Chiến công thầm lặng từ những trang hồ sơ

Thứ Ba, 23/04/2019, 08:22
Có những câu chuyện với nhiều người chỉ thoảng qua, nhưng với những gia đình có người thân hy sinh trong thời kỳ tiền khởi nghĩa thì khi được sự hỗ trợ của Cục Hồ sơ nghiệp vụ tìm người thân, dù chỉ là tìm được di ảnh, biết được thân nhân của mình bị địch bắt giam ở đâu, hy sinh năm nào đã là vô cùng quý báu, là niềm hạnh phúc vô bờ. 


Bài 2: Gian nan hành trình tìm di ảnh liệt sĩ

Mở đầu bài viết này, chúng tôi xin được nói về lá thư xúc động dài tới 4 trang của anh Trần Duy Rô Nin (Nghệ An) gửi tới Cục Hồ sơ nghiệp vụ Bộ Công an. Lá thư chứa chan tấm chân tình, cảm ơn những việc làm thầm lặng của những chiến sỹ Công an làm công tác hồ sơ nghiệp vụ.

Di ảnh quý giá

Anh Rô Nin có cố nội là Trần Văn Phà (tên thường gọi là Trần Duy Phà, SN 1930), hy sinh trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp nhưng đến nay gia đình vẫn chưa tìm được hài cốt. Day dứt khi chưa tìm được phần mộ người thân, trong khi thông tin về cụ vô cùng ít ỏi khiến hành trình đi tìm hài cốt cố nội của anh Nin kéo dài nhiều năm nhưng vẫn vô vọng. 

Đại tá Nguyễn Thị Thanh Nhàn hướng dẫn Đại úy Đào Thị Thu Trang tra cứu tài liệu bằng tiếng Pháp.

Anh đã từng dành nhiều thời gian lặn lội đến Bảo tàng Kon Tum, ngục Kon Tum, Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh để tìm thông tin về cụ Phà, rồi tìm đọc các cuốn sách về ngục Kon Tum nhưng chỉ có một số tư liệu về cố nội anh.

Trong quá trình tìm kiếm, như một cơ duyên, anh Rô Nin được giới thiệu đến Cục Hồ sơ nghiệp vụ để gửi đơn với hy vọng tìm ra chút ít manh mối. Bẵng đi một thời gian, anh bất ngờ nhận được điện thoại của một cán bộ Cục Hồ sơ nghiệp vụ thông tin về quá trình tìm cố nội của anh. Rồi không lâu sau, anh vỡ òa trong niềm vui khi nhận được văn bản của Cục Hồ sơ nghiệp vụ gửi về. 

Theo chia sẻ của anh Nin thì khi gia đình anh đọc được tài liệu trong hồ sơ về cụ Phà, đặc biệt là di ảnh quý giá của cụ, ai cũng xúc động nghẹn ngào. Cụ cố anh mất nhưng không có ảnh để thờ tự, anh chỉ biết cố mình qua tư liệu nên khi nhận được di ảnh của cụ mà Cục Hồ sơ nghiệp vụ gửi về, với gia đình đó là điều vô giá. Mấy chục năm trôi qua, bức ảnh của cụ Phà vẫn còn nét. 

“Những tài liệu này, tôi và gia đình sẽ nâng niu, lưu giữ, bảo quản, lưu truyền. Di ảnh của cố, gia đình tôi trang trọng đặt lên bàn thờ để hương khói” – anh Nin chia sẻ. Lá thư dài 4 trang là những tâm sự, niềm vui của anh Nin khi tìm được di ảnh của cố nội, là lời cảm ơn chân thành về thái độ phục vụ nhân dân tận tình, chu đáo, trách nhiệm của những cán bộ, chiến sỹ (CBCS) của Cục Hồ sơ nghiệp vụ.

Kể lại quá trình tìm hồ sơ và di ảnh của cụ Phà, Đại úy Đào Thị Thu Trang, cán bộ Phòng Quản lý khai thác hồ sơ lữu trữ (Phòng 5) cho biết, trong đơn của anh Nin gửi đến xin trích lục hồ sơ liệt sĩ Trần Duy Phà không có ảnh, thông tin rất ít nên việc tra cứu khá gian nan. Chị phải gửi thông tin đến Trung tâm tiếp nhận xử lý thông tin nghiệp vụ, sau đó mới có thông tin về người cần tìm trong hệ thống phòng lưu trữ. Hồ sơ về cụ Phà bằng tiếng Pháp, sau khi dịch và biên tập sang tiếng Việt, chị rửa ảnh của cụ rồi gửi về cho gia đình anh Nin.

Đây chỉ là một trong hàng chục câu chuyện cảm động mà cán bộ của Phòng 5, Cục Hồ sơ nghiệp vụ bằng những việc làm thầm lặng, thấm đẫm tính nhân văn đã giúp thân nhân các liệt sĩ tìm được di ảnh, tìm được thông tin quý báu.

