Thiếu tướng, AHLLVT Huỳnh Huề, nguyên cụm phó cụm điệp báo A10:

Chiến thắng kẻ địch, thu phục nhân tâm

Thứ Bảy, 03/05/2014, 16:16
Trực tiếp lãnh đạo một phần mạng lưới của cụm điệp báo A10 trong những ngày tháng Tư lịch sử (30/4/1975), cụm phó cụm điệp báo A10 Ba Hoàng (nay là AHLLVT, Thiếu tướng Huỳnh Huề) đã tổ chức chiếm giữ, bảo vệ hàng loạt các cơ quan được coi là vị trí trọng yếu trong hệ thống vận hành của chính quyền địch:  Trung tâm khai thác tài liệu hỗn hợp thuộc phòng 7, Nha kỹ thuật, Bộ Tổng tham mưu quân Ngụy, đóng tại sân bay Tân Sơn Nhất, Văn phòng Phủ Thủ Tướng, Bưu Điện thành phố, Trung tâm điện tín Chí Hòa...

Trận thắng mang tính chất góp phần quyết định cuối cùng giữa lòng kẻ thù ngày ấy được người AHLLVT của ngành an ninh gọi vui theo tên của một bộ phim về lực lượng an ninh miền Nam là "Điệp vụ từ trái tim". Tất nhiên, những điệp vụ, nhiệm vụ được hoàn thành bằng trái tim của người lính như thế không chỉ dừng ở quãng đời thanh xuân ấy mà còn tiếp nối liên tục trong suốt mấy mươi năm gắn bó với công tác an ninh, đặc biệt là những ngày miền Nam mới giải phóng.

Nhớ lại ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Thiếu tướng Huỳnh Huề chia sẻ rằng, sau khi chiếm giữ các mục tiêu theo kế hoạch (chuyện đã kể trong bài báo "Trận đánh cuối cùng của điệp báo A10 qua hồi ức Thiếu tướng Huỳnh Huề" trên báo CAND), cụm phó Ba Hoàng (Huỳnh Huề) tiếp tục tổ chức thu gom vũ khí địch vứt lại khi bỏ chạy để đưa về trụ sở đại sứ quán Malaixia trên đường Trương Minh Giản (nay là Nguyễn Văn Sỹ). Quá nửa đêm, ngủ thiếp đi trong niềm vui chiến thắng,  Ba Hoàng không hề hay biết, chiếc xe zeep đưa mấy người lính được anh cử đi giám sát các bị bên quân quản giữ lại. Nghi ngờ về tấm giấy giới thiệu đánh máy chỉ có chữ ký Ba Hoàng mà không hề có con dấu kèm theo, tất cả bị đưa về điều tra...

Thực ra, trong những ngày này, các hoạt động của cụm điệp báo đều là tùy cơ ứng biến vì không thể liên lạc với cấp trên. Lường trước việc "tấm giấy thông hành" do mình cấp chưa đủ độ tin cậy, cụm phó Ba Hoàng còn dặn thêm, nếu bị giữ lại hỏi thì cứ nói là lính trực thuộc cụm phó Ba Hoàng, trên Ba Hoàng là Nguyễn Minh Trí (Mười Thắng), trên Mười Thắng là Mười Hương... Anh tin tưởng, nhắc như thế, đồng đội sẽ dễ "truy" ra "gốc gác" của các anh hơn.

Tuy nhiên, điều bất ngờ mà bản thân cụm phó Ba Hoàng không nghĩ đến là thời điểm này là chính cấp trên cũng đang cho người đi tìm kiếm anh. Trong cái rủi lại có cái may, nhờ "rắc rối" kể trên mà cấp trên biết đích xác địa điểm cụm phó Ba Hoàng đang tạm ngủ qua đêm.

Mới sáng sớm ngày 1/5, anh được "triệu hồi" về nhận nhiệm vụ bảo vệ lễ mít tinh trước Dinh Độc Lập (nay là Hội trường Thống Nhất, quận 1).

