở nhiều vị trí khác nhau, nhưng đều tận tâm, tận lực, hết lòng với bệnh nhân.

Đó còn là câu chuyện được coi như một “kỳ tích” của Đội văn nghệ BV trên đường đi công tác ra Hà Nội đã đỡ đẻ an toàn trên tàu cho một phụ nữ chuyển dạ sinh con; hay câu chuyện của chị Phan Thị Cẩm Loan (nhân viên Khoa Khám bệnh) và chị Lê Kim Thảo (nhân viên Phòng Tài chính - Kế toán) nhặt được ví tiền trả lại cho bệnh nhân; chuyện đồng chí Đỗ Đức Trịnh (cán bộ Khoa Truyền nhiễm) và đồng chí Trần Duy Mạnh (cán bộ Khoa Hồi sức cấp cứu) hiến máu hiếm cứu người v.v...

Những nghĩa cử cao đẹp của họ thật xứng đáng cho các CBCS BV học tập, noi theo, và làm đẹp thêm hình ảnh về người chiến sĩ CAND.

Huyền Nga
.
.