Thầm lặng tìm chủ nhân của các dữ liệu

Hỗ trợ thông tin giúp thân nhân liệt sĩ tìm mộ người thân không chỉ là trách nhiệm mà trên hết còn là sự tri ân với những người có công với cách mạng. Khi người dân có bất kỳ yêu cầu giúp đỡ nào để tìm hài cốt liệt sĩ, tìm di ảnh hay thông tin về liệt sĩ, dù phải làm thêm giờ, dù vất vả tra cứu, tìm kiếm trong môi trường bụi bặm, ẩm mốc, độc hại nhưng CBCS của Cục Hồ sơ nghiệp vụ đều không nề hà. 

Theo Đại tá Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Trưởng Phòng 5, khó khăn trong công việc là những trường hợp đề nghị đơn vị tìm kiếm tư liệu chủ yếu là làm chế độ tiền khởi nghĩa cho thân nhân, tìm hồ sơ để làm minh chứng lịch sử của gia đình. Những hồ sơ này đều bằng tiếng Pháp, do vậy khi tra cứu tìm được, cán bộ của đơn vị phải dịch hồ sơ đó sang tiếng Việt.

Tốt nghiệp chuyên ngành tiếng Pháp Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội, năm 2008, Đại úy Đào Thị Thu Trang về nhận công tác tại Cục Hồ sơ nghiệp vụ an ninh, nay là Cục Hồ sơ nghiệp vụ. Theo chia sẻ của chị thì tiếng Pháp học trong trường là tiếng Pháp hiện đại, còn trong hồ sơ lưu trữ lại là tiếng Pháp cổ. 

Do vậy, chị phải vừa dịch vừa học kinh nghiệm của các chú, các anh đi trước. Có những đơn tìm hồ sơ liệt sĩ gửi tới Cục chỉ có tên, năm sinh, quê quán của liệt sĩ, nhưng qua tra cứu hồ sơ mà Pháp để lại, dịch sang tiếng Việt lại cho rất nhiều thông tin quý báu về quá trình hoạt động cách mạng của người cần tìm. Ví dụ: Là Đảng viên Đảng Cộng sản, thời gian bị kết án, số bản án, bị địch giam ở đâu, ngày được tha. Có người qua tra cứu biết hy sinh ở trong tù. 

Hay có cụ đã giam nhưng đấu tranh lại bị kết án, có người thì bị tù chung thân… Qua tra cứu, các gia đình đã biết được rất nhiều thông tin quý báu, thân nhân của các liệt sĩ vô cùng cảm kích, giúp họ thuận lợi hơn trong việc tìm kiếm mộ. 

Đại úy Trang kể lại, có thân nhân một gia đình liệt sĩ tới Cục cảm động đã khóc khi nhìn thấy trọn vẹn một bộ hồ sơ người thân của mình hy sinh cách đây nhiều năm, trong hồ sơ có cả ảnh. Tuy nhiên, không phải hồ sơ nào cũng có sẵn ảnh, mà có khi ảnh nằm trong hệ thống tủ ảnh riêng, cán bộ phải mất rất nhiều thời gian sàng lọc, tra tìm, nhận diện.

Đại tá Nguyễn Thị Thanh Nhàn tâm sự, công việc tra cứu đòi hỏi phải tỉ mỉ, bởi có trường hợp tra cứu tìm hồ sơ liệt sĩ không có thông tin hoặc thông tin ít, cán bộ phải tra cứu thông tin về người cùng hoạt động cách mạng hoặc cùng bị bắt với người cần tìm. Với người không có hồ sơ riêng, cán bộ tra cứu phải đi tìm hồ sơ khác trong một bản án chung các chiến sĩ cùng hoạt động.

Dựa vào bản án của những người bị kết án, có những trường hợp đã may mắn tìm được bản án chung. Bởi vậy, ngoài sự cần mẫn, trách nhiệm với những người có công với cách mạng, những cán bộ hồ sơ còn luôn chia sẻ với nỗi niềm của các thân nhân gia đình liệt sỹ, đồng hành cùng họ trong việc tìm kiếm thông tin và các tài liệu quý giá.

Ngoài tra cứu hồ sơ liệt sĩ tiền khởi nghĩa, thời gian qua, đơn vị còn cung cấp cho các Bảo tàng rất nhiều thông tin quý báu về các cá nhân là tù chính trị. Ngoài ra, Phòng 5 còn phục vụ điều tra trinh sát, tiếp nhận hồ sơ các đơn vị nộp lưu, tiếp nhận yêu cầu tra cứu đối tượng thi hành án, ra tù, cung cấp thông tin khai thác phục vụ đấu tranh, phòng, chống tội phạm và các yêu cầu chính đáng trong và ngoài ngành Công an, và của công dân. Công việc áp lực là vậy, nhưng các CBCS Phòng 5 vẫn hằng ngày âm thầm, lặng lẽ, tận tụy với công việc, đem niềm vui và hạnh phúc đến cho nhân dân.

Trần Hằng – Anh Hiếu
.
.