Hòa bình lập lại, cụm phó A10 Ba Hoàng thành đội trưởng đội Ba Hoàng, trực thuộc Phòng Bảo vệ chính trị, Công an TP HCM, một thời gian sau là phó phòng, Trưởng phòng Bảo vệ chính trị.

Thành phố mới giải phóng, công việc ngổn ngang trăm bề, các phần tử phản động vẫn tiếp tục lẩn khuất trong dân chống phá cách mạng. "Điệp vụ từ trái tim" đã tạm khép lại sau ngày giải phóng nhưng những "nghiệp vụ từ trái tim" lại vẫn rất cần những lúc này.

Đội trưởng Ba Hoàng còn nhớ rất rõ, ngày trở về căn nhà trọ phía sau bếp của vợ chồng một sĩ quan cấp úy trong quân đội cộng hòa tại cư xá Hỗn hợp (đường Tô Hiến Thành, quận 10 -PV), vợ chồng chủ nhà tái mặt. Người vợ bảo không ngờ lâu nay Việt Cộng lại ở ngay trong nhà mình. Tất nhiên, cặp vợ chồng ấy không phải là trường hợp cá biệt. Có những cặp vợ chồng là gia đình sĩ quan cấp tá, từng cho sinh viên thuê nhà trọ, trong đó có Ba Hoàng. Có gia đình, anh lại là gương mặt... quen bởi có thời từng là gia sư cho chính con của họ. Ngày gặp lại, người đi làm thuê, kẻ ở trọ ngày nào lại ở vị trí người chiến thắng. Thời điểm tập trung cải tạo, anh gặp không ít ánh mắt tức giận, cả sự nài nỉ, băn khoăn, lo lắng. Bản lĩnh được tôi rèn và sự thấu hiểu trong những ngày hoạt động giữa lòng địch giúp Ba Hoàng xử lý ổn thỏa các tình huống hơn.

Nhớ lại quãng thời gian công tác ấy, Thiếu tướng Huỳnh Huề kể rằng, từng trong lòng địch nên anh biết, trừ những kẻ chống đối cách mạng một cách cực đoan, nhiều người làm việc cho địch vì kế sinh nhai, vì bị bắt buộc đi lính. Với đối tượng thứ hai, anh khuyên họ bình tĩnh, thực hiện đúng chính sách của chính quyền sẽ ổn. Thế nên, dù sau này, người mắc sai lầm phải thụ án, anh vẫn dõi theo, quan tâm, thăm hỏi. Mức án giảm dần theo từng đợt ân xá và mức độ cải tạo tốt hơn lên.

Đến nay, anh tự hào rằng mình đã không nhìn nhầm. Con người ấy đã trở về hòa nhập vào đời sống cộng đồng, hơn thế, còn có những đóng góp rất tích cực, có sức ảnh hưởng không nhỏ trong chính cộng đồng của họ. Con người ấy, tất nhiên không phải là trường hợp cá biệt duy nhất mà người AHLLVT, Thiếu tướng Huỳnh Huề phải xử lý trong suốt mấy chục năm công tác trong ngành an ninh, tiếp tục trải qua nhiều cương vị: Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ chính trị, Cục trưởng Cục An ninh Tây Bắc - Tổng cục An ninh, Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk...

Nhưng, dù là hoạt động trong lòng địch hay khi đất nước đã giải phóng, ở bất kỳ cương vị nào, công tác tại bất kỳ vùng miền nào, anh cũng đều nhất quán quan điểm: làm công tác an ninh không phải cứ xử lý bắt giữ được nhiều người là tốt mà làm sao cho những người chống đối hiểu được chính sách của Đảng, Nhà nước, dùng nhân tâm để thu phục được nhân tâm, đoàn kết các dân tộc mới là mục đích hướng tới...

Ngọc Nguyễn
.
.